FOLKLORE VIỆT NAM – KHÁI NIỆM, ĐẶC TRƯNG, CÁC LOẠI HÌNH 1 Khái niệm

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 47)

2.2.1. Khái niệm

Thuật ngữ Folklore lần đầu tiên được đưa ra trong tạp chí The

Athemneum của Anh năm 1846 bởi William J. Thoms (bút danh Ambrose

Merton). Bài báo khoa học ngay lập tức gây được tiếng vang và khái niệm này được chấp nhận, trở thành một xu hướng nghiên cứu mới và phát triển rộng khắp. Cũng như nhiều lí thuyết, nhiều tôn giáo, nhiều môn học khác trên thế giới, khi đã lan tỏa trong không gian, thời gian, qua nhiều thực tế khác

nhau thì Folklore cũng được hiểu và vận dụng rất khác nhau. Năm 1972, nhân kỉ niệm 100 năm ngày Folklore, người ta thống kê có rất nhiều cách hiểu phong phú, thậm chí đối lập nhau, tranh luận với nhau về Folklore.

Folklore được định nghĩa là “kiến thức của nhân dân”, “trí tuệ của nhân dân” (folk: đại chúng, nhân dân; lore: trí tuệ, trí khôn; Folklore = kiến thức, trí tuệ của nhân dân). Folklore là toàn bộ những sáng tác có tính chất nghệ thuật của nhân dân trong mọi thời đại, tương đương với thuật ngữ văn nghệ dân gian hoặc nghệ thuật dân gian. Hiểu rộng hơn, Folklore là văn hóa dân gian, văn hóa của những con người mộc mạc, bình dị, gần với cộng đồng dân tộc.

Tại Hội nghị các nhà Folklore học thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở Pari (Pháp) vào tháng 9 năm 1937, định nghĩa Folklore được thông qua, đó là: Folklore là khoa học nghiên cứu tất cả những gì có liên quan đến văn hóa vật chất, cấu trúc xã hội, truyền thống dân gian và văn học truyền miệng của nhân dân [95, tr. 77].

Ở Việt Nam, quan niệm Folklore được du nhập vào cùng với việc thành lập Viện Viễn Đông bác cổ đầu thế kỉ XX. Từ đó cho đến năm 1945, nó được hiểu theo nghĩa rộng. Sau năm 1954, nó được hiểu rất hẹp, gần như chỉ nói đến Folklore ngôn từ (Văn học dân gian), cuối những năm 1970, hiểu rộng ra là Nghệ thuật dân gian và hiện nay hiểu tương đương với Văn hóa dân gian. Việc quan niệm rộng hẹp và chuyển ngữ sang tiếng Việt khác nhau như vậy là do sự thay đổi nhận thức của chúng ta về văn hóa dân gian và cũng do sự tiếp thu ảnh hưởng của các quan niệm Folklore từ các trường phái khác nhau trên thế giới.

Trong những năm gần đây, nhiều học giả Việt Nam đã có những chuyên đề, công trình đề cập tới quan niệm, ý nghĩa của Folklore/văn hóa dân gian trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng xưa và nay, như Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh, Đinh Gia Khánh v.v...

Tác giả Trần Quốc Vượng quan niệm:

Nói Folklore Việt Nam là nói tổng thể mọi sáng tạo, mọi thành tựu văn hóa của dân gian ở mọi nơi, mọi thời, của mọi thành phần dân tộc đang hiện tồn trên lãnh thổ Việt Nam. Nó có thể là một ngôi đền, một cái đình mà cũng có thể là một mẩu huyền thoại hay một câu chuyện thần kỳ. Nó có thể là một cái lư hương gốm sứ cổ, một cỗ kiệu sơn son thếp vàng ngày xưa mà cũng có thể là một câu tục ngữ cổ, một khúc dân ca… Sáng tạo dân gian bao trùm mọi lĩnh vực đời sống, từ đời sống làm ăn thường ngày (ăn, mặc, ở, đi lại) đến đời sống vui chơi, buông xả (thể thao dân gian, võ, vật, đánh cầu, hát phết), hát hò (hát đò đưa, hò giã gạo, đúm, ví, xoan, ghẹo), đến đời sống tâm linh (giỗ, tế, lễ hội) [95, tr. 124].

