Lối sống “hòa mình” với tự nhiên qua tín ngưỡng thờ nhiên thần

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 97)

Sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của con người. Với người Việt Nam sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, thì sự gắn bó với tự nhiên lại càng dài lâu và bền chặt. “Nhận thức được các sức mạnh tự nhiên đến từ bầu trời, từ trong lòng đất và từ sông nước, người Việt Nam thời cổ chủ trương hòa hợp và kêu gọi sự trợ giúp của tự nhiên bằng việc tôn thờ các sức mạnh đó” [11, tr. 44].

Tín ngưỡng thờ nhiên thần của người Việt vô cùng phong phú và đa dạng, các đối tượng được tôn thờ trong loại hình tín ngưỡng này có thể kể đến:

Trước hết, đó là Bà Trời, bà Đất, Bà Nước - những nữ thần cai quản các hiện tượng tự nhiên, quan trọng nhất, thiết thân nhất đối với cuộc sống của người làm nông. Về sau, tuy do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa gốc du mục nên có thêm Ngọc Hòang, Thổ Công, Hà Bá, song tục thờ bộ ba nữ thần này vẫn lưu truyền trong dân gian dưới dạng tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ.

Tiếp theo là các thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp - những hiện tượng tự nhiên có vai trò hết sức to lớn trong cuộc sống của cư dân nông nghiệp lúa

nước. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, nhóm nữ thần này được nhào nặn thành hệ thống Tứ Pháp: Pháp Vân (thần Mây) thờ ở chùa Bà Dâu, Pháp Vũ (thần mưa) thờ ở chùa Bà Đậu, Pháp Lôi (Thần Sấm) thờ ở chùa Bà Tướng, Pháp Điện (Thần Chớp) thờ ở chùa Bà Dàn (các chùa này đều thuộc tỉnh Bắc Ninh) [3, tr. 133-134].

Thờ sơn thần là một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam, thể hiện thành một hệ tương đối thống nhất - đó là hệ Sơn Tinh - Tản Viên. Ở Việt Nam, Tản Viên được người Kinh và người Mường thờ cúng ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở khu vực núi Ba Vì - vùng đất gốc của hệ sơn thần ở nước ta.

Là một trong những vị thần sáng giá nhất của thần điện người Việt, Tản Viên Sơn thần hội tụ hầu hết các đặc điểm cơ bản của loại hình thờ cúng bách thần ở Việt Nam... Sơn Tinh cũng là vị thần có nhiều công tích nhất ở Việt Nam, từ đánh giặc ngoại xâm, trị thủy thiên nhiên đến dạy nghề cho dân chúng, nên được gọi là “ông tổ trăm nghề”, cũng là vị thần đa dạng nhất và phong phú nhất về huyền thoại và thần tích [23, tr.107].

Trong mảng tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên còn có việc thờ động vật. Rắn là loài phổ biến hơn cả ở vùng sông nước, do vậy, thuộc loại động vật được sùng bái hàng đầu ở Việt Nam.

Trong văn hóa dân gian của người Việt ở đồng bằng sông Hồng, rắn là một hình tượng phổ biến và có sức ám ảnh mạnh mẽ nhất. Có thể thấy tục thờ rắn ở các đền dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống... và qua các di tích, lễ hội... Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và cả vùng Tây Nam Bộ. Nhìn chung, tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, hình tượng rắn đã được đồng hóa với nước, thủy thần

và đi vào tâm thức dân gian từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên [51, tr. 77-78].

Có thể nói, tín ngưỡng thờ nhiên thần khá phổ biến trong các cộng đồng người Việt, song lưu truyền và giữ được nét độc đáo phải kể đến những hình thức thờ thần tự nhiên của đồng bào các dân tộc ít người miền núi phía Bắc.

