D Rèn luyện phẩm chất
2.4.5. Đánh giá chung về công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long.
quản lý cho CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long.
Trên cơ sở khảo sát thực trạng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long, tác giả có nhận xét đánh giá chung về công tác này như sau:
* Ưu điểm
- Về số lượng và cơ cấu: Đội ngũ CBQL các trường THPT trên địa bàn đầy đủ theo quy định. Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến cơ cấu của đội ngũ CBQLGD về giới tính và độ tuổi. Một số CBQL nữ đã phát huy được vai trò của mình. Cơ cấu trẻ hóa đội ngũ bước đầu được thực hiện tốt.
- Về chất lượng: Phần lớn CBQL các trường THPT trong Tỉnh hiện nay xuất thân từ những năm ngành giáo dục còn nhiều khó khăn. Mặc dù được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trong những năm còn thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng đa số CBQL đã thể hiện được tinh thần vượt khó, phấn đấu học tập, tham gia các khóa bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Đến nay trình độ đã
đạt chuẩn và trên chuẩn, một số CBQL đã tốt nghiệp cao học hoặc đang theo học các lớp cao học. Đa số có năng lực chuyên môn từ khá trở lên, có hiểu biết và kinh nghiệm quản lý trường học. Có nhiều cố gắng trong công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các lực lượng xã hội ở địa phương huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị.
Đa số CBQL các trường THPT có phẩm chất chính trị tốt, yên tâm công tác; không bị dao động trước những khó khăn chung của đất nước, của ngành giáo dục; biết đấu tranh bảo vệ đường lối đổi mới của Đảng. Có ý thức tự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, thường xuyên chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong nội bộ nhà trường. Có đạo đức tác phong tốt, gương mẫu trong công tác; có tinh thần đoàn kết xây dựng tập thể tiên tiến, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực vi phạm đến danh dự và uy tín của giáo viên. Có ý thức tổ chức kỉ luật, sống và làm việc theo pháp luật quy định, chấp hành sự phân công của tổ chức. Biết chăm lo đời sống giáo viên, đồng cảm và chia sẻ với đồng nghiệp, đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân.
* Hạn chế
- Tốc độ nắm bắt cái mới, cái luôn vận động còn chậm; chưa đáp ứng tốt được yêu cầu quản lý trường học trong giai đoạn mới; số lượng CBQL gần đây còn thiếu nhiều phó hiệu trưởng, vừa mới được bổ nhiệm cho nên kinh nghiệm trong quản lý còn nhiều hạn chế.
- Còn nhiều CBQL chưa được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ quản lý trường phổ thông và kiến thức quản lý nhà nước. Ngoài ra các vấn đề mới của giáo dục liên quan đến kinh tế thị trường, kinh tế tri thức, vấn đề hội nhập, xu thế phát triển giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới,…đội ngũ CBQL các trường THPT chưa được bồi dưỡng, cập nhật kịp thời.
- Đội ngũ CBQLGD về chuyên môn đào tạo chưa cân bằng giữa chuyên môn đào tạo khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
- Trước yêu cầu đổi mới toàn diện của ngành giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý nhà trường phổ thông theo hướng giao quyền tự chủ biên chế, tự chủ tài chính về đơn vị cơ sở, một bộ phận CBQL tỏ ra lúng túng, bộc lộ những hạn chế trong quản lý nhà trường. Đa số CBQLGD làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa coi trọng công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy trình hoạt động, do đó thường rơi vào sự vụ, tình thế, có khi bảo thủ.
- Một số CBQLGD chưa đầu tư cho hoạt động chuyên môn của nhà trường, thiếu sự chỉ đạo sâu sát, giao khoán nhiệm vụ này cho tổ trưởng chuyên môn. Còn hạn chế trong việc vận dụng các kiến thức kinh tế thị trường vào công tác quản lý. Chưa chú ý đúng mức đến công tác giáo dục, học tập ngoài giờ lên lớp.
