6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Các sắc thái giọng điệu
3.2.2.1. Giọng điềm tĩnh khách quan
Khi viết tiểu thuyết lịch sử, tác giả luôn giữ một giọng điềm tĩnh, khách quan để giữ khoảng cách giữa mình và các nhân vật, sự kiện lịch sử, nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực. Chẳng hạn, dù chúa Trịnh Sâm là một kẻ háo sắc, bội tình, nhưng tác giả vẫn giữ một thái độ điềm tĩnh khi nhắc đến ông, bằng cách dùng các đại từ nhân xưng trang trọng để gọi danh chúa như thế tử, Tĩnh Quốc Công, chứ không bao giờ gọi là “hắn”, “y” một cách miệt
thị, hạ thấp. Miêu tả cảnh hỗn loạn, chiến sự dồn dập, tác giả vẫn giữ một giọng điềm tĩnh, chậm rãi. Cách dùng giọng điệu này để tăng tính khách quan cho tác phẩm và nhân vật lịch sử, tác giả không tham gia quá sâu vào câu chuyện mà chỉ đóng vai trò người kể lại. Chẳng hạn, khi kể về chuyện chiến sự gay cấn, tác giả vẫn liệt kê đủ ngày tháng năm mà không đi vào hẳn sự việc. Lối trần thuật này đã góp phần tạo nên giọng điệu điềm tĩnh, khách quan, như một người thuật lại lịch sử, không tham gia câu chuyện.
" Sáng hôm 24 tháng 10. Trong phủ vẫn yên tĩnh như thường. Hôm ấy, các quan vào Nghị chính đường chầu Chúa gần đủ mặt, chỉ thiếu Quốc sư Nguyễn Hoãn cùng Quốc cữu Nguyễn Trọng Viêm." [31,105].
Giọng điềm tĩnh còn được thể hiện ở việc liệt kê sự kiện nối tiếp nhau. Trong Hòm đựng người, tác giả liệt kê liên tiếp các ngày mà gia đình Ấu Mai phải chịu tra tấn, nhục hình đau đớn, kèm theo đó là liệt kê và giải thích các hình thức tra tấn một cách bình thản, không thể hiện một thái độ gì. Chẳng hạn:
"Ngày thứ nhất: Hình roi kim..." [31, 133]
Ngày thứ hai: Hình kìm chín, nghĩa là kìm nung đỏ sẵn, trong lò bao giờ cũng có ba chiếc kìm nung đỏ sẵn, để thay đổi..." [31, 134]
Ngày thứ ba: Hình kìm sống: Nghĩa là hình kìm lạnh..." [31, 135]
Giọng điềm tĩnh, khách quan còn được tác giả sử dụng để nói chuyện lịch sử với một tác phong níu kéo con người về với cái hiện thực đương thời. Trong Chúa Trịnh Khải, tác giả vẫn giữ một giọng điệu điềm nhiên khi liệt kê tên những người phải chịu tra tấn vì có liên quan đến âm mưu làm phản của Trịnh Khải và kết quả của họ. Tác giả liệt kê liên tiếp các biến cố lịch sử một cách nhanh chóng, không rườm rà, lan man, đúng tính chất của sử sách:
"Hai mươi bốn tháng tư: đồn Hải Vân quan vào tay quân Tây Sơn, tướng giữ ải là Hoàng Nghĩa Quyền chết trận. Mồng một tháng sáu: thành Thuận Hóa mất, chủ tướng là Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu hàng giặc; phó
tướng là Thể Quận công Hoàng Đình Thể cùng hai con và Kiêu Kim hầu Võ Tá Kiên chết trận.
Mười hai tháng sáu: Nghệ An thất thủ, trấn thủ Bùi Thế Đạt bỏ thành chạy.
Rằm tháng sáu: Thanh Hoa thất thủ, trấn thủ Tạ Danh Thùy chạy. Hai mươi tháng sáu: Quân Tây Sơn phạm trấn Sơn Nam Hạ." [31, 251] Tác giả sử dụng nhiều lời dẫn dắt đều đều như trên như một cách để hướng người đọc tới lịch sử xưa cũ của dân tộc. Giọng điềm tĩnh, khách quan cũng được thể hiện khi tác giả kéo ngược thời gian quá khứ về hiện tại trong lúc cốt truyện đang cao trào để giãn mạch tình tiết. Chẳng hạn, trong Chúa Trịnh Khải, tác giả kéo người đọc về thời gian hiện tại khi đưa ra các địa điểm có thật trong thời hiện tại, rồi từ đó lại dẫn về với câu chuyện của quá khứ, giữa lúc cốt truyện đang cao trào.
Với giọng trần thuật điềm tĩnh khách quan, Nguyễn Triệu Luật đã tái hiện chân thực lịch sử theo quan niệm, cách nhìn của ông. Từ đó gợi mở nhiều vấn đề của lịch sử và của thời đại ông.
