Khái niệm TGPL

Một phần của tài liệu Trợ giúp pháp lý ở việt nam tổ chức và hoạt động (Trang 27)

1.2.1.1. Khái niệm TGPL

Thuật ngữ “TGPL” được sử dụng phổ biến từ giữa thế kỷ XX, xuất phát từ tiếng Anh là “legal aid”. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, quan niệm TGPL cũng có sự khác biệt, phụ thuộc vào chế độ chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước. Mặc dù có sự khác nhau giữa các nước nhưng các khái niệm TGPL đưa ra đều có điểm chung là gắn liền với người nghèo, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội; gắn với dịch vụ pháp lý (miễn phí hoặc giảm phí) do những người hành nghề luật thực hiện; quá trình tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật nhằm bảo đảm công bằng xã hội, hướng đến mục tiêu công lý bình đẳng cho mọi người. Tùy thuộc chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ mà phạm vi TGPL có khác nhau, có thể chỉ tập trung vào tư vấn pháp luật hoặc tham gia tố tụng, đại diện tại Tòa án hoặc bao gồm toàn bộ nội hàm của dịch vụ pháp lý. TGPL vừa là trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, vừa mang tính xã hội rộng lớn, là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước hết là của những tổ chức, cá nhân hành nghề luật đối với nhóm người nghèo, người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Ở mỗi thể chế chính trị - pháp lý khác nhau, mức độ tham gia, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, của các thiết chế xã hội trước vấn đề TGPL là khác nhau; phạm vi hoạt động TGPL cũng không giống nhau, có thể rộng, hẹp tùy thuộc vào khả năng đáp ứng từ phía Nhà nước và xã hội.

22

“Legal aid” có nghĩa là “trợ cấp pháp lý” [26] ; “legal aid” trong cụm từ “legal aid schem” có nghĩa là “bảo trợ tư pháp” [30]. Ngoài ra, trong một số tài liệu khác còn gọi là “hỗ trợ pháp luật”, “hỗ trợ pháp lý”, “hỗ trợ tư pháp”. Như vậy, dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng thuật ngữ “TGPL” có nghĩa chung nhất là sự giúp đỡ, hỗ trợ đối với những người khó khăn về mặt pháp lý. Ở Việt Nam, năm 1995, thuật ngữ “TGPL” lần đầu tiên xuất hiện khi bắt đầu xây dựng Đề án về phát triển hoạt động TGPL ở Việt Nam. Đến năm 1996, thuật ngữ “TGPL” được sử dụng trong tiêu đề của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: “Mô hình tổ chức và hoạt động TGPL, phương hướng thực hiện trong điều kiện hiện nay” và được sử dụng chính thức trong Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Tiếp đó, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác cũng sử dụng thuật ngữ “TGPL”. Tuy nhiên, phải đến khi Luật TGPL năm 2006 được ban hành thì khái niệm TGPL mới được đề cập một cách chính thức: “TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người

được TGPL theo quy định của Luật này, giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật” [34, Điều 3].

Với cách tiếp cận như trên, khái niệm TGPL đã thể hiện được những thuộc tính chung của hoạt động này trên thế giới (tính kinh tế, tính nhân đạo và tính pháp lý) vừa thể hiện được những đặc tính riêng của hoạt động TGPL ở Việt Nam. Thông qua nội hàm khái niệm này, TGPL được hiểu là một hoạt động nhằm giúp đỡ cho những đối tượng không có khả năng về tài chính hay

23

khó khăn về tài chính để chi trả cho các chi phí khi tiếp cận với các dịch vụ pháp lý (tính kinh tế và tính nhân đạo); thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ về các vấn đề có liên quan đến pháp luật như tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích được pháp luật quy định (tính pháp lý).

Ở Việt Nam, bản chất của TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL. Dịch vụ pháp lý miễn phí có chủ thể cung cấp (tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL) và đối tượng cung cấp (người được TGPL bao gồm: người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số và những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác); dịch vụ được cung cấp (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hoà giải và thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật). Ngoài ra, bản chất TGPL còn thể hiện ở mục đích của hoạt động này nhằm “giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật” (mục đích trực tiếp) và “góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật” (mục đích gián tiếp).

Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu, tác giả cho rằng, khái niệm TGPL trên chưa phân biệt rõ tính chất miễn phí giữa hoạt động TGPL cho đối tượng được TGPL do Nhà nước tổ chức thực hiện và dịch vụ TGPL miễn phí của luật sư cho người dân. Cụ thể, tính chất miễn phí của hoạt động TGPL theo quy định Luật TGPL chỉ áp dụng cho người thụ hưởng dịch vụ, còn bản chất thì người thực hiện TGPL vẫn được Nhà nước trả tiền để thực hiện, còn dịch vụ miễn phí của luật sư thì không được trả tiền dưới bất kỳ hình thức nào cho tất cả mọi người. Mặt khác, khái niệm này cũng thể hiện cả mục đích gián tiếp, do đó, trong quá trình triển khai dễ gây ra hiểu nhầm về bản chất của hoạt động TGPL.

24

Qua nghiên cứu quan niệm về TGPL, có thể thấy rằng đây là một chế định pháp luật gắn với chế định bảo trợ tư pháp, xác lập trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể khác trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho nhóm đối tượng đặc biệt cần được Nhà nước và xã hội phải quan tâm giúp đỡ thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ họ tiếp cận và sử dụng pháp luật để nắm bắt đầy đủ các thông tin pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ công lý để mọi người không phân biệt giàu nghèo, địa vị, thành phần xã hội đều bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, nó là một trong những chức năng xã hội của nhà nước, một bộ phận cấu thành chính sách an sinh xã hội, gắn với xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc; một bộ phận cấu thành của cơ chế tổ chức thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật, thực thi công tác dân vận của Đảng và Nhà nước ta nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người nghèo, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.

1.2.1.2. Khái niệm tổ chức TGPL

Tổ chức được cắt nghĩa là “làm cho thành một chỉnh thể, có một cấu tạo, một cấu trúc và những chức năng chung nhất định” [54]; “sắp đặt và đưa vào nền nếp hoặc sắp xếp để một số đông người tập hợp nhằm thực hiện một mục đích” [31]. Như vậy, tổ chức được hiểu là cách thức sắp xếp, bố trí

cho các bộ phận cấu thành một chỉnh thể có cấu trúc và những chức năng nhằm thực hiện mục đích chung nhất định.

Tổ chức TGPL được hiểu theo hai nghĩa, với nghĩa hẹp tổ chức TGPL là những tổ chức thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những người được TGPL theo quy định của Luật TGPL (gồm Trung tâm TGPL nhà nước và các tổ chức tham gia TGPL). Theo nghĩa rộng, tổ chức TGPL là hệ

25

thống TGPL, được cấu tạo từ các bộ phận gồm bộ máy TGPL giữ chức năng quản lý và bộ máy thực hiện nhiệm vụ TGPL theo quy định. Để có cách nhìn toàn diện, bao quát về TGPL, luận văn nghiên cứu theo cách hiểu nghĩa rộng về tổ chức TGPL.

1.2.1.3. Khái niệm hoạt động TGPL:

Hoạt động được hiểu là “tiến hành những việc làm có quan hệ với nhau

chặt chẽ nhằm một mục đích nhất định trong đời sống xã hội” [54]; “tham gia việc gì đòi hỏi phải tốn công sức” [31]. Có thể hiểu, hoạt động là cụm từ

được sử dụng chỉ sự vận động do con người thực hiện nhằm đạt được mục đích nhất định.

Theo đó, hoạt động TGPL, theo nghĩa chung nhất được hiểu là những công việc do các chủ thể có trách nhiệm thực hiện để giúp những người được TGPL tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí nhằm đạt được mục đích của việc TGPL.

Một phần của tài liệu Trợ giúp pháp lý ở việt nam tổ chức và hoạt động (Trang 27)