6. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Sử dụng kết hợp nhiều lớp ngôn ngữ
Khảo sát tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, một điều dễ thấy là ông luôn sử dụng kết hợp nhiều lớp ngôn ngữ khác nhau, để thích hợp với từng ngữ cảnh, từng hình tượng nhân vật. Về cơ bản có thể chia thành các lớp ngôn ngữ sau:
3.1.1.1. Ngôn ngữ cổ xưa, trang nhã
Viết về giai đoạn lịch sử trung đại Nguyễn Triệu Luật sử dụng lớp ngôn ngữ cổ xưa, trang nhã để giữ đúng ngữ cảnh của tiểu thuyết lịch sử, trong cuộc giao tiếp giữa các nhân vật trong truyện, và giữa tác phẩm với bạn đọc.
Dễ thấy đầu tiên là các đại từ nhân xưng trong giao tiếp giữa các nhân vật chủ yếu là "ta" ở ngôi thứ nhất. "nàng", "chàng", "mi", "ngài" ở ngôi thứ hai. Đây đều là các đại từ cổ hầu như ngày nay không còn dùng đến trong giao tiếp thường nhật. Việc sử dụng các từ cổ như vậy đã tạo nên khoảng cách lớn về không gian, thời gian giữa người đọc và nhân vật trong truyện, khiến họ cảm thấy một màu sắc cổ xưa trong tiểu thuyết lịch sử. Ngoài ra, còn nhiều đại từ nhân xưng cổ được sử dụng, những đại từ nhân xưng này thường gắn với vị thế xã hội của con người, tạo ra không khí cổ kính, hoàng tộc như:
thượng công, ái thiếp, lệnh bà, lệnh ông, ái khanh, thần dân, chúa thượng, khanh, công tử, lão phu, tiểu sinh, đại nhân,...
Ngay cả trong cách đối đáp giữa các nhân vật cũng sử dụng nhiều cách nói cổ, nặng tính lễ nghĩa của nho giáo, để tạo một không khí cổ kính, trang nhã, trong mỗi câu nói với bề trên đều có thưa gửi đàng hoàng, thể hiện sự kính trọng và khác biệt về vị thế xã hội. Chẳng hạn, khi con đối đáp với cha mẹ, bề tôi đối đáp với vua chúa, chủ nhân, vợ chồng đối đáp với nhau... bao giờ cũng có thưa gửi với những từ nhân xưng trang trọng, lễ phép. Chẳng hạn: "- Công vun xới hàng năm để hưởng một buổi sáng, can chi lệnh bà lại truyền bỏ đi."
"- Xin thày đừng giận con quá. Việc đời không biết đâu là chừng cả. Biết đâu phúc mà tìm, biết đâu họa mà tránh. Tái ông thất mã?"
"- Xin rước lệnh bà đi nghỉ. Nghĩ vẩn vơ chỉ hại thân thể mà thôi, vô ích."
Trong tác phẩm, ông còn sử dụng khá nhiều cách nói cổ, những điển tích, điển cố, những thành ngữ, tục ngữ bằng tiếng Hán, những từ cổ để tăng thêm chất cổ xưa cho các câu chuyện kể, như:
- Thành ngữ, tục ngữ, điển cố: trọng khoa hơn hoạn, nhĩ ngã vô thù, nhật mộ đồ viễn, đảo hành nghịch thi, triều bất cập tịch, tái ông thất mã, thượng gia hạ kiều, nhất nhật vạn cơ, thượng công, thư đồng, long vi quân tượng, long chiến vu dã, kì huyết huyền hoàng, nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, miễn ư hình lục, mẫu nghi thiên hạ, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, thử dạ duy khả đàm phong nguyệt, minh thì mạc cảm ngọa sơn hà, phi vương phi bá, quyền khuynh thiên hạ; nhị bách dư niên, tiêu tường nãi họa, phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, ngộ kỳ di chủ, cát, nhật là tượng chủ, hệ vu câm nê; trinh cát, hữu du vãng kiến, hung, doanh thỉ phu, trích độc, quốc gia tồn vong ư thử nhất cử, công kỳ miễn chi....
- Từ cổ Hán Việt: nữ kiệt, lệnh bà, thiên tư, có dự, xuất các, đấng quân vương, phu nhân, thế tử, tình nhi nữ, bàn khải, chấn, phiên, trưởng tử, bang vô đạo, hoài thai...
Khi nói về các mốc thời gian, tác giả không nói thẳng năm tháng thông thường, mà dùng các niên hiệu, đời vua, lịch can chi theo đúng cách nói của sử sách xưa, như:
- Năm Chính Hoà thứ 23 đời vua Lê Hi Tông; năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 đời vua Lê Hiển Tông Vĩnh hoàng đế
- Nhà chúa vào năm thứ năm đời chúa Tĩnh đô vương Trịnh Sâm.
