7. Bố cục của đề tài
2.2.5. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ giàu bản sắc văn hóa
Bản sắc đó được hình thành theo vùng văn hóa, với tiếng nói, ngữ âm (phương ngữ), mang đặc điểm riêng, không giống Quảng Bình, cũng không giống Thanh Hoá. Bản sắc đó còn thể hiện trong bản chất con người xứ Nghệ,
sống thật thà, chất phác, tình cảm sâu nặng đối với người thân và bạn bè. Nhà thơ Cù Huy Cận đã viết:
“Người xứ Nghệ quen lâu
Nhưng bén rồi càng sâu lắng…”
Bản sắc đó đã khắc sâu trong tâm trí và tình cảm của bao người, kể cả người Nghệ xa quê và những người không phải quê hương xứ Nghệ, mỗi khi nghe câu ví, giặm cất lên, lòng thổn thức nhớ thương về một vùng quê sâu nặng, một xứ Nghệ ân tình. Bản sắc đó lại không bị ảnh hưởng dân ca từ nơi khác đến hoặc đến với dân ca các nơi khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng: Tính biệt lập của vùng xứ Nghệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tính độc lập của dân ca xứ Nghệ. Vì vậy, bản thân dân ca xứ Nghệ đã góp phần hình thành bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
Chính sự lắng đọng của hồn quê, vương buồn trong câu hát ví - giặm mà suốt cuộc đời buôn ba khắp năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước, Hồ Chủ Tịch vẫn mang nặng tâm hồn văn hóa dân tộc, của xứ Nghệ. Cho đến lúc lâm chung, Người vẫn muốn được nghe khúc dân ca quê nhà. Theo tư liệu: đồng chí Vũ Kỳ có kể lại với nhạc sĩ Trần Hoàn - tác giả sáng tác bài
“Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, một trong những bài hát hay nhất viết về Bác Hồ, thì đầu tiên. Bác muốn nghe một câu ví giặm Nghệ Tĩnh hoặc một câu hò của Huế nhưng giữa bệnh viện (Quân y 108) lúc bấy giờ không tìm được ca sĩ, cuối cùng đồng chí Vũ Kỳ phải khuyên cô Oanh - y Tá Quân y hát một câu Quan họ cho Bác nghe, vì cô không biết hát dân ca miền trung. Câu hát dân ca đã làm Bác xúc động rơm rớm hàng mi, đã thỏa phần nào nỗi nhớ da diết về quê hương, về khúc hát dân ca thủa thiếu thời của Người.
Ta còn bắt gặp thêm nỗi lòng của người con xứ Nghệ khi đứng “giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ” để thấy được nỗi niềm thiết tha về vùng văn hóa ví - giặm.Tận bên trời tây giá rét của Matxcova, người nhạc sĩ
bỗng nghe văng vẳng tiếng hát của xứ sở. Cũng có thể, dân ca xứ Nghệ vượt khỏi biên giới nước Việt, theo dấu chân người Nghệ về bên trời Âu hay phải chăng đó là tiếng hát “vô hình” vọng từ trong tâm thức của người con khi xa quê hương.
Xứ Nghệ còn là vùng văn hóa dân gian nổi tiếng, nhìn vào kho tàng ca dao, dân ca, hò, vè, chuyện cười… của các nhà nghiên cứu để lại cũng đủ thấy: đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Một trong những giá trị quý báu của dân ca còn cho chúng ta thấy khá sâu sắc và đậm đà về cuộc sống và tâm hồn của con người. Nhưng điều đặc sắc ở dân ca là nơi đây ta không gặp con người Việt Nam chung chung với một phong cách dân tộc chung chung, ở đây ta gặp những con người cụ thể với những tâm hồn có phong cách riêng được hun đúc từ bao đời ở những vùng văn hóa dân gian khác nhau.
Cùng chung một tình yêu và niềm tự hào về quê hương nhưng người xứ Nghệ nói:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ Ai vô xứ nghệ thì vô…
Non nước xứ Nghệ dần hiện ra, đẹp như một bức tranh và người dân xứ Nghệ với lời mời khá cứng cỏi nhưng đầy tự hào, đầy “chất Nghệ”, có thể hiểu rằng “ai vô.. thì vô” và “ai không vô... thì thôi”.
