Những điều kiêng kỵ

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 56)

7. Kết cấu bài luận văn

2.6. Những điều kiêng kỵ

Ngày đầu năm là ngày mở đầu cho một năm mới với những hy vọng mới. Người ta tin rằng nếu trong ngày đầu năm mọi chuyện đều xảy ra suôn sẻ thì trong năm luôn gặp nhiều may mắn, làm ăn luôn thành công. Tết truyền thống của người Việt Nam có nhiều phong tục trong đó có tục phải kiêng kỵ trong ngày Tết. Bởi người Việt tuân theo một nguyên tắc đơn giản “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tuy nhiên, do đặc điểm vùng miền nên mỗi miền có những tập tục kiêng kỵ khác nhau. Nhưng nhìn chung, hầu như giống nhau nhiều. Do vậy người Việt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng giống với người Việt ở cả nước, đều có một số tục lệ kiêng kỵ trong ngày Tết như:

Kiêng quét nhà: Trong ba ngày Tết, người ta kiêng quét nhà vì cho rằng nếu quét nhà trong ba ngày đầu năm mới thì thần tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không đến được với gia đình. Vì vậy sẽ gặp điều xấu, không may mắn. Tục kiêng quét nhà trong ba ngày đầu năm bắt nguồn từ một sự tích của người Trung Quốc. Truyện kể rằng: Có người lái buôn tên Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần ban cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không hiểu vì sao Âu Minh lại đánh Như Nguyệt, chỉ biết rằng nó sợ quá, chui vào đống rác và biến mất. Cũng từ đó trở đi, nhà Âu Minh lại trở lại nghèo như xưa. Kể từ đó, mọi người không quét nhà và

đổ rác trong mấy ngày Tết. Vì sợ sẽ quét hết tiền bạc, vận may ra khỏi nhà. Cho nên ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu cũng dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và trong mấy ngày Tết thì mọi người phải giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi. Nếu có quét nhà thì quét rác vào góc nhà, qua ngày mồng ba Tết mới hốt đổ đi. Ở miền Nam, người ta cho rằng nếu trong những ngày Tết mà bị mất chổi thì có nghĩa là trong năm đó, nhà sẽ bị trộm vào thăm nhà, vét sạch của cải.

Kiêng không treo những tranh, ảnh xui xẻo như tranh đánh ghen, kiện tụng,…mà nên treo những tranh mang ý nghĩa tài lộc như: tranh lợn gà, hay tranh hoa nghệ thuật,…

Kiêng cho lửa ngày Tết: Ngày mồng một Tết, người ta rất kỵ đến xin lửa nhà mình. Vì người ta quan niệm rằng: Lửa có màu đỏ tượng trưng cho niềm may mắn. Cho người khác cái đỏ, cái may mắn trong dịp đầu năm mới sẽ khiến cho gia đình không giữ được tiền bạc, may mắn, làm ăn thì thua lỗ, gia đình lục đục,…

Cũng giống như lửa, người ta cũng không bao giờ cho nước. Vì nước được so sánh với hình ảnh tiền vào như nước mà khi chúc nhau năm mới mọi người hay chúc nhau. Nếu cho nước thì coi như năm đó mất tài lộc. Vì tin như vậy nên trước khi bước sang thời khắc của năm mới, nhà nào cũng đổ đầy nước vào chum, bể, hay những đồ dùng dùng để đựng nước trong gia đình.

Tránh nói những từ ngữ hay hành động có thể đem lại không may như “chết rồi”, “tiêu rồi”,…

Kiêng đi chúc Tết nếu như trong nhà đang có tang: Tết Nguyên Đán là ngày vui của cả dân tộc, ngày mở đầu cho một năm đầy hứa hẹn, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình đang có chuyện buồn như tang ma cũng đều phải tạm gác nỗi buồn riêng ấy để hòa chung với niềm vui chung của dân tộc. Chính vì vậy mà có tục cất khăn tang trong ba ngày Tết. Trong nhà có tang, kiêng không đi chúc Tết, thăm hỏi, mừng tuổi bà con, xóm giềng vì cho rằng sẽ mang nỗi buồn đến cho gia đình đó. Ngược lại, bà con, hàng xóm láng giềng nên cần phải sang chúc Tết, an ủi gia đình bất hạnh.

