6. Cấu trúc của luận án
2.1.4. Quan hệ quyền thế và hoàn cảnh giao tiếp của nhân vật
Khảo sát các yếu tố: quan hệ liên cá nhân (ở đây là quan hệ quyền thế), vị thế giao tiếp (mạnh/ yếu) và hoàn cảnh giao tiếp (thuận lợi/ không thuận lợi) giữa hai nhân vật Chí Phèo – Bá Kiến, luận án lập được bảng so sánh như sau:
TT cuộc thoại
Tình huống cuộc thoại
Quan hệ quyền thế (trên/dưới) Vị thế giao tiếp (mạnh/yếu) Hoàn cảnh GT (thuận lợi/ không thuận lợi). Số lượt lời CP BK CP BK CP BK CP BK
1 Sau khi đi tù về, Chí Phèo đến nhà Bá Kiến gây sự.
- + - + - + 1 4
2 Chí Phèo đến nhà Bá Kiến gây sự xin đi ở tù.
- + + - - + 4 3
3 Chí Phèo đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện.
- + + - + - 4 5
Bảng 4: Bảng so sánh quan hệ quan hệ quyền thế, vị thế giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp giữa hai nhân vật Chí Phèo – Bá Kiến
Xét về mặt quan hệ quyền thế, địa vị xã hội của hai nhân vật giao tiếp ở cả ba cuộc thoại là không thay đổi, một bên là tay anh chị liều lĩnh, chuyên nghề rạch mặt ăn vạ - “một thằng cùng hơn cả thằng cùng”; một bên là
“chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ Đại, chánh hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc Kỳ nhân dân đại biểu”.
Xét phương diện vị thế giao tiếp, ở cuộc thoại thứ nhất, thế mạnh nghiêng về Bá Kiến. Bởi tuy chủ động đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ, thế nhưng khi cụ Bá xuất hiện và giải tán đám đông, Chí Phèo cảm thấy trơ trọi
một mình và “cái sợ cố hữu trong lòng thức dậy, cái sợ xa xôi của ngày xưa”. Hoàn cảnh giao tiếp không thuận lợi và thái độ “xử nhũn” của Bá Kiến khiến Chí Phèo ở vào thế bị động. Số lượt lời ít ỏi của nhân vật (1 lượt lời) nói lên điều đó. Trong cuộc thoại thứ hai, Chí Phèo giữ vai trò chủ động, hắn yêu sách, đỏi hỏi và hăm dọa tuy bề ngoài tỏ ra lễ độ, chào hỏi, thưa bẩm, xưng hô đúng mực (gọi Bá Kiến bằng cụ và xưng con). Thế chủ động thể hiện ở số lượt lời áp đảo của nhân vật (4/7 lượt lời) trong cuộc thoại.
Ở cuộc đối thoại cuối cùng giữa Chí Phèo – Bá Kiến, tuy bối cảnh vẫn diễn ra tại nhà Bá Kiến nhưng hoàn cảnh giao tiếp thuận lợi hơn cho Chí Phèo vì “cả nhà đi làm đồng vắng, chỉ có mình cụ bá đang nằm nghỉ trưa”. Cách xưng hô, lời lẽ và cử chỉ của Chí Phèo cho thấy vị thế giao tiếp của nhân vật lúc này ở thế mạnh và chủ động hơn so với Bá Kiến:
Ví dụ (46): “…, Cụ móc sẵn năm hào (…) để tống nó (Chí Phèo) đi
cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ cũng phải quát một câu cho nhẹ người. - Chí Phèo đấy hở? Lè bè vừa thôi chứ, tôi không phải là cái kho. Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:
- Cầm lấy mà cút đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi thế à?
Hắn trợn mắt chỉ tay vào mặt cụ: - Tao không đến đây xin năm hào.
Thấy hắn toan làm dữ, cụ đành dịu giọng: - Thôi cầm lấy vậy, tôi không còn hơn. Hắn vênh cái mặt lên, rất là kiêu ngạo: - Tao đã bảo là tao không đòi tiền.
- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế thì anh cần gì? Hắn dõng dạc:
- Tao muốn làm người lương thiện! Bá Kiến cười ha hả:
- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ. Hắn lắc đầu:
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ còn một cách… biết không! Chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!”
