7. Bố cục luận văn
3.2.5. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch
Việc lựa chọn thị trường mục tiêu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kinh doanh vì từ việc xác định thị trường mục tiêu mà nhà kinh doanh có thể hiểu rõ được nhu cầu đặc điểm của từng thị trường. Trên cơ sở đó, tập trung quảng bá, xúc tiến và cung ứng sản phẩm, dịch vụ đúng với nhu cầu của du khách.
* Về việc lựa chọn thị trường mục tiêu
Xuất phát từ điều kiện cụ thể của du lịch Hà Tĩnh và kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố khác, trong 05 năm tới Tỉnh cần đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nội địa, chú ý đến phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Từ năm 2015 trở đi sẽ đồng thời phát triển mạnh cả hai thị trường trên.
Bởi vì, trong những năm trước mắt chúng ta chưa có đủ điều kiện để xây dựng những cơ sở du lịch đủ điều kiện đón khách du lịch quốc tế, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nguồn nhân lực chất lượng còn thấp thể hiện ở trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, ngoại ngữ còn kém. Hà Tĩnh chưa có những điểm du lịch nổi bật và hình ảnh du lịch Hà Tĩnh chưa thật sự có sức thu hút lớn như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu khách quốc tế là rất khó khăn. Vì vậy, việc trước mắt là phải chuẩn bị tốt mọi phương diện để đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch quốc tế trong giai đoạn sau 2015.
- Đối với thị trường khách du lịch nội địa có thể phân loại như sau:
+ Khách du lịch công vụ là những cán bộ cơ quan nhà nước từ các tỉnh, thành phố đến Hà Tĩnh công tác (chủ yếu là từ Hà Nội, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác). Họ có nhu cầu và khả năng thanh toán tương đối cao, yêu cầu các điều kiện và các dịch vụ phục vụ cho công việc, thời gian lưu trú không dài, chủ yếu là ở thành phố.
+ Khách du lịch nghỉ dưỡng ngoại tỉnh chủ yếu từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc: Những khách du lịch này có nhu cầu và khả năng thanh toán tương đối cao. Họ chủ yếu đi vào mùa hè, nghỉ ở Thiên Cầm hoặc Xuân Thành, vừa nghỉ biển đồng thời vừa có thể kết hợp hội họp, tổng kết cơ quan. Thời gian lưu trú là 2 - 3 ngày.
+ Khách du lịch tham quan, thăm viếng các di tích lịch sử, văn hóa đến từ nhiều tỉnh trong cả nước và thuộc mọi đối tượng lứa tuổi khác nhau. Các điểm thăm viếng thường là Khu lưu niệm Nguyễn Du, Đền Chợ củi (Đền Ông Hoàng Mười), Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Khu lưu niệm Trần Phú. Loại khách này khả năng thanh toán trung bình, thời gian lưu trú không dài (thường 1-2 ngày).
+ Khách du lịch nội tỉnh thường đi trong ngày, một số ít đi qua đêm và thường đi vào cuối tuần. Họ thường đến Thiên Cầm, Xuân Thành, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Trần Phú, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Chùa Hương Tích, Đền Chợ Củi (đền Ông Hoàng Mười), Đền bà Bích Châu, Thạch Hải và một số nơi khác. Loại khách này chủ yếu sử dụng một vài dịch vụ của người dân địa phương như ăn uống, hàng hóa phục vụ đi chùa, đi viếng.
Đối với thị trường khách du lịch quốc tế:
+ Giai đoạn từ nay đến 2020 nên tập trung vào thị trường Lào, Thái Lan. Thực tế thì thị trường Lào, Thái Lan là thị trường có khả năng thanh toán không cao nhưng có nhu cầu đến Hà Tĩnh và Việt Nam qua đường 8. Họ có thể đến các vùng biển Hà Tĩnh, thăm một số di tích văn hóa Hà Tĩnh, Nghệ An (Khu lưu niệm Bác Hồ ở Kim Liên). Đây cũng là thị trường có điều kiện phát triển vì Hà Tĩnh là một tỉnh trong mối quan hệ 3 nước, 8 tỉnh của Việt Nam, Lào, Thái Lan.
