Nhân vật

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật (Trang 50)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.Nhân vật

2.2.1. Giới thuyết khái niệm

Marxim Gorki đã từng nói “văn học là nhân học”, tức là khoa học về con người, là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người. Bởi vậy, con người và quan niệm về con người là trung tâm của văn học. Con người trong văn học không phải con người tự nhiên trần trụi, cũng không phải con người xã hội chung chung mà là con người cụ thể đã được mã hóa qua cái nhìn chủ quan của người nghệ sĩ, là biểu hiện cụ thể, sinh động quan niệm nghệ thuật và thế giới quan của nhà văn vào con người.

Nhân vật văn học là một hiện tượng thẩm mỹ có tính ước lệ, xuất hiện trong tác phẩm một cách phong phú, sinh động. Những dạng thức đặc biệt của nhân vật phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm thẩm mỹ, quan điểm tư tưởng của nhà văn, cũng như truyền thống văn hóa, bối cảnh thời đại sinh ra chúng. Nhân vật văn học vì thế chính là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong thế giới nghệ thuật ngôn từ, đồng thời là đơn vị mang tính ước lệ, thống nhất nhưng không đồng nhất với con người có thật trong đời sống. Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người, để thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự cắt nghĩa, lý giải, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó. Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là hệ quy chiếu nội tại của chủ thể trong cảm nhận con người và luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu của nó [29, 41].

Quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những phạm trù quan trọng của thi pháp học hiện đại, là một mã để khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn, cũng như đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm văn học. Trong thể loại tự sự nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng, quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện thông qua việc xây dựng nhân vật. Nhân vật là con

đẻ của nhà văn, luôn gắn liền với nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Dù xuất hiện ở tác phẩm dưới bất cứ hình thức nào, thì nó cũng là phương tiện giúp nhà văn thể hiện quan niệm thẩm mỹ về cuộc đời. Đồng thời, nó cũng là phương tiện giúp độc giả thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của nhà văn tạo ra trong tác phẩm. Hệ thống nhân vật là một tổng thể những nhân vật xây dựng theo quan niệm của nhà văn, và chịu sự chi phối của tư tưởng tác giả. Vì vậy, hệ thống nhân vật là một bộ phận của thế giới nghệ thuật, nó được tổ chức và cấu trúc theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn để bộc lộ quan niệm thẩm mỹ, cũng như cảm quan nghệ thuật sâu sắc của tác giả. Do đó, nghiên cứu về hệ thống, nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một cách để khám phá đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật.

Một phần của tài liệu Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật (Trang 50)