Tục thăm viếng, chúc Tết

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 52)

7. Kết cấu bài luận văn

2.4.7. Tục thăm viếng, chúc Tết

Thăm viếng nhau là một tục lệ tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Không chỉ khi đến Tết người ta mới đi thăm hỏi nhau, mà ngay cả những ngày thường, vào lúc nhàn rỗi, mọi người cũng thường hay đi lại thăm hỏi nhau, trò chuyện với nhau làm thắm thêm tình anh em, bằng hữu. Thăm viếng nhau vào những ngày đầu năm lại càng ý nghĩa hơn. Việc làm này biểu thị rằng đem cái may, cái hên đến cho người khác và còn thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Trong dân gian có câu:

Mồng một là Tết nhà cha Mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.

Ngày mồng một Tết, sau khi lễ gia tiên xong, con cái lần lượt chúc Tết cha mẹ. Sang ngày mồng hai, cha mẹ cùng con cái sang nhà ngoại để chúc Tết và nán lại ăn bữa cơm gia đình để thắt chặt hơn tình cảm của các thành viên. Ngày nay để cho tiện hơn và tùy vào hoàn cảnh mà có thể linh hoạt hơn trong việc đi chúc Tết. Bên nội cũng như bên ngoại cũng đều được coi trọng như nhau cả. Tùy vào ở gần nhà nội hay nhà ngoại hơn mà đi chúc Tết bên nào trước. Nếu ở gần cả hai bên nội, ngoại thì trong ngày mồng một Tết có thể đi chúc Tết ở cả hai bên mà không phải đợi đến mồng hai Tết mới đi qua bên nhà ngoại. Nhờ vậy mà có nhiều thời gian hơn để đi thăm hỏi, chúc Tết anh em, họ hàng gần xa.

Sau “công cha, nghĩa mẹ” là “ơn thầy”. Thăm hỏi thầy cô trong những ngày Tết là thể hiện lòng tôn sư trọng đạo của người Việt. Bên cạnh công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô là người đã cho mình cái chữ, dạy cho mình trở thành một người tốt. Công ơn lớn lao ấy được người Việt Nam nâng lên ngang hàng với công ơn của cha mẹ. Người Việt Nam rất tôn trọng công ơn ấy nên mới có câu “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Trong những ngày trọng đại của dân tộc này, người học trò lại càng không thể quên người thầy, người cô đã dìu dắt, dạy dỗ mình. Bởi vậy sau khi Tết cha mẹ xong, người học trò lại cùng với những người bạn đồng niên của mình sang thăm hỏi, chúc Tết thầy cô.

Khi chúc Tết, người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp, có câu có vần như: chúc ông bà, cha mẹ trong năm mới nhiều sức khỏe, phát tài hơn năm cũ, … hoặc chúc nhau “tiền vào như nước sông đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, “ngàn lần như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc”, “tết tới tấn tài, xuân sang đắc lộc, gia đình hạnh phúc, vạn sự cát tường” [11, 166],… Thường thì ai thích điều gì thì chúc điều ấy và tùy vào hoàn cảnh mà chúc Tết cho phù hợp. Điều mà không ai không quên chúc nhau khi Tết là chúc sức khỏe, công ăn việc làm luôn thuận lợi suôn sẻ. Khi chúc Tết, người ta cũng tránh phạm tên húy, không nhắc lại những lỗi lầm, sai phạm cũ. Xưng hô cho phù hợp với lứa tuổi, quan hệ thân sơ và hoàn cảnh nữa.

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 52)