Những con người có số phận bất hạnh, khổ đau

Một phần của tài liệu Truyện và ký la quán miên (Trang 66)

8. Bố cục của luận văn

2.2.2.Những con người có số phận bất hạnh, khổ đau

Bên cạnh những con người có phẩm chất hiền lành, chăm chỉ, nhân ái, tình nghĩa, sáng tác của La Quán Miên còn tập trung phản ánh những số phận bất hạnh, khổ đau trong cuộc sống đời thường. Nhà văn chú ý nhiều đến số phận những người phụ nữ, những mảnh đời mồ côi: cô Tánh-ỏn (Đẻ giấu), cô Xong-

phua (Chuyện cô Xong-phua), Coóng (Coóng).v.v…

Khi xã hội còn nhiều oan trái, bất công thì người phụ nữ còn chịu nhiều khổ đau hơn cả. Họ là nạn nhân trực tiếp của hủ tục, của nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì tư tưởng trọng nam, Ài-là-pỏm-pò (Đẻ giấu) dù đã có hai đứa con gái nhưng vẫn buộc vợ đẻ bằng được đứa con trai. Để che giấu việc có thai, hàng ngày đi dạy, cô Tánh-ỏn mặc váy, thắt lưng chặt đến khi sắp đẻ, cô phải nghe theo sự sắp đặt của chồng. Trên đường về quê, cô đầm đìa nước mắt, lòng cuộn xoáy như vực suối bởi nhớ con, nhớ nhà và lo lắng cho việc sinh nở sắp tới. Cô vĩnh viễn ra đi sau lần sinh cho Ài-là-pỏm-pò đứa con trai. Tánh-ỏn đã chết vì hủ tục. Giá như người chồng không buộc Tánh-ỏn sinh con trai, không che giấu việc có con thì cô đã không chết, hai đứa con đã không mồ côi mẹ.

Có khi, người phụ nữ là nạn nhân của tư tưởng thù hằn giữa các gia đình, dòng tộc. Xao Nọi (Cái chết của Xao Nọi) là con dâu đẹp người, đẹp nết nhà Vi Nhàn. Khi chồng công tác xa, cô ở nhà nuôi dạy đứa con trai và phụng dưỡng mẹ chồng chu tất đến khi bà qua đời. Nhưng vợ chồng tên Neo Má vì mối thù năm xưa với cha cô nên đã dùng những thủ đoạn nhẫn tâm, đê tiện để hãm hại cô. Lão Neo Má đã cưỡng hiếp khiến Xao Nọi có mang với hắn. Trong lúc đau đớn, sợ hãi, Xao Nọi đến cầu mong vợ lão Neo Má giúp đỡ nhưng đây là cái dịp để mụ vợ độc ác, nhẫn tâm ra tay hãm hại khiến cho Xao Nọi phải chịu cái chết đau đớn, oan ức.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

Chuyện cô Xong-phua là câu chuyện về cuộc đời của người phụ nữ bất

hạnh trong tình duyên và cuộc sống. Cô Xong-phua vất vả vì người chồng thường xuyên ốm đau bệnh tật, gia cảnh nghèo đói, túng bấn. Cuộc sống gia đình đều do một tay cô lo toan, gánh vác. Cô cố gắng giữ tròn bổn phận nhưng éo le thay, khát vọng bản năng vẫn âm ỉ cháy trong cô. Xong-phua nghĩ:

“Chẳng lẽ cô, bản thân cô, mới đẻ một đứa con, rồi suốt đời chăm sóc một người chồng ốm liệt giường, không có quyền được hưởng hạnh phúc của người đàn bà với một người đàn ông khỏe mạnh hay sao? Cô có tội gì?...Sao cô sinh ra lại phải chịu những điều cay đắng quá thế ?” [33, tr.104]. Những suy nghĩ đó được chôn chặt trong lòng. Khi chồng chết, cô đã là người có tuổi, trải qua nhiều cay đắng: “đôi mắt cô đờ đẫn, nước mắt ráo hoảnh, mái tóc đã điểm bạc xổ tung”. Cuộc đời của cô Xong-phua có hình bóng của nhiều người phụ nữ có số phận bất hạnh, cả đời chỉ biết chịu đựng, hy sinh.

Trên các trang viết của La Quán Miên, người đọc còn gặp những số phận bất hạnh, đáng thương khác. Nhân vật Coóng (Coóng) không nhà cửa, không người thân thích, không biết quê hương bản quán, ngay cả một cái tên cũng không có:“Không ai biết Coóng là người Mường-Cuống, hay Mường-Nghình; là người bản Duộc, hay bản Quắn; là con ông Đắm, bà Đánh, hay là con của ai”

[32, tr.34]. Lúc đầu, người ta gọi anh bằng cái tên do dân bản đặt cho là Ài-là (chàng trai út); sau này vì nổi tiếng trong đánh chiêng đám ma nên được gọi là Coóng. Với bản tính chăm chỉ, lại do hoàn cảnh côi cút, Coóng nhận làm thuê, làm mướn tất cả mọi việc từ gùi nước, vác củi đến làm nương, cày ruộng, đan lát…không kén chọn một việc nào. Trong bản có việc chung, anh không nề hà: mổ lợn, múc nước, nấu cháo, mời khách...Việc đánh chiêng cũng vậy. Lúc đầu bản thiếu người đánh, người ta gọi anh vào thay, anh cũng sẵn sàng, đánh nhiều thành thạo. Tiếng chiêng anh đánh, mang cả nỗi niềm tiếc thương chân thành với người đã khuất:“Tiếng chiêng mới đúng nhịp làm sao. Tiếng chuông ngân vọng tận trời, tiếng chuông u buồn, tiếc nuối” [32, tr.36]. Coóng sống hiền

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

lành, chăm chỉ, lương thiện, chân thật nhưng anh lại chết trong hoàn cảnh thật đáng thương. Sau một đêm rét ngọt, anh chết dưới gốc đa. Khi anh sống, dân bản thương yêu, đùm bọc; khi anh mất đi, mọi người đều thương nhớ. Nhưng có lẽ tình thương của những người cùng cảnh ngộ không đủ để thay đổi những số phận bất hạnh.

Là người sống gần gũi, gắn bó với con người miền núi, La Quán Miên đã thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ tình cảm của mình với những số phận đau khổ, bất hạnh. Trên những vùng núi xa xôi, khuất nẻo, mỗi con người phải âm thầm vượt qua bao thử thách: bệnh tật, nghèo đói, hủ tục….Cùng với sự đổi thay của đất nước, nhiều người đã vươn lên, tạo lập được cuộc sống no ấm, hạnh phúc, cùng chung sức xây dựng bản làng; song có những số phận bị nỗi khổ đau, bất hạnh đè nặng suốt cả cuộc đời. Truyện của La Quán Miên viết về những số phận bất hạnh thường gợi nên bao điều day dứt trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Truyện và ký la quán miên (Trang 66)