- Đa số CBQLGD ít chịu khó học ngoại ngữ và tin học một cách căn bản, mà chủ yếu nhờ vào bộ phận chuyên môn để xử lý công việc hàng ngày; chưa chú trọng vào nghiên cứu khoa học giáo dục, chưa có những sáng kiến, giải pháp để cải tiến công tác quản lý nhà trường, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong quản lý.
* Nguyên nhân của những hạn chế
- CBQLGD tuy đã được bồi dưỡng, nhưng tri thức quản lý chưa ngang tầm với tình hình mới hiện nay, đa số CBQL quản lý nhờ vào kinh nghiệm công tác lâu năm trong ngành, trong nhà trường.
- CBQL các trường THPT trong Tỉnh bước đầu còn lúng túng khi được phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính vì đây là những nhiệm vụ, quyền hạn mới mẻ cho hiệu trưởng, như trực tiếp ký các quyết định liên quan đến nhân sự, tài chính, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ,…
- Việc tiếp xúc, giao lưu, học hỏi với cách quản lý của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới còn hạn chế.
Tất cả những nguyên nhân chủ quan, khách quan trên đã tác động trực tiếp và làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý của CBQL các trường THPT trong Tỉnh.
Kết luận chương 2
Qua tìm hiểu khái quát điều kiện tự nhiên, tình hình KT-XH tỉnh Vĩnh Long, phân tích thực trạng về giáo dục THPT của tỉnh Vĩnh Long, thực trạng chất lượng đội ngũ CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long và thực trạng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi nhận thấy như sau:
- Vĩnh Long là một tỉnh nghèo (thuần nông). Đất hẹp, mật độ dân số cao. Nền nông nghiệp phát triển nhưng thiếu toàn diện và năng suất thấp, công nghiệp nhỏ bé và tăng trưởng thấp, tài chính ngân sách vẫn trong tình trạng chưa cân đối, dân trí phát triển chưa cao, người dân đa số sống bằng nghề nông, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, điều kiện còn khó khăn. Nhưng với sự nổ lực của toàn Đảng, toàn dân, tỉnh Vĩnh Long đã từng bước phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân. Sau nhiều năm đổi mới phát triển, KT-XH tỉnh Vĩnh Long ngày nay đạt mức tăng trưởng khá. Những thành quả đạt được tuy còn khiêm tốn nhưng sẽ là điểm tựa cho sự vươn lên trong tiến trình đổi mới. Để tiềm năng về con người trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ có hiệu quả cho công cuộc đổi mới phát triển, thì chiến lược và chương trình hành động của giáo dục - đào tạo cần có sự đổi mới phát triển mạnh mẽ.
- Công tác quản lý của CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều mặt tích cực, tuy vậy so với sự phát triển hiện nay vẫn còn những hạn chế cơ bản, mà nguyên nhân là do năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ chưa
bắt kịp sự phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực trong QLGD. Thực tế cho thấy CBQL nào biết khai thác sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường, có tầm dự báo sự phát triển của đơn vị, thì hiệu quả chất lượng giáo dục của đơn vị ngày càng tăng cao.
- Để có được năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, người CBQL các trường THPT tỉnh Vĩnh Long cần phải được bồi dưỡng một cách đầy đủ, kịp thời về:
+ Năng lực quản lý theo chức năng, theo quá trình và theo phương tiện. + Những phẩm chất, tâm lý, nhân cách trong công tác quản lý và rèn luyện ý thức tự học, tự bồi dưỡng.
- Trên cơ sở lý luận về bồi dưỡng đội ngũ CBQL trường THPT, qua khảo sát thực trạng về năng lực quản lý của CBQL trường THPT, thực trạng về việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho CBQL của Sở GD&ĐT, có nhận xét, đánh giá tìm ra những nguyên nhân, những hạn chế, bất cập. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn để tác giả đưa ra “Một số giải pháp đổi mới công tác bồi dưỡng CBQL trường THPT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012-2020”, đồng thời thăm dò được tính cần thiết và tính khả thi của các giải pháp đó.
Chương 3