Các loại hình Folklore Việt Nam

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 52)

Hiện nay, ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trên các lĩnh vực sau: Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật dân gian; Tri thức dân gian; Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội [96, tr. 53].

Các lĩnh vực nghiên cứu trên về văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại và phát triển với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách giữa các bộ phận (ngữ văn, nghệ thuật, tri thức, tín ngưỡng phong tục…), giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ trong sinh hoạt văn hóa, giữa sáng tạo văn hóa nghệ thuật và đời sống lao động của nhân dân.

* Ngữ văn dân gian/Văn học dân gian

Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp dân chúng, phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay. Ở Việt Nam, ba thuật ngữ sau đây được xem là tương đương: Văn học dân gian/sáng tác nghệ thuật truyền miệng của nhân dân/Folklore ngôn từ (Folkore văn học).

Văn học dân gian Việt Nam rất phong phú, đa dạng, hàm chứa bản chất, chức năng, vai trò của nó trong xã hội và trong sinh hoạt cộng đồng. Là một hệ thống ngữ văn, nó vốn đã đa thanh, đa sắc, có yếu tố nghệ thuật trong ngôn từ. Một trong những yếu tố tạo cho ngữ văn dân gian người Việt có tính nghệ thuật bởi nó có yếu tố âm nhạc (nhạc tính trong ngôn từ). Tiếng nói có vần điệu, nhịp điệu, âm thanh, tiết tấu tạo ra đặc trưng cho Folklore ngôn từ Việt Nam mang đậm dấu ấn tộc người Việt.

Ngữ văn dân gian bao gồm nhiều thể loại: Tự sự dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ…; Trữ tình dân gian (ca dao, dân ca); Thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian. Các thể loại ngữ văn dân gian tạo nên một kho tàng tri thức có giá trị văn hóa của nhân dân được lưu truyền trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng tộc người. Nó đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn, những tri thức, những triết lý của con người, phản ánh nhận thức trí tuệ, tư duy của con người đối với thiên nhiên, lao động và các mối quan hệ của con người. Đồng thời chúng là những lời khuyên bảo chân tình, sâu lắng, suy tư, ngẫm nghĩ để có thể ứng

đùm lá rách; Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng; Cây có cội, nước có nguồn; Đói cho sạch, rách cho thơm; Lời chào cao hơn mâm cỗ; Một giọt máu đào

hơn ao nước lã… hay những triết lý sống sâu sắc qua các truyện cổ tích dân

gian: Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây Khế…

Một tác phẩm văn học dân gian khởi nguồn từ một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân rồi lưu truyền trong dân gian. Trong quá trình lưu truyền, nhân dân tham gia sáng tác lại rồi trở thành tài sản chung của tập thể.

Văn học dân gian ra đời từ thời kỳ xã hội Cộng sản nguyên thủy, khi con người chưa có chữ viết, và nó vẫn tồn tại, phát triển trong xã hội phân chia giai cấp. Tuy nhiên, càng về sau, khi xã hội đã có sự phân công lao động rạch ròi, khi khoa học phát triển, đặc biệt là khi nền văn học viết ra đời, một số thể loại Văn học dân gian dần mất đi như thần thoại, truyền thuyết.

* Nghệ thuật dân gian

Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình dân gian (kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian…); nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn…).

Nghệ thuật tạo hình dân gian được nảy sinh trong các điều kiện, môi trường và thực tiễn lao động của con người. Nghệ thuật tạo hình dân gian rất phong phú, đa dạng, tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống của con người, từ chốn linh thiêng đền, chùa, miếu, mạo đến công cụ, vật dụng hàng ngày như trang phục, trang sức, dao kéo, bát đĩa… Nghệ thuật tạo hình dân gian nảy sinh từ môi trường tự nhiên, lao động, xã hội và trở về với cuộc sống của con người để thực hiện chức năng nội sinh là phản ánh, giáo dục thẩm mỹ cho con người.

Nghệ thuật tạo hình dân gian với bốn loại hình: điêu khắc, kiến trúc, hội họa, mỹ nghệ thủ công đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, niềm vui cho con người bằng cái đẹp của đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng và quy luật xa gần [7, tr. 455].

Ta có thể bắt gặp nghệ thuật tạo hình dân gian trong các hình tượng được chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn, hệ thống nhà mồ của người Tây Nguyên, tranh dân gian Đông Hồ, đồ gốm Bát Tràng…

Nghệ thuật biểu diễn bao gồm các loại hình nghệ thuật có đặc tính

chung là biểu diễn có tính nghệ thuật. Những loại hình đó là: hát, múa, nhạc,

trò diễn, sân khấu. Nếu như nghệ thuật tạo hình dân gian phải dựa vào vật thể (gỗ, đá, tre, nứa, giấy, lụa, kim khí…) để phản ánh hiện thực thì nghệ thuật biểu diễn dân gian chỉ cần dựa vào bản thân con người diễn xướng (lời ca, điệu múa, biểu diễn sân khấu…), do vậy, tác phẩm nghệ thuật tạo hình có thể lưu lại dưới dạng vật thể (nếu được bảo quản tốt) còn tác phẩm nghệ thuật biểu diễn dân gian được lưu lại cho đời sau chủ yếu qua trí nhớ của con người.

