6. Cấu trúc của luận án
1.5.2. Khái quát về lịch sử vấn đề nghiên cứu phân tích diễn ngôn (Discourse
(Discourse Analysis)
1.5.2.1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu phân tích diễn ngôn ở nước ngoài
Theo tác giả Diệp Quang Ban trong cuốn Giao tiếp diễn ngôn và cấu
tạo văn bản, nhà ngôn ngữ học người Bỉ E.Buysen là người đầu tiên sử dụng
discourse như một khái niệm chuyên môn trong tác phẩm Hoạt động nói năng
và văn bản (1943). Từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX, nghiên cứu diễn
ngôn (hay còn gọi là phân tích diễn ngôn) trở thành một trào lưu khoa học phát triển rầm rộ ở châu Âu và diễn ngôn trở thành một khái niệm trung tâm, được lưu hành rộng rãi trong khoa học xã hội và nhân văn. Sau thời kỳ thống trị của cấu trúc luận, nó lại xuất hiện với những hàm nghĩa mới trong các công trình nghiên cứu hậu cấu trúc và giải cấu trúc của M.Foucault, J.Derrida, R.Barthes…
Người đầu tiên đề cập đến và đưa ra cái tên phân tích diễn ngôn là Z. Harris. Người thứ hai được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực này là T. F. Mitchell. Coulthard viết: Trong thời kỳ trước những năm 60 chỉ vẻn vẹn có hai cố gắng tách rời nhau nghiên cứu về cấu trúc trên câu, một là của Z. Harris (1952), một của T. F. Mitchell (1957). Còn công truyền bá phân tích diễn ngôn cùng với tên gọi của nó trên bình diện thế giới lại thuộc về Van Dijk.
Giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỷ XX, cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ lớn hơn câu được gọi tên là Ngôn ngữ học văn bản
(Text linguistics). Có các công trình nghiên cứu về văn bản khác như: Dẫn luận ngôn ngữ học văn bản (1972) của Dressler, Một số phương diện của ngữ pháp văn bản (1972) của Van Dijk, …
Việc nghiên cứu văn bản giai đoạn này tập trung chú ý ở đơn vị ngôn ngữ trên câu, nên xuất hiện những tên gọi như: Cú pháp văn bản (Dressler, 1972), Ngữ pháp văn bản (Weinrich, 1967; Dressler, 1972; Van Dijk, 1972), Ngữ pháp liên câu (Enkvist, 1973), Chỉnh thể cú pháp trên câu (một số nhà nghiên cứu Nga).
Năm 1983, công trình nghiên cứu Phân tích diễn ngôn (Discourse
Analysis) của Gillian Brown, George Yule đã đánh dấu bước phát triển mới
của ngôn ngữ học. Bên cạnh đó còn có Levinson với Dụng học (Pragmatics). Tác giả này cũng dùng tên gọi Phân tích diễn ngôn và coi nó là một tên gọi khác của dụng học, đối lại với phân tích hội thoại.
Một số công trình nghiên cứu về diễn ngôn của nước ngoài được dịch sang tiếng Việt, chẳng hạn: Dụng học, một số dẫn luận nghiên cứu ngôn ngữ của George Yule (Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên dịch, 1997); Dẫn
nhập phân tích diễn ngôn của David Nunan (Hồ Mỹ Huyền, Trúc Thanh dịch,
1998); Phân tích diễn ngôn của Gillian Brown, George Yule (Trần Thuần dịch, 2002), Dẫn luận ngữ pháp chức năng của M.A.K Halliday (Hoàng Văn Vân dịch, 2004)… các công trình này tập trung vào mấy điểm sau: diễn ngôn là gì, đặc điểm và chức năng của diễn ngôn, các vấn đề về ngữ cảnh và ý nghĩa diễn ngôn, cấu trúc thông tin của diễn ngôn, bản chất quy chiếu trong diễn ngôn, các đường hướng phân tích diễn ngôn…
1.5.2.2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu phân tích diễn ngôn ở trong nước
Quan niệm về diễn ngôn được giới thiệu ở Việt Nam sớm nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Có thể kể đến các công trình: Hệ thống liên kết văn
bản tiếng Việt của Trần Ngọc Thêm (1985); Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản của Diệp Quang Ban (1998,
2009), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 của Đỗ Hữu Châu (2001), Phân tích
diễn ngôn - một số vấn đề lí luận và phương pháp của Nguyễn Hoà (2003), Dụng học Việt ngữ của Nguyễn Thiện Giáp (2004), Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học của Nguyễn Thái Hoà (2005),... Cũng có thể kể đến các
