Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của M Porter

Một phần của tài liệu phân tích tình hình xuất khẩu nông sản thành phố cần thơ giai đoạn 2011 đến tháng 6 năm 2014 (Trang 82)

4.3.2.1 Đối thủ cạnh tranh

Đây được xem là nhân tố ảnh hưởng hàng đầu đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở TP Cần Thơ. Việc phân tích chiến lược của đối thủ cạnh tranh giúp các doanh nghiệp đưa ra được chiến lược phù hợp về giá cả, sản phẩm, dịch vụ để không bị các đối thủ lấn át cũng như làm thỏa mãn khách

hàng. Ngoài ra, nghiên cứu kỹ và có sự dè chừng đối với các đối thủ se có thể tránh được tình trạng “chơi xấu” trên thương trường.

a) Đối thủ cạnh tranh trực tiếp

- Đối thủ cạnh tranh trong nước: Hiện nay cả nước có khoản trên 400 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào xuất khẩu nông sản. Với số lượng 25 doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu nông sản thì TP Cần Thơ được xem là nổi trội hơn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong thành phố vẫn gặp phải sự cạnh tranh từ một số doanh nghiệp lớn trong khu vực như Công ty chế biến nông sản xuất khẩu Tư Thảo (Sóc Trăng), Công ty Cổ phần nông lâm sản Kiên Giang (KIGIFAC), Hợp tác xã bưởi, cam Phú Hữu (Hậu Giang),…

- Đối thủ cạnh tranh ngoài nước:

Thái Lan: Đây là đối thủ hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, đứng sau Thái Lan nhưng so về hiệu quả từ xuất khẩu thì chúng ta vẫn còn thua xa đối thủ. Ưu điểm của các sản phẩm nông sản Thái Lan là ở chất lượng cao và giá cả tương đối rẻ, ngoài ra điều kiện tự nhiên cũng như kinh nghiệm làm nông nghiệp lâu năm cũng là một thế mạnh của đất nước này. Áp lực cạnh tranh với Thái Lan chủ yếu diễn ra ở hai sản phẩm là gạo thơm và gạo trắng. Các nhà sản xuất của chúng ta dường như không thể cạnh tranh lại với các doanh nghiệp của Thái Lan ở cả chất lượng và giá cả. Nông dân và doanh nghiệp ở nước này xử lý rất tốt lượng dư vi sinh từ lúc còn chưa thu hoạch, nông hộ tính toán thời gian thu hoạch, vận chuyển và bảo quản hợp lý và khoa học hơn. Hiện nay, Chính phủ nước này đang tăng cường hạ giá để xả hàng tồn kho, đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp của ta.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng rất nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường mới. Điển hình như việc Chính phủ Thái cử các phái đoàn thương mại sang các thị trường như Ả Rập, Senegal, Tunisia để đàm phán hợp tác. Chính phủ cũng như các cấp lãnh đạo của Việt Nam nên học hỏi Thái Lan ở lĩnh vực này.

Đối thủ tiếp theo là Trung Quốc, đây được xem như là đối thủ đáng gờm nhất của xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ưu điểm của Trung Quốc là lực lượng lao động rất dồi dào và công nghệ phát triển và là bạn hàng rất lớn của thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có một số nhược điểm đáng lưu ý là tuy mẫu mã hàng hóa bắt mắt nhưng chất lượng cũng như việc đáp ứng tiêu chuẩn VSATTP của phía doanh nghiệp nước này không được tốt và đã không ít lần tự tạo nên “tiếng xấu” cho mình.

Hiện Trung Quốc đang là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Nước này đang tiến hành từng bước để trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo, làm đối tác cho tất cả các nước trên thế giới. Trên thực tế, sản lượng gạo mà Trung Quốc sản xuất trực tiếp tại đất nước không nhiều mà nguồn hàng chủ yếu từ việc “mua đi bán lại”, và Việt Nam là một nguồn cung lớn cho họ. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiến hành nhập khẩu một lượng hàng lớn từ nước ta và biến chúng trở thành nhãn hiệu Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc thu mua một sản lượng rất lớn như vậy, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán và hoàn toàn có thể ép giá chúng ta.

Ngoài ra, Trung Quốc đã không ít lần “chơi chiêu” với các loại nông sản khác của Việt Nam. Điển hình như những lần thu mua chuối với giá cao tại hộ nông dân, khi đó người dân đổ xô bán hàng cho thương lái xuất đi Trung Quốc làm cho các doanh nghiệp trong thành phố thiếu nguồn cung trầm trọng, dẫn đến không đủ sản phẩm để xuất bán theo hợp đồng cho đối tác, làm mất uy tín công ty. Sau một thời gian, thương lái Trung Quốc dừng mua đột ngột khiến lượng hàng bị tồn đọng rất nhiều, chuối chín và hư hỏng không thể bán cho các doanh nghiệp khiến người dân “khóc ròng”. Không dừng lại ở đó, thương lái Trung Quốc còn đổ xô mua râu ngô non với giá “trên trời” với lý do làm thuốc chữa bệnh. Người dân thấy cái lợi trước mắt đã đồng loạt hái toàn bộ râu ngô đem bán, những hộ không thực hiện cũng bị trộm hái mất. Do ngô bị hái râu khi còn non nên không thể thành hạt khi trưởng thành, do đó, sản lượng ngô giảm nghiêm trọng, có hộ còn mất trắng. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu thì không tìm được hàng đanh phải nhập khẩu ngô ngược từ phía Trung Quốc để có thể đảm bảo sản xuất và xuất khẩu. Ngoài ra Trung Quốc cũng đã không ít lần dùng biện pháp mua triệt tận vườn để làm mất nguồn cung nguyên liệu của các doanh nghiệp địa phương và buộc phải nhập khẩu nguyên liệu “của chính mình” từ phía đối thủ. Những điều trên cho thấy sự mưu mô, có phần hiểm độc của các doanh nghiệp Trung Quốc và cũng như sự dại dột của người nông dân.

