7. Bố cục của đề tài
3.3. Đánh giá công tác bảo tồn và phát huy dân ca ví giặm xứ Nghệ
Bên cạnh những mặt được, chúng ta có thể thấy được những hạn chế nhất định trong công tác bảo tồn cũng như phát huy các giá trị của di sản dân ca hiện nay.
Thứ nhất: Công tác thu hút, đào tạo nhân lực cho dân ca còn nhiều bất cập. Chưa khuyến khích các nghệ nhân dân gian phát huy vốn cổ truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hàng năm, trung tâm BT&PHDS Dân ca xứ Nghệ đều tổ chức về cơ sở tuyển chọn tài năng ca hát, cho dòng nhạc dân gian (giao cho trường
Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tổ chức đào tạo), tuy nhiên, mỗi đợt như thế đoàn cũng chỉ tuyển được 3 - 4 học viên, còn lại, một số em tuy có năng khiếu nhưng hầu hết lại không mấy mặn mà, không giám dấn thân cho dân ca. Vì vậy, dù đã cố gắng song, dân ca sẽ tồn tại hiện tượng thiếu hụt đội ngũ quản lý văn hóa giỏi, diễn viên và giáo viên có tài năng trong tương lai.
Thứ hai: Công tác kiểm kê, nhận diện về di sản dân ca xứ Nghệ chưa thật đầy đủ. Hoạt động sưu tầm còn mang tính chắp vá, gián đoạn, ít nhiều bỏ sót di sản trong nhân dân. Chưa hệ thống bài bản về số lượng của kho tàng di sản cũng như thống nhất về mặt giá trị, nghệ thuật của dân ca để có hướng bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Thứ ba: Hoạt động phát huy di sản dân ca vào đời sống nhân dân còn
hình thức, đối phó, chưa thực sự tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng nhân dân xứ Nghệ.
Thứ tư: Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản dân ca chưa mang lại hiệu quả. Từ trước đến nay, hoạt động trong lĩnh vực dân ca ví - giặm vẫn là của ngành văn hóa, chỉ đạo là của Sở VHTT&DL, thực hiện trực tiếp là Trung tâm BT&PHDS dân ca cùng một số các nhà nghiên cứu, các nhạc sỹ, nghệ sỹ có niềm đam mê với di sản, trong khi đó, nguồn lực về tinh thần, vật chất ở nhân dân lại chưa được khai thác và huy động.
Thứ năm: Các chương trình tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản dân ca xứ Nghệ đến đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh còn hạn chế, nội dung và hình thức cũng chưa phong phú và có chiều sâu.
Một số nguyên nhân:
Về khách quan:
- Di sản dân ca xứ Nghệ chịu tác động về mặt lịch sử - xã hội: Quá trình đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đã kéo theo sự mất đi của làng nghề, cảnh quan nông thôn... gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca vào đời sống nhân dân.
- Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay phần nào đã tạo ra trong xã hội một kiểu tâm lý mang tính thời đại: chuộng hình thức, chuộng cái mới, cái hiện đại, một bộ phận nhân dân còn xem nhẹ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong quan điểm thẩm mỹ, thị hiếu về âm nhạc, người dân vẫn dành nhiều ưu ái cho dòng nhạc hiện đại: hip hop, rock, balat... trong khi âm nhạc dân tộc chỉ thu hút lượng khán giả nhất định, chủ yếu vẫn là người lớn tuổi. Vì thế, ví và giặm vốn đã khó sống được như ngày xưa thì nay lại càng khó.
Về chủ quan:
- Sự đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực về tài chính của các cấp, các ngành cho lĩnh vực văn hóa phi vật thể dân gian trong đó có dân ca ví - giặm còn ít, chưa kịp thời so với bước phát triển chung của xã hội (so với một số địa phương như Bắc Ninh, Phú Thọ, Huế...) dẫn đến một thời gian dài chúng ta lãng quên công tác bảo tồn di sản mà chủ yếu tập trung vào công tác cải biên, phát triển dân ca trên sân khấu kịch hát.
- Thiếu sự quan tâm, hướng dẫn về bài bản, tư liệu lẫn nguồn kinh phí cho các câu lạc bộ hát dân ca hiện nay. Phần lớn, tài chính cho các hoạt động truyền dạy và tham gia các cuộc thi do huyện, tỉnh phát động đều được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của các thành viên trong câu lạc bộ; sự hỗ trợ từ chính quyền cơ sở hầu như rất ít, dẫn đến hoạt động không mấy hiệu quả.
- Công tác xã hội hóa: so với di sản văn hóa vật thể, hoạt động xã hội hóa đối với văn hóa phi vật thể, trong đó có dân ca còn chưa tương xứng. Có thể thấy, tỉnh và ngành văn hóa chưa thực sự có những chính sách để kêu gọi mọi nguồn lực của xã hội (các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, cá nhân...) chung tay bảo tồn và phát huy di sản dân ca hiện nay.
