Người thực hiện TGPL

Một phần của tài liệu Trợ giúp pháp lý ở việt nam tổ chức và hoạt động (Trang 43)

Nghiên cứu pháp luật TGPL một số nước trên thế giới cho thấy tùy từng mô hình TGPL khác nhau mà vấn đề người thực hiện TGPL sẽ có những nét đặc thù riêng, phụ thuộc vào thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, sự phát triển của nghề luật, đặc biệt là vai trò của Nhà nước đối với hoạt động TGPL. Người thực hiện TGPL có thể gọi với các chức danh như sau:

- Chức danh Luật sư công hoặc Luật sư Nhà nước hoặc Luật sư TGPL (Anh, Philippines, Hà Lan, Mỹ, Litva, Israel, Hàn Quốc, Canada; Bang New South Wales của Úc, Phần Lan.v.v.): Là công chức Nhà nước hoặc được Nhà nước tuyển dụng vào làm việc tại tổ chức TGPL, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và thực hiện vụ việc theo sự phân công của tổ chức TGPL.

- Chức danh Luật sư hành nghề tự do theo pháp luật về luật sư (Hàn Quốc, Mỹ, Nêpal, Thụy Điển, Hà Lan, Mỹ, Singgapo, Malaixia, Ailen, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Đức.v.v.): Là thành viên của Hiệp hội luật sư (hoặc Đoàn Luật sư), tự nguyện tham gia thực hiện TGPL theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo yêu cầu của Chính phủ và được Chính phủ chi trả một phần thù lao.

- Các cán bộ nhà nước không phải là luật sư nhưng có trình độ pháp

luật tương đương luật sư (Nam Phi, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nêpal, bang

Ontario của Canada.v.v.): Là viên chức Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và chủ yếu làm tư vấn pháp luật theo phân công của tổ chức, không tham gia tranh tụng và thực hiện TGPL đối với các vụ việc TGPL đơn giản, mang tính hành chính.

- Ngoài ra, còn có các sinh viên Luật, người làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật (Trung Quốc, Hà Lan, Canada...); người tự nguyện làm việc trong các tổ chức đoàn thể xã hội để thực hiện TGPL (Trung Quốc);

38

thành viên của tổ chức TGPL cộng đồng (Úc, Hà Lan, Philippines, Hàn Quốc, Mỹ…) và các công chứng viên (Nhật Bản…).

1.4.4. Người được TGPL

Do sự khác biệt về chế độ chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nên pháp luật mỗi nước có những quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chuẩn đối tượng được TGPL, song đều dựa trên một số tiêu chí cơ bản như sau:

- Người nghèo không có hoặc không đủ khả năng tài chính để chi trả

cho các dịch vụ pháp lý. Chính vì vậy, khi gặp phải những vấn đề vướng mắc

về pháp luật hay khi tham gia tố tụng, họ thường phải chịu thiệt thòi vì không có tiền mời luật sư. Bản thân họ lại không hiểu biết đầy đủ về pháp luật nên không tự bảo vệ được quyền lợi cho mình. Người nghèo là đối tượng TGPL phổ biến ở tất cả các nước, thậm chí là đối tượng duy nhất được TGPL theo pháp luật một số nước như Hà Lan, Nam Phi, Nepal, Singapore, Úc, Bang Ontario (Canada), Bỉ, Nhật. Theo quy định pháp luật của đa số các nước thì để được TGPL, đối tượng phải chứng minh được mình thuộc diện được TGPL.

- Người không có khả năng tự bảo vệ cần được sự trợ giúp về pháp luật

như người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người khuyết tật, người

chưa thành niên, người già, nạn nhân của bạo lực gia đình, người đòi bồi thường trong các vụ án hình sự,... Các nước quy định diện đối tượng này gồm: Mỹ, Trung Quốc, Phillipines.v.v.

- Người có tình trạng pháp lý bất lợi trong các vụ việc hình sự như người bị tạm giữ, tạm giam, người bị truy tố theo mức hình phạt chung thân hoặc tử hình,… cần được giúp đỡ để thực hiện quyền của bị can, bị cáo trước các cơ quan tiến hành tố tụng và bảo đảm cho các cơ quan này không lạm dụng quyền hạn để có những xử sự bất lợi cho họ. Các nước quy định đối tượng này gồm Trung Quốc, Lít - va, Israel.v.v.

39

- Người khác thuộc diện được ưu tiên như: người tị nạn, công nhân người nước ngoài làm thuê, người dân tộc thiểu số, người nước ngoài, người không có quốc tịch,… (Nam Phi, Hàn Quốc, Lít-va, Phillipines, Hà Lan).

1.4.5. Lĩnh vực TGPL

Đây là một trong những chế định quan trọng trong hệ thống TGPL các nước. Hiện nay, trong khi tại một số quốc gia chỉ chấp nhận việc TGPL trong lĩnh vực hình sự, thì hầu hết các nước lại đồng ý thực hiện TGPL trong cả 03 lĩnh vực dân sự và hình sự, hành chính.

