đền Tống Trân
Trạng nguyên Tống Trân được biết đến qua truyện nôm khuyết danh “Tống Trân - Cúc Hoa” nổi tiếng. Ông sinh vào ngày Rằm tháng Tư năm Mậu Ngọ (năm 544) ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình nghèo khổ, cha mất sớm. Nhưng ngay từ bé, Tống Trân đã tỏ rõ là người có khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười. Sau khi tham gia ứng thí và thi đỗ Trạng nguyên, Tống Trân được Vua ban cho cờ biển, vuông gấm, vàng bạc về vinh qui bái tổ. Ông đã từng được cử sang Trung Quốc đi sứ và được vua phương Bắc phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Làm quan đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về quê, mở trường dạy học, được 5 năm thì mất. Triều đình phong Ngài là “Thượng đẳng phúc thần”, “Thượng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương” [89].
Lễ hội đền Tống Trân được tổ chức hàng năm từ mùng 9 đến 15 tháng 4 âm lịch tại làng An Cầu. Thành thông lệ, sau khi mở cửa đền, tế lễ khai hội, ngày mùng 10, dân làng An Cầu làm lễ rước nước (rước mực) và nghiên bút từ ngã ba sông Luộc, khu vực bến Đò Nông thuộc thôn An Cầu về đền. Đây không đơn thuần là một nghi lễ được lưu truyền, gìn giữ từ xa xưa mà còn là một nét đẹp văn hóa tôn vinh việc học hành. Tục truyền lại rằng: Tống Trân sau khi đỗ Trạng nguyên về vinh quy bái tổ, về đến làng mình nhưng chẳng có ai đón rước, vì dân làng và tầng lớp quan lại, chức dịch cho rằng Tống Trân còn quá ít tuổi, lại là con nhà nghèo sớm mồ côi cha, xuất thân từ tầng lớp thấp hèn của xã hội, nên không được rước đón. Bực mình, ông đã ném nghiên bút xuống sông để quở mắng quan lại, chức dịch trong làng. Chính vì điển tích này nên nhân dân đã gọi lễ hội rước nước là rước mực vì nước được lấy từ dòng sông Luộc nơi ông ném nghiên bút xuống [8].
Ngày 11 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch là ngày các dòng họ và nhân dân trong làng đến lễ và xin khước từ đức thánh, tức là xin một chút “mực” từ chiếc choé đựng nước ở bến Đò Nông trong đền. Người ta tin rằng, nếu xoa lên đầu trẻ con chút “mực” đó thì chúng sẽ sáng dạ và học giỏi như vị Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân [8].
Chúng tôi nhận thấy, những truyện kể về Tống Trân chứng tỏ nhân vật đã đại diện cho tình cảm, nguyện vọng, ước mơ nhiều mặt của nhân dân nơi đây. Trước hết, Tống Trân thể hiện ước mơ về sự thành đạt của những người dân lao động bình thường, lam lũ. Có thể nói, lễ hội đền Tống Trân là một lễ hội khá đặc biệt, nó thể hiện tinh thần hiếu học vốn có của một làng quê, nhưng hơn hết, đó là một lễ hội của sự thành kính những người tài đức và nêu cao giá trị của việc học trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân ở vùng quê này nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.
Từ lễ hội đền Tống Trân, chúng ta có thể thấy truyền thống hiếu học của dân tộc được phản ánh hết sức sinh động. Người Việt Nam lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, hiếu học là một truyền thống, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, luôn được đề cao và coi trọng.
“Hiếu học” là một khái niệm có thể coi như một bộ phận, một chi tiết, một biểu hiện của sự khát khao tri thức rất tự nhiên của con người. Khát vọng về tri thức của các tầng lớp nhân dân bắt nguồn từ truyền thống hiếu học ngàn
đời của dân tộc. Truyền thống hiếu học là thói quen ham thích, coi trọng việc
học hành được hình thành lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác.
Đối với người Việt Nam, hiếu học và coi trọng tri thức là một truyền thống đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân. Ngay từ thuở lập nước thì việc bồi dưỡng nhân tài, xây thành, đắp lũy, thủy lợi, trị an… bao giờ cũng được
các bậc quân vương, minh chúa lưu tâm. Bởi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vượng thì thế nước mạnh và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi đi xuống” (Thân Nhân Trung). Vì thế, từ khi khoa cử ra đời, thời nào cũng có những bậc hiền sĩ, nhân tài xuất hiện giúp sức vào việc củng cố nền thịnh trị của quốc gia, làm rạng danh cho đất nước. Từ đó, những Văn Miếu, Văn bia được dựng nên để lưu danh những hiền nhân.
