Dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh:

Một phần của tài liệu Vận dụng trọng yếu trong kiểm toán BCTC tại công ty TNHH kiểm toán ernst young việt nam (Trang 28)

Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế:

Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ thường được KTV sử dụng nhiều nhất trong số các chỉ tiêu từ kết quả hoạt động kinh doanh khi mà KTV kết luận rằng kết quả hoạt động của doanh nghiệp là cơ sở thích hợp cho việc xác định mức trọng yếu kế hoạch và doanh nghiệp hoạt động ổn định hàng năm. Tỷ lệ được xem là “chuẩn” và điểm bắt đầu để ước lượng PM thường là 5% lợi nhuận trước thuế từ kết quả kinh doanh. Mức trọng yếu kế hoạch sẽ là thước đo để KTV có thể đo lường những sai sót ban đầu, những chênh lệch do kiểm toán thấp hơn 5% là những sai sót không trọng yếu. Trong những tình huống chắc chắn, KTV có thể nâng số phần trăm xác định mức trọng yếu kế hoạch lên cao hơn (có thể là 10% lợi nhuận trước thuế). Tình huống chắc chắn có thể là: do loại hình sở hữu doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả,… Thông thường, KTV sẽ chọn trong khoảng từ 5% đến 10% để xác định mức trọng yếu kế hoạch.

Khi KTV nâng mức trọng yếu kế hoạch lên trên 5% thì đồng thời rủi ro phát hiện cũng gia tăng tương ứng. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể được hạn chế một cách hiệu quả nếu KTV thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán trong việc lập kế hoạch và thử nghiệm.

KTV sẽ không được nâng mức trọng yếu kế hoạch lên trên 5% trong những tình huống sau đây:

• Doanh nghiệp có hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém;

• Khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp là không chắc chắn.

 Trong quá trình kiểm toán, tỷ số 5% lợi nhuận trước thuế sẽ là con số thích hợp để xác định mức trọng yếu kế hoạch.

Quy trình kiểm toán của E&Y có chia ra hai trường hợp cụ thể khi xác lập mức trọng yếu kế hoạch PM là:

- Những doanh nghiệp niêm yết (công ty cổ phần); doanh nghiệp hoạt động trong những ngành công nghiệp quy định; và

- Những doanh nghiệp không niêm yết (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...); những doanh nghiệp kiểm toán theo luật định.

Những doanh nghiệp niêm yết (công ty cổ phần), doanh nghiệp hoạt động trong những ngành công nghiệp quy định:

Đối với những công ty cổ phần niêm yết, những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề quy định, KTV thường cho rằng người sử dụng BCTC sẽ quan tâm nhiều tới kết quả hoạt động của đơn vị. Theo kinh nghiệm đúc kết của các KTV E&Y, những người sử dụng BCTC trong trường hợp này sẽ tập trung vào lợi nhuận, họ thường suy xét những sai sót lớn hơn 5% lợi nhuận trước thuế là trọng yếu. Do đó, KTV sử dụng 5% lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh để xác lập mức trọng yếu kế hoạch. Việc thiết lập mức trọng yếu kế hoạch lớn hơn 5% cho những doanh nghiệp này là mâu thuẫn với những mong muốn của người sử dụng BCTC.

Tuy nhiên, khi KTV có bằng chứng cho thấy sự kỳ vọng của những người sử dụng là cao hơn ngưỡng 5%, tức người sử dụng BCTC sẽ chấp nhận sai sót ở mức cao hơn, thì có thể xác lập PM ở mức lớn hơn 5% cho những doanh nghiệp thuộc loại này (chẳng hạn 6% - 8% là thích hợp hơn là 10%). Trong trường hợp này, KTV được yêu cầu phải thảo luận với bộ phận các chuyên gia chuyên nghiệp của từng khu vực (Sub- Area Professional Practice Director – PPD) trước khi xác lập mức trọng yếu kế hoạch PM.

Để có thể nâng mức trọng yếu kế hoạch trên tỷ lệ 5% lợi nhuận trước thuế đối với doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định thì KTV phải dựa trên xét đoán nghề nghiệp để tin rằng rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát của những doanh nghiệp này là thấp nhằm đảm bảo mức rủi ro kiểm toán chấp nhận được.

KTV không được nâng mức trọng yếu kế hoạch trên tỷ lệ 5% đối với doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định của Nhà nước, khi mà quá khứ kiểm toán của công ty chỉ ra rằng tập hợp những chênh lệch kiểm toán là lớn hơn 2% lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh.