Nghệ thuật biểu diễn dân gian có vị trí quan trọng trong chỉnh thể nguyên hợp văn hóa dân gian. Các thành tố của văn hóa dân gian như văn học, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật sân khấu, tục lệ, nghi thức, trò chơi, hội lễ… đều có thể góp phần vào nghệ thuật biểu diễn. Đặc điểm quan trọng của nghệ thuật biểu diễn dân gian thể hiện ở chỗ nó là một chỉnh thể bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng và gần gũi với nhau là hát và múa: hát biểu hiện giai điệu, âm thanh, còn múa biểu hiện tiết tấu, nhịp điệu [54, tr. 114].

Có thể kể ra rất nhiều loại hình hát, múa thuộc nghệ thuật biểu diễn dân gian: hát xẩm, hát xoan, hát quan họ, hát ví dặm…; múa xòe vòng của người Thái, múa lâm thôn của người Khmer, múa cờ lệnh (hội Gióng) của người Việt, múa quạt của người Chăm, múa sạp của người Mường…

* Tri thức dân gian

Tri thức dân gian bao gồm: Tri thức về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu…); tri thức về con người (bản thân): y học dân gian và dưỡng

sinh dân gian; tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất).

Theo quan niệm của giới Folklore học thì văn hóa dân gian là kho tàng tri thức và toàn bộ giá trị tri thức của dân chúng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tri thức với nghĩa rộng là tổng giá trị sáng tạo văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của con người, trong đó có các thành tố văn hóa dân gian (văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, trò diễn…). Quá trình phát triển tư duy tri thức của con người đồng thời cũng là quá trình sáng tạo tri thức dân gian trên nhiều lĩnh vực. Trong trường hợp này, tri thức dân gian được hiểu theo nghĩa hẹp, bao gồm: cách ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, thời tiết, thời vụ… Tri thức dân gian phát triển, luôn gắn với đặc điểm môi trường, từ đó tạo ra những đặc trưng riêng của từng tộc người, từng vùng miền. Những đặc trưng đó được thể hiện qua cách ăn, mặc, ở…, cho nên, mỗi tộc người đều có dấu ấn riêng của mình.

Tri thức dân gian được thể hiện qua các loại đồ dùng để phục vụ con người trong cuộc sống, trong lao động, mà mỗi loại ấy có vai trò tác động tới sự sinh tồn của chính con người. Mặt khác, yếu tố môi trường thiên nhiên cũng có vai trò không nhỏ cho sự phát triển tri thức dân gian. Chính môi trường tự nhiên đã tác động vào bộ não, vào sự vận động của tư duy, tri thức để thích nghi, ứng xử, tận dụng và đối phó với tự nhiên.

… việc ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh của con người cũng chính là thích nghi, ứng xử, đáp ứng nhu cầu của bản thân. Đồng thời, con người cũng thích nghi, ứng xử, đối phó với môi trường tự nhiên để sáng tạo ra cách ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh phù hợp với từng hòan cảnh cụ thể. Cái gì có lợi thì tận dụng tối đa, cái gì bất lợi thì phải đối phó, chống đỡ, do vậy, khi tri thức càng phát triển thì con người càng có điều kiện biến cái phải đối phó trở thành cái tận dụng thuận lợi [54, tr. 580].

Tri thức dân gian có vai trò quan trọng trong cuộc sống lao động, chiến đấu với thiên nhiên, với bệnh tật của con người. Tri thức dân gian cũng nhằm mục tiêu vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đó là: ăn ngon, mặc đẹp, sống khỏe để phát triển toàn diện, để hưởng thụ giá trị vật chất và tinh thần do chính con người tạo dựng nên.

* Tín ngưỡng, phong tục, lễ hội

Thứ nhất, là tín ngưỡng dân gian.

Tín ngưỡng dân gian là loại hình tín ngưỡng do chính nhân dân - trước hết là những người lao động sáng tạo ra trên cơ sở những tri thức phản ánh sai lạc dưới dạng kinh nghiệm cảm tính từ cuộc sống thường nhật của bản thân mình [75, tr. 8].

Dựa vào các cơ sở: (1) đặc trưng và thực chất của tôn giáo, tín ngưỡng; (2) tôn giáo, tín ngưỡng là một hiện tượng xã hội; (3) tôn giáo, tín ngưỡng mang tính lịch sử và kế tục lịch sử; (4) tính tương quan giữa các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng, các nhà khoa học đã phân loại thành các hình thức tín ngưỡng sau:

1/ Thờ cúng tổ tiên (gia tộc, dòng họ, quốc gia), tô tem giáo.

2/ Tín ngưỡng vòng đời người: nghi lễ sinh đẻ (thờ bà Mụ…); nghi lễ cưới xin (thờ ông Tơ, bà Nguyệt…); thờ thần bản mệnh; tang ma và thờ cúng người chết.