Trong cả bốn lượt lời ở đoạn đối thoại trên, Chí Phèo đều xưng “tao” với cụ Bá và nói trống không, lời lẽ quát nạt, cao giọng. Đi kèm với giọng điệu ngạo mạn là thái độ khinh thị ra mặt (trợn mắt chỉ tay vào mặt, vênh mặt
lên). Đổi lại, Bá Kiến đã phải “dịu giọng”. Cách xưng hô của Chí Phèo với Bá
Kiến bộc lộ vị thế giao tiếp lâm thời của nhân vật, từ vị thế thấp vươn lên cao, từ vị thế bị chế ngự, bị động, chuyển sang thế chủ động. Tuy số lượt lời của Bá Kiến nhiều hơn so với Chí Phèo một lượt lời (Bá Kiến 5 lượt lời, Chí Phèo 4 lượt lời), nhưng càng về cuối, vị thế chủ động trong cuộc thoại này nghiêng hẳn về phía Chí Phèo. Ở lượt lời cuối cùng, diễn ngôn của Bá Kiến chỉ gồm hai câu ngắn gọn (Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên
hạ nhờ). Trái lại, Chí Phèo nói dài, anh làm chủ cuộc thoại, đáp trả dõng dạc,
rõ ràng lời của Bá Kiến. Tương quan số câu ở lượt lời cuối cùng của Chí Phèo cho thấy điều đó. (8 câu, nhiều gấp 4 lần so với Bá Kiến).
Ba cuộc thoại giữa Chí Phèo – Bá Kiến đều diễn ra tại nhà Bá Kiến, đều do Chí Phèo chủ động đến gây sự nhưng không lặp lại nhau. Nam Cao đã khéo léo để cho hai nhân vật ở hai cực đối lập quyền thế, giàu có và cùng đinh, nghèo hèn đối chọi nhau một cách gay gắt bằng những lời lẽ đối đáp hô ứng, phản ánh vị thế giao tiếp và tính cách của các nhân vật, đồng thời hướng đến đích giao tiếp (điều nhà văn muốn kể, muốn bộc lộ với người đọc) một cách tự nhiên.
2.1.5. Các hình thức đối thoại (song thoại và đa thoại)
Đặc biệt, tài dựng đối thoại của nhà văn còn được thể hiện ở những cuộc thoại có sự tương tác giữa người nói và người nghe, nhưng không có sự luân phiên lượt lời giữa hai nhân vật giao tiếp. Trong truyện ngắn Chí Phèo
có hai cuộc thoại trực tiếp như thế.
Đó là cuộc thoại giữa Thị Nở và Chí Phèo diễn ta tại khu vườn chuối gắn với ngữ cảnh Chí Phèo say rượu, suốt đêm ngủ ngoài trời, gần sáng, hắn bị cảm lạnh và ói mửa dữ dội.
Ví dụ (47): “Thị Nở xích lại. Đặt bàn tay lên ngực hắn … thị hỏi hắn:
- Vừa thổ hả?
Mắt hắn đảo lên nhìn thị, nhìn một thoáng rồi lại đờ ra ngay. - Đi vào nhà nhé?
Hắn làm như gật đầu. Nhưng cái đầu không động đậy, chỉ có cái mí mắt là nhích thôi.
- Thì đứng lên.
Nhưng hắn đứng lên làm sao được. Thị quàng tay vào nách hắn, đỡ cho hắn gượng ngồi. Rồi thị kéo hắn đứng lên. Hắn đu vào cổ thị, hai người lảo đảo đi về lều”.
Trong cuộc đối thoại này, chỉ có ba lượt lời của Thị Nở. Chí Phèo không nói câu nào (vì mệt rũ người, không cất nổi tiếng) nhưng vẫn đáp lại câu hỏi và đề nghị của Thị Nở bằng bằng thái độ, cử chỉ của mình. Tương tự là cuộc chuyện trò, tâm tình giữa Chí Phèo và Thị Nở tại nhà Chí Phèo sau đêm họ gặp gỡ nhau tại khu vườn chuối:
Ví dụ (48): “…Hắn băn khoăn nhìn Thị Nở, như thăm dò. Thị vẫn im
lặng, cười tin cẩn, hắn thấy tự nhiên nhẹ người. Hắn bảo thị: - Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?
Thị không đáp, nhưng cái mũi của thị như càng bạnh ra. Hắn thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:
- Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.
Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí khanh khách cười. Lúc tỉnh táo hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm.bấy giờ thí mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui. Hắn bẹo Thị Nở một cái làm thị nẩy hẳn người lên. Và hắn cười, hắn lại bảo:
- Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không?
