Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Hà Tĩnh Luận văn ThS. Du lịch (Trang 90)

7. Bố cục luận văn

3.2.2.Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

Với điều kiện thực tế của Tỉnh, từ nay đến năm - 2020 Tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch sau:

1- Thành phố Hà Tĩnh (thành Trung tâm Du lịch); 2- Ngã ba Đồng Lộc - Chùa Hương Tích;

3- Khu du lịch Quốc gia Thiên Cầm - Khu lưu niệm Hà Huy Tập – Hồ Kẻ Gỗ 4- Khu lưu niệm Nguyễn Du và vùng phụ cận;

5- Khu lưu niệm Trần Phú - Phan Đình Phùng;

Việc đầu tư của nhà nước trước hết cần tập trung vào cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống điện nước, đường sá đến các điểm du lịch, sân bãi cho phương tiện giao thông, hệ thống xử lý chất thải đồng bộ...; Việc tôn tạo di tích có thể đề nghị nhà nước hỗ trợ và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và các nhà kinh doanh. Các công trình, phương tiện thông tin, dịch vụ khác tại chỗ cần huy động đầu tư từ các nhà kinh doanh, cộng đồng dân cư cùng với sự tham gia của chính quyền địa phương.

Trước mắt cần tập trung làm tốt quy hoạch và đầu tư cho 2 khu du lịch: - Khu không gian văn hóa Nguyễn Du (trong đó bao gồm các điểm phụ cận như khu Nguyễn Công Trứ, bãi biển Xuân Thành, đền Chợ Củi)

- Khu Du lịch Ngã ba Đồng Lộc (bao gồm cả vùng phụ cận là Chùa Hương và Khu du lịch Thiên Cầm).

- Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Hà Tĩnh cần phải nâng cấp hệ thống đường giao thông, hệ thống cung cấp nước sạch và xử lý nước thải để phát triển du lịch. Đặc biệt cần nâng cấp và đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đến một số điểm du lịch như: đoạn đường từ ngã 3 Gia Lách vào đến xã Tiên Điền, nơi có mật độ di tích dày với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị;

Hoàn thiện thêm các đường liên thôn, cải thiện hơn nữa hệ thống đường sá tạo sự lưu thông thuận tiện. Đặc biệt là các đường nối từ trung tâm huyện đến với các di tích vào mùa mưa còn lầy lội nên cần có chính sách đầu tư xây dựng. Để tạo điều kiện cho việc đi lại của du khách thuận tiện hơn.

Xây dựng đường điện chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè tới các di tích, các điểm du lịch. Đặc biệt là việc cần xây dựng hệ thống điện chiếu sáng cho các điểm trong khu di tích Nguyễn Du như nhà thờ và mộ Nguyễn Du, khu lưu niệm Tổng bí thư Trần Phú... Bên cạnh đó nâng cấp khả năng cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc, cơ sở y tế cho các khu du lịch.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật: Để khai thác tốt nguồn tài nguyên sẵn có phục vụ phát triển du lịch thì cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ cho du lịch có một vai trò rất quan trọng.

Về cơ sở lưu trú: Bên cạnh việc xây dựng nhà nghỉ, khách sạn hiện đại các huyện cần phải xây dựng bảo tồn các nhà dân có kiểu kiến trúc cổ gần khu di tích để người dân có thể tham gia đón khách tại nhà của mình, phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Cần nâng cấp các khách sạn hiện có; xây dựng thêm nhiều khách sạn đạt chuẩn, đặc biệt là khách san 3, 4, 5 sao tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố (sẽ rất thuận lợi cho du khách nếu có nhiều khách sạn đạt chuẩn quanh khu vực các di tích (khu di tích Nguyễn Du, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc…); nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, đa dạng các sản phẩm dịch vụ bổ sung... Mở thêm các nhà hàng bán các đặc sản, hàng lưu niệm về các sản phẩm mây, tre, đan truyền thống của huyện.