Mỗi dân tộc đều có tập tục truyền thống riêng, họ coi đó là lẽ sống, là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Người Tày, Nùng ở xóm Lũng Túng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng có phong tục thờ thần cây, thần rừng. Từ xa xưa, người Tày, Nùng khi tìm đất lập bản thường tìm đến dưới chân núi có nhiều cây to làm nhà. Theo quan niệm phong thủy của bà con, làm nhà phải tựa lưng vào núi; rừng nhiều cây to sẽ có khe nước chảy phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Dựa vào rừng và sống dưới rừng nên họ quan niệm rừng, cây là vị thần bảo vệ cuộc sống bản làng. Vì vậy, nhiều bản làng người Tày, Nùng lập miếu thờ thần rừng, thần cây ngay đầu bản và có hương ước bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Hằng năm, vào dịp tết, lễ, cả bản làm lễ cúng tạ ơn thần rừng, thần cây đã bảo vệ bản làng, cầu xin các vị thần cho mưa thuận gió hòa, không bị thiên tai… [30].

Đối với người Mường, đá lại là vật linh được tôn thờ khá nhiều. Người Mường thường thờ những hòn đá có hình thù kỳ lạ, liên tưởng đó là các vị thần, thánh đã giúp con người chinh phục thiên nhiên. Người dân tộc Mường ở Cao Phong (Hòa Bình) ngày nay vẫn còn tồn tại truyền thuyết về thần đá. Bấy giờ, khi khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, người dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông. Hôm sau, hòn đá lại trở về chỗ cũ một cách kỳ lạ. Người dân tiếp tục đẩy xa hơn nữa nhưng sự lạ vẫn tiếp diễn trong nhiều ngày. Theo lời thầy cúng, người dân bèn mang đá về thờ. Từ đó, cuộc sống được thần đá phù hộ, khiến mưa thuận gió hòa. Tục thờ thần đá

của người Mường mang ý nghĩa cầu mùa màng tốt tươi, thiên thời địa lợi cho sản xuất và sinh hoạt của con người [108].

Nhìn chung, tín ngưỡng thờ nhiên thần của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta có thể coi là những giá trị văn hóa độc đáo cần được bảo tồn và gìn giữ. Theo thời gian, các loại hình tín ngưỡng của đồng bào có sự thay đổi, thích nghi với hòan cảnh song vẫn giữ nguyên ý nghĩa nhân sinh quan, vũ trụ luận của người xưa về cuộc sống, nhất là quan niệm về sự gắn bó giữa con người với tự nhiên - đó là những bài học mà người Kinh chúng ta cần tìm hiểu và học hỏi.

Tín ngưỡng thờ nhiên thần của các cộng đồng người Việt thể hiện một triết lý sống hài hòa giữa con người với giới tự nhiên. Triết lý ấy có căn nguyên từ đâu? Vì sao người Việt lại tôn sùng tự nhiên đến như vậy? Có thể lý giải từ các khía cạnh sau đây:

Một là, với một đất nước nông nghiệp nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam, điều kiện tự nhiên đóng vai trò quyết định đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Về điều kiện thuận lợi, nền nhiệt ẩm cao, khí hậu phân mùa tạo điều kiện phát triển nền nông nghiệp lúa nước, tăng vụ, đa dạng hóa, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi,… Song bên cạnh đó là những khó khăn do tính chất của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa: các hoạt động giao thông vận tải, khai thác tài nguyên… chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự phân mùa khí hậu, chế độ nước của sông ngòi. Độ ẩm cao gây khó khăn cho việc bảo quản công cụ, nông sản. Các hiện tượng thời tiết bất thường như giông, lốc, mưa đá, sương muối, rét hại, khô nóng… ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Các thiên tai như mưa bão, lũ lụt, hạn hán gây tổn thất rất lớn cho sản xuất, thiệt hại về người và tài sản. Tất cả những “diễn biến” của thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, vì thế,

đối với họ, giới tự nhiên càng “thuần”, càng “hiền” (không gây thiên tai) thì càng thuận lợi cho cuộc sống của họ, do vậy, từ trong tâm thức, họ luôn mong cầu thiên nhiên mưa thuận gió hòa để họ có thể yên tâm làm ăn, sinh

sống: Trông trời trông đất trông mây/Trông mưa trông nắng trông ngày

trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/Trời im bể lặng mới yên tấm lòng; Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát

cơm/Lấy rơm đun bếp... Từ đó, nảy sinh nhu cầu tôn thờ những “vị thần”

thuộc giới tự nhiên.