Thị phát khẽ hắn một cái, làm vẻ không ưa đùa…”
Đây là cuộc song thoại có người nói, người nghe, nhưng không có sự luân phiên lượt lời. Tuy chỉ có Chí Phèo cất tiếng nhưng giữa hai nhân vật giao tiếp vẫn có sự tương tác, hô ứng với nhau. Trong cảnh huống này, trước lời tỏ tình và đề nghị bộc tuệch của Chí Phèo, nhà văn đã khéo léo để cho Thị Nở - cô gái quá lứa lỡ thì - trả lời bằng thái độ e lệ, cử chỉ lườm nguýt, phát yêu. Ở đây, ngòi bút của nhà văn đã theo sát lôgic của hiện thực và chứng tỏ sự già dặn, sắc sảo khi dựng đối thoại chỉ gồm một phía.
Ba lượt lời của Chí Phèo gồm hai câu hỏi và một lời đề nghị:
- Giá cứ này mãi thì thích nhỉ!
- Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. - Đằng ấy có nhớ gì hôm qua không?
còn hé mở một góc khuất trong bản tính nhân vật. Là một kẻ lưu manh chuyên nghề rạch mặt ăn vạ, Chí Phèo mở miệng ra là “chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại”, chửi cả “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”. Hắn luôn giở giọng ngang tàng, phách lối, xem thường mọi người, từ ngữ xưng hô quen thuộc nơi cửa miệng hắn là “ông”, là “tao”. Vậy mà trò chuyện với Thị Nở, Nam Cao đã đặt vào cửa miệng Chí Phèo lối nói trống không, thân tình (Giá
cứ thế này mãi thì thích nhỉ?), lối xưng hô tớ - mình (Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui), gọi Thị Nở là “đằng ấy”. Đây là lần duy nhất trong
tác phẩm, Chí Phèo trò chuyện cởi mở, xưng hô thân mật với người đối thoại. Diễn ngôn của nhân vật bộc lộ tình cảm mộc mạc, chân thành với Thị Nở.
Phía sau bộ mặt chằng chịt những vết sẹo của không biết bao lần rạch mặt ăn vạ vẫn là một trái tim biết yêu thương, mong muốn được yêu thương, và thiết tha, khao khát một mái ấm gia đình.
Cuộc trò chuyện giữa Lão Hạc và con chó Vàng trong truyện ngắn Lão
Hạc cũng là một cuộc thoại “hẫng” vì chỉ có lời của một phía. Người cha già
nua tuổi tác sống cô đơn, vò võ một mình uống rượu và trút nỗi niềm mong nhớ, trông đợi đứa con trai đi xa với “người bạn tâm tình” đặc biệt của mình:
Ví dụ (49): “- Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu vàng? Bố cậu lâu
lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy… Hơn ba năm… Có đến ngót bốn năm… Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!
Con chó vẫn hếch mồm nhìn lên, chẳng lộ một vẻ gì; lão lừ mắt nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng dọa:
- Nó giết mày đấy? Mày có biết không? Ông cho thì bỏ bố!
Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa:
- Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết?
Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhẹ nhẹ vào lưng nó và dấu dí:
- À không! À không! Không giết Cậu vàng đâu nhỉ! … Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…”
Trong cuộc hội thoại giữa người và vật nêu trên, tuy chỉ có lời của Lão Hạc nhưng giữa các nhân vật hội thoại vẫn có sự tương tác lẫn nhau. Ngoại trừ ở lượt lời đầu tiên “Con chó vẫn hếch mồm nhìn lên, chẳng lộ một vẻ gì”, ở các lượt lời tiếp theo của lão Hạc, con Vàng - đối tượng trò chuyện của lão Hạc - tuy không thể lên tiếng nhưng đã tham gia vào cuộc thoại qua các hành động “vẫy đuôi”, “chực lãng”. Lão Hạc nắm bắt và hiểu các biểu hiện ấy của con vật theo cảm nhận của mình. Các tín hiệu đưa đẩy, phản hồi hoạt động
trao lời của con Vàng đã dẫn dắt cuộc thoại phát triển. Do vậy, đây vẫn là một cuộc song thoại đích thực tuy thực chất bên trong là cuộc độc thoại nội tâm của nhân vật chính.
2.1.5.2. Tam thoại, đa thoại
Phần lớn các cuộc hội thoại giữa các nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao thường là song thoại (dialogue). Những cuộc tam thoại, đa thoại không nhiều. Xây dựng những cuộc hội thoại gổm nhiều nhân vật giao tiếp khó hơn nhiều so với song thoại. Trong truyện ngắn Đón khách, có một cuộc tam thoại diễn ra trong một hàng nước ven đê giữa Sinh - một công chức làm việc ở tỉnh lỵ - và mẹ con bà hàng nước (bà đồ Cảnh – cô Na), họ vốn quen biết nhau từ trước.