Trong khi đó, người xứ Huế sẽ nói dịu dàng hơn:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ Yêu em anh cũng muốn vô…
Cũng về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, khác với địa phương khác, hình ảnh người phụ nữ xứ Nghệ lại có tính cách cứng cỏi và mạnh mẽ. Để được giải phóng, họ dám phát biểu, đương đầu và không lệ thuộc vào những
giáo điều. Cho nên, con gái xứ Nghệ tuy giàu tình cảm nhưng lại rạch ròi, dứt khoát trong tình yêu:
Đã thương thì thương cho chắc Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn Đừng như con thỏ đứng đầu truông Khi vui giỡn bóng khi buồn bỏ đi
Trong khi người Bình - Trị - Thiên cũng mượn lại ý đó nhưng lại nhẹ nhàng hơn:
Có thương thì thương cho chắc cho chắn Cho xoắn cho vó, cho có lòng thương...
Trong sự chia ly của tình yêu, với người con gái xứ Nghệ:
Đến duyên em cha mẹ ép phải lấy chồng Em yêu anh như rứa có mặn nồng tuỳ anh
Đừng trách nhau chi lắm, cho cực lòng nhau thêm
Ta tưởng như có chút lạnh lùng khi “mặn nồng tùy anh” nhưng ẩn đằng sau đó là lòng thủy chung, son sắt, bởi “cha mẹ ép”, vì “ép” nên mới phải đành lòngchia ly.
Khác với con gái xứ Nghệ, người con gái Bình - Trị - Thiên lại cảm thương cho tình cảnh ngang trái:
Đến duyên thì mẹ cha buộc em phải lấy chồng Trách nhau chi rứa nữa cho cực lòng nhau thêm.
Hay ta bắt gặp trong phong cách của xứ Thanh (qua hò sông Mã, hát ghẹo, hát khúc) lại mang nhiều nét gần với phong cách miền Bắc, thanh thoát và đầy sự trau chuốt. Trong tình yêu lại có cái gì dào dạt và mênh mông:
Lòng em thương nhớ ước ao
Mười đêm em ngắm ông sao cả mười Bóng trăng lấp ló bên đồi
Đôi khi ta còn bắt gặp một người Nghệ đầy tinh nghịch, hóm hỉnh qua hình ảnh ví von:
Con rồng kia phải bệnh ngáp dài
Hỏi chàng quân tử uống bài thuốc chi?
Đáp rằng:
Hai củ nhân sâm, một củ hoàng kỳ Ăn vào nó khỏi, uống thì nó thôi
Con người xứ Nghệ như thế đó: mãnh liệt sâu sắc nhưng trầm lặng kín đáo, di dỏm, là con người giàu tình cảm nhưng không bộc lộ ồn ào hời hợt, không dàn trải mà sâu kín bền bỉ, chân tình và giàu nghị lực.
2.3. Một số giá trị tiêu biểu khác
2.3.1. Giá trị về văn học
Tìm hiểu giá trị của dân ca xứ Nghệ trên bình diện này, chủ yếu là xem xét về ca từ trong các làn điệu. Tuy nhiên, khác với văn học viết, ngôn ngữ trong văn học dân gian có quan hệ mật thiết với các thành phần nghệ thuật khác như âm nhạc, động tác và kể cả môi trường diễn xướng (ngữ cảnh).
Nhìn một cách tổng thể, dân ca xứ Nghệ thường sử dụng nhiều từ cổ, từ địa phương và kể cả từ Hán - Việt với tỷ lệ cao hơn so với dân ca các vùng khác (Đã có một số công trình đi sâu nghiên cứu điều này). Chẳng hạn bài viết có tiêu đề: "Vai trò của phương ngôn trong dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ "
đã đưa ra một thực tế trên cơ sở của sự khảo sát, thống kê: "... trong hát ví (chẳng hạn trong "hát phường vải", Ninh Viết Giao sưu tầm) trung bình có năm câu thì có một câu sử dụng tiếng địa phương (chiếm 20%), riêng hát giặm ("Kho tàng vè xứ Nghệ" của PGS Ninh Viết Giao), bài nào cũng có từ địa phương (100%), bài ít nhất có một từ, bài nhiều nhất có bảy đến mười từ... Điều đó đã phản ánh và lý giải sự mộc mạc, dung dị, chân chất của ví, giặm xứ Nghệ.