3.2.2.2. Giọng trữ tình sâu lắng
Giọng trữ tình sâu lắng thường được tác giả sử dụng khi miêu tả nội tâm, những khoảnh khắc bộc lộ tình cảm, suy nghĩ, chiêm nghiệm của nhân vật. Chẳng hạn, khi thuật lại tâm trạng của quan nội giám Khê Trung Hầu nghĩ về Ngọc Hoan, tác giả sử dụng nhiều đại từ "ông" để diễn tả trạng thái của người cha già khi nghĩ về con gái (dù ông với Ngọc Hoan không có quan hệ thân thích gì). Giọng điệu này thể hiện một tình cảm sâu lắng, cao cả mà viên quan già dành cho vị vương phi trẻ tuổi, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng, đề cao của tác giả dành cho nhân vật. Đã một năm nay, ông phải trông những dáng điệu chán nản buồn rầu, phải nghe những kể lể than thân trách phận, những lời trách móc thở than của nàng: "Chỉ vì ông xui tôi đưa con Ngọc Khoan vào. Thượng công mê Ngọc Khoan hơn mê Trần Thị Lộc. Thật là ông xui tôi đổ dầu chữa cháy."
"Thật ra chỉ vì yêu thương Ngọc Hoan mà ông bày cái kế lấy sắc chữa bệnh háo sắc đó. Hôm qua, nàng lại vừa trách ông một cách đau đớn chua xót hơn nữa. Sáng hôm kia, khi ông đến thăm, nàng rầu rầu bảo ông:
- Ông Thái giám ơi. Hôm nay là ngày gì, ông có biết không?" [31, 46] Giọng điệu trữ tình sâu lắng cũng được dùng khi kể về sự cô quạnh của các nhân vật nữ, đặc biệt là các vương phi, để thể hiện sự thương cảm. Loại giọng này được tác giả tiếp thu từ các tiểu thuyết lịch sử thời kì trước. Cũng có khi, tác giả sử dụng nhiều câu nói cổ trong thơ cổ để tăng tính trữ tình, sâu lắng cho giọng điệu trần thuật: "Ngọc Hoan bản tính mềm mại thuỳ mị, nên bị bỏ quên, nàng chỉ biết thở than với bóng, buồn tủi cho thân mà thôi. Người kia tính khí sắc mắc hơn, khi nào lại chịu buồn suông tủi hão. Người ấy, độc giả còn nhớ là Trần Thị Lộc. Song, cho hay là thói hồng nhan, càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều. Nàng bị bỏ quên cho đến lúc thế tử nối nghiệp làm chúa rồi lại cho mãi đến lúc chúa qua đời" [31. 43].
Giọng điệu trữ tình sâu lắng cũng được thể hiện khi tác giả chen vào những câu thơ (thơ là thể loại trữ tình nên nó có thể đem đến sự trữ tình trong bất cứ ngữ cảnh nào, nhất là khi được gắn với ngữ cảnh chỉ có mình nhân vật đang suy tư). Chẳng hạn:
"Ngọc Hoan vội vàng sắm sửa áo khăn.
Thấy nàng sung sướng, Khê Trung hầu nửa thương, nửa ái ngại, nửa buồn cười. Thương cho tấm lòng còn trẻ con măng sữa, ái ngại cho nỗi thất vọng sắp xẩy ra, nếu thế tử lãnh đạm hoặc đuổi về cũng nên, buồn cười cho cái mưu đổi mận thay đào của mình. Ông lầm nhầm đọc hai câu lục bát ông vừa nghĩ xong:
Nọ Ngọc Khoan với Ngọc Hoan
Khác nhau một chữ, mê man họa lầm?" [31, 45]
Giọng trữ tình, sâu lắng thường được dùng khi miêu tả khung cảnh thiên nhiên, để lột tả vẻ đẹp nên thơ, cao quý của cảnh vật, tăng thêm tính cổ kính cho câu chuyện. Các sự so sánh, điểm xuyết đều mang chút man mác
buồn và thơ mộng, với những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ như trăng, lệ, sương, mặt hồ, bóng nước, hoa hồng, hoa mai, lá thông, lá tùng, lá liễu. Cách đặt câu, dùng từ cũng khá bay bổng, mang tính thi ca.
Giọng trữ tình, sâu lắng còn được xuất hiện khi tác giả thương cảm, chiêm nghiệm về thân phận con người. Chẳng hạn, trong Hòm đựng người, tác giả tỏ ra thương xót cho thân phận hiu quạnh của những người cung nữ, nên giọng điệu sâu lắng, trầm ngâm và suy tư:
"Trong tiếng thở dài hoà với tiếng tay đập xuống giường tựa như tiếng, như bộ của người hấp hối chán nản tiếc đời.