Hai là, với một nền kinh tế thuần nông, tương đối lạc hậu, công cụ lao động thô sơ nên người Việt xưa chưa biết cải tạo tự nhiên mà chủ yếu nương tựa vào tự nhiên, “sống” nhờ vào tự nhiên. Khi chưa biết trồng trọt, chăn nuôi, nguồn thức ăn sẵn có từ thiên nhiên cũng đủ nuôi sống con người thời đó, đấy là quả ngọt trên cành, là cá dưới sông, suối, là thỏ, sóc, hươu, nai trong rừng… Qua quá trình lao động (săn bắt, hái lượm), con người dần biết tạo ra công cụ lao động, dù rất thô sơ nhưng cũng giúp họ thuận lợi hơn trong việc mưu sống. Có thể nói, với điều kiện dân số trong lịch sử, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam khá dồi dào, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của con người. Do vậy, người Việt xưa coi giới tự nhiên chính là “nguồn sống” của mình, coi tự nhiên như là người bạn thân thiết, gắn bó chặt chẽ với mình, từ đó mà có thái độ “hòa”, “tuân phục”, “phục tùng” giới tự nhiên, tạo nên thế ứng xử “hòa mình” với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên của người

Việt: Gió thổi là chổi trời; Địa linh nhân kiệt; Ăn ở xởi lởi thì trời cởi cho/Ăn

ở quanh co trời gò của lại; Ơn trời mưa nắng phải thời/Nơi thì bừa cạn nơi thời cày sâu/Công ơn chẳng quản bao lâu/Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm

vàng/Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

Ba là, lối sống hòa mình với thiên nhiên được thể hiện qua tín ngưỡng thờ nhiên thần còn có thể được lý giải bởi sự ảnh hưởng của các hệ tư tưởng,

các lý thuyết tôn giáo phương Đông đến tư duy người Việt. Những quan niệm

về con người - giới tự nhiên trong Tam giáo đã ảnh hưởng đến tư duy người

Việt về mối liên hệ của họ với thiên nhiên.

Lý thuyết “đạo” của Lão Tử dạy rằng: con người không bao giờ được quên, trong quá trình lao động của mình, không được sử dụng thiên nhiên một cách tùy tiện, bắt nó phục tùng ý muốn của mình một cách không giới hạn như thể nó không có những yêu cầu riêng. Khi hành động như thế, con người đã phản lại thiên nhiên, hành hạ nó hơn là chinh phục và chế ngự nó. Vì thế, phải tôn trọng quy luật của giới tự nhiên, không chế ngự và can thiệp quá sâu vào thiên nhiên dẫn đến phá hỏng sự cân bằng của vũ trụ, trời đất và vạn vật... [38, tr.58].

Nho giáo chủ trương giáo hóa con người phải tôn trọng tự nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên thì thiên nhiên cảm ứng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được no đủ, do đó, các bậc quân vương thay trời trị dân, phải sửa mình, tu thân tích đức để cảm hóa lòng trời sao cho thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì nghiệp đế vương mới vững bền, muôn dân được sung túc, no đủ: “đứng đắn thì mưa phải thời, an ổn thì nắng phải thời, mưu trí thì lạnh phải thời, thánh minh thì gió phải thời” hay “ngông cuồng thì mưa tuôn, tiêm loạn thì nắng luôn, uể oải thì ấm luôn, nóng nảy thì lạnh luôn, u mê thì

gió luôn” (Kinh Thư, Thiên Hồng phạm, Trù thứ 8) [48, tr. 402].