Không vay mượn tiền bạc, đồ đạc: Người xưa quan niệm rằng: Không nên vay mượn tiền hay bát kỳ vật dụng gì vào những ngày đầu năm mới. Vì mượn trong

những ngày khởi đầu cho một sự bắt đầu mới thì cả năm sẽ lâm vào cảnh túng thiếu và người cho mượn cũng ngần ngại. Điều này dễ dàng gây mất lòng nhau, ảnh hưởng đến tình cảm anh em, bạn bè, lối xóm với nhau.

Kiêng làm vỡ đồ vật (nhất là chén, bát): Các cụ xưa cho rằng, làm vỡ đồ vật nghĩa là tạo nên sự ngăn cách, chia cắt, là điềm không may cho cả năm. Đồ vật trong nhà vỡ có thể sẽ là điềm báo rằng mối quan hệ anh em, bạn bè, hàng xóm với nhau sẽ bị sứt mẻ, rạn nứt, dẫn đến cãi vã, tranh chấp làm mất tình nghĩa huynh đệ, tình làng nghĩa xóm,… không ai muốn mối quan hệ đang tốt đẹp mà bị rạn nứt. Vì vậy, trong những ngày này, mọi người đều hết sức cẩn trọng khi sử dụng các đồ vật dễ vỡ như đồ thủy tinh, sành sứ,… và khuyên con cháu không được đánh vỡ bát đũa, ấm chén,…

Kiêng nói to, cãi vã, nói xấu hay mắng chửi người khác và không để cho trẻ con khóc. Đây là những việc tạo ra sự ồn ào, hỗn loạn và đem lại nỗi buồn cho người khác. Vì vậy, mọi chuyện buồn, xích mích gây mất lòng nhau trong năm cũ đều được bỏ hết. Mọi người ai cũng tỏ vẻ vui mừng, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân. Ai cũng sợ và ngại to tiếng hoặc gây gổ, xô xát. Nếu xảy ra chuyện không mong muốn này, cả năm sẽ bị xui xẻo. Nếu rơi vào cảnh buồn đau thì cũng cố gắng kiềm chế, để hưởng trọn một năm mới với niềm vui mới bên người thân, bạn bè. Người ta cũng không quên kiêng nói những điều không vui. Vì khi nói ra, mọi người sẽ chia sẻ nỗi buồn, nỗi lo lắng của mình. Như vậy có nghĩa là đem lại điều không may cho người khác. Do đó, khi đến Tết, mọi người trò chuyện và cười đùa với nhau trong không gian thân mật, hòa nhã, cùng chia sẻ niềm vui và chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn và thành công.

Kiêng mặc trang phục màu trắng, đen: Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ và chết chóc nên không được dùng vào dịp đầu năm. Năm mới, mọi người đều mong muốn những điều tốt lành đến với bản thân, gia đình. Vì vậy, những ngày này thường mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ, tươi tắn, thu hút sự chú ý, tạo nên sự phấn khích, vui vẻ để chào đón một năm mới như màu đỏ, hồng, xanh, vàng,…

Nếu không được gia chủ mời sang nhà chơi vào sáng mồng một Tết thì không nên đến. Các cụ ngày xưa tin rằng, ngày đầu năm mới được người vui vẻ, dễ tính, gia cảnh song toàn, con đàn cháu đống, làm ăn thịnh vượng đến trước nhất, thì cả năm mọi việc trong nhà đều dễ dàng. Phong tục này khá phổ biến ở hầu khắp cả nước trong đó có cư dân người Việt sinh sống tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn có thói quen chọn những người có tên như Phúc, Lộc, Tài, Lợi, Thọ,… đến xông nhà ngày mồng một Tết. Theo phong tục này, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mồng một chính là người quyết định đem lại sự may mắn hay xui xẻo cho gia đình ấy trong một năm. Vì vậy, hoàn cảnh, cuộc sống của người này đóng vai trò quan trọng đối với gia đình mà mình đến đầu tiên trong ngày mồng một Tết, có thể làm cho gia chủ hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng hoặc gặp trắc trở, xui xẻo. Do đó, nếu không được gia chủ mời thì nên tránh đi chúc Tết vào sáng sớm ngày mồng một Tết.