Trăng chiếu trại cung, như muốn soi rõ cái mồ chôn hàng trăm người còn sống xác mà chết lòng, gió lọt kẽ cửa, như muốn chia buồn cùng bọn má hồng mệnh bạc." [31, 236]
Ngoài ra, sắc thái trữ tình của giọng điệu, đôi khi được tác giả sử dụng chen vào những đoạn gay cấn, cao trào để làm giãn cốt truyện, giúp người đọc không quá mệt mỏi bởi sự dồn dập của các tình tiết. Chẳng hạn, trong Chúa Trịnh Khải, giữa đoạn biến cố của Trịnh Khải và Huy Quận Công, tác giả lại chen vào hai câu thơ trữ tình:
"Lúc bấy giờ giả thử Huy Quận công - hoặc kém hơn, một viên tỳ tướng nào dưới quyền Huy Quận công - cưỡi voi đến đó bắc loa lên mà thét, thì có lẽ lũ lũ đến bỏ nơi tụ hội mà kéo ra về, hoặc tệ hơn, có khi đến chạy toán loạn, chen giẫm lên nhau mà chết.
Trời tháng chín, gió thu đã bắt đầu thổi.
Trời tháng chín, tiết đã qua ngày thu phân[34], đêm đã hơi dài hơn ngày. Một khắc đồng hồ nữa thì trời sáng rõ.
Những việc âm mưu hay ưa đêm tối. Lát nữa trời sáng thì thể nào cũng tan." [31, 342]
Những chiêm nghiệm, suy tư của tác giả trước thế thái nhân tình cũng được thể hiện qua sắc thái trữ tình của giọng điệu. Đoạn chiêm nghiệm sau, người đọc có thể thấy được cả hình bóng tác giả lẫn tâm trạng ưu phiền, suy
tư của Trịnh Khải, dù không hề có câu chữ nào miêu tả trực tiếp tâm lí nhân vật.
3.2.2.3. Giọng giễu nhại, hài hước
Giọng giễu nhại, hài hước thường thấy ở dòng văn học hiện thực phê phán, để thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác giả là phê phán hiện thực. Ở tiểu thuyết lịch sử của mình, đôi khi Nguyễn Triệu Luật cũng dùng giọng giễu nhại, để phê phán thói hư tật xấu của tầng lớp vua chúa, quan lại.
Giọng giễu nhại, hài hước thường ít khi được dùng ở người kể chuyện (vì phải dùng giọng khách quan, điềm tĩnh) mà thường được lồng vào ngôn ngữ nhân vật. Chẳng hạn, khi giễu nhại thói háo sắc của chúa Trịnh Sâm, tác giả đã mượn lời bà Tiệp dư, nhưng suy cho cùng vẫn là giọng điệu của tác giả: "Người đẹp nhường kia thì mình đây cùng bạn má hồng cũng phải mê, nói chi đến đàn ông, nói chi đến vì quân trưởng mê sắc đẹp như vương thượng... Nhưng làm sao cho cái sắc đẹp khuynh thành này lọt được vào mắt ông chúa đĩ tính kia?"
Có lúc, tác giả cũng dùng giọng giễu nhại một cách tế nhị khi kể về các thói xấu của Trịnh Sâm. Chẳng hạn, khi kể về thói học đòi chơi hoa của Trịnh Sâm, tác giả cố tình miêu tả chi tiết những yêu cầu, đòi hỏi của chúa, dù những yêu cầu đó hết sức vô lí. Các kiểu mở đầu như: "vì chúa thích...", "mỗi buổi...", "cứ...", "sách kê ra..." trong đoạn trên thường được thấy trong dòng văn học hiện thực, để giễu nhại những kẻ thích học đòi mà thiếu hiểu biết. Trong câu "Nàng biết rõ thế lắm và cũng hi vọng một ngày kia sẽ dùng cái nhan sắc tuổi mười tám đương dậy thì của nàng để đánh đổ lòng vị chúa háo sắc kia", tác giả tiếp tục giễu nhại thói háo sắc của chúa một cách trực tiếp.
Việc miêu tả các trạng thái đối lập, lên xuống trong một con người chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cũng là một giọng điệu giễu nhại mang tính trào phúng. Giọng giễu nhại cũng được sử dụng qua việc sử dụng thành ngữ. Chẳng hạn, trong truyện Hòm đựng người, tác giả trong khi chuyển tiếp câu chuyện đã có giọng mỉa mai sự lắm điều của người trong thôn: “Mặc câu
chuyện gái lo thành đổ, ta thử xem người thiếu niên công tử kia đã đến biệt thự kia chưa" [31,166]. Ngoài ra, giọng điệu giễu nhại cũng được thể hiện qua các phép so sánh, ví von. Nhờ đó, đọc tác phẩm Nguyễn Triệu Luật người đọc không chỉ tiếp nhận được những chi tiết, sự kiện lịch sử một cách chân thực, mà còn cảm nhận được tâm trạng, thái độ của nhà văn trước lịch sử. Những thông điệp của nhà văn, qua các sắc thái giọng điệu, vì vậy là hết sức sâu sắc.
