Quan sát là quá trình tri giác có chủ định về một đối tượng nào đó để thu thập thông tin về họ. Đây là một quá trình tâm lý thuộc giai đoạn nhận thức cảm tính nhưng đã được quá trình nhận thức lý tính, đặc biệt là tư duy chi phối.
Phương pháp quan sát khoa học là một hoạt động được tổ chức đặc biệt, có mục đích, có kế hoạch, có phương tiện để tri giác các đối tượng được lựa chọn điển hình nhằm phát hiện các dấu hiệu đặc trưng và các quy luật phát triển của đối tượng.
Trong nghiên cứu trẻ em, người nghiên cứu quan sát, theo dõi một cách có mục đích hành vi, trang thái của trẻ trong điều kiện tự nhiên và ghi lại một cách nghiêm túc những gì quan sát được, hoặc sử dụng những phương tiện kĩ thuật hỗ trợ.
Kết quả quan sát phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Kết quả quan sát phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu. Mục đích càng xác định rõ ràng bao nhiêu thì thông tin thu thập được càng đầy đủ và chính xác bấy nhiêu. Nếu như trước khi quan sát, người nghiên cứu không xác định được mục đích quan sát, những gì mình đang quan tâm theo dõi ở trẻ em thì những cứ liệu thu thập được sẽ mơ hồ, không xác định, cái chính cần nghiên cứu thì lại bỏ qua, cái thứ yếu lại mất công thu thập khiến cho quan sát không mang lại hiệu quả.
- Kết quả quan sát còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người nghiên cứu và trẻ em. Người nghiên cứu phải để trẻ không biết là có người đang quan sát mình, nếu không trẻ sẽ
mất tự nhiên, không thoải mái khiến cho bức tranh hành vi của trẻ bị biến dạng, không phản ánh trung thực những gì vốn có của trẻ. Bởi vậy, tốt nhất quan sát phải do người thân thuộc, gắn bó với trẻ tiến hành vì sự có mặt của họ đối với trẻ là hoàn toàn bình thường.
- Kết quả quan sát có thật chính xác hay không một phần còn nhờ vào phương tiện quan sát. Trong nghiên cứu trẻ em, ngoài các giác quan, đôi khi người ta còn áp dụng phương pháp quan sát kín, nghĩa là chỉ có người quan sát nhìn thấy trẻ còn trẻ tuyệt đối không nhìn thấy người quan sát. Ngoài ra, để việc quan sát đạt kết quả tốt, người nghiên cứu còn sử dụng một số phương tiện kĩ thuật hỗ trợ thêm như máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình… Những phương tiện đó một mặt giúp người quan sát ghi lại những biểu hiện của trẻ một cách đầy đủ, chính xác và lưu giữ được lâu, mặt khác những phương tiện này cũng giúp cho người nghiên cứu thực hiện phương pháp quan sát kín một cách thuận lợi.
- Kết quả quan sát trong nghiên cứu trẻ em còn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt sự kiện của người nghiên cứu. Khi quan sát, người nghiên cứu chỉ có thể theo dõi được những biểu hiện bên ngoài của hành vi đứa trẻ như những hành động với đồ vật, lời nói, điệu bộ, cử chỉ... Những người nghiên cứu không phải chỉ quan tâm đến các quá trình, các trạng thái, các phẩm chất ẩn dấu đằng sau những biểu hiện bên ngoài đó, bởi nhiều khi cùng một biểu hiện bên ngoài lại có thể biểu đạt những trạng thái bên trong khác nhau. Vì vậy, khi tiến hành quan sát, người nghiên cứu chẳng những phải nhận xét đúng đắn các đặc điểm hành vi của trẻ mà còn phải lý giải chính xác những điều mắt thấy tai nghe. Do đó, người nghiên cứu cần có vốn kinh nghiệm dồi dào, vừa phải huy động khả năng tri giác nhạy bén đồng thời vừa có khả năng tư duy sâu sắc.
Để quá trình nghiên cứu có tính hướng đích cao, nhà nghiên cứu cần lập phiếu quan sát trong quá trình quan sát trẻ. Khi quan sát, nhà nghiên cứu một mặt cần mô tả những biểu hiện bên ngoài của đứa trẻ thật chi tiết, rõ ràng, chính xác vào một phía trong phiếu quan sát, mặt khác ghi lại cách lý giải của mình về những biểu hiện đó vào phía bên kia của phiếu quan sát.