Cấu trúc truyện ngắn gọn, tự nhiên và linh hoạt

Một phần của tài liệu Truyện và ký la quán miên (Trang 86)

8. Bố cục của luận văn

3.2.3.Cấu trúc truyện ngắn gọn, tự nhiên và linh hoạt

Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng cách xây dựng cốt truyện của văn học dân gian, cấu trúc truyện của La Quán Miên hết sức ngắn gọn, tự nhiên và linh hoạt Mở truyện, nhà văn La Quán Miên đi thẳng vào cốt truyện.

Truyện Thầy mo ra đi và những cuốn sách cổ được mở đầu bằng hoàn cảnh cô đơn, nghèo khổ của ông bà Mó La: “Hồi nhỏ, tôi đã thấy có ngôi nhà của ông bà Mó La ở cuối bản, bên gốc cây vải cổ thụ. Ngôi nhà sàn thấp, nhỏ làm bằng tre nứa sơ sài. Và, vợ chồng ông mo tuổi đã già, sớm tối sống thui thủi một mình, không con không cháu, không người lui tới” [32, tr.40].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Truyện Hổ báo thù được mở đầu bằng lời khái quát chủ đề của tác phẩm:“Người miền núi nói: “Con hổ không chủ tâm vồ người ăn thịt. Gặp người, hổ thường tránh. Hổ chỉ bắt người khi quá đói, hoặc khi bị tấn công, bị bẫy…”. ” [32, tr.10]. Cách mở truyện tự nhiên như vậy ta cũng bắt gặp trong các sáng tác của nhà văn dân tộc Thái khác như: Sa Phong Ba, Cầm Hùng, Kha Thị Thường. Truyện ngắn Sao lạ Phiềng Xa (Sa Phong Ba) được mở đầu hết sức tự nhiên: “Buồn cười lắm, cái lần đầu tiên ông É nhìn thấy bóng điện. Ông cứ trố mắt, ngửa cổ ngắm xem nó thắp bằng dầu gì, mà sáng khiếp!” [3, tr.88]. Trong truyện ngắn Chuyện ở chân núi Hồng Ngài, ông mở đầu bằng lời chửi yêu con trâu của lão Mờng: “Tao mổ mày ăn thịt! Tao mổ mày ăn thịt!Trời ơi! Đã bảo mà, mày cứ hay tách khỏi đàn đi ăn lẻ! Cho mày chết!” [6, tr.3].

Bên cạnh đó, diễn biến của một số truyện như: Chuyện về ông Phí Hà,

Coóng, Quán rượu núi, Chạy hổ .v.v… có tiết tấu nhanh, linh hoạt và dễ theo

dõi. Trong đó truyện Chuyện về ông Phí Hà là một minh chứng tiêu biểu:

“Hàng tuần, cứ đến thứ bảy, ông Phí Hà lại ngồi xe con về thăm nhà. Sáng chủ nhật, ông lại vác khẩu súng săn vào rừng. Trưa về, gánh trên vai mấy con khỉ bị túm chân tay, máu nhỏ giọt xuống đường. Bọn trẻ con “hả hê” chạy theo: “Gớm quá! Gớm quá!”. Bẵng đi một thời gian, không thấy ông Phí Hà

về thăm nhà nữa. “Ông lên làm cán bộ tỉnh rồi!”(...). Thế rồi một ngày nọ,

người ta thấy ông Phí Hà về thăm quê,(...). Bỗng một đoàn xe tải, xe ủi ùn ùn kéo lên. Họ ném từ trên xe xuống nào là gỗ, đá, sắt thép, xi măng. Cái nhà sàn của ông Phí Hà được dỡ xuống. Máy ủi hậm hực bò đi bò lại. Một tháng sau

đã thấy mọc lên nào nhà, giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng trâu bò, lợn gà, ao cá…” [32, tr.22-23]. Những thắc mắc của dân bản bắt đầu xuất hiện và phần nào gợi mở lai lịch của ông: “Này, ông Phí Hà sao giàu thế, sao quyền to thế? Ông ta làm gì, ở đâu biết không?”. “Làm chủ tịch tỉnh còn gì nữa!”. “Không phải! Ông ta làm giám đốc Công ty Thủy lợi miền Tây đấy!...chứ ông ta trình độ lớp 3, biết gì về công tác thủy lợi mà làm giám đốc công ty thủy

