Tô Hoài đã từng khẳng định: “Ngôn ngữ truyện ngắn thường mang tính chất đậm đặc chắt lọc, trong sáng và dễ hiểu. Cho nên muốn học viết phải bắt
đầu bằng ngôn ngữ truyện ngắn, như vậy nó luyện cho biết tiết kiệm từ ngữ, biết cách viết cho cô đọng và đối với truyện ngắn nhà văn cần phải biết viết ra những câu của mình… không có những câu của mình trong truyện ngắn không có ý nghĩa” [13, tr 121]. Khảo sát đặc điểm truyện ngắn của Tô Hoài trước 1945 theo chúng tôi là không thể không tìm hiểu nghệ thuật ngôn ngữ của ông. Trong bài viết Tô Hoài sinh ra để viết, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng : “Nói đến Tô Hoài không thể không nói đến tài năng sử dụng ngôn ngữ của ông. Tô Hoài rất ít khi dùng thứ ngôn ngữ óng ả, sặc mùi sách vở. Chữ nghĩa của ông cất lên từ đời sống. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ chắt lọc.” [55, tr 121]. Ngôn ngữ Tô Hoài có những nét đặc thù riêng, đã làm nên phong cách của ông. Thử làm một phép so
sánh đơn giản, ngôn ngữ Tô Hoài với ngôn ngữ của Nguyễn Tuân ta đều nhận thấy đây là hai kiểu ngôn ngữ khác nhau mặc dù họ đều là những bậc thầy về
ngôn ngữ, sinh ra cùng thời và có quan hệ rất thân thiết với nhau. Nguyễn Tuân
đã tạo nên phong cách riêng biệt bằng cách nói độc đáo, bằng trùng điệp liên tưởng, bằng những nét vẽ phóng khoáng, những ấn tượng mạnh. Tô Hoài lại nhẩn nha, chi tiết đặc chất tiểu thuyết, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật là khoảng cách gần gũi, suồng sã, phi sử thi. Có lẽ vì vậy, mà vẻ đẹp ngôn ngữ của Nguyễn Tuân và Tô Hoài mang nét độc đáo riêng. Nguyễn Tuân truy tìm cái đẹp đượm màu sắc lí tưởng. Đó có thể là cái đẹp vang bóng, có thể
là cái đẹp trong hiện tại nhưng trên nền hiện tại ấy mói cái đẹp hiện lên kì vĩ
khác lạ. Vì vậy, ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Tuân cầu kì, đa số ông sử
dụng những câu văn dài, trúc trắc trục trặc, người mới đọc Nguyễn Tuân đều có cảm nhận chung “văn chương Nguyễn Tuân khó đọc”. Còn Tô Hoài, cái đẹp hiện ra chính trong đời sống đời thường. Tô Hoài không trau chuốt văn theo cách ép hoa trong tủ hay cầu kì một cách thái quá chữ nghĩa mà ông cắt tỉa gọn giũa câu văn, tạo nên những cấu trúc ngữ pháp mới cũng là để văn gần với đời sống. Đúng hơn, với ông, bản thân ngôn từ cũng chính là một thực thể sống, nó không hềđóng vai trò như một thứ vật liệu tải chở nội dung theo cách hình dung cơ giới giản đơn. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Ngôn ngữ của ông mềm mại, tung tẩy, nẫu nục chất dân gian. Đó là sự tinh tế của một cây bút cao tay, là ý thức đạt tới sự giản dị của một sự khéo léo lớn. Chính vì thế mà văn Tô Hoài không mòn cũ theo thời gian” [55, tr 115]. Nhìn chung đặc điểm ngôn ngữ
trong truyện ngắn Tô Hoài trước Cách mạng năm 1945 là ngôn ngữ giàu tính tạo hình, ngôn ngữ dân dã và câu văn thường có cấu trúc ngữ pháp đơn giản, chủ yếu là những câu văn ngắn.