Quan điểm của tác giả Ngô Đức Thịnh là:

Khoa Folklore học tập trung nghiên cứu bộ phận văn hóa nghệ thuật dân gian, đặt trong mối quan hệ hữu cơ với những sáng tạo văn hóa nghệ thuật bác học, chuyên nghiệp, trong đó dòng dân gian là cội nguồn, là cơ tầng của văn hóa dân tộc. Văn hóa nghệ thuật dân gian phân hợp từ ba bộ phận chính, đó là I/ Nghệ thuật ngôn từ; II/ Nghệ thuật diễn xướng dân gian, bao gồm cả lễ hội, nghi lễ được coi như là một loại hình diễn xướng đặc thù và III/ Nghệ thuật tạo hình [95, tr. 128].

Đặc biệt, tác giả Đinh Gia Khánh - một trong những chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian ở Việt Nam đã đưa ra luận thuyết cơ bản về văn hóa dân gian, đó là: “văn hóa dân gian bao gồm toàn bộ văn hóa vật chất và tinh thần (culture intellectuelle) của dân chúng được tiếp cận dưới giác độ thẩm mỹ (apporoche esthétique)” [54, tr. 19]. Những quan niệm, định nghĩa về văn hóa dân gian và các thành tố văn hóa dân gian mà tác giả Đinh Gia Khánh

nêu lên là cơ sở cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tham khảo và tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về Folklore ở Việt Nam.

Tóm lại, ở Việt Nam, Folklore được dịch là văn hóa dân gian bao hàm những ý nghĩa sau: hiểu theo nghĩa rộng là những giá trị vật chất và tinh thần do dân chúng sáng tạo (folk culture); hiểu theo nghĩa hẹp là những sáng tạo của dân chúng mang tính nghệ thuật.

2.2.2. Đặc trưng

Văn hóa dân gian Việt Nam có truyền thống hình thành, và phát triển từ rất lâu đời, bắt nguồn từ xã hội nguyên thủy. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, cùng với sự ra đời và phát triển của văn hóa bác học, chuyên nghiệp, cung đình thì văn hóa dân gian vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa cũng như xã hội Việt Nam, đặc biệt là với quần chúng lao động.

Truyền thống lịch sử và xã hội Việt Nam đã quy định những nét đặc trưng của văn hóa nước ta. Đó là văn hóa xóm làng trội hơn văn hóa đô thị, văn hóa truyền miệng lấn át văn hóa chữ nghĩa, ứng xử duy tình nặng hơn duy lý, chủ nghĩa yêu nước trở thành cái trục của hệ ý thức Việt Nam, nơi sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa Việt Nam… Truyền thống đó cũng tạo nên những nét đặc trưng cho Folklore Việt Nam, là tính nguyên hợp, tính tập thể và tính nghiệm sinh.

Tính nguyên hợp của Folklore biểu hiện ở sự hòa lẫn những hình thức

khác nhau của ý thức xã hội trong các thể loại của nó. Có thể nói rằng, Folklore là bộ “bách khoa toàn thư” của nhân dân. Tính nguyên hợp về nội dung của Folklore phản ánh tình trạng nguyên hợp về ý thức xã hội thời nguyên thuỷ, khi mà các lĩnh vực sản xuất tinh thần chưa được chuyên môn hoá. Trong các xã hội thời kỳ sau, mặc dù các lĩnh vực sản xuất tinh thần đã có sự chuyên môn hoá nhưng Folklore vẫn còn mang tính nguyên hợp về nội dung. Bởi vì đại bộ phận nhân dân, tác giả văn hóa dân gian, không có điều

kiện tham gia vào các lĩnh vực sản xuất tinh thần khác nên họ thể hiện những kinh nghiệm, tri thức, tư tưởng, tình cảm của mình trong Folklore.

