lễ hội và tín ngưỡng dân gian
Quá trình nhận thức lại những đặc tính của người Việt và những hạn chế trong nhân sinh quan người Việt là một công việc được nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu đã làm như Phan Kế Bính, Trần Quốc Vượng, Trần
Đình Hượu, Cao Xuân Hạo, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy,… Trong những tác phẩm bàn về đề tài này, các học giả đều nhận định rằng, ẩn sâu trong tâm lý của dân tộc Việt, thể hiện qua kho tàng folklore, có một thứ tâm lý nguy hiểm của người Việt là tự ảo tưởng về mình và khả năng thành công của chính m nh. Tâm lư đó thể hiện qua những câu chuyện về những ông Trạng chân đất, những ông Trạng Lợn, Xiển Bột, những truyền thuyết, lễ hội mang mầu sắc thần bí hóa, thần thánh hóa công trạng của người Việt.
Nói như vậy để thấy rằng, nhu cầu nhận thức lại chính mình là một nhu cầu cấp thiết đối với người Việt trong hòan cảnh hiện nay, vấn đề tự phê luôn là một trong những vấn đề có tính cách sống còn và cần phải dẹp bỏ một tâm lý coi việc nói về những nhược điểm của dân tộc mình, của chính người Việt mình là một điều cấm kỵ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc tổng hợp lại “những thói hư tật xấu” của người Việt phải được tiến hành như thế nào: (1) phải tìm hiểu vấn đề trong chiều sâu chứ không phải chỉ là những vấn đề manh mún, vụn vặt. Không thể chỉ thỏa mãn với việc liệt kê những sự kiện, với những nhận xét, dù hết sức thuyết phục và hấp dẫn về triết lý sống của người Việt; (2) phải giải thích và cắt nghĩa tất cả những biểu hiện đó. Trong phần nghiên cứu này, với phạm vi cho phép, chúng tôi chỉ điểm lại một số hạn chế của nhân sinh quan người Việt qua lễ hội và tín ngưỡng dân gian đã được phân tích ở chương 3.
Một là, tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng, tính gắn kết, cố kết cộng
đồng là một trong những đặc điểm nổi bật trong nhân sinh quan người Việt truyền thống. Song, mặt trái của tính cộng đồng là tính cục bộ, kéo bè kéo cánh, ê kíp - đây cũng là một trong những hạn chế khiến người Việt rất khó hòa nhập được với nền kinh tế toàn cầu hoá, vì nếu tham gia vào quá trình kinh tế toàn cầu với một đầu óc cục bộ, vì lợi ích của cá nhân, đơn vị, địa phương thì chính người Việt lại tự hại mình và hại lẫn nhau. Tình trạng níu
kéo nhau, không muốn cho người khác hơn mình (khôn độc không bằng ngốc
đàn), thói ghen ghét, đố kỵ khi thấy người khác hơn mình, tài năng và thành
đạt hơn mình... khiến cho người Việt không tạo ra được một sự hiệp thông thống nhất, dẫn đến việc một người làm thì tốt, ba người làm thì tồi, bảy người làm thì hỏng.
Hai là, truyền thống hiếu học là một đức tính tốt của người Việt, tuy
nhiên, mặt trái của hiếu học là hiếu danh, trọng danh. Đi liền với tính trọng danh là thói háo danh, mua danh: được thể hiện rõ qua nạn bằng giả, bằng thật học giả trong xã hội ta hiện nay mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu ra. Trong một xã hội mà sự thăng tiến của mỗi cá nhân gắn liền với độ cao tăng dần của bằng cấp thì “cuộc đua” để có được bằng nọ, chứng chỉ kia là điều tất yếu. Nhiều người giỏi, tài thực sự, nhưng vì không có đủ bằng cấp mà chấp nhận thua thiệt, không đạt được vị trí xứng đáng, không được mọi người thừa nhận. Không học được để lấy bằng thật thì tất yếu phải mua bằng giả. Ham bằng cấp là một nghịch lý khiến xã hội đang phải chứng kiến những điều dở khóc dở cười, dẫn đến chỉ tiêu bi hài kiểu thành phố phải có 100% cán bộ quản lý là tiến sĩ. Học để lấy bằng cấp đã trở thành gánh nặng công danh chứ không còn là nhu cầu tri thức.