bài viết: “Phân tích diễn ngôn phê phán là gì?” (Ngôn ngữ, 2 -2005), “Khía
cạnh văn hoá của phân tích diễn ngôn” (Ngôn ngữ, 12 -2005), “Thực hành phân tích diễn ngôn bài Lá rụng” (Ngôn ngữ, 2 - 2009), “Một vài dạng cấu trúc nhân quả khó nhận biết trong diễn ngôn nghệ thuật ngôn từ” ( Ngôn ngữ
số 4 - 2009)…
Là một trong số các nhà Việt ngữ học quan tâm đến vấn đề nghiên cứu diễn ngôn, Diệp Quang Ban đã có nhiều công trình chuyên sâu về lĩnh vực này. Chuyên khảo đầu tiên của ông về diễn ngôn là cuốn Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, xuất bản năm 1998 (Nxb Giáo dục, Hà Nội). Năm 2003, ông
công bố tác phẩm Giao tiếp. Văn bản. Mạch lạc. Liên kết. Đoạn văn (Nxb Khoa học xã hội). Hai năm sau (2005) ông in tiếp tác phẩm Văn bản (Giáo trình Cao đẳng Sư phạm, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội). Năm 2009, tác giả ra mắt chuyên luận Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo văn bản (Nxb Giáo dục, Hà Nội). Trong chuyên luận này, bên cạnh việc khái quát, hệ thống hoá các quan điểm về giao tiếp và cấu tạo của văn bản đã được đề cập trong ba tác phẩm đầu, Diệp Quang Ban đã dành hẳn phần thứ hai của tập sách với hơn ba trăm trang viết trình bày về diễn ngôn với 8 nội dung sau: truyện học và ngữ pháp truyện, phân tích hội thoại, phân tích diễn ngôn, văn bản và đặc trưng của văn bản, ngôn ngữ nói và viết, mạng mạch, mạch lạc trong văn bản, liên kết trong tiếng Việt.
Tác phẩm Phân tích diễn ngôn: Một số vấn đề lý luận và phương pháp của Nguyễn Hoà là một chuyên luận sắc sảo về diễn ngôn và phân tích diễn ngôn.
diễn ngôn, chương I của tác phẩm tập trung bàn về vấn đề: khái niệm diễn ngôn, các đặc điểm của diễn ngôn, quan niệm về mạch lạc… Ở chương II, chuyên luận trình bày một cách cô đọng, rõ ràng chín hướng đi trong phân tích diễn ngôn của các nhà ngôn ngữ trên thế giới. Ở chương III, chuyên luận bàn về vấn đề “Ngữ cảnh và giao tiếp”. Chương cuối cùng của chuyên luận (chương IV) trình bày một số ứng dụng lý luận phân tích diễn ngôn theo phương pháp phân tích diễn ngôn tổng hợp vào thực tế. Tác giả đã tiến hành phân tích diễn ngôn bản tin thời sự chính trị - xã hội và diễn ngôn thể loại bình luận chính trị. Các cứ liệu cụ thể được sử dụng gồm cả văn bản tiếng Anh và tiếng Việt.
Nhìn chung, những quan điểm, kiến giải của tác giả có sức thuyết phục cao, góp phần đặt nền móng về lý luận và phương pháp cho việc phân tích diễn ngôn.
Những vấn đề về diễn ngôn đã được Đỗ Hữu Châu đề cập trong tác phẩm Đại cương ngôn ngữ học (tập 2: Ngữ dụng học, Nxb Giáo dục, 2001). Diễn ngôn được ông quan niệm là lời của từng người nói ra trong một cuộc giao tiếp. Một diễn ngôn gồm nhiều phát ngôn có quan hệ gắn bó, lệ thuộc và chi phối nhau. Mỗi diễn ngôn có thể do một hoặc một số hành vi ngôn ngữ tạo ra. Căn cứ vào dạng thức ngôn ngữ được sử dụng (lời nói/ chữ viết), tác giả phân biệt diễn ngôn nói hay diễn ngôn viết và gọi diễn ngôn viết là các văn bản.
Bàn về cấu tạo của diễn ngôn, Đỗ Hữu Châu xem xét cả hai mặt hình thức và nội dung. Theo ông, mặt hình thức của diễn ngôn bao gồm các yếu tố ngôn ngữ, đơn vị từ vựng, quy tắc kết học và cả các hành vi ngôn ngữ (các yếu tố kèm lời và phi lời tạo nên diễn ngôn). Nội dung diễn ngôn gồm hai phương diện là nội dung thông tin và nội dung miêu tả. Các thành tố nội dung có thể được thể hiện tường minh qua các yếu tố hình thức hoặc tồn tại khiếm diện trong đích giao tiếp. Cả hai mặt hình thức và nội dung của diễn ngôn đều
chịu sự tác động của ngữ cảnh “là những nhân tố có mặt trong cuộc giao tiếp
nhưng nằm ngoài diễn ngôn” [25,15]. Phân tích diễn ngôn phải chú ý xem xét
cả hai mặt hình thức và nội dung của diễn ngôn, có như thế mới đánh giá đầy đủ, toàn diện tính chất và hiệu quả của diễn ngôn.
