Ngay từ thuở ban đầu sơ khai, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng quan trọng. Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt; để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi.
Từ một thực tiễn chung này, tư duy cư dân nông nghiệp Nam Á đã phát triển theo hai hướng: những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khoa học để lí giải hiện thực và họ xây dựng được triết lí âm dương; những trí tuệ bình dân nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, là loại hình tín ngưỡng tôn thờ sự sinh sản, sinh sôi, nảy nở của cả giới tự nhiên và con người để duy trì và phát triển sự sống. Vì cầu mong sự sinh sôi, nảy nở nên con người tôn thờ hai đối tượng cơ bản được coi là công cụ của sự sinh sản, đó Sinh thực khí và Hành vi giao phối.
Sinh thực khí nghĩa là công cụ để thực hiện hành vi sinh đẻ, với hai biểu tượng cơ quan sinh dục nam, nữ mà người Ấn Độ gọi là Linga, Yoni, còn người Việt gọi là Nõ, Nường.
Hành vi giao phối cũng được coi là biểu tượng thiêng liêng của sự sinh sản, người xưa đã “thần thiêng hoá” hành vi đó vì cho nó là cội nguồn của mọi sự sinh sản. Họ cũng quan niệm rằng, hành vi giao phối của người và vật sẽ là nguồn cảm hoá cho đất trời, thiên nhiên cây cỏ cùng sinh sôi, nảy nở. Do đó, họ tôn thờ hành vi này, tạc tượng nó, mô hình hoá nó và thờ cúng ở những nơi trang nghiêm [75, tr.168-169].
Tín ngưỡng Phồn thực ở Việt Nam được hình thành từ rất sớm, từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (2000 - 700 Tr.CN). Các nhà khảo cổ học đã tìm
thấy tượng đá ở Văn Điển (1000 năm Tr.CN), và nắp thạp đồng ở Đào Thịnh, Yên Bái (thế kỷ V Tr.CN) có khắc hình những cặp nam nữ đang trong trạng thái giao hoan.
Ngày nay, người Việt đã giã từ lối thờ sinh thực khí và hành vi giao phối, song tín ngưỡng này không hề bị mất đi, không giải thể, mà nó vẫn tồn tại, bị che phủ, gói ghém bằng các lớp áo văn hóa khác.
Có lẽ, sẽ có nhiều người thắc mắc rằng, tại sao tín ngưỡng phồn thực lại phổ biến và được tôn thờ đến như vậy, trong khi hầu hết các tộc người trên thế giới đều nhận thức vấn đề đó là riêng tư. Để lý giải câu hỏi này, chúng ta cần phải lùi lịch sử về một khoảng thời gian đủ dài để nhận thức được sự sống, sự sinh sôi nảy nở quý báu đến mức nào. Dường như tín ngưỡng phồn thực ra đời từ rất sớm, có thể là quá trình song hành cùng với những tín ngưỡng khởi thuỷ tôtem giáo. Khi đó, sự sống của con người thật sự quá mong manh so với những thử thách của thiên nhiên, dịch bệnh, thú dữ… Nhân sinh quan cao nhất của con người là “triết lý về sự sinh tồn, sự nảy nở”. Mặt khác, dù bước sang thời kỳ phát triển hơn thì con người vẫn là tài sản quý giá nhất: là lực lượng lao động, là lực lượng chế ngự thiên nhiên. Điều đó đã minh chứng cho sự phổ biến và trường tồn của tín ngưỡng phồn thực trong lịch sử nhân loại.
Đối với người nông dân Việt Nam, cuộc sống trên hết là sự kế tiếp của các thế hệ, là sự sinh sôi, nảy nở, là sự lưu truyền giống nòi. Trong tư duy nông nghiệp thuần phác, tín ngưỡng phồn thực cùng các phạm trù âm - dương, đực - cái, cặp đôi, phối giao... đã hình thành. Phồn thực chính là khát vọng vươn tới một cuộc sống no đủ, cầu cho muôn vật sinh sôi trong xã hội loài người. Ước vọng mãnh liệt ấy được họ thể hiện bằng những hình vẽ tượng trưng Linga và Yoni làm hình trang trí khắp nơi, bằng nét vẽ mô tả cảnh giao phối giữa một đực một cái trên hang đá, trên thạp đồng, trên công cụ sản xuất...