Từ thực tế điều tra, chúng tôi ghi lại được những câu ca mà ngôn từ của nó hầu hết là tiếng địa phương:
Đây nhòm đó, đó nhòm đây,
Đó đây nhòm chắc, nỏ chi hay bằng nhòm (1).
Việc sử dụng khá nhiều từ Hán - Việt cùng với một số điển tích, điển cổ (Nhất là trong "hát phường vải") đã tạo nên tính bác học của dân ca xứ Nghệ. Đặc điểm này đã được GS Ninh Viết Giao chứng minh, lý giải thấu đáo trong bài: Tính bác học trong ca từ của dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Như vậy, dân ca xứ Nghệ (chủ yếu trong ví phường vải) xét về ca từ có sự kết hợp giữa tính bình dân với tính bác học, trong đó tính bình dân vẫn nổi trội hơn cả. Điều này có thể đem so sánh với ngôn ngữ thi ca trong lời ca Quan họ, khi mà ngôn ngữ của thể loại này đã đạt đến thành tựu nghệ thuật đặc sắc, giàu hình tượng và cũng trau chuốt rất tài hoa, như bài “Ngồi tựa mạn thuyền”
Ngồi tựa mạn thuyền
Giăng (trăng) in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh Sơn thủy hữu tình
Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang
Trong khi đó, dân ca xứ Nghệ cũng có những câu hay đến mức cổ điển: người xưa đã mượn ý thơ cổ của Trung Quốc trong bài Tây Sương Ký
để làm nên:
Sáng trăng ngồi gốc cây mai
Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình
Ngôn từ của dân ca xứ Nghệ có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ của các tác phẩm cổ điển thời Trung đại Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du;
(1) Khoa Văn - Đại học Vinh sưu tầm được ở xã Diễn An và Diễn Trung huyện Diễn Châu và chưa thấy có trong các cuốn sách đã công bố về dân ca xứ Nghệ.
truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, thơ văn Nguyễn Công Trứ và thơ Nôm của Hồ Xuân Hương (thực tế đó đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh, lý giải, nhất là một chương trong cuốn Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc).
Chẳng hạn, trong truyện Kiều có câu:
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng
Ta bắt gặp trong hát phường vải với lối “hát mời” tuy đã thêm bớt để phù hợp:
Chén ngà sánh giọng quỳnh tương Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào
Nhưng cũng có những câu rất khó mà biết giữa nhân dân và truyện Kiều của Nguyễn Du, ai vay mượn của ai, khi mà:
Trong truyện Kiều có câu:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường
Sáng tác của nhân dân cũng có câu:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược, xuôi hỡi chàng?
Về thể thơ, làn điệu hát ví thường dùng các thể lục bát, song thất lục bát còn hát giặm là thể ngụ ngôn, thể văn đối để tạo nên các lời ca. Đặc biệt, hiện tượng biến thể diễn ra phổ biến với tần số cao trong dân ca xứ Nghệ. Trong cuốn Hát giặm Nghệ Tĩnh, GS Nguyễn Đổng Chi đã dành hẳn một phần với tiêu đề Hình thức hát giặm (từ trang 11-32) để khảo sát ba dạng biến thể của thể hát này: Biến thể về chữ, về câu và về vần. Trong ba dạng đó thì biến thể về câu là phổ biến nhất, nó làm cho mô hình cấu trúc của hát giặm không thật ổn định, có thể co giãn một cách linh hoạt. Trong hát phường vải,
hiện tượng biến thể diễn ra phổ biến ở thể hát này. Điều đó làm cho thể thơ trong dân ca Việt Nam nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng khác với thể thơ của văn học trung đại (thể lục bát trong Truyện Kiều cũng như song thất lục bát trong Chinh phụ ngâm đều là chỉnh thể). Điều đáng nói ở đây là: hiện tượng biến thể không phải là độc quyền của dân ca xứ Nghệ bởi dân ca các vùng khác cũng có hiện tượng này nhưng ở xứ Nghệ sự biến thể chiếm tỉ lệ cao hơn.