Hơn nữa, vì chịu ảnh hưởng bởi thứ triết lý nhân sinh “học để làm quan” (với những chuẩn mực về sự dùi mài kinh sử để vượt qua các kỳ thi, đảm bảo cho mình một địa vị xã hội, để hưởng vinh hoa phú quý), nên người Việt học hành thường không đến nơi đến chốn. Ngày nay, vào các thư viện trong các trường Đại học hay các thư viện lớn ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy số người đến đọc sách, học tập, nghiên cứu không nhỏ, nhưng theo các cuộc điều tra xã hội học đều cho thấy, số người đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều, mà họ đến đó đọc sách hay học tập để thi, để hòan thành một chứng chỉ, hay làm xong một việc nhất định nào đó rồi bỏ đấy. Do đó, khi học tập, nghiên cứu, người Việt nặng về giáo
điều, sao chép và thuộc lòng các lý thuyết sẵn có. Với lối học “tầm chương” đó đã trói buộc những sáng kiến của con người, kìm hãm lối suy tư phản biện, dẫn đến thiếu tự tin, không dám vượt bỏ quá khứ.
Ba là, triết lý sống trọng tình nghĩa, duy tình, duy cảm dẫn đến lối sống
dung hòa, xu thời, cam chịu, du di, xuề xòa, nhút nhát, tùy tiện, thiếu triệt để, ý thức pháp luật chưa cao - đây chính là nhược điểm đáng kể đối với việc xây dựng nhân sinh quan mới và tác phong công nghiệp gắn với tư duy duy lý trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Lối sống thiếu triệt để của người Việt bắt nguồn từ triết lý sống duy tình, duy cảm đã góp phần hình thành lối làm ăn tuỳ tiện, manh mún, không biết lo xa, hạch toán, thiếu khả năng lao động liên kết, thiếu đầu óc toan tính trong kinh doanh, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiển cận, thực dụng, tính tổ chức kỷ luật kém... Lối tư duy và lối sống đó cũng đã hình thành phương thức “ăn xổi, ở thì”, đề cao những lợi ích thiết thực ngay trước mắt chứ ít chú tâm đến những lợi ích chiến lược, lâu dài hay phải làm những gì to tát, lâu bền.
Lối sống du di, xuề xòa của người Việt truyền thống đã tác động không nhỏ đến cuộc sống lao động sản xuất của họ. Với Việt Nam, sản xuất nông nghiệp là sản xuất theo thời vụ (do thời tiết có hai mùa nóng lạnh khác biệt, buộc con người phải sản xuất theo), đã dẫn tới hình thành hiện tượng ngày mùa thì vất vả, đầu tắt mặt tối, còn tháng ba ngày tám thì có nhiều thời gian nghỉ ngơi (nhàn rỗi/nông nhàn). Ở một số vùng có nghề phụ (nghề thủ công), người nông dân dùng thời gian nông nhàn tham gia sản xuất vào các ngành nghề phụ, còn vùng không có nghề thủ công thì người dân coi như rỗi rãi hàng tháng. Do rỗi rãi, không có việc làm thúc giục, đã hình thành ở người
Việt tác phong khoan thai, chậm chạp, không tiếc thời gian: Đi đâu mà vội mà
đây/Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng. Tâm thế quen không tuân thủ chặt chẽ yếu tố thời gian trong lao động sản xuất sẽ là một trở ngại lớn khi người Việt tiếp hợp vào một xã hội công nghiệp - cuộc sống đòi hỏi phải khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời thì người Việt vẫn mang theo hành trang của nếp sống “giờ cao su”.
