Ngày gói bánh chưng, bánh tét

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 38)

7. Kết cấu bài luận văn

2.2.3. Ngày gói bánh chưng, bánh tét

Ngày Tết Nguyên Đán của người Hoa thường có bánh bao, bánh tổ. Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer thường có bánh gừng, bánh ống, bánh Nùm chruốt (bánh tét nhân mỡ), Nùm chết (bánh dừa nhân chuối), Nùm tiên (bánh ít), Nùm niềng nóc và Nùm bóc cháp (bánh bột nhân dừa),… Nhưng người Việt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong ngày Tết Nguyên Đán thường dùng bánh tét. Bên cạnh đó còn có bánh chưng của người Việt ở miền Bắc nhưng không phổ biến. Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống của dân tộc, thường được dùng nhiều trong ngày Tết. Trên mâm cỗ hay trên bàn thờ, bên cạnh hoa quả, bánh mứt, bao giờ cũng có kèm theo một đĩa bánh chưng hoặc bánh tét để kế cạnh.

Có nhiều truyền thuyết trong dân gian cũng như có nhiều học giả nghiên cứu và giải thích khác nhau về ý nghĩa của món bánh chưng. Nhưng dường như người Việt dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam cũng đều biết đến món bánh chưng xuất phát từ truyền thuyết thời vua Hùng thứ sáu.

Truyện kể lại rằng: Sau khi đánh tan giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi lại cho con. Nhưng vua Hùng muốn tìm một vị Hoàng tử (thời bấy giờ gọi con của vua bằng Lang) xuất sắc nhất trong số các Hoàng tử của nhà vua và cũng để cho các Hoàng tử khác phải khâm phục và không ganh ghét, đố kỵ nhau. Vì vậy nhà vua quyết định mở một cuộc thi chọn người kế vị ngai vàng. Nhân dịp đầu xuân, vua cho gọi các con của mình đến và bảo hoàng tử nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa thì ta sẽ truyền ngôi cho. Các Hoàng tử thi nhau đi tìm và làm ra những của ngon vật lạ trên đời để dâng lên vua cha.

Riêng người con thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu mồ côi mẹ, tính tình thuần hậu, chí hiếu lại chăm chỉ vẫn chưa tìm ra được một loại thức ăn nào ngon để dâng cúng cả. Vì nhà chàng quá nghèo, không có tiền mua sơn hào hải vị, nem công chả phượng như các anh, em mình. Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ về món ăn và vẫn chưa có kết quả gì. Một hôm đang nằm ngủ, chàng mộng thấy có thần tiên xuống chỉ dạy cho chàng cách dùng chính những hạt gạo mà mình làm được.

Sáng ra chàng làm đúng ý như lời thần chỉ dạy. Chàngđặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất vuông, bánh hình tròn là bánh dầy tượng trưng cho trời tròn. Đến ngày đã định, các Hoàng tử đều đem những món cao lương mĩ vị nào là “nem công chả phượng”, nào là “tai gấu gân nai”, tất cả đều là những của ngon vật lạ ở trên đời. Còn hoàng tử Lang Liêu thì đem chính thành quả lao động của mình gửi gắm trong bánh chưng, bánh dầy dâng lên. Vua cha ngạc nhiên nhưng sau khi nếm thử thì thấy quả là bánh quí ăn ngon lại không biết ngán. Chàng được vua cha khen và chọn là người nối ngôi báu vì chàng đã dùng cả cái tâm của mình, sử dụng những nguyên liệu sẵn có như gạo nếp, thịt, đậu xanh,… để làm thành một món ăn mà trong đó gói cả mồ hôi công sức lao động của chàng, gói cả tâm tình thảo hiếu của chàng đối với tổ tiên. Không những thế trong từng lớp lá bao bọc lấy chiếc bánh còn là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước sáng rực, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm dâng cúng tổ tiên, đất trời.

Từ đó hằng năm, cứ đến tết, vua Hùng lại đem hai món bánh này dâng cúng. Và cũng từ đó, nhân dân ta noi theo hoàng tử Lang Liêu dùng những nguyên liệu mình làm ra để làm bánh chưng, bánh dầy trong dịp Tết Nguyên Đán.