Biểu hiện trước hết của tinh thần hiếu học là sự ham học hỏi, thích hiểu
biết một cách tự nguyện và bền vững... Người hiếu học là người có nhu cầu
học tập suốt đời. Bởi sự học như chiếc thang không nấc chót và cũng như
người đi trên con thuyền ngược dòng, chỉ có tiến lên phía trước mà không được phép dừng lại, vì đứng lại đồng nghĩa với tụt hậu [110, tr.43]. Đặc biệt, trong thời đại kinh tế tri thức hôm nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kiến thức bùng nổ thì việc học càng là một điều bắt buộc. Với ý thức “Học nhi bất yếm” (Học không biết chán), ông bà ta xưa dù nghèo mấy cũng cố cho con đi học kiếm dăm ba chữ để làm người. Gia đình Tống Trân dù nghèo khổ là vậy nhưng Tống Trân vẫn kiên trì đèn sách và tham dự kỳ thi khoa bảng. Việc chàng đỗ Trạng Nguyên chứng minh cho khát vọng vươn lên, chiếm lĩnh tri thức của cha ông ta từ thuở xưa, cho dù khó khăn chừng nào vẫn có thể hiển vinh bằng con đường học tập.
Biểu hiện thứ hai của tinh thần hiếu học là thái độ luôn coi trọng sự học, coi trọng người có học. Việc đề cao giá trị của trí tuệ, thái độ trân trọng
việc học hành cũng là điều được dân gian hết sức quan tâm: Kho vàng không
bằng một nang chữ; Người không học như ngọc không mài… Từ đó hình
thành đạo lý tôn sư trong đạo: “Kính thầy mới được làm thầy”; “Không thầy
đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy
thầy” [110, tr. 43]… Thậm chí trong tam cương, người xưa còn đặt người cha
chi tiết Tống Trân từ quan, về nhà mở trường dạy học chính là thể hiện thái độ “trọng học”, “trọng danh” của người Việt. Cho dù giàu sang phú quý đến đâu cũng không bằng hạnh phúc đem lại tri thức cho cộng đồng, được trở thành người thầy giáo - nghề nghiệp được cả xã hội trọng vọng.
Lễ hội Tống Trân, với màn rước nước (rước mực) tượng trưng cho khát khao tri thức của người Việt; tục xin nước về xoa đầu trẻ với mong muốn con em mình ngày càng giỏi giang, hiếu học, học giỏi... đã một lần nữa khẳng định tâm lý yêu thích sự học, coi trọng giá trị của việc học, khát vọng thành đạt, vinh hoa phú quý bằng con đường thi cử, ước mơ, hòai bão trở thành những “người tài” cống hiến cho xã hội của người Việt Nam, không chỉ trong quá khứ mà còn ở hiện tại, và cả tương lai.
Nhìn vào lịch sử giáo dục Việt Nam, chúng ta có thể nhận biết truyền thống hiếu học từ ngàn đời của dân tộc. Thời Bắc thuộc, ông cha chúng ta vừa kiên trì chống đô hộ phong kiến phương Bắc, vừa khắc phục khó khăn để tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân dân Trung Quốc, nhờ đó, dù bị đô hộ, bị kìm hãm và đồng hóa, nhưng nước ta không bị lạc hậu bởi chính sách cai trị bóc lột và ngu dân của các thế lực phong kiến phương Bắc. Bằng sự hiểu biết và quyết tâm giành lại chủ quyền, ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc, chúng ta đã không bị mất chủ quyền trong giai đoạn lịch sử này.
