Giới thuyết khái niệm

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật (Trang 34)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1.Giới thuyết khái niệm

Cốt truyện không phải yếu tố có mặt ở mọi thể loại văn học, mà chỉ tồn tại ở các thể loại tự sự (truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, truyện thơ...), kí và kịch. Ở một số loại kí, truyện ngắn (đặc biệt là truyện ngắn hiện đại và hậu hiện đại), người ta có thể xóa bỏ hoặc không cần đến cốt truyện. Nhưng trong lịch sử hàng ngàn năm của văn học, cốt truyện vẫn tồn tại như một khung xương để tạo nên tác phẩm tự sự. Đặc biệt, ở thể loại tiểu thuyết, với dung lượng lớn và nhiều tình tiết, sự kiện, cần phải có cốt truyện để giữ mạch truyện được logic, gắn kết với nhau.

Nếu xét theo chiết tự, thì cốt truyện nghĩa là phần cốt lõi của truyện, cái phần có thể tóm tắt, thuật lại, hay vay mượn để sáng tạo ra tác phẩm khác. Trong các từ điển, giáo trình văn học, cốt truyện thường được hiểu là hệ thống các sự kiện chính, cơ bản, dùng để biểu hiện tính cách và các phản ánh mâu thuẫn, xung đột xã hội. Từ thời cổ đại, Aristote đã cho rằng, cốt truyện là "linh hồn và cơ sở của bi kịch" [28], bởi cốt truyện gắn với hành động, mà chính hành động với tính cách là yếu tố quyết định đến sự phát triển số phận

nhân vật trong thể loại tự sự và kịch. Cũng theo ông, có hai loại cốt truyện: cốt truyện đơn giản và cốt truyện phức tạp [28]. Trừ những cốt truyện đơn giản với các hành động liên tục, thống nhất thì ở cốt truyện phức tạp, hành động của nhân vật luôn diễn ra qua đột biến và nhận thức. Đột biến tức là sự thay đổi sự kiện theo chiều ngược lại và sự chuyển biến từ chỗ không biết đến biết thông qua đột biến là sự nhận biết có ý nghĩa nhất. Tuy nhiên, đột biến hay nhận thức phải bắt nguồn từ chính bản thân thành phần cốt truyện. Ở đây Aristote nhấn mạnh đến chức năng, nhiệm vụ của cốt truyện trong tác phẩm tự sự, tức là sắp xếp, bài trí các sự kiện như thế nào để căn cứ trên cơ sở của sự đột biến của các sự kiện có thể tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Theo đó, cốt truyện là tiến trình các sự kiện xảy ra theo nguyên tắc nhân quả dẫn đến một kết cục nào đó. Cốt truyện nào cũng có tính thống nhất, bởi bắt đầu từ một trạng thái ổn định, cân bằng, sau đó xảy ra hỗn loạn, mâu thuẫn, cuối cùng lại trở về trạng thái ổn định. Cùng với quá trình phát triển của văn học, đã có nhiều cách hiểu khác nhau về cốt truyện. Tuy nhiên, về cơ bản, có hai cách hiểu về khái niệm cốt truyện. Thứ nhất, cốt truyện là tiến trình của các sự kiện liên hệ với nhau có tính chất thời gian (A xảy ra sau B) hay nhân quả (B xảy ra vì A), tức theo tuyến tính. Thứ hai, cốt truyện là hành trình nhân vật chính di chuyển qua các không gian khác nhau cũng tức là các trường ngữ nghĩa khác nhau.

Trên cơ sở hai cách hiểu trên, Trần Đình Sử trong cuốn Lí luận văn học

(tập hai - tác phẩm và thể loại) [38], đã có sự phân biệt các cấp độ tình tiết và cốt truyện. Theo ông, tình tiết là các sự kiện, hành động diễn ra trong tác phẩm mà có ảnh hưởng, tạo nên biến cố, tác động tới tính cách, tâm lí, hành động của nhân vật, còn cốt truyện là sự xâu chuỗi các tình tiết lại với nhau. Trong chuỗi các tình tiết tạo nên cốt truyện, sẽ có một số tình tiết nổi bật, có tác động lớn hơn các tình tiết còn lại. Trong cuốn Dẫn luận thi pháp học, ông đưa ra lý thuyết về tính quan niệm của cốt truyện văn học. Theo ông, cốt truyện là một quan niệm về hiện thực được nhà văn trình bày qua các sự kiện.

Cốt truyện không phải yếu tố duy nhất mang tính quan niệm, nhưng nó buộc phải có nội dung quan niệm của nó, nó hàm chứa một hệ thống thế giới quan, một quan niệm về cuộc đời, tức là thể hiện một tính quan niệm nhất định [36, 140]. Trong đó, sự kiện là cơ sở của mọi cốt truyện nghệ thuật, đó là những đổi thay, hành đông, việc làm của nhân vật. Sự kiện với tư cách là đơn vị của cốt truyện nghệ thuật là sự đánh dấu việc nhân vật vượt qua giới hạn ý nghĩa. Không phải sự thực nào cũng là sự kiện, nó chỉ là sự kiện với một trường nghĩa nào đó, và mang ý nghĩa tinh thần.

Từ những cách hiểu trên, chúng tôi giới thuyết khái niệm cốt truyện như sau: Cốt truyện là mạch phát triển của hình tượng nghệ thuật, mang tính quan niệm của tác giả, nó là một chuỗi các sự kiện có ý nghĩa nhất định được nhà văn chọn lựa, móc nối với nhau theo những ý đồ nhất định để truyền đạt nội dung, ý nghĩa tác phẩm. Cốt truyện và cấu trúc, tính quan niệm của cốt truyện được xem xét như một phạm trù quan trọng trong ngành nghiên cứu thi pháp học hiện đại, để giải mã thế giới nghệ thuật của nhà văn, cũng như những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Tiểu thuyết lịch sử là thể loại tự sự dài hơi, lại gắn với các dữ kiện lịch sử có thật, với nhiều nhân vật có thật, nên phải có cốt truyện làm khung sáng tạo, để nhà văn có thể sáng tác một cách logic, hợp lí và người đọc có thể hiểu được câu chuyện. Tất nhiên, ở mỗi tác giả, tác phẩm, cốt truyện sẽ được sử dụng với những hình thức nghệ thuật khác nhau, với những đặc điểm khác nhau, nhằm biểu đạt những đặc điểm riêng có trong giới nghệ thuật của tác giả đó.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật (Trang 34)