CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT MỘT SỐ PHƯƠNG TIỆN, BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG PHÓNG SỰ TRÊN BÁO CÔNG
3.2 Tăng tính thuyết phục
Phóng sự trên báo Công an ngày càng được nhiều độc giả yêu thích vì nội dung phóng sự phản ánh những thông tin nóng bỏng, đáp ứng được nhu cầu người đọc cần gì và biết gì. Bên cạnh việc chọn lựa nội dung phản ánh, người đọc rất hài lòng trong cách viết của tác giả. Độc giả đã bị thuyết phục bởi những biện pháp nghệ thuật mà người viết phóng sự đã sử dụng.
Thành ngữ được sử dụng tương đối nhiều trong phóng sự, so với cánh nói thông thường thì sử dụng thành ngữ sẽ tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc và tăng tính thuyết phục cao hơn.
(1) Nhưng chỉ chấp hành án tù được vài năm, Phong đã chết do sự dày vò lương tâm của bản thân khi chỉ vì một động cơ đê hèn, gã đã nỡ đẩy người mình yêu vào cảnh “nhà tan cửa nát”, trở thành mồ côi, không nơi nương tựa, phải sống nhờ vào một người dì già yếu, nghèo khó.
(Công an, 15/5/2012)
(2) Sau năm ngày kiên nhẫn mật phục nhưng không thấy bóng dáng nhân vật chạy chiếc Dylan của anh Cường xuất hiện khi kinh phí công tác đã cạn dần, khiến trung tá Ngãi sốt ruột như ngồi trên đống lửa.
(Công an, 31/7/2012)
Các thành ngữ trên là thành ngữ được tác giả sáng tạo lại bằng cách hoán đổi vị trí từ (1) và thêm từ (2). Sử dụng thành ngữ trong câu sẽ thuyết phục người đọc hơn so với cách nói bình thường, bên cạnh đó tác giả đã thu hút được người đọc qua cách sáng tạo thêm thành ngữ mới dựa vào thành ngữ nguyên, về mặt hình thức có sự khác biệt nhưng nội dung, ý nghĩa giống nhau, không thay đổi. Trong ví dụ (1) thành ngữ “tan nhà nát cửa” được cải biên bằng cách thay đổi vị trí từ của thành ngữ nguyên “tan của nát nhà”. Hình thức của thành ngữ có sự thay đổi với thành ngữ gốc, tuy nhiên nghĩa của nó không thay đổi so với thành ngữ nguyên. Thành ngữ “tan nhà nát cửa” ý nói nói cảnh cửa nhà tan nát không còn gì hết. Thành ngữ trong ví dụ (1) đã thuyết phục được độc giả khi nói đến tình cảnh đáng thương của cô gái trong bài phóng sự “Sát thủ khoác áo tình nhân”. Mẹ bị người yêu giết vì đã ngăn cản cuộc hôn nhân của cô và Phong, bản thân cô lại bị tâm thần, cứ ngây ngô không biết xảy ra chuyện gì, không phân biệt được ai tốt, ai xấu. Mẹ mất, cô bị người yêu hiếp dâm, rồi ôm tất cả tài sản nhà cô cao chạy xa bay, cô trở thành cô gái mồ côi, không nhà không cửa phải sống nhờ người dì già yếu, nghèo khó. Ở ví dụ (2) thành ngữ “như ngồi trên đống lửa” bắt nguồn từ thành ngữ “như ngồi trên lửa”. Thành ngữ này được tác giả sáng tạo bằng cách thêm từ “đống” nhằm nhấn mạnh vấn đề để độc giả dễ hiểu. Thành ngữ “như ngồi trên đống lửa” ý nói tâm trạng nóng ruột, nhấp nhổm, không yên của trung tá Ngãi khi sắp hết kỳ hạn mà vẫn chưa tìm ra hung thủ.
(3) Nhà ông Gia đã nghèo lại đẻ nhiều con, trong đó có 2 đứa con gái sinh đôi là Chá Thị Câu và Chá Thị Cân, xinh xắn, đáng yêu, giống nhau như 2 giọt nước.
(Công an, 19/8/2012)
(4) Gần nửa đêm, hai kẻ mặt người dạ thú dụi tàn thuốc lá, lặng lẽ lên xe trở lại với con mồi.
(Công an, 8/9/2012)
Ví dụ (4) và (5) sử dụng thành ngữ nguyên. Ở ví dụ (4) thành ngữ “như hai giọt nước” ý nói đến việc người giống người, giống đến mức không phân biệt được người nào là người nào. Thành ngữ “mặt người dạ thú” trong ví dụ (5) sẽ thuyết phục người đọc hơn thông qua những hình ảnh cụ thể khi nói đến những con người có lòng dạ độc ác, tàn bạo, nham hiểm, xấu xa.