Ví dụ (50): “Một hôm y ve vẩy hai tay (…) vào hàng bà đồ Cảnh…
- Nào cậu phán mua mở hàng cho tôi nào. - Ồ thế cụ chưa bán mở hàng, dư cụ? - Chưa ạ, tôi vừa mới dọn…
- Thế thì tốt quá! Cháu mua mở hàng thật tốt vía; hàng cụ thế nào cũng đắt. Cụ có những gì đấy kia?
(…) Bà đồ cũng cười và bảo:
- Nói thế chứ những thức này cậu phán ăn làm sao được? Các cậu có ăn thì lại vào cao lâu…
- Cao lâu cũng không ngon bằng hàng của cụ. - Vậy cậu mua đi cho tôi vài hào.
Cháu mua luôn hầu cụ vài trăm bạc. Nhưng để cháu còn tìm đã. Chuối, xôi, chè, canh, cháu đều không thích. Cháu chỉ muốn mua một thứ.
- Cậu muốn mua thứ gì? - Cụ có bán na thì cháu mua!
Nói thật nhanh xong câu ấy, Sinh cười sằng sặc. Na lườm y một cái, mặt đỏ như gấc chín. Bà đồ cũng cười nheo cả mắt, vờ vĩnh bảo:
- Na về tháng bảy, tháng tám mới có chứ mùa này làm gì có? - Sinh cười ngặt nghẽo:
- Cụ thì bao giờ cũng có ạ. Cháu trông thấy rồi. Phải không cô Na nhỉ? Na lại càng đỏ mặt. Thị quay mặt hẳn đi, phụng phịu. Bà đồ hỏi:
- Cậu mua thật hay mua dối? - Mua thật ạ. Cháu đang ao ước.
Thế thì tôi cho cậu đấy. Có nuôi được thì đem về mà nuôi.
- Thế thì cháu cám ơn cụ lắm. Cô Na ạ, cô nghe đấy!... Vậy từ nay con là con cụ nhé!...”
Các diễn ngôn của Sinh hướng đến cả hai nhân vật đang có mặt trong quán nước là bà đồ và cô Na. Dưới mắt Sinh, Na là cô gái “trông cũng hay hay”, “không đẹp nhưng cũng kháu”, do vậy anh cố tình trêu cô. Cuộc tam thoại này bao gồm hai cuộc song thoại giữa các cặp nhân vật: Sinh – bà đồ và Sinh – cô Na. Tuy nhiên, trong đoạn thoại trên chỉ có các lượt lời của bà đồ đối đáp với Sinh. Cô Na cũng tham gia vào cuộc thoại của người khách quen nhưng không lên tiếng. Trước lời chọc ghẹo, ỡm ờ của chàng thanh niên, “Na lườm y một cái, mặt đỏ như gấc chín”. Sinh trêu già, cô gái quê “càng đỏ
mặt”, bối rối, ngượng nghịu đáp lại bằng vẻ phụng phịu và cử chỉ quay mặt đi. Biệt tài dựng đối thoại của nhà văn thể hiện ở chỗ các diễn ngôn của Sinh nói với bà đồ nhưng lại hướng vào Na, thực hiện đích giao tiếp là trêu ghẹo cô (Cụ có bán na thì cháu mua!,...). Bên cạnh đó, Nam Cao còn khéo léo lồng ghép vào đoạn thoại trên một cuộc song thoại “hẫng” giữa Sinh - cô Na vì chỉ có lượt lời của Sinh hướng đến Na (Phải không cô Na nhỉ?/ Cô Na ạ, cô nghe
đấy!... Tính chất cuộc thoại là tam thoại nhưng chỉ có hai nhân vật cất tiếng.
Trong truyện ngắn Nước mắt, Nam Cao cũng đã xây dựng một cuộc tam thoại ngắn gọn nhưng khá là thú vị. Đó là cuộc tam thoại giữa hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ.
- Con vào hỏi xem thầy có xơi cơm thì u thổi.
Điền nghe thấy mà nuốt nước bọt. Hắn đang thèm cơm lắm. Nhưng không hiểu sao Điền muốn nhịn, muốn đày đọa mình cho khổ hơn thế nữa, (...) Bởi thế khi Hường vào, rụt rè nhắc lại câu mẹ dặn, Điền quát lên với nó:
- Không ăn!
Nó bịu xịu đi ra. Mẹ con thì thầm. Rồi Hường lại rón rén vào. - Thầy có xơi cháo đậu, để u con đi nấu.