Một số người có tục kiêng ăn trứng vịt lộn hoặc thịt vịt trong ngày Tết, thậm chí suốt tháng giêng. Vì cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo. Một số vùng kiêng không ăn tôm vì sợ công ăn việc làm trong năm mới không gặt hái thành công mà đi giật lùi như tôm. Ngoài ra người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn có lệ, hễ bất cứ ai đến nhà chơi, dù bất kể giờ nào chủ nhà cũng đều dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh, khách không nên từ chối. Mặc dù no cũng nên nhấp nháp đôi chút.

Dù đi đâu xa như đi làm ăn xa hay đi chơi với bạn bè cũng đều phải về nhà trước lúc giao thừa. Thành viên nào về không kịp thì như là cả năm sau, người đó phải bôn ba vì công ăn việc làm.

Cối xay gạo không được để trống. Vì cối xay gạo là biểu trưng cho thắng lợi của mùa màng. Nếu cối đầy thóc lúa thì coi như trong năm sau gia đình sẽ thu hoạch được mùa vụ bội thu. Nhưng nếu để cối xay trống thì sẽ bị thất thu.

Những phong tục này đã tạo nên sắc thái cho ngày Tết. Tuy nhiên, cần phải loại trừ những tập tục quá mê tín, để cho không khí ngày Tết thêm vui, ngày xuân thêm ấm.

Trong quá trình đi tìm và định cư nơi vùng đất mới, những lớp cư dân người Việt đầu tiên này cũng không quên mang theo văn hóa, phong tục của cha ông. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ ấy nhưng những sinh hoạt văn hóa vẫn được diễn ra, và lưu truyền cho đến ngày nay. Không chỉ có thế, nơi đây là nơi tụ cư của dân cư ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi vùng miền có những phong tục, tập quán khác nhau nên đã làm cho nơi đây không chỉ đơn thuần là một nền văn hóa mà văn hóa ấy đa dạng hơn với nhiều đặc điểm khác nhau và làm nên một đặc trưng cho vùng đất mới này. Thành phần dân cư ở đây cũng nhiều. Với bốn dân tộc, bốn nền văn hóa, phong tục khác nhau nhưng đã dung hòa với nhau trong cuộc sống nơi đất khách quê người này. Kể riêng trong thành phần của người Việt, từ các ngả đường, những người ngèo khổ đã đến với vùng đất mới này, mang theo văn hóa của họ đến nơi đây. Con người ở vùng đất mới này đã học hỏi ở nhau những nét văn hóa tốt đẹp và không biết từ bao giờ, những điều ấy trở thành một đặc điểm văn hóa riêng mà những người ở nơi quê cha đất tổ của họ cũng không có được. Những đặc điểm riêng ấy đã tạo nên đặc trưng trong văn hóa của cư dân miền Nam nói chung và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trong các phong tục tập quán, trong các hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long phải kể đến là Tết Nguyên Đán.

Tết Nguyên Đán của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng giống như Tết Nguyên Đán của anh em người Việt trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng do hoàn cảnh sinh sống, do điều kiện ưu đãi của thiên nhiên ở nơi đây có khác nên cái Tết cổ truyền – Tết Nguyên Đán - ở nơi đây có một vài nét riêng rất Nam Bộ, rất miệt vườn mà không nơi nào có được.

Khi đất trời chuyển mình sang xuân, con người nơi đây cũng hòa mình theo sự vận chuyển ấy. Họ cùng với anh em ở khặp mọi miền đón một cái Tết với trọn niềm vui, niềm hy vọng mới. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, bấp bênh nhưng trong ngày Tết vẫn có đủ nghi thức làm nên cái Tết. Có mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ tổ tiên, có hoa có trái, có câu đối, cây nêu, bánh tét, có pháo, và có cả một vài đặc điểm làm nên sự riêng biệt trong cái Tết miền Nam.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị cho ngày Tết cũng ít nhất là một tuần trước Tết. Từ sau khi cúng Ông Táo về trời, người ta coi như là đến Tết.

Lúc này mọi công việc chuẩn bị cho Tết càng bận rộn hơn. Nào phải dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa cho mới, cho sáng. Trong nhà ngoài ngõ đều như mới tất cả. Vì theo quan niệm năm mới thì cái gì cũng phải mới. Không chỉ có nhà cửa mới dọn dẹp mà trước đó, cơ quan xí nghiệp, trường học, chùa chiền, nhà thờ,… cũng đều được dọn dẹp sạch sẽ từ trong ra tới ngoài cổng.