Quan điểm của Phật giáo về mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới bên ngoài (giới tự nhiên) mà Phật gọi là Nhân duyên (chư pháp tòng duyên sinh, chư pháp tòng duyên diệt/mọi vật sinh ra hay mất đi đều bởi nhân duyên) mang ý nghĩa: mọi hành vi đều gây các ra hậu quả tất yếu của nó, các hậu quả này trước hay sau sẽ quay ngược lại tác động vào chính chủ thể của hành vi ban đầu. Trong ứng xử với thiên nhiên, mà Phật gọi là tha nhân (xem như là một tồn tại khác cùng con người) cũng cần phải chú trọng đến luật Nhân - Quả: không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà

chúng phải nương tựa vào nhau, tồn tại hài hòa nhau. Vật này có, cho nên vật khác có, cái này không thì cái kia cũng không, vật này sinh, cho nên vật khác sinh, mà cái này diệt thì cái kia cũng diệt... [38, tr. 60].

Tất cả các lý thuyết tôn giáo ấy đã ảnh hưởng đến tư duy người Việt trong việc ứng xử với tự nhiên. Đó là lối sống hòa mình, tuân phục thiên nhiên, nương tựa vào thế giới tự nhiên trong quá trình sống, tồn tại, mưu sinh của người Việt.

Bốn là, do ảnh hưởng của triết lý Tam tài (Thiên - Địa - Nhân) mà người Việt luôn có xu hướng tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng quy luật phát

triển hài hòa của giới tự nhiên. Tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở

văn hóa Việt Nam nhận định: với lối tư duy tổng hợp và biện chứng quen

thuộc, người xưa sớm nhận ra rằng các cặp âm dương tưởng chừng riêng rẽ như trời - đất, trời - người, đất - người thực ra có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, tạo nên một mô hình hệ thống gồm ba thành tố. Trong tam tài “Trời - Đất - Người” này, Trời dương, Đất âm, còn Người ở giữa (âm so với Trời, nhưng dương so với Đất) [93, tr.62]. Nhìn sự vận động, phát triển trên mối quan hệ Trời - Đất - Người, trong đó con người là khâu trung gian nối Trời với Đất đã cho thấy tư duy “trung dung”, “chiết trung” của người xưa, luôn nhìn nhận sự vật hiện tượng một cách quân bình và linh động, có đấu tranh cho sự sinh sôi, mới mẻ, nhưng là đấu tranh để đi tìm sự thống nhất, hài hòa chứ không triệt tiêu cái đối lập. Học thuyết Tam tài góp phần làm cho tư duy người Việt cân bằng trong các mối quan hệ, từ đó hình thành nên lối sống “hài hòa” của con người với thế giới tự nhiên xung quanh mình.

Có thể nói, tư duy về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đã trang bị cho người Việt một sự nhận thức bước đầu về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó

để vượt lên trên, làm chủ và tự do trước thiên nhiên. Mặt khác, khi người Việt đã biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo đến một mức độ nhất định đối với tự nhiên, họ trở nên kiên cường, linh hoạt, năng động hơn trước những biến đổi của thiên nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai trong cuộc sống [77, tr. 49-50].

Không phải quy luật nào cũng nhận thức được, như quy luật sinh - lão - bệnh - tử, cũng không phải quy luật nào cũng cải tạo được, như quy luật của không gian, thời gian…, do đó, phải hòa mình với thiên nhiên, tuân phục thiên nhiên để vừa khai thác tự nhiên một cách hợp lý, cải tạo tự nhiên phục vụ cho những nhu cầu sống của con người, vừa không vi phạm nguyên tắc “triệt tiêu”, phá vỡ thế cân bằng sinh thái vốn có của giới tự nhiên. Con người hòa hợp với tự nhiên thì sẽ là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nếu con người hủy hoại, làm tổn hại đến khả năng tự điều chỉnh của hệ thống tự nhiên thì cũng là làm tổn hại đến chính cuộc sống của mình.

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)