Tục đón giao thừa

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 43)

7. Kết cấu bài luận văn

2.4.2. Tục đón giao thừa

Theo tiếng Hán, “giao” là “xen kẽ, thay nhau” hoặc “nối tiếp, trao đổi lẫn nhau”, còn “thừa” là “đảm nhận, thi hành” hoặc “thừa kế, kế tiếp”. Do đó giao thừa là lúc 12 giờ đêm 30 tháng Chạp âm lịch, là thời khắc mà ngày giao ngày, năm giao năm. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời điểm mà con người cùng với thiên nhiên giao hòa với nhau, ông bà tiên tổ trở về sum họp với con cháu trong ba ngày Tết. Không chỉ dân tộc Việt Nam nói chung cư dân Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng mà ngay cả đối với nhân dân thế giới, dù đón năm mới theo dương lịch hay âm lịch thì mốc thời gian chuyển giao từ năm cũ sang năm mới bao giờ cũng được coi trọng và mọi người đều cho rằng, trong giờ phút thiêng liêng ấy, vận mệnh mới, may mắn và hạnh phúc sẽ đến với họ.

Đối với người Việt Nam dù ở Bắc, Trung hay Nam nhất là đối với người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long, đêm giao thừa gợi lên những kỷ niệm, những tình cảm thiêng liêng. Các thành viên trong gia đình dù đi làm ăn hay sinh sống nơi xa, họ đều tạo điều kiện tốt nhất để cuối năm được trở về với làng xưa quê cũ, đoàn tụ bên mái ấm gia đình.

Như vậy giao thừa là giờ phút thiêng liêng, chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới, giữa năm cũ và năm mới trong đêm trừ tịch. “Trừ” là trao lại chức quan, “tịch” là đêm. Lễ trừ tịch được cử hành vào lúc giao thừa để đón vị thần cai quản năm mới và tiễn đưa vị thần cai quản trong năm cũ.

Ngày xưa, người ta tin rằng, mỗi năm có một vị thần hành khiển coi việc nhân gian. Mỗi vị có tên riêng và vương hiệu riêng nhưng đều được gọi chung là Đương niên chi thần hay Đại vương hành khiển. Mỗi vị đại vương hành khiển đều có một vị phụ giúp gọi là phán quan. Vị đại vương hành khiển thì lo việc thi hành mệnh lệnh của ngọc hoàng thượng đế và tấu trình lên mọi việc xảy ra, còn vị phán quan thì lo ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, thôn xóm và đất nước.

Có mười hai vị hành khiển luôn phiên nhau từ năm Tý đến năm Hợi (tính theo địa chi mười hai con giáp). Hết năm Hợi lại trở về năm Tý với vị hành khiển của năm ấy. Mười hai vị ấy được nhân dân ta gọi với những tên, vương hiệu và có vị phán quan riêng. Sau đây là tên, vương hiệu và tên của mười hai vị đại vương hành khiển ứng với mười hai con giáp:

 Năm Tý: Chu vương hành khiển, Thiên ôn hành binh chi thần, Lý tào phán quan.

 Năm Sửu: Triệu vương hành khiển, Tam thập lục phương bình hành binh chi thần, Khúc tào phán quan.

 Năm Dần: Ngụy vương hành khiển, Mộc tinh chi thần, Tiêu tào phán quan.

 Năm Mão: Trịnh vương hành khiển, Thịnh tinh chi thần, Biểu tào phán quan.

 Năm Thìn: Sở vương hành khiển, Thiên hải chi thần, Hứa tào phán quan.

 Năm Ngọ: Tân vương hành khiển, Thiên hao chi thần, Nhân tào phán quan.

 Năm Mùi: Tống vương hành khiển, Ngũ đạo chi thần, Lâm tào phán quan.

 Năm Thân: Tề vương hành khiển, Ngũ miếu chi thần, Tống tào phán quan.

 Năm Dậu: Lỗ vương hành khiển, Ngũ nhục chi thần, Cự tào phán quan.

 Năm Tuất: Việt vương hành khiển, Thiên bá chi thần, Thành tào phán quan.

 Năm Hợi: Lưu vương hành khiển, Ngũ ngôn chi thần, Nguyễn tào phán quan. Trước lúc đón giao thừa, bàn thờ cúng trời đất ở ngoài trời và bàn thờ cúng ông bà tổ tiên ở trong nhà đã được bày biện sẵn. Đến thời khắc giao thiêng liêng của đêm cuối cùng của năm – thời khắc giao thừa – người chủ nhà quần áo chỉnh

tề, thắp hương (nhang), hai tay chắp trước ngực khấn lễ mời vong linh ông bà tổ tiên về ăn Tết với gia đình và phù hộ cho gia đình, con cháu gặp mọi điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới. Ở ngoài trời, người ta kê một chiếc bàn nhỏ, trên đó bày biện như trên bàn thờ tổ tiên trong nhà. Nhà văn Sơn Nam cũng miêu tả về tục cúng giao thừa ngoài trời của người Việt như sau: “Lễ đón giao thừa cử hành ngoài sân, trên bàn thờ giành cho vị quan nhỏ, gọi là Thiên quan (một dạng liên lạc, thường dán tấm liễn nhỏ ghi “Thiên quan tứ phước”) xin vị quan này ban phước cho gia đình. Gọi tắt là bàn ông Thiên hay bàn Thông thiên”.[7, 99]