Có thể nói, tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam là loại hình tín ngưỡng cổ xưa, độc đáo và phổ biến trong đời sống tâm linh của người Việt. Qua biến thiên của lịch sử, tín ngưỡng phồn thực trở thành một thứ trầm tích văn hóa trong văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng ấy thể hiện khát vọng về sự sinh sôi, nảy nở, thể hiện ước vọng phong đăng, phồn thịnh của người dân trong cuộc sống.
Tín ngưỡng phồn thực của người Việt ở Bắc bộ khá đa dạng, phong phú. Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, các biểu tượng phồn thực ở đồng bằng Bắc bộ thường được mô tả một cách kín đáo, tế nhị, mô phỏng hình tượng sinh thực khí, trừu tượng hóa nó và ngầm định nó dưới nhiều đồ vật: chiếc kén tằm bằng gỗ đẽo hình sinh thực khí nam và nữ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh); chiếc dùi gỗ và mu rùa (làm bằng mo cau) trong trò Trám (Lâm Thao, Phú Thọ); một khúc tre và một mo cau trong hội Sơn Đồng (Hà Nội)... [117, tr.155]. Chúng ta còn bắt gặp tín ngưỡng phồn thực trong các lễ hội: hội cướp nõ xé bông (trò ội ại) ở làng Miêng Hạ, Ứng Hòa, Hà Nội; hội cướp kén ở làng Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ; hội chen ở làng Nga Hòang, Quế Võ, Bắc Ninh,... hay trong các điệu múa truyền thống: Tùng dí (đền Hùng - Phú Thọ), Múa mo (Sơn Đồng, Hà Nội)... [117, tr. 157-185].
Ở khu vực miền núi phía Bắc, tín ngưỡng phồn thực được đặc tả nguyên vẹn hơn: trên Thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có khắc hình 4 đôi nam nữ đang trong tư thế giao hoan. Tục thờ sinh thực khí (Nõ - Nường) được thể hiện rõ trong các động tác múa trong lễ Cấp sắc của người Dao Tuyển Bảo Yên...
Tín ngưỡng phồn thực ở Tây Nguyên có những nét riêng khá độc đáo, được thể hiện sinh động qua lớp tượng ở nhà mồ. Điều đặc biệt trong lớp tượng mang ý nghĩa phồn thực của người Tây Nguyên là việc khắc hoạ hình tượng rất cụ thể. Việc thờ công cụ phục vụ khả năng duy trì nòi giống của
người Tây Nguyên được mô tả trần trụi, phóng to, phô trương qua những nhát rìu đục đẽo thô sơ, cứng cỏi, phản ánh rất thực tư duy hình ảnh của họ. Ở nhà mồ Tây Nguyên, ta có thể bắt gặp những bức tượng khắc họa các cặp trai gái phô bày cơ thể, giao hoan rất tự nhiên. Những bức tượng đã phản ánh vẻ nguyên sơ của con người thuở hồng hoang là một minh chứng cho thấy khao khát được sinh tồn của họ trên trần thế.
Trong tín ngưỡng của người Chăm, vị thần được thờ phổ biến nhất là Siva - một trong ba vị thần tối cao. Hình tượng Siva trong các đền thờ được đồng nhất với thờ linga - sinh thực khí nam. Người Chăm tiếp thu văn hóa Ấn Độ giáo, tôn thờ thần Siva, vị thần đầy quyền năng. Linga kết hợp với yoni, sinh thực khí nữ, làm nên mặt bệ thờ hòan chỉnh, là sự hòa nhập âm dương, là biểu tượng sáng tạo sinh sôi của thần Siva.