3/ Tín ngưỡng nghề nghiệp: tín ngưỡng nông nghiệp (nghi lễ phồn thực; Tứ pháp; thần Nông…); thờ Thánh sư (Tổ nghề thủ công); thờ Thần tài (nghề buôn); các tín ngưỡng của ngư dân (thờ cá Ông, thờ Cô bác…)

4/ Tín ngưỡng thờ thần: Thành hòang làng, thổ thần, thổ công, thổ địa…; Đạo Mẫu; Thờ các anh hùng dân tộc [99, tr. 17].

Các tín ngưỡng dân gian bao giờ cũng có một hệ thống chuẩn quan niệm bất thành văn đòi hỏi người có niềm tin vào nó phải thực hiện. Trên ý nghĩa nhất định, đó là những chuẩn mực sống, ứng xử của nền đạo đức

tương ứng. Những chuẩn mực của tín ngưỡng dân gian không những có giá trị giáo dục to lớn đối với người có đức tin, mà trong nhiều trường hợp, còn là những đòi hỏi, những chuẩn mực chung của toàn xã hội. Trong không ít trường hợp, tín ngưỡng dân gian không chỉ sản sinh ra các quan niệm đạo đức, mà còn có khả năng điều hành việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức đó.

Nếu các chuẩn mực đạo đức đòi hỏi mỗi công dân tự nguyện thực hiện và dư luận xã hội đóng vai trò khuyến khích hoặc trừng phạt đối với những vi phạm, thì tín ngưỡng dân gian lại thực hiện sự trừng phạt đó mang tính thần bí. Sự vi phạm những răn dạy về đạo đức sẽ bị trừng phạt của thần thánh, của thượng đế tối cao, của luật đền bù nhân quả, do vậy, tín ngưỡng dân gian có vai trò không nhỏ trong việc điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, đòi hỏi họ phải thực hiện nghĩa vụ đạo đức, nhờ thế con người sống với nhau tốt đẹp hơn, cuộc sống cộng đồng cũng tốt đẹp hơn [75, tr. 18].

Thứ hai, là phong tục dân gian.

“Phong” là nền nếp đã lan truyền rộng rãi, “Tục” là thói quen lâu đời. Nội dung phong tục bao hàm mọi mặt sinh hoạt xã hội.... Phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ, nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất.

Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương, tầng lớp xã hội hay thậm chí một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại: hệ thống phong tục liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ và lên lão...; hệ

thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kỳ thời tiết trong năm; hệ thống phong tục liên quan đến chu kỳ lao động của con người... Phong tục có thứ trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân một cách bền chặt, có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, có rất nhiều thuần phong mỹ tục cần thiết cho đạo lý làm người, kỷ cương xã hội.

Thứ ba, là lễ hội dân gian.

Theo cách hiểu chung nhất, lễ hội là nơi sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng (có nhiều người tham gia), song, thực chất, khái niệm “lễ hội” bao

hàm trong nó hai nội dung Lễ Hội. Lễ là phần nghi lễ mang tính tôn giáo,

có tính cách tôn nghiêm để tưởng niệm, tưởng nhớ công lao, sự tích, chủ thể mà lễ hội đó đề cập đến; Hội là phần liên hoan, tổ chức các trò chơi dân gian giải trí cho cộng đồng, cho những người tham gia “lễ” như: vật, võ, đua thuyền, múa, đánh đu, chọi gà, cờ ném, ném còn... Trong lễ hội, phần lễ là phần gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phái sinh, tích hợp.

Lễ hội dân gian là một sản phẩm và biểu hiện của một nền văn hóa, tham gia lễ hội cũng là cách ứng xử văn hóa của một con người hay một cộng đồng người nhất định nào đó. Thông qua lễ hội, chúng ta có thể thấy được những bối cảnh sinh thái nhân văn của một tộc người (không gian lễ hội: đồi, thung lũng, hang động, bờ sông, cánh đồng…), có thể thấy những quần thể sinh - động vật trong lễ hội (cây nêu, trâu, bò, lợn, gà…), có thể hiểu được chủ thể của lễ hội (cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xóm, vùng, tộc người…), cũng có thể hiểu được loại hình của lễ hội (mùa xuân, nông nghiệp, phồn thực, huyền thoại, huyền tích, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng…), và hiểu được điển tích của lễ hội (tổ tiên, tổ nghề, anh hùng dân tộc…).

Lễ hội dân gian mang rất nhiều giá trị: là dịp biểu dương sức mạnh cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng; lễ hội bao giờ

cũng hướng về nguồn, gắn với hành hương - du lịch; lễ hội thuộc về phạm trù cái “thiêng” của đời sống tâm linh, đối lập và cân bằng với cái trần tục của đời sống hiện thực; lễ hội thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân bản sâu sắc bởi nó là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa của cộng đồng; lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc ấy [99, tr. 342-345].

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)