Đã, đang và sẽ còn rất nhiều công việc cần được triển khai trong thời gian sắp tới, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để có những chiến lược dài hơi trong công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Trước mắt, những hoạt động đó sẽ phục vụ cho mục tiêu lớn là năm 2015 sẽ hoàn thành hồ sơ, đề nghị tổ chức UNESCO công nhận di sản dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
3.4. Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví - giặm xứ Nghệ
3.4.1. Một số quan điểm, định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví - giặm xứ Nghệ đối với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh
Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện để đất nước vươn lên, tiến kịp cùng với thời đại. Đời sống văn hóa tinh thần đang có những cơ hội phát triển song cũng có nhiều thách thức, cơn lốc văn hóa như một “làn sóng triều cường”, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống. Chưa ở thời đại nào con người thực sự quan tâm đến văn hóa, đến các giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo tồn và phát huy di sản mạnh mẽ như hiện nay. Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa của tỉnh là cần tiếp cận các quan điểm, lý thuyết về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cùng các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đảm bảo các giải pháp được đề xuất phải có tính khả thi cao, phù hợp thực tiễn của địa phương.
* Quan điểm, định hướng bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của Đảng và Nhà nước
Xét về phương diện lý luận, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đặt ra không ít vấn đề, cần phải làm sáng tỏ và giải quyết thấu đáo.
Một là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy/phát
triển. Hiện nay vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh quan điểm: bảo tồn hay phát huy di sản văn hóa phi vật thể? Có quan điểm, chỉ nên bảo tồn di sản, cũng có quan điểm nên phát huy, sáng tạo di sản để phù hợp với cuộc sống hiện nay. Ở đây, chúng ta cần nhất quán theo quan điểm: bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải song hành với nhau. Bảo tồn để không làm mất đi các giá trị văn hóa vốn có của di sản và phát huy để các giá trị đó đi vào đời sống và phù hợp với xu thế hiện nay. Vấn đề là phải lựa chọn được những giá trị nào cần được bảo tồn, giá trị nào cần được phát huy. Nếu phát huy quá mức dẫn đến làm biến dạng bộ mặt khởi nguyên của di sản thì rất khó chấp nhận. Vì vậy, giữ gìn truyền thống văn hóa không có nghĩa là chỉ tự hạn chế trong khuôn khổ truyền thống mà cũng cần phải “gạn đục khơi trong”, tích cực đưa di sản vào thực tiễn văn hóa - xã hội hiện đại.
Hai là, Quan điểm về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dạng “tĩnh” và
“động”. Trong thực tế, sự tranh luận thường xảy ra xung quanh vấn đề bảo tồn nguyên dạng, nguyên gốc, tức bảo tồn “tĩnh” các di sản văn hóa phi vật thể. Phải chăng đã có sự nhìn nhận thái quá, hay hiểu khái niệm bảo tồn như các nhà bảo tàng học thực hiện đối với các di sản. Điều quan trọng hơn đối với việc bảo tồn là làm cho di sản ấy sống được giữa xã hội, như chính bản chất vốn có của nó. Liên quan đến vấn đề này là việc phổ biến, trao truyền di sản phi vật thể tới cộng đồng. Cho nên, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nhất định phải kết hợp hai phương pháp bảo tồn “tĩnh” và “động”.
Ba là, để bảo tồn và phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa không chỉ một mình nhà nước hay riêng nhân dân là có thể làm được. Cho nên, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", theo hình thức xã hội hóa là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cần phải thu hút được sự ủng hộ và tham gia tự nguyện của mọi
tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các cơ quan, các doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
* Nghệ An với định hướng bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ bền vững, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội
Trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng trong chính sách xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh Nghệ An, mà cụ thể là các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu chuyên môn cần xác định đúng những quan điểm về bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ như sau:
Thứ nhất: Bảo tồn và phát huy/phát triển toàn diện và tổng thể
Di sản dân ca tập trung các giá trị độc đáo vốn có, là tổng hòa của các yếu tố về văn hóa, văn học, âm nhạc, không gian văn hóa… vì vậy, bảo tồn và phát huy nhất thiết phải khắc phục quan điểm chỉ chú trọng vào bảo tồn những gì nhìn thấy, những gì được xem là đỉnh cao mà thờ ơ với những giá trị mang tính bình dân. Chính những giá trị đời thường có khi lại mang sức sống cho di sản văn hóa. Khi được đánh thức và phát huy, những giá trị vốn có của dân ca sẽ trở thành một tiềm năng tinh thần to lớn trong đời sống cộng đồng nhân dân xứ Nghệ, đồng thời, nó có một vai trò quan trọng như vật chất, như năng lượng, như sức sống trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Vì vậy, bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cần được thực hiện toàn diện và tổng thể các mặt:
- Nội dung văn học của di sản ví - giặm: kho tàng về ngôn ngữ, thể loại - Âm nhạc: cả làn điệu nguyên gốc và làn điệu cải biên
- Bảo tồn và phát triển không gian diễn xướng. - Nguồn nhân lực: các nghệ nhân, diễn viên
Thứ hai: Vừa thực hiện bảo tồn “tĩnh” vừa thực hiện bảo tồn “động” (đưa Di sản vào cuộc sống).