Ngoài hai đối thủ lớn trên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh từ phía các nước nông nghiệp khác như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia,…

4.3.2.2 Sản phẩm thay thế

Các sản phẩm nông sản không chịu nhiều áp lực từ sản phẩm thay thế, đặc biệt ở thị trường châu Á. Mặt hàng gạo dường như là thiết yếu ở các thị trường ASEAN và Đông Á. Một khi đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn ở các

thị trường này thì các sản phẩm nông sản của Cần Thơ sẽ trở thành một phần trong thực đơn hằng ngày của người dân nơi đây.

Áp lực thật sự đến từ thị trường châu Âu và Mỹ. Cuộc sống ở những nơi này là một cuộc sống bận rộn, thời gian là điều xa xỉ nên việc dành thời gian để chế biến thức ăn cũng rất hạn chế. Trong khi đó, đa số các mặt hàng xuất khẩu của thành phố là các nguyên liệu mới chỉ qua sơ chế và cần phải chế biến lại thì sẽ không được ưa thích ở những nơi này. Ví dụ như họ sẽ lựa chọn các thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn và dùng ngay thay vì sử dụng nông sản cấp đông IQF hay nấm lon; khách hàng sẽ ưu tiên chọn các loại bánh, thực phẩm chế biến mang hương vị trái cây, một thói quen của người dân phương Tây, thay vì lựa chọn chuối sấy, một sản phẩm không thân thuộc lắm với họ.

4.3.2.3 Nhà cung ứng

Trên thực tế thì áp lực từ nhà cung ứng của các doanh nghiệp trong thành phố là không lớn lắm. Đa số các doanh nghiệp hạn chế thu mua trực tiếp từ người nông dân mà thu mua tại các đại lý, đầu mối nông sản hay các vựa trái cây. Áp lực đến từ các đại lý đầu mối này, trong khi giá mua trực tiếp từ hộ nông dân thường không cao thì sau khi “qua tay” 2 đến 3 trung gian thì giá đến tay doanh nghiệp đã bị đội lên rất nhiều. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.

Trước hiện trạng đòi hỏi chất lượng của các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, thì việc tìm nguồn cung nguyên liệu sạch, chất lượng cũng là vấn đề đau đầu đối với phía nhà xuất khẩu. Lúc này, áp lực đến từ nhà cung ứng đã được nâng lên. Để tìm được nguồn nguyên liệu phù hợp thì doanh nghiệp phải chấp nhận nhượng bộ về giá cũng như điều kiện mua bán. Hiện tại cũng có một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp để sản xuất ra nguồn nguyên liệu cho sản xuất của mình. Giải pháp này rất hợp lý để không chịu áp lực từ nhà cung ứng. Trong khi đó, một số khác sử dụng phương pháp lưu trữ theo thời vụ một cách hợp lý để đảm bảo cung cấp đủ số lượng đơn hàng theo yêu cầu từ phía khách hàng.

Các yếu tố khác thường của khí hậu, thời tiết của TP Cần Thơ và tình hình sâu hại, dịch bệnh trên cây trồng làm cho có những thời điểm thiếu nguồn cung nguyên liệu trầm trọng. Điển hình như việc thiếu nấm rơm phục vụ cho xuất khẩu ở những năm qua, đến sáu tháng 2014, vẫn thiếu nấm trong khi các doanh nghiệp chưa tìm ra được giải pháp khắc phục tình trạng trên.

4.3.2.4 Khách hàng

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì nhu cầu của người tiêu dùng cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Chính vì lẽ đó, họ có thêm nhiều yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tác động trực tiếp đến sức khỏe của họ. Điều này khiến các doanh nghiệp phải tìm hiểu phát triển sản phẩm sao cho mang tính thiên nhiên và sức khỏe càng nhiều càng được ưa chuộng. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải cải tiến quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn để có thể tạo nguồn cung nguyên liệu chất lượng cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm nông nghiệp làm cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Vì thế, các đối tác nhập khẩu nước ngoài sẽ lựa chọn kỹ hơn nên việc ép giá cũng có khả năng tăng lên.

Khách hàng của các doanh nghiệp trong thành phố chủ yếu là các đối tác lâu năm, có quan hệ làm ăn rất tốt. Đây cũng là một lợi thế đồng thời cũng là một đe dọa cho các doanh nghiệp. Việc làm ăn với các doanh nghiệp thân quen làm cho việc giao dịch hay đặt hợp đồng mua bán đơn giản, cắt giảm các chi phí, thủ tục không cần thiết trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng. Đồng thời, đây cũng có thể là những trung gian giới thiệu thêm khách hàng mới cho doanh nghiệp. Mặt khác, nó cũng đem lại những bất lợi cho doanh nghiệp. Các khách hàng thân thiết này thường là những khách hàng có những hóa đơn đặt hàng giá trị lớn nên một khi xảy ra rủi ro trong quan hệ hay tác động của đối thủ cạnh tranh sẽ làm cho doanh thu của doanh nghiệp bị mất đi rất nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới hay khai phá một thị trường mới đầy tiềm năng khiến cho cơ hội phát triển của doanh nghiệp cũng như của ngành xuất khẩu nông sản giảm đi.

Một phần của tài liệu phân tích tình hình xuất khẩu nông sản thành phố cần thơ giai đoạn 2011 đến tháng 6 năm 2014 (Trang 82)