dục để nhân dân hiểu rõ những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội và tín ngưỡng dân gian
Chúng ta đều biết rằng, các biện pháp quản lý hành chính có tác dụng hạn chế trong việc tác động đến hành vi người dân tham gia vào các lễ hội hay hoạt động tín ngưỡng dân gian, thậm chí, đôi khi dẫn đến những phản tác dụng như càng cấm đoàn thì càng có nhiều người làm theo, làm “chui”, khiến Nhà nước vừa không kiểm soát được, vừa “chịu tiếng” là vi phạm nguyên tắc tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền tự do cá nhân, vì vậy, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thông qua dư luận xã hội là biện pháp ưu tiên hàng đầu.
Chúng ta cần nâng cao ý thức của mọi người tham gia lễ hội để người dân đến với lễ hội là đến với không gian văn hóa tinh thần, với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, với tâm thức hướng về cội nguồn, ghi lòng tạc dạ công ơn tổ tiên, ý thức giống nòi, tình cảm yêu nước chứ không chỉ để cầu lộc, cầu danh.
Cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội và tín ngưỡng, trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng hiện nay. Bên cạnh đó là việc khôi phục lại các trò chơi, trò diễn có nhiều giá trị văn hóa trong lễ hội và tín ngưỡng. Phải hiểu được ý nghĩa, giá trị của lễ hội và tín ngưỡng, hiểu được thế nào là thuần phong mỹ tục, là truyền thống thì người dân mới có ý thức gìn giữ và phát huy vốn tinh hoa văn hóa đó.
Cùng với các hoạt động trên, cần tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng phòng ngừa những hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội khác sống ký sinh trong lễ hội và tín ngưỡng... Một trong những biện pháp nhằm bài trừ nạn mê tín dị đoan là nâng cao mặt bằng dân trí xã hội. Vì vậy, trang bị thông tin cho người dân, nâng cao hiểu biết cho họ là một trong những giải pháp để bài trừ những tệ nạn này. Ví dụ, nếu người dân có ý thức hơn trong việc đốt vàng mã, coi xem bói toán là điều nhảm nhí thì việc ngăn cấm những tệ nạn này sẽ giảm bớt khó khăn. Tước bỏ đi yếu tố mê tín, dị đoan, tôn giáo hóa, thần thánh hóa trong các lễ hội, tín ngưỡng dân gian bằng cách tuyên truyền giáo dục, để người dân hiểu rằng người Việt xưa đã thần thánh hóa, ma thuật hóa những nhân vật có thật trong lịch sử, nhiều vị thành hòang làng là những vị anh hùng dân tộc, vị tổ sư của ngành nghề nhưng được dân làng thần thánh hóa...
Là lĩnh vực thuộc ý thức con người, mang tính trừu tượng, ranh giới giữa tín ngưỡng dân gian và tệ nạn mê tín rất mong manh, khó phân biệt rạch ròi. Để đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, việc trước hết, có ý nghĩa lâu dài là tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ những ý nghĩa, giá trị văn hóa đích thực của tín ngưỡng dân gian, kiên quyết đấu tranh phát hiện, xử lý nghiêm các hiện tượng mê tín, dị đoan. Quản lý chặt việc xuất bản các loại tài liệu, sách báo có nội dung
tuyên truyền về tín ngưỡng dân gian truyền thống, không để lọt những ấn phẩm, nội dung phổ biến tư tưởng mê tín, dị đoan...
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, lễ hội ồ ạt được phục dựng dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Nhưng dù phục dựng hay biến tấu thì có một điều không bao giờ thay đổi ở lễ hội - đó là tính thiêng, người dự lễ hội có niềm thành kính hướng về tổ tiên. Điều này đặc biệt quan trọng và kiểm soát hành vi ứng xử của những người đi hội với nhau. Nếu hướng về các bậc tiền nhân, thấy thiêng liêng khi đến nơi cửa Phật, cửa đền thì con người sẽ sợ, không dám ngồi lên di tích, không dám ăn mặc hở hang, không dám “chặt chém” du khách, không dám có hành vi bạo lực...
Để công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hiểu rõ những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội và tín ngưỡng dân gian, thiết nghĩ, cần xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh và tăng cường giáo dục ý thức pháp luật cho mọi thành viên.
Chúng ta biết rằng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi thành viên trong xã hội là một nhiệm vụ có quan hệ khăng khít với việc xây dựng nhân sinh quan mới. Bởi vì, khả năng phát triển nhân sinh quan theo xu hướng tích cực không phải tự nhiên mà có, hay được thực hiện một cách tự động, mà cần phải đấu tranh với những thói hư tật xấu bằng hình thức pháp luật, buộc cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, lối sống của mình. Cho nên, việc xây dựng nhân sinh quan mới là sự kết hợp một cách tổng thể giáo dục và thi hành pháp luật. Nếu chỉ áp dụng thuần tuý phương pháp giáo dục, tuyên truyền sẽ không thắng nổi sức mạnh của tập quán, của sự thờ ơ, của tính kỷ luật kém, coi thường và phớt lờ dư luận. Nếu không dựa vào những biện pháp pháp luật sẽ không tác động được đến ý thức công dân, đến lối suy nghĩ của con người trong quá trình xây dựng nhân sinh quan mới và đấu tranh với những hành vi đối lập.
Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa giao tiếp, làm cho mỗi con người tuân thủ những chuẩn mực và quy tắc một cách tự nhiên và dần dần trở thành thói quen, trở thành một nhu cầu tinh thần trong mỗi con người là yếu tố không kém phần quan trọng.
Cùng với việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, chúng ta còn phải chú ý đẩy mạnh tăng cường ý thức xây dựng nếp sống, lối làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là đòi hỏi tất yếu cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay. Việc giáo dục pháp luật cho mọi công dân trong xã hội là nhằm nâng cao nhận thức, trau dồi thái độ, tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin đối với pháp luật; hình thành thói quen, xử sự đúng đắn, văn hóa, hợp pháp của công dân; xây dựng công luận, dư luận xã hội lành mạnh, khắc phục sự thờ ơ về chính trị, về pháp luật, tính vô tổ chức, vô kỷ luật.
Việc tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội và tín ngưỡng được xem là biện pháp hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội, văn hóa tín ngưỡng trong đời sống hôm nay. Bởi lẽ, phải giúp người dân hiểu đúng các giá trị nhân sinh tốt đẹp từ lễ hội và tín ngưỡng truyền thống mới có thể thúc đẩy họ tham gia lễ hội và hoạt động tín ngưỡng một cách tự nguyện, đúng tinh thần. Đồng thời, khi tham gia lễ hội và tín ngưỡng dân gian vì mục đích nhân sinh tốt đẹp, chính họ lại là người có ý thức bảo lưu và giữ gìn cho các thế hệ tiếp sau. Ví dụ, nếu chúng ta giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội đền Gióng nhằm ngợi ca tinh thần yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng thì khi tham dự lễ hội, người dân sẽ hòa mình vào không khí “thiêng” của lễ hội, cảm nhận được sự tự hào, trỗi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, chứ không phải đến lễ hội để “xin lộc, cầu phước” từ ông Thánh Gióng.