Xác lập mức trọng yếu kế hoạch ở mức 5% lợi nhuận trước thuế không có nghĩa là KTV sẽ xác lập PM chính xác đến từng đơn vị tiền tệ. Việc làm tròn số một cách thích hợp (lên hoặc xuống) thì không tăng rủi ro kiểm toán và cũng không cần thảo luận với PPD. Ví dụ, 5% của lợi nhuận trước thuế theo dự báo 577.275.000 USD là 28.863.750 USD. Trong trường hợp này, KTV được chấp nhận xác lập PM ở mức 29.000.000 USD.

Những doanh nghiệp không niêm yết (doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH...) và những doanh nghiệp kiểm toán theo luật định:

Đầu tiên KTV sẽ xác định tỷ lệ % ban đầu để tính mức trọng yếu kế hoạch. Sau đó, KTV sẽ xem xét những đặc điểm hoạt động và kinh nghiệm của KTV để xác định mức điều chỉnh phù hợp cho tỷ lệ % dùng để xác định PM.

Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp:

• Doanh nghiệp có viễn cảnh hoạt động tốt trong thời gian dài; • Doanh nghiệp được tổ chức chặt chẽ với một số ít cổ đông; • Doanh nghiệp không có hoặc có ít nợ thương mại;

• Doanh nghiệp chỉ gửi BCTC đã được kiểm toán cho một số ít người ở bên ngoài; và

• Doanh nghiệp không được phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng trong vòng một vài năm tới (2 đến 3 năm).

Kinh nghiệm của kiểm toán viên:

• Doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường mà tốc độ biến đổi không quá nhanh (Ví dụ: công ty không giảm hay tăng trưởng với tốc độ chóng mặt hoặc môi trường kinh tế mà doanh nghiệp hoạt động không thay đổi nhanh);

• Doanh nghiệp có triển vọng sẽ phát triển bền vững và có tình hình tài chính tốt; • Kinh nghiệm KTV cho thấy nhà quản lý của doanh nghiệp có năng lực, có tính

chính trực, thận trọng trong việc áp dụng các chính sách kế toán và KTV có bằng chứng cho thấy các điều kiện này vẫn còn được duy trì;

• Hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp hiệu quả;

• Không có dấu hiệu về vi phạm khả năng hoạt động liên tục; và

• Kinh nghiệm kiểm toán các năm trước cho thấy tổng hợp các sai sót của năm trước ở mức thấp (nhỏ hơn 2%) so với lợi nhuận trước thuế.

Tỷ lệ mà các KTV của E&Y thường sử dụng để xác lập mức trọng yếu kế hoạch từ 5% đến 10% lợi nhuận trước thuế. KTV có thể sử dụng tỷ lệ tối đa là 10% khi tất cả tiêu chuẩn trên được đáp ứng. Mức trọng yếu kế hoạch sẽ được nâng lên trên 5% hay không hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm hoạt động và kinh nghiệm của KTV. Tất cả những tiêu chuẩn trên là rất quan trọng, nhưng kinh nghiệm của KTV đối với những chênh lệch kiểm toán thường sẽ là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, KTV nhận thấy có thể thiết lập mức trọng yếu thấp hơn mức đã dự định để đánh giá kết quả kiểm toán tốt hơn. Khi đó, rủi ro không phát hiện sai sót trọng yếu sẽ giảm và đồng thời cung cấp cho KTV ngưỡng an toàn khi đánh giá hiệu quả của việc phát hiện sai sót trọng yếu trong suốt quá trình kiểm toán.

Nếu là kiểm toán năm đầu tiên, mức trọng yếu kế hoạch sẽ được thiết lập thấp hơn khoảng từ 5% đến 10% bởi vì KTV chưa có những chênh lệch kiểm toán trong quá khứ để xem xét.

Các chỉ tiêu khác:

Nguyên tắc xác lập mức trọng yếu kế hoạch dựa vào lợi nhuận trước thuế được sử dụng hầu hết trong các tình huống kiểm toán, nhưng không phải lúc nào cũng có thể cho một kết quả thích hợp. Trong mọi trường hợp, ước tính mức trọng yếu kế hoạch đòi hỏi phải có sự xem xét của nhiều yếu tố khác nhau.

Hướng dẫn sau đây làm nổi bật lên phạm vi mà KTV sẽ sử dụng và những yếu tố cụ thể khác mà KTV cần xem xét.

Khi KTV nhận định rằng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là một cơ sở không thích hợp để ước tính mức trọng yếu kế hoạch, KTV có thể áp dụng một chỉ tiêu khác. Chỉ tiêu khác này có thể là cơ sở thích hợp để áp dụng cho những khách hàng ngoại lệ.