Bốn là, giá trị của triết lý nhân sinh đề cao vị trí, vai trò và thân phận
của người phụ nữ/trọng nữ là ở chỗ nó đã dám chống lại thứ văn hóa phụ quyền và nếp sống gia trưởng ăn sâu vào người Việt như một tập tục. Song, thứ văn hóa mẫu quyền, trọng âm đã bị lịch sử vượt bỏ cũng bởi chúng bộc lộ những hạn chế nhất định trong tính hai mặt của nó. Chẳng hạn, thứ văn hóa thiên về âm tính, trọng tình, du di, xuề xóa của người phụ nữ tạo nên tính cách xởi lởi, thích giao tiếp nhưng chỉ ở trong phạm vi của một cộng đồng quen thuộc, còn khi đã vượt ra khỏi phạm vi của cộng đồng đó thì người Việt lại tỏ ra rụt rè, thiếu sự tự tin. Đặc trưng của lối sống trọng âm, thiên về âm tính sẽ
là lấy tình cảm, lấy sự yêu - ghét làm nguyên tắc ứng xử (yêu nhau yêu cả
đường đi, ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng; yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét
nhau cau sáu bổ ra làm mười; yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn
cũng méo...), như vậy, trong lối sống, người Việt thiên về tình hơn lý, đặt tình
cao hơn lý, dẫn đến lối sống không nệ luật, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật. Cũng với triết lý nhân sinh thiên về “âm tính” ấy, người Việt luôn chủ
trương nhường nhịn (một sự nhịn là chín sự lành), nhẫn nhục, hy sinh, rút cục
hình thành thứ con người - mà Trần Đình Hượu gọi là con người “tiểu kỉ” - cái tôi quá bé nhỏ, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, khôn khéo lẩn tránh… Dĩ nhiên, theo Trần Đình Hượu, “con người tiểu kỉ” này có lý do và vai trò trong một số hòan cảnh nhất định nào đó. Đây là một hình thức tự vệ cần thiết, giúp người Việt bảo toàn sinh mạng trong những giai đoạn lịch sử khắc nghiệt [52, tr. 10-29]. Tuy nhiên, hôm nay, khi đất nước
đang nỗ lực đi vào dòng chảy chung của nhân loại thì “con người tiểu kỉ” nói trên lại trở thành lực cản. Não trạng khép kín, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay xở, vun vén cho cái tôi nhỏ bé đang làm thui chột óc sáng tạo, tính khách quan, tinh thần tự lập, tự chủ của mô hình nhân cách mới.
Năm là, lối tư duy phù thịnh đầy thực tế của người Việt có thể dẫn tới
lối sống thực dụng, duy vật chất, duy kinh tế.
Lối sống thực dụng làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp, trước mắt. Khi sự ham muốn đó trở thành mục đích duy nhất, tất yếu dẫn đến sự chiếm đoạt vật chất, bất chấp đạo lý và luật pháp. Lối sống thực dụng là cơ sở của sự chạy theo những tham vọng bất chính, những điều kiện và phương thức sống thiếu lành mạnh, thỏa mãn những nhu cầu tầm thường, làm suy thoái phẩm chất, đạo đức cán bộ và người dân. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tệ nạn xã hội: những hành vi tham nhũng, tham ô, hối lộ; bất chấp luật pháp và kỷ cương để thực hiện mục đích làm giàu, buôn bán trái phép; ma tuý, mại dâm, ăn chơi trác táng....
Lối sống thực dụng cũng làm xói mòn đạo đức của con người. Trong quan hệ xã hội giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng những quan hệ vụ lợi, vật chất. Lối sống lạnh lùng kiểu “tiền trao cháo múc” của xã hội tư sản tràn vào xã hội ta dẫn đến tư tưởng xem thường thuần phong mỹ tục, thậm chí xem rẻ nhân phẩm con người. Trong đời sống, họ vô trách nhiệm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng...
Lối sống duy kinh tế, tuyệt đối hoá giá trị vật chất đã góp phần khuếch trương những mặt tiêu cực trong xã hội ta hiện nay. Tư tưởng tuyệt đối hoá điều kiện vật chất và kỹ thuật, lấy phương tiện sống làm thước đo sự phát
triển con người và xã hội làm sai lạc đi nhiều giá trị của lối sống theo lý tưởng nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã vun đắp hàng nghìn năm. Lối sống đó ảnh hưởng lớn tới việc xây dựng nhân sinh quan mới cho người Việt Nam nói riêng và sự phát triến đời sống tinh thần phong phú của người Việt Nam nói chung.
