Là phương pháp nghiên cứu bằng cách dự đoán những thuộc tính và quy luật phát triển của đối tượng, để chỉ đường cho việc chứng minh những điều dự đoán đó là đúng, trên cơ sở đó mà tìm kiếm, khám phá bản chất của đối tượng. Trong nghiên cứu khoa học phương pháp này thực hiện hai chức năng: chức năng dự báo và chức năng định hướng.
Phương pháp giả thuyết là khâu đầu tiên của quá trình nhận thức về đối tượng nào đó khi những thông tin về đối tượng này còn thiếu hụt và chưa rõ ràng buộc nhà nghiên cứu phải huy động các quá trình nhận thức, đặc biệt là tư duy logic và sự tưởng tượng sáng tạo để hình dung ra những điều cần biết về đối tượng. Những điều cần biết ấy vẫn chỉ là một giả định do đó giả thuyết chưa phải là chân lý, hay nói đúng hơn, giả thuyết là chân lý nhưng còn mang tính xác suất, cần phải được chứng minh.
Giả thuyết có thể rơi vào những trường hợp sau đây:
- Giả thuyết là chân lí khi nó được chứng minh một cách hợp lí, được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó có thể là những học thuyết khoa học lớn, có giá trị trong lịch sử, góp phần chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội. Đó cũng có thể là những dự đoán của các đề tài nghiên cứu nhỏ nhưng được chứng minh là đúng cả trong lý luận và thực tiễn.
- Giả thuyết không phải là chân lí, nó bị thực tiễn loại bỏ, nên cũng bị loại bỏ trong cả lí luận. Đó là những học thuyết phản khoa học đã gây nhiều tác hại cho hoạt động thực tiễn của loài người. Đó cũng là những dự đoán sai lầm mà người nghiên cứu các đề tài khoa học không thể chứng minh được.
- Giả thuyết lúc đầu chưa được coi là một chân lí, thậm chí còn bị coi là phản khoa học. Quá trình chứng minh giả thuyết bị kéo dài, nhưng những luận điểm đúng sẽ trở thành chân lí, giả thuyết sẽ trở thành chân lí nếu được chứng minh rõ ràng, hợp lí và được
thực tiễn chấp nhận. Do đó, khi đưa ra giả thuyết của mình, người nghiên cứu một mặt cần thận trọng, mặt khác cần kiên trì chứng minh ý tưởng của mình, cho dù con đường đi đến chân lý khúc khuỷu, quanh co, nhiều chông gai, trở ngại, đòi hỏi phải có nhiều nghị lực để vượt qua.
- Giả thuyết khi mới ra đời được nhiều người chấp nhận như một chân lí tuyệt đối, nhưng sau một thời gian, giả thuyết đó dần dần bộc lộ những sai lầm, không thể chấp nhận được cả về lí luận lẫn thực tiễn. Đây là thái độ ngộ nhận, thái độ này không thể có được ở một người nghiên cứu khoa học nghiệm túc.
Trong nghiên cứu trẻ em, phương pháp này không những cần thiết cho việc nghiên cứu lí luận mà còn rất cần thiết cho thực tiễn chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt cần thiết cho việc dự báo sự phát triển của trẻ em ở thế kỉ XXI, định hướng cho việc tìm kiếm những phương pháp mới có hiệu quả hơn trong việc nuôi dạy trẻ em.