Không gian văn hóa dân ca xứ Nghệ ngày nay

Một phần của tài liệu Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa của di sản dân ca ví dặm xứ nghệ (Trang 50)

7. Bố cục của đề tài

2.2.2. Không gian văn hóa dân ca xứ Nghệ ngày nay

Ngày nay, không gian sinh hoạt văn hóa của dân ca xứ Nghệ đã không còn được như trước. Cùng với việc mất đi của một số làng nghề đã dẫn tới không gian diễn xướng loại hình nghệ thuật này cũng có sự thay đổi. Không gian văn hóa hay còn gọi là không gian diễn xướng của dân ca giờ là các câu lạc bộ, sân khấu, các điểm biểu diễn văn hóa du lịch, hội thảo hay trong trường học…

Các trò diễn xướng trên sân khấu cũng tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt trên đồng ruộng, sông nước của các cuộc hát ví - hát giặm nam nữ. Như vậy, diễn xướng dân gian đã chuyển lên hình thức diễn xướng chuyên nghiệp, có đạo diễn, hóa trang, trang phục, ánh đèn… tổng hòa thành giá trị nghệ thuật cao hơn. Nhịp sống mới, môi trường mới buộc dân ca cũng phải tìm cách thích ứng, kể cả việc thay thế không gian văn hóa cũ sang không gian mới, tạo nên những giá trị mới để có thể tồn tại về sau.

Tuy dân ca ví - giặm không thể về với những giá trị nguyên bản, với cảnh bến nước, gốc đa, những đêm trăng phường vải, phường đan nhưng rõ ràng, không gian văn hóa mới cũng đã góp phần tiếp tục nuôi dưỡng dân ca, để dân ca có thể phát huy vào đời sống xã hội ngày nay. Trong đó, phát huy giá trị không gian văn hóa - theo hình thức sân khấu hóa (ngoài tính chất hình thái văn hóa vốn có của dân ca cộng thêm hình thái nghệ thuật để lên sân khấu, sân khấu hóa) là hướng đi chủ yếu hiện nay.

2.2.3. Sinh hoạt ví - giặm xứ Nghệ là tập quán sinh hoạt mang đậm tính cộng đồng

Cùng với các loại hình dân ca khác trong cả nước, dân ca xứ Nghệ biểu hiện khá sâu đậm về một trong những bản sắc văn hóa người Việt, đó là tính cộng đồng. Chính vì sinh trưởng trên mảnh đất vốn đầy nắng và gió, buộc phải chung lưng đấu cật, vượt qua mọi thiên tai, địch họa đã góp phần tạo nên tính cố kết bền vững của người dân xứ Nghệ. Khác với tập quán cộng đồng trong dân ca Quan họ, hát Xoan, Hò Huế…, hát Ví - Giặm là tập quán sinh hoạt ca hát ngay cả trong lao động. Khi tiếng hát được cất lên, không những làm vơi bớt nỗi vất vả của cuộc sống mưu sinh mà còn thỏa mãn nhu cầu ca hát, giao lưu, thi thố tài năng. Bắt đầu từ một vài người thành phường, thành hội; từ một làng đến nhiều làng, nhiều xã, đến hầu hết địa phương của xứ Nghệ; từ hát ban sáng đến trưa và tối, qua tận ngày hôm sau… Lâu dần, tiếng

hát trong lao động của người dân xứ Nghệ trở thành nét đẹp trong tập quán sinh hoạt cộng đồng, không cần đến lễ hội, mùa vụ. Nếu sinh hoạt văn hóa của người dân Kinh Bắc là những liền anh, liền chị giao duyên, tinh tế trong tiếng mời trầu, chén nước mỗi độ lễ tết thì với người Nghệ, vẫn là hình ảnh quen thuộc của lao động, vẫn tay cày tay cấy, quay sợi, chèo đò, hái củi… nhưng lồng vào đó còn là cuộc dạo chơi đắm say trong lời ca tiếng hát. Nét đẹp trong sinh hoạt đó lại nằm ở sự mộc mạc, chân chất, đôi khi là tiếng cười dí dỏm, tinh nghịch, có khi cũng bốp chát nhưng đầy thâm thúy và ân tình.