Cần xây dựng những cơ sở lưu trú mang phong cách làng quê và phục hồi, tôn tạo những ngôi nhà dân vừa đẹp về cảnh quan, độc đáo về kiến trúc là một trong những điểm hấp dẫn du khách. Có thể đó là những ngôi nhà lát gạch đỏ, không gian nhà rộng từ 3 đến 5 gian được lợp dưới mái tranh tre sẵn có trong tự nhiên, có đồi cảnh, cây xanh, hồ nước, ao sen, quán nước... mang đậm chất làng quê Việt. Với lối kiến trúc phá cách được thiết kế bằng những chất liệu truyền thống, làm cho những ngôi nhà vừa hiện đại nhưng vẫn rất dân dã và bình dị. Đến đây du khách sẽ như lạc vào một miền quê yên tĩnh với khí trời thoáng đãng, trong lành giúp du khách có tinh thần thoải mái, quên đi những muộn phiền của cuộc sống. Cùng với đó du khách sẽ được cảm nhận rất rõ nét đẹp văn hóa đất và người Hà Tĩnh qua cung cách phục vụ, cách bài trí, món ăn, trang phục, sản phẩm thủ công... tất cả đều rất tỉ mỉ, tinh tế, chu đáo, tận tâm... Chính vì vậy, đây sẽ là một giải pháp thiết thực nhất để thu hút khách không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Về cơ sở ăn uống: Hiện nay, các cơ sở ăn uống có quy mô đều nằm ở thị trấn, thị xã và thành phố nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Vì vậy việc xây dựng các cơ sở ăn uống tại các khu di tích là cần thiết:

Cần có những ưu tiên đầu tư hợp lý vào các cơ sở dịch vụ ăn uống, hệ thống các nhà hàng để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ăn uống để hấp dẫn khách.

Xây dựng một số nhà hàng gần gũi với cảnh quan tự nhiên, dân giã mang tính thôn quê với các món ăn đặc sản làm chủ đạo (như chả Rươi, mực khô, lươn om chuối...), thực đơn phong phú, kết hợp với nghệ thuật ẩm thực địa phương với một số nghệ thuật ẩm thực truyền thống ở các huyện lân cận.

Để tạo ấn tượng du khách thì kiến trúc nhà hàng cũng góp phần rất quan trọng. Do đó việc xây dựng nhà hàng gợi lên không gian của làng quê; gần gũi với thiên nhiên, cảnh vật sẽ là địa chỉ hấp dẫn du khách mỗi khi dừng chân ghé thăm các điểm di tích. Chỉ với các vật dụng được làm bằng mây tre đan như bàn, ghế, giá đựng thìa, dĩa, nĩa, hay những chiếc đèn lồng tre, những cái thúng, cái mũng, chiếc nón cũng trở thành vật trang trí hết sức độc đáo tạo nét riêng trong nhà hàng. Không những vậy, với kiểu kiến trúc này sẽ tạo nên cảm giác gần gũi, thân thiện như bản chất của con người miên quê.

Tại các điểm tham quan cần xây dựng các nhà lễ tân đón tiếp khách trước khi khách vào tham quan (xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, có quầy bán hàng lưu niệm…).

Đối với các làng nghề cần xây dựng các gian hàng trưng bày sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để khách du lịch có thể trực tiếp quan sát sản phẩm gắn liền với quy trình sản xuất.

Xây dựng các nhà biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức ẩm thực địa phương có thể kết hợp với khuôn viên từng vùng.

Cần thiết bổ sung các loại ghế, xích đu để cho khách nghỉ chân sau khi tham quan xong. Đặc biệt là tại các chùa chiền, sau khi thắp hương khách thường muốn nghỉ chân để vãn cảnh, thăm thú, chụp ảnh lưu niệm,...

Chẳng hạn tại khu di tích Nguyễn Du cũng chưa có nơi nghỉ chân cho du khách nên hoạt động tham quan của du khách trong những ngày hè nắng nóng chưa được hiệu quả. Du khách đến thường chỉ quanh quẩn tham quan các hiện vật trong Bảo tàng và các di tích gần đó vì vậy họ rất nhanh chán, và

thời gian ở lại rất ít. Vì vậy tại khu di tích cần xây thêm những nơi nghỉ chân cho du khách, như các ngôi nhà đơn sơ với các chất liệu tự nhiên như tranh, tre, nứa để tạo sự hài hoà với không gian cổ kính của di tích; bổ sung các loại ghế trong khuôn viên di tích.Tại nơi nghỉ chân này trong một không gian hài hoà, giản dị, thoáng mát hướng dẫn viên có thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho du khách, các hình thức nghệ thuật của địa phương như Trò Kiều, hát ca trù, múa, các hoạt động tìm hiểu về danh thắng Nghi Xuân và cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Du cũng được tổ chức tại đây để tạo thêm sự hấp dẫn cho di tích.

Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống các điểm vui chơi giải trí tại các trung tâm của huyện và các khu du lịch trọng điểm; tăng cường hiện đại hoá các các dịch vụ như ngân hàng, trung tâm thương mại, công viên,...

Cơ sở vật chất kỹ thuật luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tạo ra và thực hiện sản phẩm du lịch, cũng như khai thác các tài nguyên du lịch. Do vậy việc đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch là việc hết sức cần thiết và phải được cụ thể hoá trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch Tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tỉnh Hà Tĩnh Luận văn ThS. Du lịch (Trang 90)