Tiếp cận diễn ngôn từ góc nhìn dụng học, Đỗ Hữu Châu đặc biệt quan tâm đến ngữ cảnh giao tiếp. Quan điểm về phân tích diễn ngôn của ông đối lập với các nhà ngôn ngữ học theo quan điểm cấu trúc luận. Từ những phân tích của ông, có thể thấy rằng các yếu tố bên ngoài đã tác động, chi phối không nhỏ đến việc hình thành diễn ngôn, do vậy phân tích diễn ngôn không thể không xem xét đến nhân tố ngữ cảnh.
Tiếp cận với đường hướng nghiên cứu ngôn ngữ hành chức trong mối quan hệ với người sử dụng, năm 1998, Nguyễn Đức Dân đã công bố chuyên luận Ngữ dụng học, tập 1 (Nxb Giáo dục, Hà Nội). Đây là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu về Ngữ dụng học ở Việt Nam. Trong chuyên luận này, những cơ sở lý thuyết căn bản về ngữ dụng học đã được trình bày một cách hệ thống, sáng rõ trên cơ sở phân tích các cứ liệu tiếng Việt. Chương I của chuyên luận trình bày lịch sử ra đời và những vấn đề đại cương của chuyên ngành Ngữ dụng học. Ở chương II, tác giả đi sâu vào lĩnh vực hành vi ngôn ngữ. Các khái niệm cơ sở và các vấn đề liên quan như các loại hành động ngôn ngữ, điều kiện sử dụng hành động ngôn ngữ, phân loại hành động ở lời, biểu thức ngữ vi, những dấu hiệu ngữ vi, hành động ngôn ngữ gián tiếp được nêu lên và phân tích một cách cụ thể. Nguyễn Đức Dân đã dành hẳn chương III cho vấn đề hội thoại. Phần này chiếm một dung lượng đáng kể. Các vấn đề cơ bản về lý thuyết hội thoại như cuộc thoại, cấu trúc hội thoại, các nguyên lý hội thoại, hàm ý hội thoại, ... được tác giả trình bày khá chi tiết ở chương này. Chương cuối cùng của chuyên luận (chương IV) được dành cho vấn đề lý thuyết lập luận, một phương diện quan trọng trong hoạt động giao tiếp. Tác giả quan niệm lập luận là “một hoạt động ngôn từ. Bằng
công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lý lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó: rút ra một (hay một số) kết luận hay chấp nhận một (hay một số) kết luận nào đó” [32,165].
Có thể nói chuyên luận Ngữ dụng học của Nguyễn Đức Dân là một công trình nghiên cứu sâu về phân tích diễn ngôn đơn văn bản. Các vấn đề lý thuyết và thực hành về phân tích diễn ngôn hội thoại đã được trình bày và lý giải một cách thuyết phục.
Tác giả Mai Thị Hảo Yến (2001) đã bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Hội thoại trong truyện ngắn Nam Cao (các hình thức thoại dẫn)”. Tác giả đã nhận diện, miêu tả cấu trúc của các hình thức thoại dẫn trực tiếp và thoại dẫn gián tiếp trong truyện ngắn Nam Cao. Luận án này đã giành hẳn một chương tên là “Dòng tâm tư” để miêu tả phân tích lời dẫn của ý nghĩ nội tâm (chủ ngữ và vị ngữ trong lời dẫn của ý nghĩ nội tâm, điểm nhìn của ý nghĩ nội tâm); hình thức trực tiếp và gián tiếp của độc thoại nội tâm trong truyện ngắn Nam Cao. Như vậy, luận án đã phân biệt được một cách cụ thể các phạm trù được dẫn trong thoại dẫn, bao gồm cả lời nói (lời thoại) và ý nghĩ.