KTV nhận định rằng lợi nhuận trước thuế là không thích hợp nếu: • Doanh nghiệp hoạt động không có lãi hoặc gần như hòa vốn;

• Kết quả hoạt động của doanh nghiệp dao động lên xuống giữa lời và lỗ từ năm này qua năm khác;

• Kết quả hoạt động thấp ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp – KTV không được ước tính mức trọng yếu kế hoạch trên kết quả lỗ của doanh nghiệp;

• Đây là doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tập trung nhiều vào vốn hơn vào kết quả của mình;

• Doanh nghiệp không có kết quả hoạt động tức là doanh nghiệp không kinh doanh; và

• Doanh nghiệp chỉ phát hành trái phiếu mà không được phát hành cổ phiếu.

Giới hạn tỷ lệ phần trăm % mà các KTV xem xét khi xác lập mức trọng yếu kế hoạch là:

- Doanh thu: 0,5% - 1% - Lợi nhuận gộp: 1% - 2%

- Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao: 2% - 5%

Giới hạn dưới của tỷ lệ % trên thường được sử dụng để xác lập mức trọng yếu cho các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định của Nhà nước. Giới hạn trên sẽ được sử dụng cho các doanh nghiệp không

niêm yết (doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH...) và các doanh nghiệp kiểm toán theo luật định.

KTV cũng cần xem xét các đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp và kinh nghiệm của KTV đã đề cập phần trên để xác định xem tỷ lệ % bao nhiêu là phù hợp nhất để xác định mức trọng yếu kế hoạch nhằm phản ánh thực tế tình hình của doanh nghiệp được kiểm toán.

Tương tự như tiêu chí lợi nhuận trước thuế, nếu KTV xác lập mức trọng yếu ở mức cao hơn mức giới hạn dưới đối với các tiêu chí trên cho các doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, ngành nghề quy định thì KTV cần phải thảo luận với bộ phận PPD trước. Tuy nhiên, nếu KTV xác lập mức trọng yếu theo tỷ lệ phần trăm của giới hạn dưới của các chỉ tiêu trên thì việc thảo PPD là không cần thiết.

Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp có tình hình phát triển tốt trong năm trước nhưng bị một sự sụt giảm lớn trong năm hiện hành do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới. KTV sẽ đánh giá xem doanh nghiệp đó có thể phục hồi lại tình hình kinh doanh trong tương lai không bằng cách xem xét những nhân tố nội bộ như: kế hoạch tái cấu trúc công ty; kế hoạch phát triển sản phẩm; thu hút vốn; khách hàng cơ bản và những nhân tố nội bộ khác. KTV cũng xem xét những nhân tố bên ngoài như: những dự đoán về thị trường; những đánh giá của những chuyên gia độc lập. Dựa trên những nhân tố đó cùng với sự xét đoán nghề nghiệp, KTV sẽ xác định khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, chẳng hạn sự sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến việc giảm giá của một loại hàng hóa trên thị trường (ví dụ giá dầu) nhưng số lượng thì vẫn hợp lý so với những năm trước. Dù cho người sử dụng BCTC quan tâm nhiều tới lợi nhuận, họ vẫn sẽ điều chỉnh lại mong đợi của họ về lợi nhuận bởi vì họ biết nguyên nhân là do sự sụt giảm trong giá bán. Lúc này, sử dụng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (không bao gồm hoạt động đầu tư và tài chính) sẽ phù hợp hơn khi thiết lập PM.

Hoặc trong một số ít trường hợp (trường hợp công ty có các khoản vay nợ từ công chúng nhưng không phát hành cổ phiếu ra công chúng, hay trong trường hợp những nhà phân tích và những người sử dụng quan tâm đến chỉ tiêu đó), việc xác định PM có thể dựa vào một số chỉ tiêu khác từ kết quả hoạt động, như: lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA – Earnings before interest, taxes, depreciation, and amortization). Việc tính toán cũng có thể dựa vào chỉ tiêu lợi nhuận trong đó không tính đến các khoản bồi hoàn (các khoản bồi hoàn ở đây bao gồm các khoản mục trọng yếu xảy ra không thường xuyên, ví dụ như các khoản lỗ trọng yếu do xóa bỏ các tài sản hư hỏng, hoặc lãi/lỗ do thanh lý tài sản cố định).

Một phần của tài liệu Vận dụng trọng yếu trong kiểm toán BCTC tại công ty TNHH kiểm toán ernst young việt nam (Trang 28)