Đặc trưng nhân cách S

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý sinh viên hệ chính quy ở trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội (Trang 26)

Có nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về nhân cách, theo các nhà tâm lý học cho rằng nhân cách là một phạm trù xã hội, có bản chất xã hội, lịch sử, nghĩa là nội dung của nhân cách là nội dung của những điều kiện lịch sử cụ thẻ của xã hội cụ thể chuyển vào thành đặc điểm nhân cách của từng người. Có thể nêu lên một số định nghĩa nhân cách như sau:

− Nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm một vị trí nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định (A. G. Côvaliôv).

− Nhân cách là một con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ thuộc tính và phẩm chất tâm lý, quy định của hình thức hoạt động và hành vi có ý nghĩa xã hội (E.V.Sôrôkhôva).

− Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người.

Tóm lại nhân cách là sự tổng hoà không phải các đặc điểm cá thể của con người, mà chỉ là những đặc điểm quy định của con người: như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Những thuộc tính tâm lý tạo thành nhân cách thường biểu hiện trên ba cấp độ: cấp độ bên trong cá nhân, cấp độ liên cá nhân và cấp độ ra bằng hoạt động và các sản phẩm của nó.

Có thể nói, nhân cách của SV được hình thành và phát triển là nhờ phần lớn ở quá trình tự vận động và hoạt động tích cực của chính bản thân họ. Điều đó kéo dài suốt cả cuộc đời, nhưng những năm tháng sống và học tập ở trường CĐ, ĐH là thời kỳ hình thành và phát triển mạnh mẽ nhất về nhân cách của người SV trong tương lai.

Trong quá trình giáo dục và đào tạo, đặc điểm đặc trưng về nhân cách của SV thể hiện như sau:

Về thể chất: Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, thể lực dẻo dai nhất, SV đã qua thời kỳ phát dục, cơ thể hoàn thiện và dồi dào sức sống, thích vận động và tham gia các hoạt động. Các nhu cầu về tình bạn, tình yêu trở nên mạnh mẽ, hấp dẫn hơn.

Về hoạt động nhận thức: Do sự phát triển của ý thức nên SV có khả năng chú ý cao, đặc biệt là sự chú ý có chủ định, sự quan sát mang

tính mục đích rõ rệt. Trí nhớ cũng phát triển tốt, SV có khả năng tư duy logic, tư duy lý luận và có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo. Tự ý thức của SV phát triển mạnh nhưng chưa chắc chắn, khả năng đánh giá sâu hơn. Nhưng vấn đề cơ bản là, việc tự phân tích có mục đích là một dấu hiệu cần thiết của một nhân cách đang trưởng thành và là tiền đề của sự tự giáo dục có mục đích. SV có khả năng tự giáo dục và hoàn thiện nhân cách, tuy nhiên trong đánh giá, tự khẳng định bản thân còn chủ quan trong nhận thức. Tính tích cực trong nhận thức còn được thể hiện trong sự hình thành thế giới quan. Các em cố gắng xây dựng quan điểm riêng trong lĩnh vực khoa học, đối với các vấn đề xã hội, tư tưởng, chính trị, đạo đức. Vấn đề ý nghĩa cuộc sống chiếm vị trí trung tâm trong suy nghĩ của các em. Nói chung các em có khuynh hướng sống một cuộc sống tích cực vì xã hội, muốn mang lại lợi ích cho người khác, quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn là phúc lợi vật chất.

Về mặt tình cảm: Đời sống tình cảm của SV rất phong phú, SV có nhu cầu giao tiếp rộng, nhạy cảm và giàu cảm xúc, dễ rung động trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu, các sự kiện xã hội. Ý thức đạo đức, tình cảm hình thành mạnh mẽ trong lứa tuổi này, thế giới nội tâm cũng trở nên đa dạng, phong phú và thường có những mâu thuẫn (nhất là nữ SV).

Về ý chí và tính cách: Nổi bật ở ý chí và tính cách của người SV là tính độc lập, tính tự lập, lòng tự trọng, tính tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và giao lưu rộng rãi. SV còn có thể hiểu rõ những phẩm chất phức tạp, biểu hiện mối quan hệ nhiều mặt của nhân cách (tinh thần trách nhiệm, tình cảm nghĩa vụ, sự cố gắng, quyết tâm..).

Về mặt văn hoá, SV có các thành tố đặc biệt: Phong cách sống, diện mạo đạo đức, phẩm hạnh cá nhân, khả năng ứng xử, lựa chọn hướng hành động, các phương thức điều chỉnh hành vi, ... đều không giống thế hệ đi trước. Các nhu cầu hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao, tình bạn, tình yêu đều khác với lớp người trung niên và người cao tuổi.

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý sinh viên hệ chính quy ở trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội (Trang 26)