Sau khi khấn tổ tiên xong, người chủ gia đình ra khấu lễ, rồi lần lượt từng người trong gia đình lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ cho một năm gặp nhiều may mắn. Sau đó thì khấn thổ công. Ở miền Nam và đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, thổ công được thay bằng thổ địa và để dưới đất để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Sau khi cúng giao thừa xong, mọi người trong gia đình quây quần bên mâm cỗ đã được dọn sẵn, uống ly rượu đầu xuân, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ. Người lớn lì xì cho con trẻ tiền ăn quà (gọi là lì xì mừng tuổi). Tiền này được đựng trong một phong bì màu đỏ.

Vì sao lại phải cúng giao thừa ở ngoài trời? Để lý giải cho câu hỏi này, như trên đã nói, các cụ ngày xưa quan niệm rằng, mỗi năm thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom, coi sóc các công việc dưới hạ giới, đứng đầu là vị đại vương hành khiển. Năm nào mà vị đại vương hành khiển giỏi giang, anh minh, chăm lo cho đời sống của nhân dân thì năm đó nhân dân được nhờ như là được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, ít bệnh tật,… Ngược lại, năm nào do vị đại vương hành khiển kém cỏi coi sóc dân tình thì năm ấy nhân dân chịu khổ. Các cụ còn hình dung, lúc giờ phút giao thừa là lúc bàn giao công việc. Các quan quân cai quản hạ giới đã hết thời hạn một năm phải trở về thiên đình để cho quan quân mới tiếp quản và tiếp tục coi sóc dân tình. Trong giờ phút ấy, quan quân xuống hạ giới, quan quân về trời đầy khắp không trung. Trong số các quan quân ấy, có người chưa kịp ăn uống gì đã phải lo đi về thiên đình. Do quan niệm như vậy nên nhiều gia đình đã đem xôi, bánh, trái, … ra ngoài trời cúng với lòng thành tiễn đưa thiên binh thiên tướng đã cai quản năm cũ và đón thiên binh thiên tướng cai quản trong năm mới. Các cụ cho rằng vì công việc bàn giao diễn ra khẩn trương, Nhanh chóng nên các vị

không thể vào nhà với gia đình được mà chỉ có thể dừng lại đôi phút hoặc vài giây để ăn vội vàng hoặc mang theo đôi khi không có thời gian mà chỉ chứng kiến lòng thành của gia chủ.

Đêm giao thừa còn được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ chùa. Ai cũng lấy làm vui và tự thấy mình có bổn phận phải đi lễ chùa. Ở tất cả các đền, chùa, nghi ngút đèn hương. Mọi người không kể già, trẻ, gái, trai đều có thể đến dâng hương lễ phật và các vị thần linh khác. Sau khi đến thăm đền chùa, mọi người trở về, coi như đã thấm nhuần ân huệ của thần, phật, vững tâm xông đất nhà mình. Trước khi trở về, họ cũng không quên mang về từ đền, chùa một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên.

Đối với những người theo đạo Thiên Chúa, họ không cử hành cúng giao thừa ở ngoài trời cũng như cúng ông bà tổ tiên trong những ngày Tết. Trong đêm cuối cùng của năm cũ, mọi người cùng nhau tụ họp trong nhà thờ (thánh đường) tham dự thánh lễ cuối cùng của năm cũ với ý niệm cám ơn Thiên Chúa – người mà họ tôn thờ - đã ban cho họ một năm bình yên, làm ăn được thuận lợi và cùng nhau chào đón giây phút thiêng liêng của đất trời – giờ phút giao thừa. Thánh lễ được cử hành trang trọng hơn ngày thường. Ngày xưa, các vị linh mục – người đứng ra điều khiển thánh lễ - căn thời gian sao cho vừa kết thúc thánh lễ là đến lúc giao thừa. Nhưng do thời gian cử hành thánh lễ trễ nên mọi người không tham dự đông đủ được. Ngày nay, thánh lễ đêm giao thừa được cử hành sớm hơn để mọi người ai cũng có thể tham dự thánh lễ được. Đến 12 giờ đêm – giờ phút giao thừa, nhà thờ đổ chuông báo cho giáo dân biết đã đến giờ phút thiêng liêng của đất trời và cũng để chào đón năm mới thay cho tiếng pháo đã đi vào dĩ vãng trong đêm giao thừa.

Một phần của tài liệu tìm hiểu về tết của người việt ở đồng bằng sông cửu long (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)