Các phương pháp thu thập thông tin xây dựng chiến lược

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chiến lược phát triển của công ty cổ phần sông đà 7 đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Trang 44)

- Phương pháp quan sát

Đây là phương pháp thu thập thông tin ban đầu (thông tin sơ cấp) về đối tượng nghiên cứu bằng tri giác trực tiếp.

29

Ưu điểm của phương pháp quan sát là tạo được các thông tin hết sức có giá trị mà các phương pháp khác khó có được, thu được các thông tin nguyên bản nếu người quan sát khách quan và không có định kiến.

Nhược điểm của phương pháp quan sát là phụ thuộc khá lớn vào tầm nhìn, kỹ thuật quan sát, kinh nghiệm và tri thức của người quan sát.

- Phương pháp phỏng vấn

Đây là phương pháp thu thập thông tin sơ cấp dựa trên tác động qua lại về mặt tâm lý trực tiếp giữa quan sát viên với đối tượng nghiên cứu căn cứ vào lời phát biểu của cá nhân riêng lẻ, thông qua phỏng vấn trực tiếp hoặc các phiếu điều tra. Nói cách khác, phỏng vấn là phương pháp thu thập thông tin sơ cấp bằng tín hiệu ngôn ngữ theo mục đích và chương trình nhất định.

- Phương pháp nghiên cứu tư liệu

Đây là phương pháp nghiên cứu các số liệu và tài liệu thống kê đã được công bố hoặc sắp được công bố nhằm đáp ứng các mục tiêu nghiên cứu. Phương pháp này ít tốn kém hơn so với các phương pháp trước. Điểm khó khăn là hệ thống tài liệu phải được xử lý, thu thập một cách khoa học. Để làm được điều này, cần phải đưa các thành tựu tin học vào áp dụng.

Các phương pháp nghiên cứu văn kiện, tư liệu ngoài các tư liệu cũ, còn được sử dụng thông qua các bảng biểu, báo cáo thống kê được thu thập theo các kênh bắt buộc mà các cơ sở phải giao nộp theo thông lệ quy định và được bổ sung bằng các cuộc điều tra chuyên môn. Việc điều tra phải được tổ chức chu đáo và khoa học, đem lại thông tin cần thiết mà các báo cáo thống kê chưa đề cập tới.

- Phương pháp trắc nghiệm

Đây là phương pháp trưng cầu ý kiến nhằm phát hiện mối liên hệ trong tập thể, nhóm người và giữa các tập thể và nhóm người dự định nghiên cứu (qua câu hỏi khẳng định, phủ định, bàng quan của đối tượng này đối với các đối tượng khác thuộc phạm vi nghiên cứu, hoặc thông qua các câu hỏi có tính “tình huống” để thu thập các dữ liệu cần thiết cho việc nghiên cứu).

30

- Phương pháp thực nghiệm trong nghiên cứu tổ chức

Thực nghiệm trong nghiên cứu tổ chức là phương pháp thu nhận thông tin về sự thay đổi số lượng và chất lượng các chỉ tiêu hoạt động và hành vi của đối tượng phải nghiên cứu do một nhân tố có thể điều khiển và được kiểm tra (các biến số) tác động đến nó.

- Phương pháp chuyên gia

Đây là phương pháp mà các chủ thể quản lý thường sử dụng khi phải đối mặt với những vấn đề vượt ra khỏi năng lực chuyên môn của họ. Nhà quản lý tham vấn các ý kiến về chuyên môn của các cá nhân chuyên gia hoặc tập thể chuyên gia thông qua tọa đàm, hội thảo để từ đó lựa chọn những ý kiến tối ưu nhằm phục vụ cho việc lập kế hoạch hoặc ra quyết định về những vấn đề mà họ cần.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chiến lược phát triển của công ty cổ phần sông đà 7 đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Trang 44)