Không gian văn hóa (nguyên bản) của dân ca xứ Nghệ

Một phần của tài liệu Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa của di sản dân ca ví dặm xứ nghệ (Trang 49)

7. Bố cục của đề tài

2.2.1. Không gian văn hóa (nguyên bản) của dân ca xứ Nghệ

Không gian văn hóa của dân ca xứ Nghệ có không gian hẹp và không gian rộng.

- Không gian hẹp (không gian diễn xướng): Gắn với những nơi diễn ra sinh hoạt dân ca như trên sông nước, nơi đồng ruộng, trên những con đường, núi rừng, trong những mái nhà, đình làng, giếng nước, gốc đa… (đều là không gian bình dị của làng quê), mang đặc điểm chung của dân ca cả nước. Đối với dân ca xứ Nghệ, phổ biến nhất là hát trên sông nước (hát ví đò đưa sông Lam, sông La), hát trên sân nhà với hát phường vải, phường nón; trong mỗi ngôi nhà (hát ru) và trên đồng ruộng, chân núi rừng (hát phường cấy, phường củi...). Đó đều là môi trường gắn với cuộc sống lao động và sinh hoạt gia đình. Còn không gian gắn với lễ hội ít được thấy, khác với dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, hát dặm Hà Nam...

+ Không gian rộng: gắn với địa bàn tồn tại và phát triển của dân ca xứ Nghệ. Đó là không gian địa chính cụ thể diện tích cộng lại của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từ khe Nước lạnh giáp tỉnh Thanh Hoá đến đèo Ngang giáp tỉnh Quảng Bình, nhưng cũng muốn chỉ hình tượng không gian văn hóa là: ở đâu có con người xứ Nghệ, sinh sống yêu thích dân ca xứ Nghệ thì ở đó gọi là không gian văn hóa dân ca xứ Nghệ.

Vì thế, không gian văn hóa của dân ca xứ Nghệ có sức lan tỏa, vươn xa. Có thể ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Duyên Hải, Tây Nguyên hoặc ở nhiều quốc gia trên thế giới có người Nghệ sinh sống làm ăn, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa dân ca xứ Nghệ. Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa lớn, dù đi đến đâu, ở đâu trên thế giới, Người vẫn muốn nghe một câu dân ca xứ Nghệ. Như vậy không gian văn hóa dân ca xứ Nghệ có thể nói rộng bao la, chưa tính hết được trong tâm thức của con người xứ Nghệ. Thể hát giặm không phải "chỉ quẩn quanh ở địa phương này"

như ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi mà còn có mặt ở một số nơi ở tỉnh Quảng Bình thậm chí còn vươn xa tới Thành phố Đà Lạt ở tỉnh Lâm Đồng và một số vùng văn hóa khác. Trong bài viết có tiêu đề: Một vài suy nghĩ bước đầu về đường ranh giới phía Nam của vùng văn nghệ dân gian Nghệ - Tĩnh, GS Nguyễn Xuân Đức đã đưa ra một con số gây sự chú ý cho nhiều người: Đó là trong lần điền dã vào năm 1976, sinh viên khoa ngữ văn trường Đại học sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh) đã sưu tầm được 36 bài hát giặm tại một số làng ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình). Trong 36 bài đó, có khoảng 30 bài do người dân ở vùng này sáng tác, chưa thấy có trong cuốn Hát giặm Nghệ - Tĩnh của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao. Như vậy thể hát giặm đã vượt đèo Ngang để tiến sâu vào phía trong. Thể hát này đã từng tìm thấy khá nhiều ở ấp Nghệ Tĩnh, thành phố Đà Lạt, góp phần tạo nên cái gọi là "Ốc đảo văn học dân gian". Lý giải nguyên nhân tạo nên sự lan tỏa đó, cả hai tác giả của hai công trình đều thống nhất cho rằng: Đó là do sức sống mãnh liệt của văn nghệ dân gian xứ Nghệ, là kết quả của quá trình dịch chuyển địa bàn cư trú của người dân xứ Nghệ và có những nét tương đồng về mặt văn hóa giữa một số vùng phụ cận với vùng Nghệ - Tĩnh. Trong xu thế hội nhập ngày nay, tìm hiểu "Ốc đảo" dân ca xứ Nghệ là việc làm cần thiết, giúp ta thấy rõ thêm giá trị lâu bền của dân ca ở vùng này khi nó du nhập tới một số vùng khác trên nước Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa của di sản dân ca ví dặm xứ nghệ (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)