Cũng sử dụng thể văn bốn hoặc văn năm để thể hiện nội dung nhưng thể thơ trong hát giặm xứ Nghệ vẫn khác với thể thơ trong hát khúc ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Câu thơ trong hát khúc hầu hết là bốn tiếng và cuối mỗi khúc không có câu láy lại như trong hát giặm. Tiếp cận từ nguồn tư liệu trong đợt điền dã của Khoa văn - Đại học Vinh tại xã Hải Thanh và Hải Thượng thuộc huyện Tĩnh Gia năm 1979, được nghe bà cụ Dầu, lúc đó đã hơn 80 tuổi (hát nhiều bài hát khúc) nhưng không có bài nào giống với hát giặm xứ Nghệ về thể thơ cũng như về giai điệu. Thể thơ trong hát giặm xứ Nghệ có thể bốn tiếng hoặc năm tiếng và thường được mở đầu bằng câu lục bát. Như vậy, thể thơ ở loại hát này có sự đan xen kết hợp một số thể trong một bài chứ không phải chỉ có một thể duy nhất như trong hát khúc Tĩnh Gia. Ngay cả câu láy lại (câu giặm) trong hát giặm xứ Nghệ cũng khác với hiện tượng láy lại một số từ trong một vài làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh (điệu Hoa thơm bướm lượn), chúng khác nhau ở chỗ: sự láy lại trong hát giặm diễn ra phổ biến, có tính quy luật còn sự láy lại trong dân ca quan họ chỉ diễn ra ở một vài làn điệu, không phổ biến, chỉ là hiện tượng chứ chưa trở thành bản chất. Câu giặm trong dân ca xứ Nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo ra cả tên gọi cho thể hát này. Nếu thiếu nó thì hát giặm không còn lý do tồn tại.
Về thể loại, xét trên bình diện văn học, dân ca xứ Nghệ đã được các nhà nghiên cứu phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Theo tiêu chí nội dung
phản ánh có gắn với các chủ đề: Tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, tư tưởng chống phong kiến, đế quốc… Cách phân loại này tương tự cách phân loại của dân ca cả nước mà ông Vũ Ngọc Phan đã thể hiện trong cuốn Tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam.
Từ những đặc điểm dễ nhận thấy của dân ca về mặt văn học đã làm toát lên mặt giá trị lớn lao của nó trong thực tiễn cuộc sống trước đây cũng như bây giờ:
- Hiếm có vùng dân ca nào như dân ca xứ Nghệ, các cuộc diễn xướng của hát phường hội lại thu hút nhiều các bậc hiền tài, danh nhân văn chương tham gia như ở dân ca Nghệ Tĩnh. Những danh nhân như Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự,… khiến cho lời trong các bài hát dân ca Nghệ Tĩnh đạt đến độ hoàn bích của nghệ thuật văn chương (lời của nhạc sĩ An Thuyên). Đó là nguồn chất liệu, là nền tảng đóng vai trò to lớn trong việc xây nên các lâu đài văn học nghệ thuật, hun đúc nên các thiên tài văn học như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ và kể cả Hồ Chí Minh. Ngày nay, dân ca xứ Nghệ lại tiếp tục thu hút đông đảo đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nhạc sĩ… phát huy nhằm bồi đắp thêm cho giá trị của dân ca trong kho tàng văn học dân gian của nước nhà.
- Đó là kho tư liệu vô giá về phương ngữ, là địa chỉ đáng tin cậy để cho những ai quan tâm tới “chất Nghệ” trong con người xứ Nghệ qua sinh hoạt văn nghệ dân gian. Nó góp phần đáng kể vào việc nghiên cứu bản sắc văn hóa xứ Nghệ - một vùng văn hóa lớn ở Việt Nam từ cứ liệu về lời ăn tiếng nói.
- Dân ca xứ Nghệ còn là cơ sở để hình thành nên các thể thơ của dân tộc ta như thể lục bát, song thất lục bát, thể ngũ ngôn, trong đó thể ngũ ngôn (5 tiếng) phổ biến trong hát giặm, dần dần trở thành thể thơ trong văn học viết thực sự là do người xứ Nghệ tạo ra đầu tiên (nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh điều đó). Thể thơ này đã được vận dụng nhuần nhuyễn trong việc sáng
tác ra bài thơ có giá trị sâu sắc như Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ…
- Cũng như giá trị về mặt văn hóa, dân ca xứ Nghệ đã trở thành đối tượng nghiên cứu, thu hút sự chú ý và là nguồn tư liệu dồi dào, phong phú để hình thành nên các đề tài khoa học từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ (bộ môn Ngôn ngữ ở trường Đại học Vinh đã có nhiều đề tài dùng cho thạc sĩ, tiến sĩ về dân ca xứ Nghệ, trong đó những người hướng dẫn thường đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu này).