Dễ dàng nhận thấy, quan niệm “phồn thịnh” trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt được thể hiện rõ nét nhất qua các lễ hội, đặc biệt là các lễ hội nông nghiệp. Các nghi lễ thờ cúng thần nông nghiệp, các ma thuật phục vụ mùa màng, các hình thức khác nhau của tục lệ, kiêng cấm trong trồng trọt, những dị đoan về mối liên hệ giữa tình dục con người với sự mắn đẻ và sinh sôi của vật nuôi, cây trồng đều gắn liền với tín ngưỡng phồn thực [116, tr.66]. Có thể kể đến các lễ hội nông nghiệp mang đậm dấu ấn phồn thực trên phạm vi cả nước: lễ hội Lồng Tồng của người Tày - Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc; lễ hội rước nước ở một số tỉnh ven sông Hồng; lễ hội mừng lúa mới của người Ba Na (Tây Nguyên); lễ hội cầu mưa của người Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận); lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Tây Nam bộ...
Với những cư dân nông nghiệp lúa nước như ở Việt Nam, nghi lễ nông nghiệp được diễn ra ở hầu khắp các công đoạn của việc trồng trọt và hoa màu, nhất là với canh tác nương rẫy. Họ đặt mọi ước vọng vào sự sinh sản, sinh sôi
dồi dào của cây trồng, liên tưởng nó với một lực lượng siêu nhiên nào đó, coi đó như là nguồn gốc của mọi sự sinh sản của giống loài. Vì thế, lễ hội chính là phương tiện để truyền tải ước vọng của người nông dân, là biểu tượng nhằm hiện thực hóa thế giới ý niệm về đời sống tâm linh bằng những nghi thức, những hoạt động để con người giao tiếp với thần linh [116, tr.68].
Thực hiện các trò diễn, phong tục trong một không khí dân dã nhưng không kém phần linh thiêng, người ta tin rằng lễ thiêng đó sẽ tác động tới mùa màng, cây trồng, vật nuôi để có được vụ mùa bội thu. Sâu xa hơn, các trò diễn, phong tục ấy còn là sự thể hiện ước mơ, khao khát đậm chất “dục”, để thỏa mãn những nhu cầu bản năng của con người, với mong muốn duy trì nòi giống, con cái đề huề, phúc lộc đầy nhà theo quan niệm của người Việt cổ. Với rất nhiều biểu hiện thông qua các nghi thức khác nhau, các tục lệ khác nhau, những người làm nông nghiệp vẫn gửi gắm được mong ước chung của mình về sự an khang của con người, sự thịnh vượng của mùa vụ. Đó chính là đặc trưng tinh thần của các nghi lễ phồn thực.
Tuy tín ngưỡng phồn thực ở nước ta chưa có điều kiện để vươn lên tầm cao trở thành vũ trụ luận hay hình thành một văn hóa tính dục, khoa học tình dục như ở Trung Hoa và Ấn Độ, nhưng nó lại lan tỏa theo bề rộng, ăn sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và đời sống cá nhân để trở thành dấu ấn và tâm thức cả cộng đồng. Thông qua các quan niệm của tín ngưỡng phồn thực, nhất là triết lý âm dương đã góp phần vào việc hòan thiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt. Mọi quá trình phát sinh, phát triển của thế giới và con người đều là sự dung hợp, hòa quyện giữa âm và dương, nam và nữ, đực và cái… Tín ngưỡng phồn thực không tồn tại như một bản sao văn hóa - tôn giáo mà biến thành một thực thể sống động thông qua các biểu tượng phồn thực trong các loại hình văn hóa Việt Nam, tạo nên nét đặc trưng, độc đáo cho nền văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, tín ngưỡng phồn thực có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Tín ngưỡng này đã tồn tại từ rất lâu và đến nay vẫn được duy trì, thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, với các hình thức thờ và trò diễn, phong tục mang tính phồn thực rất phong phú, đa dạng. Ý niệm, ước vọng về sự phồn vinh của con người cùng với cây trồng, vật nuôi luôn chi phối hoạt động sống của người Việt, vun đắp thành một triết lý sống “phồn thịnh”, “trọng thịnh” của dân tộc. Một dân tộc nhỏ bé nhưng luôn căng tràn khát vọng sống, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, phát triển, thịnh vượng thì nhất định sẽ tồn tại cứng cáp và mạnh mẽ trong mọi hòan cảnh. Lịch sử đã minh chứng cho tính đúng đắn trong lối tư duy phồn thực của người Việt.