Tác giả Vũ Văn Lăng(2013) đã hoàn thành luận án tiến sĩ “Một số tác phẩm của Nam Cao dưới ánh sáng của phân tích diễn ngôn và dụng học”. Lấy ngữ liệu hai tác phẩm Chí Phèo và Sống mòn của Nam Cao, tác giả đã nghiên cứu nó ở các khía cạnh: bố cục của tác phẩm; tính cách của nhân vật(nét tích cực, tiêu cực); một số cách lập luận của nhân vật. Luận án giành khá nhiều công sức để nhận diện những dấu hiệu kí hiệu học trong hai tác phẩm của Nam Cao. Đó là các tệ mua quan bán chức, tệ đa thê, tệ ghen tuông hay tệ tảo hôn, tệ hối lộ…
Bên cạnh đó còn có một số luận văn thạc sĩ đáng chú ý như Mạch lạc
diễn ngôn hội thoại trong một số tác phẩm văn học hiện đại của Trần Thị Thu
Hương. Luận văn này đã chú ý vấn đề mạch lạc và lý giải sự phát triển tư duy văn học trong những năm gần đây, trong đó nổi bật là sự chú ý nhiều đến yếu
tố ngữ cảnh. Luận văn thạc sĩ Tên bài trên báo Việt Nam từ bình diện phân
tích diễn ngôn của Trần Thị Nga đã tìm hiểu và phân tích tiêu đề báo chí trên
phương diện ngôn ngữ. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã đánh giá rất cao vai trò của tiêu đề. Có thể nói rằng luận văn Tên bài trên báo Việt Nam từ bình diện
phân tích diễn ngôn đã nghiên cứu phân tích diễn ngôn ở khía cạnh của cấu
trúc nội dung - tiêu đề văn bản báo chí. Trong luận văn thạc sĩ Biểu hiện của
quan hệ quyền thế trong các diễn ngôn hội thoại, tác giả Phạm Thị Thu Trang
đã tìm hiểu vấn đề này trên tư liệu một số truyện ngắn hiện đại. Luận văn cho chúng ta thấy một số vấn đề cơ bản về diễn ngôn hội thoại và phân tích diễn ngôn hội thoại. Bàn về phân tích diễn ngôn hội thoại, tác giả đã chú ý đến vấn đề ngữ cảnh, đặc điểm các nhân vật giao tiếp, các nguyên lý giao tiếp (lịch sự - cộng tác). Theo tác giả “bản thân công trình này mới chỉ đề cập đến một phần rất nhỏ” trong việc nghiên cứu các diễn ngôn hội thoại nói riêng, phân tích diễn ngôn nói chung.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về phân tích diễn ngôn rất phong phú và đa dạng ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau: đặc điểm và chức năng, ngữ cảnh và ý nghĩa, cấu trúc thông tin, bản chất quy chiếu của diễn ngôn và sự vận dụng phân tích diễn ngôn trong việc tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ của một số kiểu loại văn bản... Tuy nhiên, cho đến nay, ở Việt Nam, theo chúng tôi biết chỉ có một ít công trình vận dụng lý thuyết phân tích diễn ngôn để tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ truyện ngắn của một tác giả cụ thể. Tuy đã có hai luận án tiến sĩ cùng lấy ngữ liệu là truyện ngắn Nam Cao và cũng đã vận dụng cơ sở lí luận của Dụng học, Phân tích diễn ngôn nhưng theo một hướng đi khác với những mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi.
TIỂU KẾT
Trong chương này, luận án trình bày những khái niệm cơ bản, cơ sở lí luận liên quan đến đề tài nghiên cứu như: diễn ngôn, mạch lạc, hội thoại, tiền giả định và hàm ngôn. Chương 1 cũng đã trình bày tổng quan vấn đề nghiên
cứu về tác giả Nam Cao và về lĩnh vực phân tích diễn ngôn trong và ngoài nước. Qua đó, chúng tôi đã hệ thống hóa được cơ sở lí thuyết và xác lập được giới hạn nghiên cứu để đề tài nhằm đảm bảo kế thừa được những kết quả nghiên cứu của các công trình trước nhưng cũng xác lập được những lĩnh vực nghiên cứu mới của mình. Theo chúng tôi, nghiên cứu đối thoại, độc thoại và mạch lạc là những vấn đề rất quan trọng trong việc nghiên cứu diễn ngôn hội thoại.
Chúng tôi đã tìm hiểu về diễn ngôn và phân tích diễn ngôn. Diễn ngôn chủ yếu lớn hơn một phát ngôn. Nó có tính mạch lạc và có cấu trúc mô hình riêng. Còn khi phân tích diễn ngôn truyện ngắn, cần phải xem xét cả hai phương diện chức năng và cấu trúc ngôn ngữ của tác phẩm qua các bước: phân tích cấu trúc, phân tích ngữ cảnh, phân tích đặc điểm của diễn ngôn kể, diễn ngôn thoại và diễn ngôn trữ tình ngoại đề, cuối cùng là phân tích ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Việc hiểu và vận dụng được kiến thức diễn ngôn và PTDN sẽ là chiếc chìa khoá giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc thoại cũng như mạch lạc của cuộc thoại.
Trên cơ sở tìm hiểu chung về diễn ngôn và phân tích diễn ngôn, chúng tôi tiến hành tìm hiểu về hội thoại. Qua tìm hiểu về một số quan niệm về hội thoại, chúng tôi thấy rằng hội thoại bao gồm: độc thoại, song thoại, đa thoại,