Nhóm giải pháp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa và nhân

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 141)

chương trình bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa và nhân văn của lễ hội và tín ngưỡng dân gian

Trước mắt, chúng ta cần tiếp tục quan tâm đầu tư thoả đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, biên soạn các điển tích, nghiên cứu các

lịch sử lễ hội và tín ngưỡng, xuất bản các bộ sách ghi chép các nghi lễ, phong tục của các tộc người Việt Nam và các bộ sách về các loại hình Folklore Việt Nam. Từ đó, góp phần định hướng, giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ những tri thức dân gian, những truyền thống quý báu của dân tộc.

Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò phản biện của các nhà khoa học và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan như Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam…. Cần tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác lễ hội, để bàn sâu về những vấn đề như: mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch, thương mại hóa trong lễ hội... Cục Văn hóa cơ sở, Hội Di sản, Hội Văn nghệ Dân gian, Viện Khoa học xã hội…cần tổ chức nhiều hội thảo khoa học để bàn về quản lý lễ hội hiệu quả. Nghiên cứu là phần cốt lõi của nhận thức khoa học nhưng nghiên cứu của chúng ta đa phần phụ họa chính sách, lý thuyết, phương pháp và cách tiếp cận không đúng nguyên tắc khoa học, thiếu khách quan, người này sao chép của người kia, lâu dần tạo ra một loại nghiên cứu nhợt nhạt, thiếu tính phê phán, thừa số lượng nhưng thiếu chất lượng, không áp dụng được vào việc hoạch định chính sách. Nhận thức khoa học phải được tiến hành một cách bài bản, khách quan và có tinh thần phê phán. Trong điều kiện các lễ hội đều có xu hướng biến đổi hoặc thích nghi với đời sống đương đại hoặc xuất hiện nhiều loại hình mới chưa có trong xã hội truyền thống thì yêu cầu nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận về lễ hội là một yêu cầu cấp bách.

Hiện nay, nhiều lễ hội, tín ngưỡng được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn, tuy vậy, những sinh hoạt văn hóa mang sắc thái riêng, mang tính đặc trưng của mỗi địa phương chưa được khôi phục lại. Cơ sở để phục hồi các hoạt động này là lớp người cao tuổi, những nghệ nhân dân gian trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, những người nắm giữ kho vốn di sản này đang

vắng dần do quy luật của tuổi tác. Nhà nước, mà trực tiếp là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, những người cao tuổi có cơ hội truyền lại những tri thức của mình cho lớp hậu thế và cả cộng đồng. Sự tham gia chủ động và có hiểu biết của người dân trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa là chìa khóa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa đất nước.

Những năm gần đây, Nhà nước đã dành kinh phí (thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia) để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có hoạt động lễ hội và tín ngưỡng, nhưng thực chất, việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể so với đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể chưa có sự tương xứng. Mặt khác, chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội và tín ngưỡng hiện nay mới chủ yếu tập trung kinh phí cho việc sưu tầm tư liệu, quay phim để lưu giữ. Việc phát huy các giá trị của lễ hội và tín ngưỡng như thế nào thì chưa được triển khai một cách cụ thể.

Có người cho rằng hơn 8.000 lễ hội trong một năm là quá nhiều, nhiều lễ hội na ná nhau, thậm chí lai căng, kéo theo đó là sự tốn kém tiền bạc, công sức... Trong khi đất nước còn rất nhiều khó khăn, nên chăng bớt đi việc tổ chức lễ hội? Điều này không phải không có lý. Tuy nhiên, như đã nói, lễ hội là tập quán, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân cư. Thêm nữa, mỗi cộng đồng lại có những lễ hội riêng mang dấu ấn bản sắc, do vậy, rất khó để nói rằng lễ hội nào nên bỏ, lễ hội nào nên giữ. Điều đáng lưu tâm ở đây là phải nhận diện rõ những lễ hội thật sự gắn bó mật thiết với đời sống người dân để đầu tư gìn giữ; đồng thời làm cho các cộng đồng cư dân nhận thức rõ hơn về giá trị của lễ hội đang có, từ đó, có cách thức thực hành và phương thức tự quản lý lễ hội của mình một cách có văn hóa, thực sự hiệu quả, tiết kiệm. Vấn đề quan trọng là, cho tới thời điểm này, chúng ta chưa làm rõ được cơ sở khoa học của những lễ hội nào là di sản

văn hóa, thực sự có giá trị lịch sử - văn hóa, đảm bảo các tiêu chí cần thiết phục hồi và phát huy.

Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ các lễ hội, nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Việt Nam, xem cái nào còn, cái nào mất, cái nào phù hợp với đời sống mới ngày nay, cái nào là lỗi thời, lạc hậu, mê tín, dị đoan. Sau đó, hướng dẫn, giáo dục nhân dân để họ nhận thức ra được chân giá trị của các lễ hội, nghi lễ, tín ngưỡng ấy mà bảo vệ, giữ gìn hay thay đổi nó cho phù hợp với đời sống thực tại. Đồng thời, chúng ta cần nghiên cứu, phục hồi một số hình thức sinh hoạt lễ hội đã biến mất, hoặc bị mai một nhưng có giá trị nhân sinh tốt đẹp, mang ý nghĩa giáo dục cao...

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 141)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)