CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT MỘT SỐ PHƯƠNG TIỆN, BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG PHÓNG SỰ TRÊN BÁO CÔNG
3.5 Giàu hình ảnh cụ thể
Phóng sự có nhiều điểm tương đồng với tác phẩm văn học về nội dung lẫn hình thức. Trong văn học luôn đòi hỏi tính hình ảnh, đặc biệt là tính biểu cảm cao, trong phóng sự cũng vậy, hai tính chất này không thể thiếu trong bất cứ một tác phẩm phóng sự nào. Để tăng tính hình ảnh, tính biểu cảm trong phóng sự, nhiều tác giả đã vận nhiều biện pháp nghệ thuật như: từ láy, nói giảm, so sánh tu từ, nổi bật nhất là thành ngữ.
Từ láy là một trong những phương tiện tu từ góp phần giúp phóng sự giàu tính hình ảnh và biểu cảm hơn.
(1) Từ ngày vợ chết, Nhè chán nản, suốt ngày bầu bạn với chai rượu, không đoái hoài tới ruộng nương, bỏ mặc 4 đứa con nheo nhóc, rách rưới.
(Công an, 19/8/2012)
(2) Bấm ĐTDĐ thấy 4 giờ (ngày 12-9-2012) tôi vội vàng ngồi dậy, rón rén ra đi.
(Công an, 6/9/2012)
(3) Thôn Ná Nùng sau gần năm năm xơ xác đã phủ tràn sức sống trở lại, ngọn núi Suối Thầu với hang dê sâu chót vót đã trở nên yên bình.
(Công an, 28/11/2012)
Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy phương tiện tu từ từ láy giúp tác giả rất nhiều trong việc miêu tả hình ảnh và thể hiện thái độ của mình trước những hiện tượng trong xã hội. Trong ví dụ (1) từ láy “nheo nhóc, rách rưới” gợi lên cho người đọc hình ảnh đói khổ của những đứa trẻ thơ không ai chăm sóc. “Vội vàng, rón rén” trong ví dụ (2)
vừa diễn tả hành động của nhân vật, mặc dù rất vội nhưng lại có những động tác nhẹ nhàng, cố kìm nén mình để không gây ra tiếng động. Ở ví dụ (3) từ láy “xơ xác, chót vót” đã gợi lên cho người đọc thấy hình ảnh thôn Nà Nùng trong năm năm vừa qua, tan nát, tả tơi bởi hung thủ tên Gát.
Thành ngữ là phương tiện tu từ giúp phóng sự giàu hình ảnh và giàu tính biểu cảm nhất, thành ngữ vừa gợi lên cho người đọc hình ảnh nghĩa đen và hình ảnh nghĩa bóng. Nghĩa đen của thành ngữ mang tính cụ thể, sinh động, giàu hình ảnh và nghĩa bóng có tính trừu tượng khái quát, mang đậm sắc thái biểu cảm.
(4) Tưởng chừng “con đò” lênh đênh hôm nào giờ đã tìm được bến đậu, nào ngờ điệp khúc cũ tái diễn khi người chồng mới tiếp tục dứt áo ra đi, để lại cho bà mẹ trẻ cùng ba đứa con thơ trong cảnh cù bất cù bơ.
(Công an, 14/7/2012)
(5) Xuất thân vùng quê nghèo ở xã Vĩnh Trị, Thương không được đến trường như các bạn cùng trang lứa, ngày hai buổi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
(Công an, 2/10/2012)
(6) Khoảng hai năm trở lại đây, khi ông Nguyễn Quốc Định lên giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng, công ty lên nhưdiều gặp gió.
(Công an, 15/9/2012)
Thành ngữ “cù bất cù bơ; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; lên như diều gặp gió” là những thành ngữ sử dụng hình ảnh quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người. Độc giả có thể cảm nhận được điều mà tác giả muốn gửi gắm qua các thành ngữ trên, đồng thời họ có thể thỏa sức liên tưởng những hình ảnh trong thành ngữ đó. Thành ngữ trong ví dụ (4) gợi lên hình ảnh một bà mẹ trẻ cùng ba đứa con thơ sống một cuộc sống lang thang, bơ vơ, vất vưởng, không nơi nương tựa. Trong ví dụ
(5) gợi hình ảnh lao động vất vả, nhọc nhằn của những người làm nông, mặt luôn luôn cuối xuống đất và lưng phải phơi dưới ánh nắng mặt trời. Thành ngữ “lên như diều gặp gió” trong ví dụ (6) là thành ngữ được tác giả sáng tạo nên dựa trên thành ngữ “lên như diều” ý nói sự tiến nhanh trong công việc, phát triển nhanh chóng và thuận lợi.