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

lợi”, “À, ra thế”. “Mấy tháng sau, ông Phí Hà đi được mấy tháng, rồi lại thấy ông Phí Hà về. Ông được nghỉ hưu (.…). Dân bản liền bầu ông làm chủ nhiệm hợp tác xã, bí thư chi bộ rồi làm chủ tịch xã…” [32, tr.23]. Lúc này nhân cách của ông cũng được hé lộ: “Có lần nửa đêm người ta bắt được ông sờ soạng trong buồng của bà chủ nhà”. “Đùng một cái, cả bản Đông Kẻ ngơ

ngác thấy công an về còng tay ông Phí Hà, giải đi giữa bản” [32, tr.23]. Một câu hỏi ngắn gọn lại được đặt ra: “Sao thế! Sao thế!”. Nhưng rồi sau đó, dần

dần có người biết chuyện gì đã xảy ra…”. Như vậy, ta thấy rất rõ tiết tấu của

truyện nhanh. Điều này có thể lí giải bởi được tác giả triển khai bằng một một chuỗi câu văn có cấu trúc ngắn gọn, mạch truyện gọn và một loạt từ chỉ thời gian, mức độ nối tiếp nhau xuất hiện như: hàng tuần, cứ đến thứ bảy, bẵng đi một thời gian, thế rồi một ngày nọ, bỗng, một tháng sau, mấy tháng sau, đùng một cái tạo nên chuỗi sự kiện về lí lịch cán bộ của ông Phí Hà. Diễn biến nhanh, dễ theo dõi bởi truyện của nhà văn La Quán Miên thường triển khai theo một tuyến nhân vật, các sự kiện trong truyện ít.

Nếu như cách vào truyện của La Quán Miên nhanh, tự nhiên, linh hoạt thì kết thúc truyện của La Quán Miên cũng như vậy. Có lúc, kết thúc gợi ta liên tưởng đến những truyện ngụ ngôn truyền thống, có lúc kết thúc theo quy luật nhân quả: ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão và có khi là kết thúc bỏ ngỏ.

Chẳng hạn, truyện Chạy hổ kể lại chuyện ông Khì Cá hăng hái nhận chân đón lõng trong cuộc săn, nhưng khi thấy hổ, lão hốt hoảng bỏ chạy. Kết thúc tác phẩm nhà văn viết: “Nhiều người nhao nhao trách ông Khì Cá: “Không đón lõng được thì giành lấy cái chân đó làm gì! Thiếu gì người làm được! Mà đã nhận thì phải gắng làm cho tròn!” “Thật là một cuộc săn nguy hiểm. Đó là một bài học. Sau này dân bản Đôn thỉnh thoảng lại nhắc chuyện ông Khì Cá chạy hổ để cười cho vui. Thật ra, chuyện đó không đáng cười tý nào” [32, tr.33]. Kết thúc này để lại bài học sâu sắc cho mọi người: khi đã nhận công việc thì phải làm tròn trách nhiệm của mình.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Trong truyện Tình yêu của hổ, nhà văn khép lại bằng cái kết theo quy luật nhân - quả: ở hiền gặp lành: “Nghe tôi kể xong, mọi người đều cho rằng con hổ đó đã yêu cô Xáo-ngam. Con hổ đã yêu, phải, một tình yêu không hề mang tính thú vật, hơn thế nữa, một tình yêu không ích kỷ, không tầm thường một tý nào”

[32, tr.27].

Trong truyện Hai người trở về bản, sau khi đã kể về cái chết của Húa Cộc và sự cao chạy xa bay của Ỏn La, tác giả khép lại bằng kết thúc mở: “Bản Dốn từ đó không sao trở lại yên tĩnh được nữa. Mọi người như vừa qua cơn ác mộng. Họ nhận ra có nhiều câu hỏi đang treo lơ lửng trên đầu bản quê nhỏ bé của mình” [32, tr.18]. Kết thúc mở đưa đến cho người đọc một dòng chảy của cuộc sống chưa hoàn thành, vẫn còn tiếp diễn đồng thời nó thôi thúc người đọc cùng suy ngẫm với nhà văn về nhân cách, số phận con người trong cơn bão của cơ chế thị trường, cuộc sống hiện đại.

Xây dựng cốt truyện theo trình tự thời gian, kết thúc có hậu và cách cấu trúc truyện ngắn gọn khiến cho truyện của La Quán Miên gần gũi với độc giả, nhất là độc giả miền núi dễ dàng tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm. Tuy nhiên cách xây dựng cốt truyện truyền thống như vậy sẽ không tránh khỏi sự đơn điệu. Có thể thấy ngòi bút La Quán Miên chưa đạt được tính hiện đại cao so với cách viết truyện hiện đại với cách viết mới, sáng tạo (cốt truyện tâm lý, đảo ngược thời gian…). Đó cũng là vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều cây bút văn xuôi dân tộc thiểu số để nâng cao trình độ nghệ thuật trong sáng tác của mình.

Một phần của tài liệu Truyện và ký la quán miên (Trang 86)