Sáu là, ý tưởng về sự hòa hợp với thiên nhiên đã trang bị cho người
Việt một sự nhận thức về tự nhiên, biết nắm lấy cái bản thể cốt lõi của thiên nhiên mà hành động cho phù hợp với cuộc sống mưu sinh của mình. Người Việt đã vận dụng những tri thức về tự nhiên đó để biết thích ứng với tự nhiên, chinh phục, cải tạo tự nhiên, biết khắc phục và kìm hãm thiên tai... Song, chính bởi sự gắn bó, thân thiện, hòa mình với thiên nhiên, với trời đất, dẫn đến hình thành ở người Việt lối sống lệ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào thiên nhiên ưu đãi, nên dễ sinh ra lười biếng lao động, thực dụng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách tùy ý, thiếu tôn trọng sự toàn vẹn, tuần hòan của thiên nhiên, thiếu ý thức trong việc vừa khai thác, vừa tái tạo lại nó.
Lối sống phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó tự nhiên, thời tiết thì lại luôn thất thường, đỏng đảnh. Đối diện với sự biến thiên đó, đáng lẽ phải biết tìm cách làm chủ và tự do trước thiên nhiên, thì người Việt lại quá lệ thuộc vào “Trời”, nên trong quá trình sống hay lao động sản xuất, người Việt thường tin vào số phận, may rủi, trông chờ vào thiên nhiên, dẫn đến người Việt thường dễ chán nản, chùn bước khi gặp phải khó khăn.
Những phân tích trên khiến chúng ta phải nhìn lại mình, nhất là trong điều kiện hiện nay, nhận thức lại chính mình là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp đổi mới, nhận thức những hạn chế của mình để tìm cách khắc phục, vượt qua, phá bỏ những rào cản, những trở lực, những sức ỳ khá nặng nề cho quá trình phát triển của đất nước.
Kết luận chương 3
Trong chương 3, luận án đi sâu làm rõ những vấn đề sau:
1. Qua kho tàng Folklore Việt Nam, cụ thể là qua một số lễ hội và tín ngưỡng dân gian, những triết lý nhân sinh của người Việt được cô đọng một cách rõ ràng, súc tích nhất. Các giá trị bản nhiên của người Việt được thể hiện trong những loại hình văn hóa dân gian độc đáo, đó là triết lý yêu nước qua lễ hội đền Gióng; tinh thần hiếu học qua lễ hội đền Tống Trân; quan niệm về hôn nhân, gia đình hạnh phúc qua lễ hội Chử Đồng Tử; sự tôn thờ, đề cao người phụ nữ qua tín ngưỡng thờ Mẫu; lối tư duy thực tế, “phồn thịnh” qua tín ngưỡng phồn thực; lối sống “hài hòa” với tự nhiên qua tín ngưỡng thờ nhiên thần... Những quan niệm sống, triết lý sống, nếp sống ấy là truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã lưu truyền qua nhiều thế hệ, qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, tạo nên bảng giá trị cho người Việt Nam hôm nay. Những giá trị nhân sinh ấy cũng lại một lần nữa khẳng định trí tuệ của người Việt xưa, một thứ minh triết bình dân nhưng không kém phần sâu sắc. Tư duy triết học của người Việt từng bước được thể hiện thông qua các loại hình văn hóa dân gian như lễ hội, tín ngưỡng..., góp phần vào việc hình thành, phát triển kho tàng triết lý nhân sinh và làm phong phú thêm lịch sử tư tưởng của dân tộc Việt.
2. Những triết lý nhân sinh trong các lễ hội và tín ngưỡng dân gian được khảo cứu trong chương này, có thể nói, là những quan điểm sống rất điển hình, phổ biến của người Việt truyền thống. Với nhiều giá trị tích cực, chúng đã trao truyền và ảnh hưởng đến lối sống của người Việt hiện nay. Song, bên cạnh các giá trị tích cực, nhân sinh quan người Việt cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là tinh thần yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng và tính cục bộ, địa phương, kéo bè kéo cánh; tinh thần hiếu học và lối học thực dụng, học để làm quan, thi cử vì bằng cấp; quan niệm trọng tình nghĩa,
thủy chung và lối sống dung hòa, xu thời, du di, xuề xòa, nhút nhát, tùy tiện, thiếu triệt để; quan điểm sống trọng nữ, trọng âm và lối sống “duy tình”, cá nhân nhỏ bé, thiếu tự tin; lối tư duy phù thịnh đầy thực tế và lối sống thực dụng, duy vật chất, duy kinh tế; lối sống hài hòa với thiên nhiên và lối sống lệ