Tính nguyên hợp của văn hóa dân gian còn biểu hiện ở chỗ: Văn hóa dân gian không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần túy mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, điệu bộ và các hình thức diễn xướng. Sự kết hợp này là tự nhiên, vốn có ngay từ khi tác phẩm mới hình thành. Tính nguyên hợp còn thể hiện ở tính đa chức năng, nó không chỉ là nghệ thuật biểu diễn dân gian mà còn là nghệ thuật tạo hình, hội họa, điêu khắc. Như vậy, trong Folklore, ngôn từ là yếu tố cơ bản nhưng không phải duy nhất.

Biểu hiện cụ thể của tính nguyên hợp là tính biểu diễn. Văn hóa dân gian có ba dạng tồn tại: tồn tại ẩn (tồn tại trong trí nhớ của tác giả dân gian), tồn tại cố định (tồn tại bằng văn tự), tồn tại hiện (tồn tại thông qua diễn xướng). Chính trong biểu diễn, các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn hóa dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp. Sự kết hợp này một mặt là biểu hiện của tính nguyên hợp, một mặt là lẽ tồn tại của tính nguyên hợp.

Tính tập thể: Folklore là sáng tác của nhân dân, nhưng không phải tất

cả nhân dân đều là tác giả của Folklore. Tính tập thể thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm, khi nó được mọi người biểu diễn, thưởng thức. Trong quá trình đó, tập thể nhân dân tham gia vào công việc đồng sáng tạo tác phẩm.

Tính tập thể bắt nguồn từ tính truyền miệng và tính diễn xướng. Sự sáng tác và lưu truyền bằng miệng đã tạo cho tác phẩm dân gian được truyền từ người này sang người khác. Trong quá trình đó, tính tập thể xuất hiện một cách tự nhiên. Tính tập thể biểu hiện ở ba phương diện: Phương diện sáng tác tập thể; phương diện tâm lý, phong cách tập thể; lưu truyền và biểu diễn tập thể. Tác phẩm lưu truyền từ người này sang người khác qua mọi thời đại, mọi

vùng đất nước. Tác phẩm dân gian phần lớn là đối thoại, có thể loại đòi hỏi phải có nhiều người tham gia diễn xướng như chèo, tuồng, ca dao dân ca. Phương diện lưu truyền và diễn xướng tập thể làm nảy sinh sáng tác tập thể. Tác phẩm lưu truyền từ người này sang người khác, trong quá trình đó có sự gia công thêm bớt, chắt lọc và loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm cho tác phẩm hòan thiện hơn, hợp lý hơn.

Tính nghiệm sinh: Folklore nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp

thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng. Folklore cung cấp cho các thành viên trong cộng đồng những tri thức đầu tiên, sâu sắc và đậm đà nhất, nó quy định cho thành viên phải ứng xử thế nào, theo chuẩn mực nào trong cuộc sống. Cộng đồng làng xã hướng thành viên của mình đi tới một niềm tin, say mê lý tưởng, định cho thành viên những quy tắc trong cuộc sống, đồng thời, góp phần nâng cao tâm hồn, giải tỏa tình cảm cho từng cá nhân trong cộng đồng. Như vậy, có thể nói, Folklore đã đi vào tâm hồn, vào sinh hoạt cộng đồng. Người dân vận dụng Folklore trong mọi trường hợp, nhiều khi không chỉ là quy ước mà đã thành những chế tài. Folklore được xem như một cái gì đó làm chuẩn mực để ổn định, để quyết đoán trong cuộc sống cộng đồng, trong lao động sản xuất và trong chiến đấu. Folklore đã là lợi khí của dân tộc trên suốt cả chặng đường [60, tr. 231].

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan người Việt qua Folklore Việt Nam (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)