một số lễ hội và tín ngưỡng dân gian
Nhìn trên tổng thể xã hội, nhân sinh quan truyền thống của người Việt qua một số lễ hội và tín ngưỡng dân gian có nhiều điểm tích cực cần được tiếp tục duy trì và phát huy:
Thứ nhất, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức quốc gia, lối
sống đề cao tính cộng đồng, tập thể của người Việt có mặt tích cực là coi trọng tình làng nghĩa xóm, đề cao tinh thần đoàn kết, hòa thuận, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không chấp nhận lối sống hờ hững, vô trách nhiệm. Lối sống cộng đồng này góp phần kìm hãm và hạn chế những biểu hiện của bệnh vô cảm, của sự cạnh tranh một cách ghẻ lạnh trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, đồng thời tạo nên sức mạnh của sự thống nhất cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết, của tính cộng đồng đã được Hồ Chí Minh khái quát lại trong một nhận định về người Việt Nam như sau:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước [69, tr.171].
Thứ hai, tinh thần hiếu học là một trong những giá trị truyền thống quý
báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đó chính là tinh thần quả quyết, tính kiên trì, nhẫn nại và ham học hỏi. Sự hiếu học ấy đã tạo điều kiện sản sinh nhiều bậc anh tài, các trung thần, những anh hùng dân tộc…, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng và kiến thiết nước nhà.
Hơn nữa, hiếu học không phải chỉ để được vinh thân mà hiếu học là để có cơ hội tham gia vào việc nước. Người có học được gọi là “sĩ”, chữ Sĩ (viết theo Hán tự) được diễn tả như một người đứng bằng chân trên mặt đất, đầu
đội trời, dang rộng hai tay, gánh vác việc đời, việc nước. Làm trai vì nước
quên nhà/Nước kia có vẹn thì nhà mới yên - đấy chính là mục đích của sự học.
Như vậy, sự hiếu học của người Việt cũng là sự thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần vì cộng đồng.
Hiếu học còn là biểu tượng của ý chí và khát vọng vươn lên thoát khỏi
cái đói nghèo, thoát khỏi sự kém hiểu biết: Làm trai cố chí học hành/Lập nên
công nghiệp để dành mai sau; Làm người mà được khôn ngoan/Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay/Nghề gì đã có trong tay/Mai sau rồi cũng có ngày ích
to… Những tấm gương hiếu học thật sự là những con người đáng được tôn
vinh và học tập, vì họ là những người dám thực hiện ước mơ của mình.
Thứ ba, trong quan hệ hôn nhân - gia đình, người Việt truyền thống rất
trọng chữ “chung” (chung thủy), chữ “tình” (tình nghĩa), trong đời sống xã hội, người Việt đề cao chữ “trung” (trung tín) trong quan hệ xã hội, làm ăn, hợp tác..., trọng lối sống nghĩa tình, đôi khi, chữ tình đã vượt lên trên cả lý lẽ, luật pháp. Hiện nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển, đặc biệt, khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, giao thương với các nền kinh tế tư bản, lúc này “Lý” sẽ áp đảo “Tình”. Trong điều kiện đó, truyền thống coi trọng “Tình” có vẻ không còn phù hợp nữa, nhưng chúng ta vẫn cần phải dung hòa làm cho “Lý” không trở thành thái quá để dẫn đến “vô tình, vô cảm”, thành con người “duy ngã”, ích kỷ; làm cho chữ “Tình” trong thời hiện đại không yếm thế,
biến con người thành yếu đuối, nhu nhược, ba phải. Việc thiên về Lý hướng
đến sự phát triển; còn Tình sẽ làm cho sự phát triển diễn ra hài hòa, bền vững.
Như vậy, chúng ta vẫn duy trì và giữ gìn được bản sắc và “làm mới, hiện đại hóa” nó cho phù hợp với điều kiện, hòan cảnh.