Khi đến với sinh hoạt văn hóa ví - giặm xứ Nghệ, bằng những phong tục, lề lối ước định của mình, người Nghệ đã hình thành những quan niệm đạo đức, những hành vi và tình cảm bắt nguồn từ cội rễ sâu xa trong truyền thống văn hóa dân gian xứ Nghệ. Kho tàng dân ca do nhân dân sáng tạo ra bộc lộ quan hệ giữa họ với tự nhiên, với xã hội, là nhu cầu giao lưu ca hát, giữa họ bao giờ cũng bộc lộ thái độ chân thành, bộc trực, có lúc tưởng như khô khan. Người tham gia đều có quyền được sáng tạo, thể hiện trí tuệ, thưởng thức những giá trị văn hóa, nghệ thuật của chính mình, của những tri âm, tri kỷ, của cộng đồng người gắn bó, hòa hợp với mình, trong sự tự do và chân thật. Các điệu hát của dân ca xứ Nghệ còn thể hiện tư tưởng dân chủ, bình đẳng giữa tầng lớp nho sỹ và người bình dân, giữa nam và nữ. Qua dân ca, nhất là hát ví và hát giặm, chúng ta có thể hiểu được một số nét tính cách của người dân xứ Nghệ. Đó là tính cộng đồng bền vững: sống nghĩa hiệp, sẵn sàng hy sinh vì bạn bè, người thân... tạo nên tính cách khá đặc trưng của người Nghệ cho đến tận ngày nay.

Sinh hoạt cộng đồng trong dân ca xứ Nghệ là nét văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng khác với tính cộng đồng chung chung của con người Việt Nam, trong con người Nghệ còn trộn lẫn tính “gàn”. Hai nét tính cách tưởng mâu thuẫn nhưng hóa ra lại là hòa hợp, rất riêng của người

Nghệ. Lý giải phần nào đó cho vấn đề này, Đại Nam nhất thống chí đã gọi đất Nghệ là "đất tứ đắc". Đất "tứ đắc" đã tạo cho con người nơi đây một tính gàn. Nhưng con người phải có một cái tôi, cái bản ngã đạt tới mức nào thì mới thể hiện tính gàn được. Như thế, gàn cũng tức là văn hóa của người dân xứ Nghệ. Có lẽ nhờ vào tính gàn mà truyền thống văn hóa âm nhạc của người xứ Nghệ mới được lưu truyền, kế tục, tiếp nối và tiếp biến cho đến ngày nay, làm cho văn hóa âm nhạc xứ Nghệ khó trộn lẫn với nơi khác.

Ngày nay, với nhịp sống hiện đại, giữa những xu hướng giải trí khác nhau của con người khiến cho tập quán sinh hoạt cộng đồng như trước đã mai một, sẽ khó để còn những “đêm trăng phường vải”, “đêm đò đưa sông Lam, sông La” nhưng giá trị văn hóa đó vẫn sẽ bền vững, nhắc nhở con cháu xứ Nghệ về nét sinh hoạt đầy tính nhân văn, cần được phát huy theo hình thức mới, phù hợp với cuộc sống đương đại.

2.2.4. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng (hình tượng) văn hóa trong dân ca xứ Nghệ

Người xứ Nghệ xưa nay vốn thông minh, hồn nhiên, nên cách đưa biểu tượng, hình tượng vào trong hát đối đáp cũng đa dạng, phong phú và linh hoạt.