- Năm Cảnh Hưng thứ mười bốn, năm Giáp Thìn, khoa Quí Hợi, niên hiệu Chỉnh Hoà thứ tư đời vua Lê Hi Tông Chương hoàng đế.
- Năm Cảnh Hưng thứ 43, tháng mạnh đông, năm Ất Dậu, niên hiệu Phúc Thái thứ ba.
Cách tính giờ cũng được sử dụng theo mười hai con giáp:
"- Thế bao giờ người về? Bây giờ đã quá giữa giờ Tị, gần đến giờ Ngọ rồi. Mọi phiên họp gà, đầu Tị đã bắt đầu rồi." [31, 281]
"Hôm sau, từ đầu giờ Mão đền Khán Sơn đã chật những quân Tam phủ, tiếng mô tê răng rứa đã ồn ào vang động đến cả đền." [31, 339]
Việc sử dụng nhiều hình thức ẩn dụ, hoán dụ, ước lệ thiên nhiên để nói bóng gió xa gần trong lời giao tiếp của nhân vật trong văn chương trung đại, cũng được Nguyễn Triệu Luật sử dụng để tăng sự cổ kính cho tác phẩm của mình. Chẳng hạn, khi sư cụ chùa Thiên Bảo nói với thầy tiểu về Đặng Thị Huệ, không nói hẳn cái ý của mình ra, mà mượn thiên nhiên, hoa cỏ để ẩn dụ điều muốn nói:
"Nàng còn nhớ rõ lúc ra về, có nghe thấy sư cụ bảo tiểu ở ngoài vườn: - Đừng trồng hoa huệ trong chùa. Hoa ấy nở từ trưa, thơm về chiều về đêm, không phải là chính hương chính sắc, không trồng nơi thờ Phật được. Mà quí gì con! Quí gì thứ hoa không kết quả!" [31, 68]
Ngay cả những từ dùng để mạt sát, hạ thấp, cũng là những từ cổ, thường dùng trong văn chương trung đại, như: hôn quân, tiện tỳ... Tác giả còn sử dụng các câu thơ, câu đối bằng tiếng Hán. Các câu thơ, câu đối này thường do nhân vật tự làm. Chẳng hạn:
"Hà tấp nhập sơn, nghệ cúc, tài lan, tự gia biệt thú.
Túng nhiên xuất hộ, tá thư, cô tửu, diệc ngã sinh nha" [31, 58]
"Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa, Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia. Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng hậu đình hoa." [31, 182]
Khi miêu tả cảnh vật, tác giả sử dụng lối miêu tả ước lệ, đài các, theo kiểu tùng, cúc, trúc, mai trong văn thơ cổ, tạo nên không gian cổ kính. Miêu tả biệt thự nhà Đặng tri phủ trong Hòm đựng người tác giả viết:
"Cách cổng vào chừng một trượng có cái hồ tròn, cứ lấy mắt mà đo, hồ ấy ngang dọc chừng hai mươi trượng, rộng đến linh mẫu, giữa hồ có hai hòn giả sơn, mỗi hòn cao đến hai ba trượng. Bên cạnh hai hòn giả sơn có chiếc cầu ngòng ngoèo luồn vào giữa, một đầu cầu chia ra bờ hồ đối với cổng, một đầu nối với bờ bên kia. Hai bên ven hồ, có hai con đường vòng tròn; đôi bên đường mọc đủ thứ cây: Hồng vi, Tử vi, Thuỷ tùng, Dương liễu…" [31, 176]
Tác giả còn sử dụng lớp ngôn ngữ cổ xưa thông qua việc đan cài những thể loại văn cổ mang tính quan phương vào tiểu thuyết. Chẳng hạn, trong
Chúa Trịnh Khải, tác giả viết nguyên một bài ý chỉ với nhiều lối văn biền ngẫu, cách diễn đạt cổ xưa.
Viết tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Triệu Luật đã khai thác ngôn ngữ lịch sử, trang trọng, cổ kính. Nhờ đó, không khí lịch sử không chỉ toát lên từ cốt truyện, nhân vật mà cả hệ thống ngôn ngữ. Tuy nhiên, bên cạnh ngôn ngữ lịch sử, ông đã kết hợp lồng ghép đan xen ngôn ngữ hiện đại. Nói cách khác là làm mới ngôn ngữ lịch sử. Đó là một sáng tạo của ông so với đương thời.
Việc sử dụng ngôn ngữ mang màu sắc hiện đại trong những trang tiểu thuyết lịch sử là một sự cố gắng của tác giả để thoát khỏi nền văn chương trung đại, cũng như hệ thống thi pháp của văn học trung đại, để tiến đến hội nhập với công cuộc hiện đại hóa văn học. Như vậy, các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật đã thổi một làn gió mới cho thể loại này, khác hẳn với tiểu thuyết lịch sử giai đoạn trước đó.