Có thời kỳ, khi môi trường diễn xướng dân ca đã không còn phù hợp với nhịp sống mới, chúng ta đã có những nhìn nhận khác nhau về phương pháp bảo tồn các giá trị di sản văn hóa hát ví, giặm xứ Nghệ. Có lúc, chúng ta chỉ muốn được bảo tồn “tĩnh” di sản. Dân ca xứ Nghệ chủ yếu được lưu vào tư liệu thành văn (lưu giữ trong các công trình nghiên cứu, sưu tầm của các nhạc sĩ, nhà khoa học) mà ít hoặc hầu như bị lãng quên trong đời sống nhân dân. Chính điều này mà trong một thời gian dài, các làn điệu gốc đã làm mai một, các nghệ nhân dân gian ra đi theo thời gian.
Vì vậy, trong công tác bảo tồn di sản dân ca xứ Nghệ, Nghệ An và Hà Tĩnh cần tránh quan điểm bảo tồn cực đoan của các nhà bảo tàng học: phải giữ nguyên như cổ truyền, đó là quan điểm có tính bảo thủ. Dân ca dù không còn thích hợp với môi trường đồng ruộng, quay tơ, dệt vải thì cũng cần được bảo tồn trong nhân dân bằng cách phục dựng, thay thế bằng môi trường diễn xướng mới. Có như vậy, di sản mới có thể tồn tại.
Thứ ba: Vừa giữ gìn giá trị gốc vừa khuyến khích sáng tạo cách tân, cải biên
Di sản ví - giặm được sáng tạo ra, được bảo lưu và sáng tạo qua nhiều thế hệ là cả một quá trình sàng lọc không ngừng nghỉ. Đó là con đường phù hợp với quy luật sáng tạo và phát triển. Ví dụ: trước đây, hát ví - giặm thường tuân thủ theo trình tự, quy cách và không có nhạc cụ thì nay, để thêm phần hấp dẫn, nhân dân đã viết lời sẵn và có sử dụng một số nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn nhị, sáo diều…
Vì vậy, trong quá trình chọn lọc các giá trị của dân ca để phát huy và phù hợp với cuộc sống hiện nay, các cấp, ngành của 2 tỉnh cần khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sỹ, nhân dân cùng sáng tạo, cách tân, cải biên các làn điệu
mới, các vở kịch mới, bài hát mới mang hơi thở đương đại song cần phải xác định được phạm vi cải biên hoặc sáng tác. Nếu không nắm vững những bài bản cổ, những kỹ thuật trình diễn… sẽ làm sai lệch di sản, xa rời bản sắc và giá trị truyền thống vốn có.
Thứ tư: Phát huy các nguồn lực, trong đó chú trọng hình thức xã hội hóa các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy di sản.
Lâu nay, hoạt động bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ chủ yếu vẫn tập trung trong ngành văn hóa, các cơ quan chuyên trách, một số các nhạc sỹ, nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu có tâm huyết với di sản của cha ông. Có thời kỳ chúng ta rơi vào thế “bị động”, trông chờ vào sự làm thay của Nhà nước, của ngành văn hóa: mọi kế hoạch bảo tồn hay phát huy di sản đều phải dựa trên cơ sở ngân sách vốn nhà nước. Điều đó đã hạn chế rất nhiều tính tích cực của người quản lý lẫn người dân trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản dân ca. Rõ ràng, chỉ ngành văn hóa thôi chưa đủ, dân ca xứ Nghệ có sống và phát huy tốt hay không đều phải có sự vào cuộc của toàn xã hội.
3.4.2. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví - giặm xứ Nghệ xứ Nghệ
Trên cơ sở phân tích những mặt mạnh và mặt hạn chế của các hoạt động trước đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp vừa có tính kế thừa và tính mới như sau:
3.4.2.1. Nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá di sản dân ca xứ Nghệ đến nhân dân trong và ngoài nước
* Tuyên truyền, quảng bá dân ca xứ Nghệ đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước
- Báo chí (báo viết) cũng là kênh thông tin phổ biến có thể đến được với mọi người dân trong cả nước. Cần tập trung đăng tải các bài bình luận, bài nghiên cứu, trao đổi có chất lượng về di sản dân ca xứ Nghệ. Các cơ quan
thông tấn báo chí như:Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí KHXH&NV, báo Nghệ An... là những đơn vị cần có trách nhiệm trong công tác quảng bá dân ca xứ Nghệ, cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên nghiên cứu chuyên ngành di sản văn hóa phi vật thể như Hà Nội, Bắc Ninh, Huế... để có những bài nghiên cứu, trao đổi có chất lượng, hữu ích.