Thêm nữa, việc coi trọng Tình sẽ làm cho việc áp dụng luật pháp uyển chuyển, linh hoạt theo từng địa phương, từng vùng. Luật pháp, dù được xây dựng trên đời sống thực tế, nhưng nó vẫn là “từ ngoài vào, từ trên xuống” áp đặt người dân phải theo, nó vẫn có tính chất lý trí, cứng nhắc, máy móc, không uyển chuyển và nhiều khi không tương thích với những hòan cảnh riêng của từng người dân, từng địa phương. Do đó, người Việt truyền thống đã điều hòa luật pháp của nhà nước (triều đình) bằng Hương ước, bằng tục lệ của làng để có cuộc sống phong lưu, thoải mái và tự tại hơn. Tục “phép vua thua lệ làng” xưa và nay, không có nghĩa là coi thường kỷ cương, phép nước mà phép nước ấy, luật pháp ấy cần phải uyển chuyển, linh hoạt và phù hợp với tâm lý, lối sống của con người. Có như vậy, luật pháp ấy, chủ trương ấy mới đi vào cuộc sống một cách dễ dàng, khả thi hơn, bằng không, nó sẽ gặp phải sự kháng cự mãnh liệt, rốt cục, sẽ trở thành không khả thi, không đi được vào đời sống xã hội và người dân.
Thiết nghĩ, triết lý nhân sinh duy tình của người Việt vẫn có những mặt tích cực của nó trong mọi mối quan hệ xã hội, dù xã hội phải vận hành theo hướng duy lý, song vẫn rất cần xem xét đến yếu tố tình cảm để con người và xã hội không trở thành một cỗ máy biết nói, biết tư duy. Và duy “Tình”, duy “Tâm” sẽ là nhân tố cơ bản đánh thức thế giới nội tâm, thế giới vô thức trong mỗi con người để họ không trở nên vô cảm trước tha nhân (cả giới tự nhiên và cuộc sống cộng đồng), không đánh mất nhân tính.
Thứ tư, tư tưởng đề cao, coi trọng vai trò của người phụ nữ từ truyền
thống ngàn đời đã góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh cho “nữ quyền”, tiến tới thực hiện “bình đẳng giới”.
Nếu như trước đây, người phụ nữ luôn phải khuôn mình theo đạo “tam tòng”, địa vị vợ chồng được phân định rõ ràng: “phu vi thê cương”, “phu xướng phụ tùy”, và người phụ nữ mặc nhiên chấp nhận, chỉ biết suốt đời bó
mình trong ngôi nhà với những công việc bếp núc, phụ thuộc vào người chồng... thì dần dần, theo sự biến đổi của lịch sử, vai trò của người vợ đã được “cải thiện” đáng kể. Người phụ nữ được thể hiện năng lực, được tạo điều kiện học hành, phấn đấu, được tham gia công việc xã hội và giữ trọng trách trong các tổ chức, đoàn thể. Thậm chí, trong nhiều gia đình, người vợ trở thành trụ cột kinh tế, sự nghiệp thành đạt, thăng tiến hơn người chồng.
Với truyền thống “trọng nữ” của cha ông ta trong lịch sử, người phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tham gia phòng chống tệ nạn xã hội; thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân… Có thể nói, vai trò của phụ nữ Việt Nam được thể hiện ngày càng sâu sắc và có những đóng góp quan trọng trong thành tựu của cách mạng Việt Nam.
Thứ năm, khát vọng phồn thịnh của dân tộc khiến tư duy người Việt trở
nên thực tế, có ý chí vươn lên, có khát vọng làm giàu. Với quan niệm “phù thịnh không phù suy”, người Việt luôn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên trong bất kỳ hòan cảnh nào. Dù xuất thân thế nào, gia cảnh ra sao, người Việt vẫn nuôi hòai bão học hành đỗ đạt, thành tài, góp phần báo hiếu cha mẹ, vinh danh dòng tộc và cống hiến cho xã hội. Lối sống cũng trở nên thực tế, họ cần
cù lao động, chăm chỉ học hành xây dựng sự nghiệp: Con ơi muốn nên thân
người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/Gái thì dệt gấm thêu hoa/Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa/Trai thì đọc sách ngâm thơ/Dùi mài kinh sử để chờ
kịp khoa/Nửa mai nối được nghiệp nhà/ Trước là đẹp mặt sau là hiển vinh.
