7. Kết cấu bài luận văn
2.4.4. Tục đốt pháo trong đêm giao thừa
Đã từ lâu, người Việt thích đốt pháo trong các dịp hội hè, đình đám, cúng lễ,… nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán, tiếng pháo lại càng không thể thiếu được.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Điều này cho thấy, mọi thứ chuẩn bị cho Tết đều đã xong mà thiếu đi tiếng pháo ì đùng ngày Tết thì không thể gọi là Tết được.
Người Việt Nam quan niệm rằng, đốt pháo là để cho vui nhà vui cửa. Trong ba ngày Tết, nhà hàng xóm ầm ĩ tiếng pháo mà nhà mình im lặng thì thật buồn. Tiếng nổ của pháo gây ra những âm thanh liền kề nhau, nhộn nhịp, cung bậc như tiếng trống, tiếng đàn thúc giục mọi người cùng hòa mình vào thời khắc thiêng liêng của đất trời. Màu khói xanh lan tỏa trong không gian, màu xác pháo hồng bay tung tóe dưới đất tạo nên những kích thích cho các giác quan và tạo nên một cảm xúc mà khó có từ ngữ nào lột tả hết được.
Đốt pháo cũng là các dự đoán tương lai. Nhà nào đốt pháo mà không nổ, phải châm lại hai, ba lần hoặc nổ nhưng tiếng kêu rời rạc thì năm đó làm ăn không thuận lợi.
Một phong pháo nhỏ chỉ dài hơn một gang tay. Khi treo lên thì dài gấp đôi và được đốt cháy trong vài phút. Pháo có các kích cỡ khác nhau như pháo tiểu, pháo trung, pháo đại, pháo chuột. Pháo tiểu là viên pháo nhỏ hơn ngón tay út và dài hơn một lóng tay. Pháo trung thì lớn hơn gấp hai lần pháo tiểu. Còn viên pháo to gần bằng pin đại hay bằng lon sữa bò hoặc tùy thuộc vào người chế tạo và người đặt nên được gọi là pháo đại. Những viên pháo dành cho trẻ nhỏ chơi được gọi là pháo chuột có kích thước nhỏ hơn, bằng một nửa của pháo tiểu.
Ngày Tết, chỉ cần vài phong pháo tiểu cũng đủ làm cho ngày Tết thêm rộn ràng. Pháo trung, pháo đại ít người dùng đến nhưng điều đó không có nghĩa là không có. Các viên pháo này được kết lại thành một hàng dài, còn pháo viên rời được dùng cho trẻ con chơi. Pháo đại có thể để rời hoặc nối với pháo tiểu, pháo trung để tạo âm thanh tạch tạch, đùng đùng vui nhộn.
Ngày xưa có tục đốt pháo tập thể. Người ta thi đốt pháo hoặc chơi đốt pháo. Pháo nổ to, ít lép, xác pháo văng xa thì thắng cuộc. Có nơi treo một viên pháo đại lên (viên này rất to), người dự thi ném pháo tiểu vào pháo đại để cho pháo đại bắt lửa và cháy nổ.
Ngoài ra còn có pháo đất. Người ta lấy đất sét nặn thành những chiếc nón to. Ở vành nón nặn sao cho giống với một dải đất dài gắn ở vành. Khi nâng pháo lên và thả xuống, tiếng pháo nổ to, sợi dây ở vành nón rơi ra. Ngày Tết có thi nặn pháo đất. Nếu sợi dây ở vành nón dài hơn thì là người thắng cuộc.
Tiếng pháo không chỉ làm cho ngày xuân thêm vui nhộn mà người ta còn tin rằng, tiếng pháo có thể xua đuổi ma quỷ, đem lại phúc lành cho năm mới.
Trong đêm trừ tịch, vào lúc giao thừa, mọi người đốt pháo hàng loạt. Tiếng pháo giòn giã, liên tục. Mùi khói thuốc cùng với mùi hương trên bàn thờ đã tạo nên một không khí riêng, đặc trưng cho Tết của người Việt. Khung cảnh ấy chỉ khi đến Tết mới có. Ngày thường trong năm không bao giờ thấy được, cảm nhận được.
Những năm gần đây, vì làm pháo ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe con người nên không còn thấy đốt pháo trong mấy ngày Tết. Mà thay vào đó người ta đốt pháo hoa. Giá thành của pháo hoa khá đắt nên ít người mua. Pháo hoa do nhà nước tổ chức đốt vào thời khắc giao thừa thiêng liêng và chỉ giao thừa mới đốt và đốt ở các cụm dân cư đông đúc như ở thị xã, trung tâm thành phố, huyện, và không phổ biến ở mọi nhà.
Người ta đốt pháo từ lúc giao thừa cho đến ngày mồng hai, mồng ba Tết để đón vong linh ông bà về ăn Tết với con với cháu; để đón khách đến chơi; để đón khí xuân vào nhà. Màu hồng thắm của xác pháo cũng là màu tượng trưng cho may mắn vì vậy không ai quét xác pháo.