Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn thành phố cần xác định rõ thế mạnh của mình, tìm ra điểm yếu, chưa hoàn thiện để có thể nắm bắt các cơ hội và phòng ngừa những rủi ro trong kinh doanh. Cần chú trọng hơn nữa đến việc phát triển các bộ phận Marketing, R&D để có thể phát triển thương hiệu, phát triển sản phẩm. Nâng cao năng lực dự báo thị trường cũng là một vấn đề đáng quan tâm của phía doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần kiểm tra, đánh giá lại khả năng sản xuất của từng nhà máy chế biến, khả năng dự trữ kho bãi, dây chuyền sản xuất,… để có thể tiến hàng quy hoạch lại hay đầu tư vào trang thiết bị hiện đại. Đây là vấn đề qua trọng để nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Cần lập hệ thống kênh phân phối tại thị trường nhập khẩu để dễ dàng quản lý cũng như giới thiệu sản phẩm với khách hàng nơi đây. Đây cũng là cách để thu hút thêm đối tác cũng như xây dựng một thương hiệu cho doanh nghiệp tại nước ngoài.
Doanh nghiệp phải xây dựng được mối quan hệ than thiết với khách hàng, phát triển dịch vụ khách hàng để đảm bảo sự trung thành với thương hiệu sản phẩm của công ty.
Xây dựng một mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để giải quyết vấn đề về nguồn nguyên liệu. Đảm bảo nguồn cung ổn định khi có những đơn hàng lớn hay có sự biến động của thị trường.
Đào tạo nhân viên, cán bộ quản lý doanh nghiệp theo hướng hiện đại. Cần quan tâm đến việc bồi dưỡng các nghiệp vụ, kỹ năng trong thanh toán hay xuất nhập khẩu. Thực hiện các chế độ đãi ngộ nhân viên để giữ chân nhân tài, tránh hiện tượng “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp với các trung tâm, trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố để có được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của mình.
Cần tận dụng triệt để những hỗ trợ, ưu đãi của phía nhà nước để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Khai thác các ưu đãi thuế quan, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, các chương trình cấp vốn, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.