Nguyễn Công Hoan từng nói: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề xây dựng chi tiết” [45, tr 10]. Những chi tiết về phong tục là nét độc
đáo trong tác phẩm của Tô Hoài. Nó làm các câu chuyện của nhà văn dường như
có sự gắn kết với nhau mặc dù mỗi truyện đều viết về những nhân vật, cuộc đời khác nhau. Chính điều này đã làm cho nhân vật trong những truyện ngắn của Tô Hoài có những nét độc đáo riêng biệt. Đất lề quê thói, mỗi làng có một tục lệ
riêng. Trong Vợ chồng trẻ con, Trai gái lấy nhau phải nộp treo cho làng. Làng quê ấy vẫn còn nạn tảo hôn, người ta lấy vợ gả chồng cho con theo sự sắp đặt của cha mẹ. Hai đứa trẻ cập kê tuổi nhau, một thằng nhãi vừa chẵn mười tuổi, người ta quen gọi là cu Phúc, cái Ngói mới hơn mười hai tuổi. So đôi tuổi hai
đứa là hợp nên cha mẹ cho chúng lấy nhau. Còn trong Lái Khế, tục lệ này cũng
được tác giả nhắc đến, nó đã trở thành thâm căn cố đế trong đời sống láng quê. Làng quê ấy, còn có kẻ chuyên đi đòi nợ thuê, họ là nỗi kinh hoàng cho những người dân. Nơi ấy còn có những quán nước cây đa đầu làng, người rỗi việc, người đi làm đồng về, đi xa về ngồi uống nước chè tươi, nói chuyện với nhau, chuyện mình chuyện người, chuyện hay chuyện dở trong các gia đình như trong tác phẩm Một người đi xa về. Cũng như bao nhiêu làng quê khác, người dân đều háo hức chờđón những ngày hội hè đình đám. Khai thác ở mảng đề tài này, Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan viết với một giọng điệu phê phán quyết liệt. Bởi nhà văn phát hiện đây là dịp để bọn cường hào ở địa phương bòn rút của dân chứ không còn mang tính văn hoá nữa. Nhưng Tô Hoài lại tập trung miêu tả
những lễ hội truyền thống ở thôn quê. Tác giả chú tâm vào những sinh hoạt vui chơi của nông dân như chọi gà, đánh cờ bỏi, hát chèo, đấu võ... Mùa ăn chơi toát lên không khí sinh hoạt của làng vào dịp hội võ làng. Một không khí vừa trang nghiêm, vừa náo nhiệt gợi nhớ cội nguồn. Người dân đi xem như để sống lại, hồi tưởng về những anh hùng giỏi võ đựơc tương truyền trong làng. Tô Hoài cũng sử dụng những chi tiết có phần li kì trong dân gian: “Trước bác cả Chửng làng tay không mà đánh ngã được mười tên cướp... Cái độ loạn Cờ đen, bà Khảng lừa mẹo chặt cụt tay một thằng giặc khách... Chao ôi ngày xưa ấy, người ta giỏi võ quá” [1, tr 277]. Ngày hội, mọi người đều vui phấn chấn cả lên.
Không khí trong làng cũng trở nên sôi động hơn: “Từ hôm các lò võ lục đục kéo
đến thì cả làng rộn rịch nháo lên. Các nhà võ thì ăn chực nằm chờ, đợi ngày đấu. Người ta ngong ngóng đi xem” [1, tr 290] . Cảnh và người như thấm đẫm không khí lễ hội. Trong tâm tưởng của độc giả, âm thanh của làng quê vẫn còn đọng mãi. Ở đâu đó, có tiếng trống chèo, tiếng trống hội làng rộn rã, náo nức; có bước chân thình thình của kẻ chuyên đi đòi nợ thuê; có lời than phiền của ai đó cưới nhau mà chẳng nộp treo cho làng; có tiếng khóc của cô dâu nhỏ tuổi mới về nhà chồng; có tiếng rì rầm bán tán của những người đi làm đồng trở về, ngồi nghỉ
dưới quán nước đầu làng... Chất phong tục dường như là một thứ men làm nên tác phẩm của Tô Hoài, càng đọc, ta càng thấy gần gũi.
Truyện ngắn của Tô Hoài hấp dẫn người đọc ở mọi lứa tuổi với lời kể
chuyện hóm hỉnh, tài quan sát và miêu tả, cách thể hiện nhân vật sinh động. Sự độc đáo khiến truyện ngắn của ông sở dĩ trở nên hấp dẫn, khác biệt là bởi ông có một quan niệm mới mẻ, một thiện cảm đặc biệt. Chính những cố gắng tìm tòi và sự sáng tạo không ngừng đã góp phần làm nên sức hấp dẫn, sức sống lâu bền ở
những tác phẩm của nhà văn. Có lẽ trước ông và sau ông chưa ai có sức viết và tài viết như thế. Truyện của Tô Hoài có sức hút rộng lớn đối tượng độc giả và nó không chỉ là truyện của trẻ con mà dành cho cả người lớn, chuyện của người đời và cả đời người, chuyện không chút mòn mỏi, phôi pha theo thời gian và thời cuộc. Các truyện ngắn là những mảnh nhỏ của cảnh đời, những ký họa chân dung con người. Những câu chuyện tưởng chừng như chẳng có gì đặc biệt, đi vào trang văn của ông lại trở thành những câu chuyện hết đặc biệt, dù bình dị
nhưng hấp dẫn, dù mộc mạc nhưng chan chứa tình người. Qua đó, chúng ta càng thêm ngưỡng mộ tài năng của tác giả. Phải gọi ông là nhà ảo thuật gia tài ba hay là phù thủy thì hợp hơn nhỉ ? Chỉ biết rằng Tô Hoài đã luôn biết cách phù phép cho những chuyện đời xung quanh ông thêm màu sắc, lôi cuốn.
CHƯƠNG 2 : NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG KẾT CẤU VÀ TÌNH HUỐNG
TRUYỆN NGẮN TÔ HOÀI TRƯỚC NĂM 1945