Bên cạnh việc quán triệt và tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc trên, việc đa dạng hóa và kết hợp linh hoạt phương thức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm tra. Có những phương thức kiểm tra sau đây:
1. Phương thức tự kiểm tra của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản trong việc đảm bảo không để xảy ra những dấu hiệu bất hợp pháp, bất hợp lý của văn bản QPPL, pháp luật đã có những quy định về trách nhiệm tự kiểm tra văn bản của cơ quan ban hành, trước khi có sự kiểm tra của cơ quan kiểm tra văn bản theo nhiệm vụ được phân công. Thông qua phương thức tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản một lần nữa xem xét lại nội dung, hình thức, ngôn ngữ pháp lý của văn bản. Việc tự kiểm tra nhằm đảm bảo cho văn bản quy phạm pháp luật luôn luôn đáp ứng với tình hình kinh tế - xã hội đồng thời không trái với những quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.
Trong quá trình tự kiểm tra nếu phát hiện thấy văn bản có dấu hiệu bất hợp pháp, bất hợp lý, cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.
2. Phương thức kiểm tra văn bản theo thẩm quyền
Là việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra theo nhiệm vụ được phân công, bao gồm: kiểm tra văn bản QPPL khi nhận được văn bản do cơ quan ban hành văn bản gửi đến hoặc tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn. Thông qua sự phân công rõ ràng nhiệm vụ kiểm tra theo từng lĩnh vực chuyên môn, từng cấp đã xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong công tác kiểm tra để tránh chồng chéo.
3. Phương thức kiểm tra khi nhận được yêu cầu
Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phải tiến hành hoạt động kiểm tra để kịp thời sửa đổi, thay thế hoặc hủy bỏ.