Nếu trong dân ca quan họ Bắc Ninh có sự xuất hiện phổ biến của các liền anh liền chị gắn với tục kết bạn (kết chạ) thì trong dân ca ví giặm xứ Nghệ cũng xuất hiện rất nhiều các cặp đối đáp của phường anh - phường chị với chàng - thiếp, anh - em, bạn - mình, quân tử - thuyền quyên... Đặc biệt đó còn là sự có mặt của những trí thức bình dân đóng vai trò là thầy gà (người bày) và cả người hát.

Để ca ngợi về quê hương xứ sở, nếu dân ca quan họ dùng hình tượng về con thuyền, con đò… thì dân ca xứ Nghệ xuyên suốt là biểu tượng núi Hồng và sông Lam (kể cả sông La), góp phần tạo nên bản sắc Hồng - Lam

trong văn hóa xứ Nghệ, làm cho văn nghệ dân gian vùng này "giàu hùng khí" (Bùi Dương Lịch). Để cụ thể hoá nỗi lòng, con người Nghệ Tĩnh ví von:

Hồng sơn cao ngất mấy trùng

Lam giang mấy tượng thì lòng bấy nhiêu

Hay là:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước em đây hết tình

Có khi là ngọn núi, dãy núi quen thuộc với mọi người. Một cô gái đẹp vùng Thạch Hà, Can Lộc được nhiều chàng trai để ý. Cô ta thường tự ví mình:

Em như con chim phượng hoàng

Đỗ cao Thiên Nhẫn mây vàng bao quanh.

Hay giản dị chân chất như chính con người và cuộc sống khó khăn… như “gừng cay, muối mặn”

Để biểu đạt tình cảm, tâm trạng, dân ca xứ Nghệ còn sử dụng so sánh với cả hình tượng rất đỗi bình thường, chẳng hạn như câu:

Thương ai rồi lại nhớ ai

Mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng (1)

Lối so sánh kiểu này được dùng phổ biến trong hát phường vải, làm cho ngôn ngữ của dân ca xứ Nghệ giàu sắc thái biểu cảm, giàu chất thơ.Làng quê xứ Nghệ trong hát đối đáp hiện lên với tất cả vẻ giàu đẹp, gian khổ và lam lũ của nó. Đây là đặc điểm của đất làng Đồng Lưu (Thạch Hà) qua lời trách móc của một chàng trai đối với bạn tình:

“Nước thủy triều mau xuống mau lên

Đất Đồng Lưu bọc địa thiếp mau quên nghĩa chàng”.

(1) Khoa Văn - Đại học Vinh sưu tầm được ở một số xã ở huyện Nghi Lộc và nhà thơ Hoài Thanh cho rằng: chỉ cần một câu như vậy cũng có thể sánh ngang nhiều câu thơ hay ở trong thơ mới ở Việt Nam.

Còn trai làng Nho Lâm (Diễn Châu) thì không dấu giếm sự vất vả của làng quê mình khi tỏ tình với con gái các làng chung quanh:

“Nho Lâm than quánh nặng nề Em mà đang được thì về Nho Lâm”.

Địa danh có khi là tên của những cái chợ. Chợ Phuống (Thanh Chương) trong lời hát đầy lo lắng thương yêu của một chàng trai đối với một cô gái:

“Thuyền anh xuôi Chế sáu chèo

Thuyền em ngược Phuống cheo leo một mình

Địa danh còn là tên các dòng sông, bến nước buôn bán sầm uất. Vì thế khi xa nhau, phường buôn thường hò hẹn ngày gặp lại:

“Thứ nhất là vạn Tam Soa

Thứ nhì vạn Phố, thứ ba vạn Nầm”. Rồi đến khi bên con trai hát:

“Thương nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”. Thì bên con gái hát:

“Trót cùng chàng dan díu bấy lâu

Dù chàng có ngược Ngàn Phố, Ngàn Sâu em cũng chờ”.

Hay khi con gái bộc bạch nỗi lòng:

“Nước sông Lường (1) ai lắng mà trong? Duyên chàng ai tạc cho lòng nhớ thương”.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa của di sản dân ca ví dặm xứ nghệ (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)