Bàn thờ gia tiên trong nhà cũng được lau chùi sạch sẽ từ di ảnh cho đến lư hương, chân đèn. Trên bàn thờ cắm thêm hoa, chưng thêm bánh, trái. Bàn thờ như là một thế giới thu nhỏ của những người đã khuất nên không ai dám sơ suất trong việc dọn dẹp bàn thờ này. Đây chính là một việc thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn tổ tiên của con cháu đối với ông bà tiên tổ. Vào những ngày cận Tết, khoảng 28, 29 Tết và trễ lắm thì đến ngày 30 Tết, trên bàn thờ ông bà này phải được dọn dẹp sạch sẽ. Trên bàn thờ, người ta để một đĩa trái cây gồm nhiều loại gọi là “mâm ngũ quả”. Mâm ngũ quả của mỗi miền, mỗi vùng có khác nhau. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long thì chủ yếu chưng năm loại như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với ý cầu cho năm mới luôn được “cầu vừa đủ xài”, “sung” ở đây là “sung sướng”. Ý là chỉ cầu vừa đủ dùng, và luôn được sung sướng, hạnh phúc. Đây là mong muốn của người dân vùng sông nước dựa theo cách phát âm địa phương. Họ không mong muốn gì hơn, chỉ cầu vừa đủ xài.

Bên cạnh mâm ngũ quả, trên bàn thờ còn có một cặp dưa hấu to, trên thân dưa có dán giấy hồng điều để tăng thêm không khí thiêng liêng, trang trọng cho gia đình, một cặp bánh tét hoặc một chiếc bánh chưng, một cành hoa mai vàng cắm trong một bình nhỏ. Từ ngày tất niên cho đến mồng ba hoặc đôi khi có thể đến mồng bảy hoặc mồng mười, trên bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng cúng mâm cơm mời ông bà.

Ngoài ra các bàn thờ khác trong nhà như bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, Quan Âm, Thiên Chúa, Phật,… cũng đều được dọn dẹp sạch sẽ và được bày cỗ cúng giống như bàn thờ tổ tiên. Nhưng có thể đơn giản hơn. Một điểm khác biệt là đối với những người theo đạo Thiên Chúa, người ta chỉ thắp nhang chứ không cúng cơm hằng ngày, hằng bữa.

Trước đây, nhà nào cũng dựng một cây nêu ở trước nhà. Cây nêu là một cây tre cao độ khoảng năm đến sáu mét. Trên ngọn tre, người ta treo giấy bạc, dải pháo

dài và có treo một cái giỏ trong đó đựng vôi, trầu, cau,… nhằm xua đuổi ma quỷ và những điều không may. Nhưng ngày nay, vì cho rằng đây là một điều mê tín dị đoan nên người ta không dựng nêu nữa. Nhưng xét ở một phương diện nào đó thì đây là một nét đặc trưng trong cái Tết của người Việt. Là một nét đẹp trong văn hóa. Thế hệ mới lớn ngày nay không thể hình dung và hiểu đầy đủ về hình ảnh cũng như ý nghĩa của cây nêu ngày Tết. Hình ảnh cây nêu chỉ còn thấy xuất hiện trong sách báo nói về phong tục Tết xưa mà thôi.

Câu đối đỏ ngày Tết cũng là một cách thể hiện mong ước của con người trong năm mới. Ngày xưa, khi Hán học còn thịnh hành, các nhà nho thường hay viết câu đối trên các tấm giấy đỏ bằng mực tàu bán cho người khác. Hoặc ai thích điều gì cũng đến xin hoặc mua vài chữ chưng trong nhà cho không khí ngày Tết thêm ấm cúng. Từ khi văn minh phương Tây xâm nhập vào Việt Nam, rồi chiến tranh liên miên, sau đó là cuộc sống khó khăn,… thế hệ trẻ có xu hướng tân thời nhiều hơn nên việc treo câu đối đỏ dường như đã đi vào quên lãng. Những năm gần đây, cuộc sống dần ổn định, người ta có cái thú chơi chữ nên việc treo câu đối trong ngày Tết dần dần được khôi phục lại. Tuy nhiên người ta không dùng chữ Hán viết

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)