Thực tế đã chứng minh, những mảnh đất càng khó khăn, nghèo khổ, càng sản sinh ra những người con ưu tú, tài giỏi. Những con người biết vượt qua hòan
cảnh để vươn lên mạnh mẽ, có lẽ, cũng do thừa hưởng khát vọng “phồn thịnh” từ ngàn đời của cha ông ta.
Từ lối tư duy thực tế, biết vươn lên làm giàu đã góp phần tạo nên lối sống cần cù, tiết kiệm của người Việt truyền thống. Cần cù được coi là một trong những đức tính điển hình của người Việt, nói như cố giáo sư Trần Văn Giàu “cần cù đến mức anh hùng tột bậc” [29, tr. 165]. Từ xưa đến nay, người Việt vẫn coi trọng đức tính cần cù, tiết kiệm, đề cao nó đến độ “cần cù bù thông minh”, “năng nhặt chặt bị”, “tích cốc phòng cơ”, “buôn tầu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Lối sống tiết kiệm góp phần ổn định đời sống kinh tế gia đình, xã hội trong điều kiện đất nước còn khó khăn, rèn luyện cách sống biết quý trọng sức lao động, chống lối sống xa hoa, lãng phí theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, “vung tay quá trán”, “ném tiền qua cửa sổ”...
Nhìn chung, với tư duy “phù thịnh”, người dân lao động Việt Nam đã hình thành một phong cách sống rất thực tế: cần cù trong lao động, sẵn sàng bằng sức lao động bền bỉ để cải tạo thiên nhiên; tiết kiệm trong tiêu dùng, tằn tiện tích luỹ để tái đầu tư, mở rộng sản xuất; quý trọng ruộng đất; có nguyện vọng thiết tha với cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có khát vọng vươn đến tự do và công bằng xã hội...
Thứ sáu, lối sống hòa đồng với thiên nhiên khiến người Việt trở nên
gần gũi, thích nghi với sự biến thiên thất thường của thiên nhiên và duy trì nền nông nghiệp lúa nước khá thịnh vượng và phát triển. Khi người Việt đã biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo đến một mức độ nhất định đối với tự nhiên, người Việt trở nên kiên cường hơn, tính cách linh hoạt, lối sống năng động hơn trước những biến đổi của thiên nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai, lựa theo tự nhiên mà sản xuất và mưu sống.
Lối sống hài hòa với giới tự nhiên cũng tạo cho người Việt truyền thống những đức tính ôn hòa, nhã nhặn, khiêm nhường. Khiêm tốn, nhún nhường hạ mình, nên dân tộc Việt cũng được xem là một dân tộc biết lấy
khiêm nhu làm hậu thuẫn, thắng mà không kiêu căng, thắng xong lại lo cầu hòa, đó là nghệ thuật ôn nhu khôn khéo của nước nhỏ đối với nước lớn, biết làm chiến thuật Tâm công (đánh vào lòng người, không chiến trận mà địch vẫn thua). Lối sống ấy khiến cho cha ông chúng ta qua các triều đại
đều rất coi trọng chữ Hòa trong kế sách trị quốc và ngoại giao. Trong ba
yếu tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, đạo trị quốc, trước hết, phải lấy việc
nhân hòa làm đầu, dân là gốc của nước, có dân tâm, sĩ khí, ắt thay đổi được
thời cuộc.
Tất cả những giá trị tích cực trong nhân sinh quan truyền thống của người Việt, cho đến nay, vẫn là những giá trị chung của cộng đồng, làm nên cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, người Việt.
Nhân sinh quan mới của con người Việt Nam hiện nay không chỉ là sự kế thừa và phát huy nhân sinh quan truyền thống mà còn là điều kiện tồn tại của nhân sinh quan truyền thống và bổ sung nhân sinh quan truyền thống. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đã hình thành nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, sự tồn tại của chúng trong lối sống hiện đại thể hiện tính liên tục của nhân sinh quan và bản sắc văn hóa của con người Việt Nam. Hơn nữa, trong lối sống của con người Việt Nam mà chúng ta xây dựng để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập phải là: dân tộc, hiện đại, văn minh. Để làm được điều đó, chúng ta phải biết khơi dậy và phát huy hiệu quả những giá trị tích cực của nhân sinh quan truyền thống như: lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, đoàn kết, tương thân tương ái, hiếu học, trọng tình trọng nghĩa...