- Lĩnh vực hình sự: Hầu hết tất cả nước nước đều thực hiện TGPL đối với tất cả các vụ việc trong lĩnh vực hình sự, vì đây là vấn đề cơ bản, gắn liền với quyền chính trị, nhân thân của đối tượng. Đặc biệt, các nước đều có quy định về những vụ việc có mức án tử hình, vụ việc đối với trẻ vị thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải thuê luật sư đại diện cho bị cáo trong trường hợp bị cáo không có người đại diện hợp pháp cho mình.

- Lĩnh vực dân sự: Khái niệm dân sự trong pháp luật TGPL các nước được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực như hôn nhân gia đình, đất đai, lao động, việc làm, di cư,.... Với khái niệm này, thì phạm vi TGPL trong lĩnh vực dân sự tại chế định TGPL các nước có nhiều điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hoá của từng nước.

- Lĩnh vực hành chính: Có một số nước thực hiện TGPL trong lĩnh vực hành chính như Hà Lan, Hàn Quốc, Phillipines.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hầu hết các quốc gia có hệ thống TGPL hiện nay có một điểm chung là thực hiện TGPL, trừ một số vụ việc có liên quan đến lĩnh vực này. Bởi theo quan niệm chung, những đối tượng có tham gia quan hệ kinh doanh thương mại là những người giàu có, đủ khả năng chi trả chi phí cho các loại hình dịch vụ pháp lý có thu phí, trong khi đó bản chất của hoạt động TGPL mang tính nhân đạo, chỉ dành cho một số

40

đối tượng đặc biệt, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế, một số nước vẫn chấp nhận thực hiện TGPL đối với các vụ việc phá sản.

1.4.6. Hình thức TGPL

Để giúp đỡ cho các đối tượng TGPL giải quyết được các vướng mắc pháp luật, các tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL phải sử dụng một số hình thức TGPL nhất định. Tuỳ thuộc vào loại đối tượng trợ giúp, chủ thể thực hiện trợ giúp, điều kiện, chính sách trợ giúp của quốc gia,… mà pháp luật mỗi nước có quy định những hình thức TGPL khác nhau. Song nhìn chung đều có một số hình thức TGPL là tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; hòa giải; một số hình thức TGPL khác (chứng thực, giúp soạn thảo, hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục pháp lý...).

- Hình thức tham gia tố tụng là việc tổ chức TGPL cử người thực hiện đại diện, bào chữa cho đối tượng TGPL trước cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là hình thức TGPL cơ bản nhất, được quy định trong các công ước quốc tế và tất cả các chế định TGPL các nước. Hình thức này được thực hiện bởi người được đào tạo về pháp luật, có kỹ năng hành nghề luật sư, do là các luật sư do tổ chức TGPL trả lương và luật sư tư ký hợp đồng thực hiện vụ việc với tổ chức TGPL như ở Phần Lan, Israel, Úc, Singapore, Canada.v.v.

- Hình thức tư vấn pháp luật được áp dụng phổ biến trong hoạt động TGPL ở tất cả các nước. Tư vấn pháp luật được coi là một loại dịch vụ pháp lý nhằm giải thích pháp luật và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật cho các đối tượng TGPL. Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng lời nói (tư vấn miệng) hoặc bằng văn bản; có thể tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp (qua thư tín, thư điện tử, fax, điện thoại,…).

- Hình thức hòa giải là việc tổ chức TGPL thực hiện dàn xếp giữa các

bên tham gia tranh chấp để các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Hòa giải là hình thức TGPL được áp dụng tại Hà Lan, Đài Loan,

41

Ai len, Phillipines.v.v. Việc hòa giải có hiệu quả lớn là tôn trọng sự tự định đoạt của các bên, nâng cao hiệu quả tự thực hiện các quyết định hòa giải, giảm bớt chi phí tranh tụng.

- Một số hình thức TGPL khác: Một số quốc gia còn sử dụng một số hình thức TGPL khác như chứng thực (Philippines), soạn thảo các tài liệu (Trung Quốc, Đài Loan, Moldova, Singapore).

1.4.7. Về chất lượng TGPL

Để quản lý chất lượng TGPL, các nước đã áp dụng các phương pháp đánh giá chất lượng, sử dụng các công cụ để đánh giá chất lượng TGPL và xây dựng các tiêu chí chất lượng vụ việc, cụ thể:

- Các phương pháp đánh giá chất lượng TGPL: Các nước có xu hướng

thực hiện quản lý chất lượng TGPL trên cơ sở phương pháp hỗn hợp, theo đó áp dụng cả 3 phương pháp sau.

+ Phương pháp đánh giá đầu vào, nghĩa là đánh giá chất lượng của người thực hiện TGPL ngay khi cấp phép thực hiện. Người thực hiện TGPL phải đạt các tiêu chuẩn ngay từ đầu vào. Các vấn đề được quan tâm theo phương pháp này sẽ bao gồm thực hiện việc đánh giá qua cấp phép hành nghề, ủy quyền thực hiện, đánh giá các tiêu chuẩn, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động TGPL, kiểm tra và các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng.