Bánh chưng, bánh dầy được phổ biến nhiều nhất ở miền Bắc. Hằng năm mọi người đều chuẩn bị mọi thứ nguyên liệu từ trước đó để đến ngày 30 tháng Chạp thì tiến hành gói bánh. Người miền Bắc thường dùng lá dong để gói bánh. Vì bánh được gói bằng lá dong khi luộc lên, bề mặt của bánh sẽ có màu xanh của lá. Hơn nữa lá dong có tính mềm, dễ gói. Khi gói trong khuôn sẽ tạo dáng vuông đẹp hơn.

Ở miền Nam nhất là khu vực đồng bằng sông cửu Long, việc gói bánh chưng chỉ phổ biến ở những gia đình di cư vào từ hồi đầu thế kỷ XX nhất là từ sau năm 1954. Còn cư dân Việt đã sinh sống trên vùng đất này từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các thế kỷ trước, chủ yếu gói bánh tét trong những ngày Tết. Bởi khác với miền Bắc, khí hậu miền Nam nóng hơn, bánh chưng không để được lâu như bánh tét. Những người di cư từ miền Bắc, miền Trung vào sau này do quá trình sống chung cũng đã chuyển sang gói bánh tét giống như người Việt trước đây.

Càng gần đến Tết, không khí ngày xuân càng nhộn nhịp. Mọi người tất vật lo toan mọi thứ cho ngày đầu năm được tươm tất. Ngày 29 hoặc 30 lại càng tất bật hơn, đặc biệt là lúc gói bánh. Người lớn gói bánh, trẻ em không biết gói thì lau lá,

xếp lá, nắm nhân,… Mỗi người mỗi việc, vừa làm vừa nói, cười đùa làm xua tan đi cái nặng nhọc của công việc. Có nhà gói xong được đủ nồi thì luộc bánh trước rồi gói tiếp, nhưng có nhà lại để xong tất cả rồi mới đem luộc một lượt.

Một nồi bánh từ khi luộc cho đến lúc chin cũng phải mất 8 đến 10 tiếng. Do vậy mà có thể sẽ kéo dài đến đêm tối. Ngày trước, khi đèn điện chưa đến với nông thôn, việc luộc bánh vào buổi tối rất vất vả. Trước sân nhà, xung quanh vắng lặng, yên tĩnh. Không gian như chìm vào một màn đen tối, chỉ có ánh sáng từ ánh lửa bập bùng dưới đáy nồi bánh và thỉnh thoảng lấp ló một vài ánh đèn dầu, đèn măng xông, khá lắm thì có đèn pin của người đi thăm bánh hoặc của những người đi thăm hỏi, chúc Tết nhau. Trong đêm thức luộc bánh, vui nhất là những đứa trẻ, chúng ngồi với nhau bên bếp lửa chơi những trò chơi dân gian và đợi bánh chín. Chúng rất háo hức, mong cho bánh mau chín để được thưởng thức hương vị ngày Tết. Vì chỉ đến Tết hay giỗ chạp mới có bánh tét, bánh chưng, ngày thường ít ai làm. Trong đêm này, lũ trẻ ít khi phải đi ngủ sớm vì còn nhiều việc cần phải hoàn thành trước khi giao thừa cho nên cha mẹ chúng cần đến chúng trông nồi bánh. Không những chỉ chơi các trò chơi dân gian, chúng cũng chuẩn bị sẵn cho mình những thứ làm hấp dẫn chúng trong khi chờ bánh chin đó là những củ khoai, trái bắp được nướng bằng than của nồi bánh thì thật là tuyệt.

Đêm 29 hoặc 30 Tết không chỉ đơn thuần là đêm luộc bánh mà còn là đêm mọi người vui vẻ bên nhau với những ly rượu xoàng. “Cách đây trên dưới phần ba thế kỷ, Nam Bộ còn có những gia đình lớn “tam đại đồng đường” có thể đông đến 40, 50 nhân khẩu. Gia đình ngả heo chớ không mua thịt ở cửa hàng mà hễ ngả heo thì có nấu nướng, nhậu nhẹt”. [9, 116]. Có gia đình thịt heo vào ngày 29 nhưng cũng có người làm trong ngày 30. Nhưng dù là ngày 29 hay 30 thì cũng đều vất vả . Bởi nếu ngả một con heo to, nấu nướng cho hết cũng tốn nhiều thời gian mà ăn nhậu cũng tốn thời gian vậy. Do đó đêm này không ai ngủ mà cũng ít ai buồn ngủ nữa.

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)