Xây dựng thành phần lãnh đạo bằng quan tâm đến từng cá nhân

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO LÊN SỰ TẬN TÂM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH LỮ HÀNH LUẬN VĂN THẠC SĨ.PDF (Trang 79)

Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố quan tâm đến từng cá nhân tác động mạnh nhất đến tận tâm vì tình cảm (+0,314) nên tác giả đưa ra hàm ý quản trị là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Việt Nam ưu tiên chú ý đến yếu tố quan tâm đến từng cá nhân hơn nữa để người lao động cảm nhận được tận tâm vì tình cảm nhiều hơn. Các tiêu chí đo lường yếu tố quan tâm đến từng cá nhân gồm:

- Thấu hiểu nhu cầu, ước muốn, năng lực riêng của người lao động. - Tạo sự gần gũi với cấp dưới bằng cách chủ động tiếp xúc và trò chuyện. - Đối xử với cấp dưới như một cộng sự cùng thực hiện mục tiêu chung chứ không phải là một nhân viên dưới quyền.

- Quan tâm đến cấp dưới không chỉ trong công việc. - Dành thời gian chỉ dẫn công việc cho cấp dưới.

- Quan tâm nhiều hơn đến cấp dưới có vẻ chưa hòa nhập với tập thể.

Dựa trên các tiêu chí trên và giá trị cảm nhận trung bình từng tiêu chí của nhân viên (xem phụ lục 20), tác giả đưa ra một số gợi ý áp dụng để áp dụng yếu tố lãnh đạo bằng quan tâm đến từng cá nhân trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Việt Nam hiệu quả hơn như sau:

(1) Chủ động tạo sự gần gũi: để hiểu rõ nhu cầu, ước muốn và năng lực của cấp dưới. Trong các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam, người lao động cảm nhận cấp trên của họ khá gần gũi (3,89 trong thang đo likert 5 bậc) nhà lãnh đạo nên chủ động bắt chuyện với cấp dưới của mình để phá vỡ rào cản bao đời nay giữa cấp trên và cấp dưới. Khi nhà lãnh đạo có thể tạo cho người lao động một tâm lý dễ dàng chia sẻ thì họ sẽ tự tin trao đổi với cấp trên những vấn đề họ cảm nhận về công việc và tổ chức cũng như những nhu cầu, ước muốn của bản thân. Và chính từ những điều này nhà lãnh đạo có thể hiểu được nhân viên đang kỳ vọng điều gì và năng lực thực sự của họ ra sao, phù hợp với tính chất công việc như thế nào. Theo kết quả

khảo sát, người lao động trong các doanh nghiệp lữ hành cảm nhận khả năng thấu hiểu nhu cầu, ước muốn và năng lực cấp dưới từ Sếp chưa cao (3,7 trong thang đo Likert 5 bậc). Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm hơn vấn đề này để có thể cải thiện mức độ tận tâm vì tình cảm của người lao động.

(2) Đối xử với cấp dưới như một cộng sự thực thụ: như giới thiệu trong chương 1, trình độ của lao động trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành khá cao. Một khi con người có khả năng nhận thức cao thì ngoài những nhu cầu bình thường đi làm để có lương thì nhu cầu được tôn trọng ngày càng được họ quan tâm. Chính vì thế các nhà lãnh đạo hết sức mềm dẻo trong việc giao tế nhân sự. Phải làm cho cấp dưới cảm nhận được họ là thành viên của nhóm/phòng/công ty chứ không phải chỉ là một người làm thuê đến tháng lãnh lương. Tuy nhiên, việc tôn trọng, ôn hòa với cấp dưới không đồng nghĩa với việc làm mất đi vị trí của mình trong mắt họ.

(3) Quan tâm chia sẻ đời sống ngoài công việc của người lao động: chất lượng công việc của người lao động bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố nhất là yếu tố đời sống riêng ngoài công việc của người đó. Một lãnh đạo chỉ biết đến cấp dưới trong môi trường công việc mà không biết một chút xíu nào về đời sống của họ thì rất khó có những giải pháp xử trí hữu hiệu những tình huống cấp dưới gặp khó khăn trong cuộc sống mà ảnh hưởng đến hiệu quả công việc trên công ty. Khi nhà lãnh đạo để ý tìm hiểu đôi nét về cấp dưới của mình thì hai người sẽ có những cuộc trò chuyện hiệu quả hơn. Người lao động trong doanh nghiệp lữ hành chưa cảm nhận được sự quan tâm đến đời sống ngoài công việc của cấp trên ở mức độ cao (3,76 trong thang đo Likert 5 điểm).

(4) Dành thời gian chỉ dẫn công việc cũng như giúp người lao động (nhất là nhân sự mới) hòa nhập với tập thể: việc dành ít thời gian chỉ dẫn công việc cho nhân viên sẽ làm cho cấp dưới hiểu rõ hơn cách thức thực hiện và kỳ vọng của người lãnh đạo là gì. Cấp dưới “tự bơi” sẽ vất vả hơn người được Sếp quan tâm chỉ dẫn. Bởi vì có những lúc họ không biết phải giải quyết khó khăn trong công việc như thế nào và họ sẽ dễ chán nản nếu không có một người động viên, chỉ dẫn. Một người lãnh đạo tinh ý sẽ có thể dự đoán được nhân viên mình có đang gặp khó khăn trong giải quyết công việc không, kịp thời can thiệp để hỗ trợ nhân viên vượt qua.

Chính việc quan tâm chỉ dẫn công việc cũng là cơ hội tạo sự gần gũi với cấp dưới của mình.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO LÊN SỰ TẬN TÂM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH LỮ HÀNH LUẬN VĂN THẠC SĨ.PDF (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)