+ Phương pháp đánh giá quá trình thực hiện, nghĩa là đánh giá các hoạt động của luật sư, bao gồm đánh giá của chuyên gia, thu hồi giấy phép, đặt ra các quy trình thực hiện, lập ra hội nghề nghiệp và duy trì đào tạo.

+ Phương pháp đánh giá đầu ra, nghĩa là đánh giá những kết quả mà luật sư làm được cho khách hàng. Phương pháp này được cho là không hiệu quả và các nước có rất ít thực tiễn hoạt động về phương pháp này.

42

- Các công cụ đánh giá chất lượng TGPL: Trong quá trình tổ chức đánh giá chất lượng, các công cụ đánh giá chất lượng TGPL được áp dụng phù hợp với từng loại hình TGPL và tổ chức thực hiện TGPL. Tại Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Canada hiện đang sử dụng 5 công cụ đánh giá chất lượng TGPL, bao gồm đánh giá của chuyên gia thực hiện trong lĩnh vực chuyên ngành; đánh giá của chuyên gia về chất lượng; đánh giá chất lượng trên cơ sở hồ sơ; đánh giá giám sát; đánh giá chất lượng đối với luật sư. Các công cụ thực hiện đánh giá giám sát hoạt động TGPL thường được sử dụng rất linh hoạt, phối hợp với các hoạt động của kiểm toán, hoạt động giám sát của Tòa án trong quá trình tham gia tố tụng, với phản hồi của khách hàng… nhằm bảo đảm một quy trình minh bạch trong quá trình thực hiện TGPL hướng tới chất lượng cao nhất cho các đối tượng được thụ hưởng.

- Một số tiêu chí trong đánh giá chất lượng TGPL: Để thực hiện các

phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động TGPL, các nước đã xây dựng rất nhiều các tiêu chí cụ thể trong việc bảo đảm chất lượng hoạt động TGPL, bao gồm các tiêu chí về cơ cấu, tổ chức, người thực hiện TGPL; tiêu chí làm hài lòng khách hàng; tiêu chí về kết quả giải quyết vụ việc.

1.4.8. Về kinh phí dành cho TGPL

Theo nghiên cứu tài liệu về TGPL một số nước trên thế giới thì hoạt động TGPL được Chính phủ các nước rất quan tâm (năm 2011, tỷ lệ ngân sách dành cho TGPL của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là 0,13% GDP, Hà Lan là 0,05% GDP, Ailen là 0,04% GDP…). Hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước do Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện hoạt động TGPL. Kinh phí được cấp cho đầu mối là cơ quan, tổ chức thực hiện TGPL nhà nước (Cục TGPL, Ủy ban TGPL, Tổng công ty TGPL…). Hầu hết ngân sách đều dành cho việc hỗ trợ chi phí trong các vụ việc cụ thể (chủ yếu là thuê luật sư và các chi phí cần thiết khác phục vụ việc giải quyết vụ việc TGPL...). Nguồn

43

kinh phí này do Quỹ TGPL của Nhà nước chi trả cho các hoạt động TGPL. Quỹ này ở mỗi nước khác nhau thì hình thành từ các nguồn khác nhau như: ngân sách do Chính phủ cấp; tiền, hiện vật do các cá nhân, tổ chức tài trợ; lợi nhuận do đầu tư; thu nhập vốn vay, từ các dịch vụ khác; đóng góp một phần chi phí của các đối tượng trợ giúp. Bên cạnh kinh phí do Nhà nước cấp tổ chức TGPL, một số nước huy động được sự đóng góp kinh phí từ một số tổ chức, cá nhân.

Đối với các tổ chức TGPL phi Chính phủ, tổ chức không thành hệ thống, theo phạm vi hành chính lãnh thổ như tổ chức TGPL của Nhà nước. Các tổ chức này thực hiện hoạt động TGPL thường mang tính nhân đạo, xuất phát từ lòng tự thiện của các Luật sư và những nhà hảo tâm khác. Nguồn kinh phí hoạt động phần lớn là tự trang trải, một số nơi được sự giúp đỡ một phần từ phía Nhà nước.

44

Tiểu kết Chương 1:

Chương I đã phân tích kỹ hơn về vị trí, vai trò TGPL trong đời sống xã hội hiện nay để nhấn mạnh hơn về sự cần thiết tồn tại chế định TGPL trong giai đoạn hiện nay; đồng thời phân tích khái niệm và đặc điểm về TGPL; các loại hình TGPL. Giới thiệu 07 vấn đề tham khảo về tổ chức và hoạt động TGPL một số nước trên thế giới (quản lý nhà nước, lĩnh vực, đối tượng, chất lượng, hình thức, kinh phí, người thực hiện TGPL). Những nội dung này cung cấp những vấn đề lý luận, pháp luật thực định về tổ chức và hoạt động TGPL ở Việt Nam và bức tranh khái quát về TGPL một số nước. Đây sẽ là cơ sở để phân tích, đánh giá những nội dung của các chương sau.

45

Chương 2

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Trợ giúp pháp lý ở việt nam tổ chức và hoạt động (Trang 43)