Lớp ngôn ngữ mang màu sắc hiện đại được thể hiện qua việc sử dụng các từ láy tượng thanh, tượng hình như: lí láu, tí tách, rau ráu, ngoằn ngoèo, tròn trặn... Nhiều từ ngữ hiện đại được sử dụng trong tác phẩm như: khám nghiệm, nói vã, cám ơn (thay vì đa tạ)... Nhiều cách nói hiện đại được sử dụng như: chết cả lũ, óc nhồi, ù té chạy... Cách miêu tả táo bạo hơn cũng thể hiện màu sắc hiện đại, thoát khỏi không khí trang nghiêm của văn chương trung đại. Chẳng hạn:
"Các cô gái hái chè cô nào cô ấy thi nhau mà ăn mặc để khoe màu với Chúa. Trông mỗi người con gái tựa như cái nụ hoa hàm tiếu đứng dưới gốc chè. Chiếc áo đổi vai, trên bằng lụa mầu nâu, dưới bằng the thâm khép kín cái ngực, để lấp ló khi ẩn, khi hiện chiếc yếm nhiễu đại hồng. Phần the thâm dưới áo, lẫn với màu thâm chiếc váy sồi, trông tựa như cái cuống hoa. Phần lụa hung hung nửa trên áo, phản màu với phần dưới, trông như cái đài hoa đỡ lấy những cánh hoa: còn lấp ló bên trong. Cái nhị hoa cũng còn đương phong lại bằng một chiếc khăn vuông trùm mỏ quạ, để lộ những khuôn mặt tròn tròn đo đỏ tươi tươi xinh xinh." [31, 46]
Tác giả cũng sử dụng nhiều hình ảnh hiện đại, dễ gần hơn như: nước màu mỡ cua...
Trong một số từ ghép, tác giả đan xen giữa cái cổ kính và hiện đại với nhau. Chẳng hạn, từ "mệnh" là từ Hán Việt, nhưng không ghép với từ "đoản" cũng là một từ Hán Việt khác, mà ghép với một từ thuần Việt là "ngắn" thành "ngắn mệnh" để tạo nên sự giao thoa ngôn ngữ trong lời ăn tiếng nói của nhân dân.
3.1.1.3. Ngôn ngữ đời thường, dân dã
Lớp ngôn ngữ đời thường, dân dã được tác giả sử dụng chủ yếu với các nhân vật thuộc tầng lớp bình dân, lao động qua những cuộc giao tiếp giữa họ, để tăng tính gần gũi cho các tác phẩm lịch sử. Đó là cách để tác giả giảm bớt tính nặng nề của các sự kiện, nhân vật lịch sử, nới lỏng ngôn ngữ để câu chuyện trở nên gần gũi, thân quen, dễ đọc, dễ hiểu hơn. Đồng thời qua đó, người đọc cũng thấy được bức tranh toàn cảnh về sinh hoạt đời sống của nhân dân. Chẳng hạn, trong đoạn đối thoại giữa mọi người ở ngoài đồng ruộng (truyện Bà chúa Chè), tác giả dùng rất nhiều từ thuộc thành phần đưa đẩy như "nhỉ", "kia kìa", "kia", "kìa", "thế", "à", "mần chi"... với mục đích làm cho cuộc đối thoại trở nên tự nhiên, bình dân hơn:
"Đến đấy, một bà lão ngẫu nhiên nhìn ra ngoài đường rồi nói: - Kìa! Ai như hắn kia kìa.
Mọi người nhìn:
- Phải rồi, cái dáng ung dung kia...” [31, 14]
Trong giao tiếp thường ngày, các nhân vật cũng sử dụng các đại từ xưng hô dân giã, thông tục của người nông dân lao động như: thày nó, u nó, con, thằng, mụ kia, mày, tao, con mụ. Chẳng hạn:
"- Con mẹ Trịnh Thị Hành (tên thái hậu) nó ác nghiệt quá, Hoàng Khảo tôi không biết quí gì mà lấy nó." [31, 193]
"- Tức quá! Thế nào ta cũng giết thằng quận Huy cùng con đĩ làng Phù Đổng mới hả giận." [31, 284]
Việc sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ cũng là cách để thoát khỏi hệ thống điển cố, điển tích trung đại, tiến gần với ngôn ngữ của nhân dân hơn. Một số thành ngữ, tục ngữ được dùng là: chịu thương chịu khó, cây ấm về bụi... Một số từ thông tục cũng được sử dụng như: đĩ tính, con đĩ, con mẹ... Các đại từ nhân xưng mang tính địa phương cũng được sử dụng: chầu, già... Sử dụng các tình thái từ: à, ư, hả, hử, chứ, chăng, nhỉ, hở, cơ, nhé... Sử dụng thán từ: ứ ừ, a, ái, ơ, ôi, ô hay, than ôi... Sử dụng thổ ngữ: mô, tê, răng, rứa...