Hai Bà Trưng từng giành lại chủ quyền, được nhân dân tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh vào năm 40 - 43. Lí Bí lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đuổi quân Lương, lập nước Vạn Xuân thời tiền Lý (544 - 602). Mai Hắc Đế khởi nghĩa đuổi quân Đường ra khỏi nước ta, chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội), giành lại chủ quyền. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đã kết thúc thời Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập chủ quyền của dân tộc ta. Đến thời nhà Lý, ý thức được giá trị của tri thức, vua Lý Nhân Tông cho xây Quốc tử giám năm 1076 (được xem là trường đại học đầu tiên) để
đào tạo nhân tài cho đất nước. Từ đó về sau, nền giáo dục ngày càng được kiện toàn và phát triển. Tuy nhiên, giáo dục của Việt Nam cũng có thời kỳ bị khủng hòang và suy thoái vì sự biến động của đất nước, vì chiến tranh xâm lược và khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Trong lịch sử nước nhà, truyền thống hiếu học được nối dài với những tấm gương của Nguyễn Hiền - vị Trạng nguyên 13 tuổi; Bảng nhãn Lê Văn Hưu - nhà sử học nổi tiếng; Nguyễn Văn Nghi - nhờ học thêm trong dân trở thành người giỏi, là thầy dạy của 2 vua (Lê Anh Tông và Lê Thế Tông); nhà bác học Trương Vĩnh Ký - tự học để thành tài...; nhiều tấm gương hiếu học được thế giới đương thời thán phục như Mạc Đĩnh Chi (được xem là lưỡng quốc trạng nguyên), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà mưu lược Nguyễn Trãi, nhà bác học Lê Quí Đôn…
Khi lịch sử diễn ra cuộc tiếp xúc Đông - Tây, các thế lực phong kiến bào thủ chủ trương đóng cửa với bên ngoài, cùng với chiến tranh xâm lược làm cho sự học của người Việt bị gián đoạn trong một thời gian dài. Trong hòan cảnh ấy, vẫn xuất hiện nhiều hiền tài, sẵn sàng tiếp thu sự tiến bộ, kêu gọi cải cách đất nước như: Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Mạnh Tường …, đặc biệt là Hồ Chí Minh.
Ngày xưa, ông cha ta vì ý chí làm quan mà không ngừng theo đuổi sự học. Họ không còn cách nào khác để thoát khỏi thân phận tủi cực của kẻ nghèo hèn. Những bà mẹ, những người vợ nhịn đói nhịn khát để nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, không đỗ trạng nguyên thì cũng đỗ ông nghè, ông
cử, ông tú: Em thời canh cửi trong nhà/Nuôi anh đi học chiếm khoa bảng
vàng/Trước là vinh hiển tổ đường/Bõ công đèn sách lưu gương đời đời; Học trò đèn sách hôm mai/Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào/Làm nên quan thấp, quan cao/Làm nên vọng tía võng đào nghênh ngang; Cơm cha áo mẹ chữ thầy/Gắng công mà học có ngày thành danh...
Trong thời Pháp thuộc, truyền thống ấy vẫn được giữ vững, bất chấp những ý đồ nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Các nhà giáo Việt Nam đều biết lợi dụng những yêu cầu thiển cận của chế độ thuộc địa, và, một mặt dựa trên truyền thống hiếu học của dân tộc, một mặt, đề cao những yếu tố nhân đạo và dân chủ của nền văn hóa Pháp, ra sức mở mang dân trí đến mức tối đa theo hướng hiện đại hoá và dân chủ hoá. Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, những triển vọng lớn lao đã mở ra trước mắt nền giáo dục của nhân dân ta, và truyền thống hiếu học có những điều kiện thuận lợi để phát huy lên những nấc thang mới. Cánh cổng trường mở rộng cho tất cả, và dĩ nhiên, các trường đều nhanh chóng chuyển hẳn sang một nền giáo dục mới - nền giáo dục của một dân tộc độc lập. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, khi quân dân ta giải phóng thủ đô Hà Nội và những trung tâm văn hóa khác của miền Bắc, các trường đại học khoa học bắt đầu hoạt động chính thức với một quy mô chưa từng có dưới thời Pháp thuộc [33, tr. 308].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Một dân tộc dốt
là một dân tộc yếu”. Sau khi giành độc lập, mặc dù phải tập trung giải quyết
nhiều khó khăn bởi giặc ngoại xâm, giặc đói, Bác Hồ xem “dốt” cũng là một thứ giặc nguy hiểm, nên đã chủ trương cho toàn Đảng, toàn dân phải chống ba thứ giặc cùng một lúc. Truyền thống hiếu học của dân tộc được tiếp nối bởi những con người như thế, bởi những việc làm như thế… Nhắc đến Hồ Chí Minh là nhắc đến một tấm gương hiếu học, tấm gương tự học không biết mệt mỏi, Người trở thành biểu tượng cho trí tuệ của người Việt Nam thời đại mới. Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hòan thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại.
Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời để chúng ta noi theo.
Như vậy, với lễ hội đền Tống Trân - một lễ hội tôn vinh sự học, chúng ta càng thấy tự hào về một triết lý sống của cha ông ta đã được hun đúc và lưu giữ qua bao đời. Triết lý ham học hỏi, đề cao tri thức của người Việt nếu được phát huy đúng với tinh thần của nó sẽ trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.