Giọng điệu là phương diện thể hiện tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn. Từ cách nhìn ấy, có thể thấy, qua tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Triệu Luật đã khẳng định được tài năng sáng tạo của mình qua giọng điệu trần thuật. Ông đã tạo ra sự hòa trộn nhiều sắc thái giọng điệu, vừa khách quan điềm tĩnh, vừa trữ tình sâu lắng, vừa dí dỏm hài hước... Nhờ đó, các tác phẩm của ông luôn tạo nên một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người đọc không chỉ ở chi tiết, sự kiện mà còn ở lối kể, cách kể với tính chất đa thanh của giọng điệu.
KẾT LUẬN
1. Đầu thế kỉ XX, Việt Nam vẫn còn là thuộc địa của thực dân Pháp. Các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa của những người yêu nước đều thất bại và bị thực dân Pháp khủng bố dã man. Đời sống xã hội hết sức nặng nề. Trong bầu không khí đó, cảm hứng trở về cội nguồn trong văn học, trong đó có cảm hứng hướng về lịch sử, đã trỗi dậy, vừa như một niềm hoài niệm quá khứ, vừa như một ngụ ý nhắc nhở, thức tỉnh, kín đáo bày tỏ lòng yêu nước của những người Việt Nam có lương tâm và trách nhiệm trước số phận dân tộc. Nguyễn Triệu Luật là một thanh niên yêu nước, bằng vốn tri thức và sự nhạy cảm của mình đã tìm đến với tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử trở thành nơi gửi gắm, kí thác niềm tâm sự yêu nước, trở thành đề tài chính trong sự nghiệp sáng tác của ông.
2. Cùng với những đặc điểm chung của tiểu thuyết lịch sử, trong các trang viết của mình, Nguyễn Triệu Luật đã có những tìm tòi để tạo dựng một phong cách riêng, độc đáo. Tìm hiểu đặc điểm tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật là một việc làm có ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu hơn về con người và sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Từ đó khẳng định những nét riêng của nhà văn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
3. Không như các tác giả cùng thời chọn viết lịch sử qua nhiều triều đại, nhiều thế kỉ, Nguyễn Triệu Luật chỉ chọn giai đoạn lịch sử cuối thế kỉ XVIII để viết. Đây là lúc triều đình vua Lê chúa Trịnh đi vào thời kì mạt vận. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có một thời đại mà xã hội nhiễu nhương, cương thường mục nát như thời kỳ này. Bốn tập tiểu thuyết ra đời đều xoay quanh thời đại này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà văn và ý đồ nghệ thuật của tác giả: mượn xưa để nói nay, lấy chuyện loạn lạc để thức tỉnh tấm lòng yêu nước của nhân dân.
4. Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật vẫn sử dụng những bút pháp của tiểu thuyết chương hồi nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung. Tuy nhiên, cái làm nên thành công cho tác phẩm của ông là ở chỗ, nhà văn luôn ý thức được rằng, mình đang viết tiểu thuyết. Nghĩa là ông luôn có ý thức sáng tạo. Nhờ đó, tác phẩm của ông vừa tái hiện chân thực lịch sử vừa thể hiện được những tìm tòi trong nghệ thuật biểu hiện. Thành công nổi bật là ông đã dựng thành được ba kiểu nhân vật tiêu biểu. Đó là: kiểu nhân vật ham mê quyền lực, kiểu nhân vật quân tử, kiểu nhân vật tiểu nhân. Nó thể hiện được sự phức tạp của một xã hội loạn lạc. Đặc biệt, bằng việc khắc họa nội tâm nhân vật, cùng với nghệ thuật tạo dựng tình huống, nghệ thuật kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu đã làm cho nhân vật trong tác phẩm của ông được khắc họa rõ nét tính cách và tạo được chiều sâu tâm lí. Đây chính là điểm làm nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật.
5. Tiểu thuyết lịch sử hiện đại đã có nhiều thay đổi so với tiểu thuyết lịch sử chương hồi. Trong đó có những thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người, về lịch sử; thay đổi quan niệm về tính chất xác lịch sử và tính chân thực của tiểu thuyết lịch sử. Từ sau thời kỳ Đổi mới (1986) tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt thoát khỏi sự lệ thuộc vào sự thật lịch sử, đem đến những khả năng mới cho tự sự và mở ra nhiều kênh đối thoại, vẫy