Ngoài các thị trường trên, Hà Tĩnh có thể mở rộng ra thị trường các nước ASEAN khác, Trung Quốc, Nga và một số nước châu Âu khác (Trong đó có cả Việt Kiều về thăm quê).
* Chính sách xúc tiến quảng bá
Trong những năm qua, việc xúc tiến quảng bá du lịch của du lịch Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng của đội ngũ làm xúc tiến quảng bá, về ngân quỹ và hạn chế cả về phương thức xúc tiến, quảng bá. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh du lịch Hà Tĩnh còn mờ nhạt trên thị trường du lịch và quốc tế. Vì vậy, cần làm tốt hơn công tác xúc tiến quảng bá du lịch và chính sách xúc tiến quảng bá luôn phải nhằm vào thị trường mục tiêu.
Để làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Tỉnh cần thực hiện một số công việc sau:
+ Tăng cường năng lực của Trung tâm xúc tiến phát triển Văn hóa - Du lịch (hoặc Thương mại - Du lịch). Trước hết là đủ số lượng cán bộ, đồng thời có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao;
+ Tiến hành nghiên cứu kỹ thị trường trong đó bao gồm việc lựa chọn thị trường mục tiêu, phân đoạn thị trường và xác định đặc điểm từng phân đoạn;
+ Xây dựng kế hoạch và tiến hành xúc tiến, quảng bá, tìm các hình thức, giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất cho từng đoạn thị trường;
+ Xác định ngân quỹ cho xúc tiến, quảng bá; tăng ngân sách cho quảng bá, đặc biệt là quảng bá ở nước ngoài.
Trong thời gian tới công tác xúc tiến, quảng bá cần được đẩy mạnh hơn nữa: - Đối với thị trường nội địa: Nên tập trung xúc tiến, quảng bá vào hai thị trường lớn là thị trường Hà Nội và thị trường Thành phố Hồ Chí Minh dưới nhiều hình thức khác nhau như:
+ Quảng cáo trên báo Hà Nội mới, báo Sài Gòn giải phóng, Báo Du lịch và một vài tờ báo lớn của Trung ương và một số website như: http://express.vn, http://vietnamnet.vnn, http://tienphongoline.vn,...
+ Tổ chức các cuộc gặp gỡ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu về Hà Tĩnh nói chung và du lịch Hà Tĩnh nói riêng.
+ Tổ chức Farmtrip và Expresstrip.
+ Xuất bản các VCD, DVD và sách nói về du lịch Hà Tĩnh và giới thiệu rộng rãi các sản phẩm này.
+ Thu hút tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tại Hà Tĩnh.
+ Tiếp tục tổ chức các sự kiện, festival, kỷ niệm lớn và truyền hình trực tiếp trên VTV
+ Đẩy mạnh việc giới thiệu du lịch trên báo Hà Tĩnh, Đài Truyền hình Hà Tĩnh để góp phần giới thiệu cho nhân dân trong tỉnh về tiềm năng du lịch của Tỉnh, ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch, tham gia phát triển du lịch.
- Đối với thị trường quốc tế: Trong một số năm tới nên tập trung quảng bá, xúc tiến vào thị trường Lào, Thái Lan như đã nêu ở trên.
+ Tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi các đoàn giữa hai nước giới thiệu về du lịch Hà Tĩnh và Việt Nam.
+ Tổ chức quảng bá trong các cuộc hội nghị 3 nước, 8 tỉnh (Việt Nam, Lào, Thái Lan) hàng năm.
