Phát triển thị trường (2, 7, 13, 10): Việc làm ăn với các thị trường lâu năm là một lợi thế cho các doanh nghiệp trong đàm phán. Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh lớn mạnh cả trong nước và nước ngoài làm đe dọa đến các doanh nghiệp. Vì thế, việc nâng cao công tác Marketing, lập kênh phân phối để người tiêu dùng cũng như đối tác biết đến chúng ta và xây dựng hình ảnh quen thuộc trong long họ là một chiến lược cần thiết và cấp bách hiện nay.
Tìm kiếm thị trường mới (4, 6, 11, 14): Cầu hàng hóa ở châu Âu đang có dấu hiệu giảm và việc phụ thuộc quá nhiều và các đối tác lâu năm (đặc biệt là Trung Quốc) yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động trong việc tìm kiếm thêm những thị trường mới, tiềm năng hơn. Xét trong khu vực, nhờ việc tham gia và các hiệp định AFTA, ATIGA đã tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam xuất sang các nước ASEAN. Châu Phi, Trung Đông cũng là những thị trường cực kỳ tiềm năng và tương đối dễ tính nên cũng sẽ là điểm đến của hàng nông sản của Việt Nam. TP Cần Thơ là trung tâm của khu vực ĐBSCL và là đầu mối xuất khẩu nông sản nên các đối tác nước ngoài sẽ tập trung tìm kiếm nguồn hàng tại đây nên cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp là không hề nhỏ. Điểm cốt yếu ở đây chính là sự chủ động của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm đối tác mới. Vì thế, các doanh nghiệp cần có những thay đổi trong lối làm ăn bấy lâu nay, mở ra con đường sáng hơn trong tương lai.
Cải tiến giống, cải tạo môi trường (5, 12, 15): Các quốc gia nông nghiệp trên thế giới đang “điêu đứng” trước tình hình khí hậu thế giới bị biến đổi, thiên tai, dịch bệnh và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chính vì lẽ đó, việc cải tạo môi trường song song với việc sản xuất nên là ưu tiên hàng đầu đối với nông dân, doanh nghiệp cũng như nhà nước. Ngoài ra, việc đầu tư cho nghiên cứu giống mới, kháng sâu bệnh, chịu được thời tiết cũng đang được phía nhà nước và một số doanh nghiệp thực hiện, điển hình như Nông trường Sông Hậu trong những năm qua.
Quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm (1, 8, 9): Mấy năm gần đây, áp lực cung ứng nguyên liệu đang gây khó dễ cho các doanh nghiệp thành phố. Một mặt, thiên nhiên gây khó khăn cho nông dân trong canh tác, mặt khác sự “chơi xấu” của các thương lái đến từ Trung Quốc làm mất nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng cao từ các nước nhập khẩu cũng đòi
hỏi các doanh nghiệp phải bắt tay với nhà nông để có thể đáp ứng được hàng hóa đủ tiêu chuẩn.
Tóm lại, các chiến lược trên cũng chỉ là nhất thời nên các doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn xa hơn, dự báo kinh tế để có thể nắm bắt được nhu cầu trên thế giới, nhận ra thách thức, cơ hội để có thể đề ra những chiến lược thích hợp cho mình cũng như nông sản xuất khẩu của thành phố.