Tiến trình tổ chức nghiên cứu trẻ em bằng thực nghiệm

Một phần của tài liệu Tập bài giảng phương pháp nghiên cứu trẻ em (Trang 46)

- Xác định mục đích thực nghiệm thật rõ ràng. Mục đích thực nghiệm có thể là hình thành hay phát triển một phẩm chất hay một thuộc tính về thể chất hay về tâm lý của trẻ,

cũng có thể là khẳng định tính đúng đắn của một chương trình mới hay một phương pháp mới nào đó trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em.

- Hình thành giả thuyết khoa học, tức là nêu lên một sự phán đoán về diễn biến ở mức độ tốt hơn của đối tượng thực nghiệm, trên cơ sở những tài liệu thu thập được trước đó về vấn đề cần nghiên cứu.

- Xác định hệ thống khái niệm công cụ thể hiện rõ bản chất và các tiêu chí biểu đạt các mặt của đối tượng thực nghiệm. Do tác động có chủ định của người nghiên cứu, trong quá trình thực nghiệm, các thông số sẽ được thay đổi sang một trình độ mới nên thông số còn được gọi là biến số. Sự thay đổi thông số đến một trình độ nào đó sẽ nói lên kết quả của thực nghiệm đạt được đến đâu.

- Tổ chức thực nghiệm kiểm định để thăm dò thực trạng, tức là để xác định vấn đề cần nghiên cứu ở trẻ em đã đạt tới trình độ nào.

- Xây dựng hệ thống tác động đến trẻ em dưới dạng một hệ thống những việc làm hay một hệ thống những bài tập cho trẻ em theo hướng của mục đích thực nghiệm đặt ra.

Để kiểm tra giả thuyết một cách chắc chắn, đối tượng thực nghiệm được chia thành hai nhóm: nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Hai nhóm này được lựa chọn ngẫu nhiên, có số lượng và trình độ phát triển ngang nhau. Điều đó được kiểm tra chất lượng ban đầu trước khi tiến hành thực nghiệm hình thành. Nhóm thực nghiệm được tác động bởi các biến cố độc lập (nhân tố thực nghiệm) để xem xét sự diễn biến của chúng có đúng như giả thuyết ban đầu đặt ra hay không. Còn nhóm đối chứng diễn biến hoàn toàn tự nhiên.

- Tiến hành thực nghiệm hình thành nhằm tạo ra ở trẻ một trình độ phát triển mới trong điều kiện mới do người thực nghiệm tạo ra, cũng có nghĩa là tổ chức cho trẻ thực hiện trên hệ thống việc làm hay hệ thống bài tập thực hành nhằm làm thay đổi thông số từ trình độ thấp đến trình độ cao dần.

- Tiến hành thực nghiệm kiểm tra để biết xem thực nghiệm đạt kết quả tới đâu. - Thu thập và xử lí số liệu bằng toán thống kê.

Số liệu cần được thống kê theo các khía cạnh sau:

+ Kết quả của nhóm thực nghiệm trước và sau thực nghiệm. + Kết quả của nhóm đối chứng trước và sau thực nghiệm

+ So sánh kết quả của nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng trước và sau thực nghiệm

Phân tích kết quả về hai mặt, định tính và định lượng:

+ Phân tích kết quả thực nghiệm về mặt định tính chủ yếu bằng tài liệu trực tiếp quan sát được trong quá trình thực nghiệm để thấy các diễn biến và đặc điểm bên trong sự vận động của đối tượng nghiên cứu.

+ Phân tích kết quả thực nghiệm về mặt định lượng bằng những số liệu thu thập được qua phương pháp thống kê toán học để thấy được xu thế phát triển và mức độ đạt được của đối tượng nghiên cứu.

- Rút ra những nhận xét về đặc điểm và quy luật vận động của đối tượng, đó chính là những kết luận khoa học của thực nghiệm. So sánh tính ưu việt của nó với mô hình hiện tại, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Một phần của tài liệu Tập bài giảng phương pháp nghiên cứu trẻ em (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)