+ Làm các film VCD, DVD, sách du lịch về du lịch Hà Tĩnh bằng tiếng Anh, Lào, Thái Lan, Trung Quốc tặng cho các đoàn thăm viếng, các hội nghị, hội thảo; xây dựng website cho các khu, điểm du lịch. Đối với những khu, điểm du lịch lớn phải xây dựng bằng cả Tiếng Anh và Tiếng Việt.
+ Đăng các bài giới thiệu Hà Tĩnh và du lịch Hà Tĩnh trên một số tờ báo, phát trên truyền hình ở các nước này (nhất là Lào và các tỉnh Đông - Bắc Thái Lan).
+ Ký kết hợp tác quốc tế song phương. + Tổ chức hội chợ quốc tế.
Về kinh phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch:
Cần tính toán và thành lập “Quỹ xúc tiến quảng bá du lịch Hà Tĩnh” giao Trung tâm xúc tiến Văn hóa - Du lịch quản lý. Nguồn của quỹ này từ: Nguồn thu thuế xây dựng các công trình du lịch, thuế VAT từ hoạt động du lịch, thu vé tham quan và các hoạt động du lịch khác; Các nhà tài trợ; Đóng góp của các doanh nghiệp (cần có quy định); Hỗ trợ của Trung ương.
Quỹ xúc tiến, quảng bá cần có kế hoạch cụ thể, có nghĩa là cần phân chia vào các nội dung, hoạt động cho từng thị trường và từng thời gian (thời điểm) cụ thể. Đồng thời, sau thời gian 01 hay 05 năm cần đánh giá hiệu quả của hoạt động xúc tiến quảng bá để làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh kế hoạch cho thời gian tiếp theo nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
3.2.6. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường du lịch văn hoá.
Với tính chất là các khu di tích lịch sử cách mạng, đình đền chùa…đòi hỏi ban quản lý các di tích cũng như ngành du lịch Hà Tĩnh phải thường xuyên quan tâm công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, trong đó:
- Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng công an bảo vệ mục tiêu với chính quyền địa phương và Khu di tích để đảm bảo an toàn tuyệt đối các di tích, đảm bảo an toàn, trật tự cho khách du lịch đến tham quan. Vào những ngày cao điểm cần tăng cường lực lượng bảo vệ, đảm bảo trật tự tại các bãi đỗ xe và điểm tham quan có khả năng tập trung đông khách như Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khu di tích Nguyễn Du, khu lưu niệm cố Tổng bí thư Trần Phú, đền Củi, đền bà Bích Châu….Trước mắt, khi chưa đầu tư xây dựng lại được, thì cần sắp xếp lại hệ thống quầy ốt dịch vụ tại bãi đỗ xe di tích cho hợp lý, đảm bảo có lối đi rộng rãi và có biển chỉ dẫn rõ ràng cho khách vào tham quan di tích.
- Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc niêm công khai giá cả các hàng hóa dịch vụ và bán theo giá niêm yết, bán sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm chất lượng; các cơ sở, quầy ốt ở trong khu di tích cũng như khu vực lân cận tham gia kinh doanh phải có đăng ký, có biển tên, có số điện thoại liên lạc và cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp cho khách du lịch.
- Hàng năm phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức về văn hóa giao tiếp, ứng xử, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…cho các hộ kinh doanh dịch vụ cũng như nhân dân trong vùng và tổ chức ký cam kết thực hiện.
- Bổ sung lắp đặt các biển chỉ dẫn, biển báo hướng dẫn, nhắc nhở về bảo vệ môi trường cho khách du lịch và nhân dân, bố trí thêm các thùng rác công cộng ở vị trí hợp lý và đảm bảo cảnh quan chung, nhất là khu vực bãi đỗ xe, trên các tuyến tham quan. Có phương án thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại các cụm di tích theo đúng quy định, trong đó lưu ý tới vị trí thu gom rác thải. Vào các ngày cao điểm cần tăng cường nhân lực làm công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, quét dọn nhà vệ sinh công cộng.