Quan niệm về quyền tự nhiên

Một phần của tài liệu Tư tưởng của J.J Rousseau về giáo dục qua tác phẩm Émile hay là về giáo dục (Trang 42)

Theo Rousseau, tự do và bình đẳng là hai quyền mà từ khi sinh ra mỗi người đã có. Đây không phải là những quyền do Thượng đế ban tặng mà là đặc tính bẩm sinh về quyền lợi tự nhiên, bởi con người là sản phẩm của tự nhiên và mang bản chất tự nhiên. Trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”, Rousseau đã viết: “người ta sinh ra tự do”[15, tr.52]. Điều này có nghĩa tự do là quyền hết sức tự nhiên của con người. Hơn thế, “Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người” [15, tr.59].

Theo Rousseau, ở trạng thái tự nhiên, tự do là con người có thể làm những gì mình muốn mà không bị cản trở bởi bất kỳ đạo luật nào. Để làm được điều đó, con người hoàn toàn dựa vào sức mạnh của cá nhân mình, mang tính tự phát và vô tổ chức. Song sự vượt trội hơn hẳn của con người so với bất kỳ loài sinh vật khác là năng lực tự hoàn thiện. Chính năng lực ấy đã đưa con người ra khỏi trạng thái nguyên thuỷ và trở thành con người thông minh [37, tr.45].

Theo cách hiểu của Rousseau, người thực sự tự do chỉ muốn cái gì mình có thể đạt được và làm cái gì mình thích. Hạnh phúc là xây dựng được “khả năng ngang với mong muốn” [16, tr.89].

Bình đẳng đây cũng là quyền tự nhiên của con người. Với Rousseau, thì không ai sinh ra đã là vua, là vĩ nhân, là giàu có, “tất cả đều sinh ra trần truồng và nghèo nàn, tất cả đều có thể bị nỗi cơ cực của cuộc sống, các nỗi buồn, các tai ương, các nhu cầu, các nỗi đau đủ loại, sau hết tất cả đều phải chết. Đó là thực trạng của con người, đấy là cái không người nào được miễn trừ” [16, tr.279]. Với Rousseau, sinh ra, ai ai cũng có quyền ngang nhau trong mọi phương diện, không ai được bắt người khác phải làm nô lệ cho mình, ngược lại không ai phải bán mình làm nô lệ cho người khác vì sự tồn tại của mình.

Chính từ hai quyền cơ bản này với tính cách là cơ sở xuất phát điểm, Rousseau đưa ra quan điểm giáo dục tiến bộ và mới lạ: “Giáo dục tự nhiên và tự do”. Giáo dục tự nhiên, theo quan điểm của Rousseau được hiểu là phải trên cơ sở bản chất của trẻ, tuỳ theo đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của từng giai đoạn phát triển mà giảng dạy phù hợp. Bởi vậy, ông mới chia việc dạy dỗ một em bé từ lúc chào đời đến lúc trưởng thành làm bốn giai đoạn với nội dung giáo dục khác nhau cho phù hợp từng độ tuổi.

Từ lọt lòng đến hai tuổi mục tiêu chính của thời kỳ này là bảo vệ sức khoẻ, làm thế nào để cho trẻ được phát triển hết sức tự nhiên.

Giai đoạn từ hai đến mười hai tuổi, trẻ vẫn cần để thân thể và sức lực phát triển tự do, song cần phải tạo điều kiện cho trẻ học mà chơi, để trẻ được tự rút kinh nghiệm.

Từ mười hai đến mười lăm tuổi đây là thời kỳ trẻ cần được giáo dục về trí tuệ song không phải bằng con đường sách vở hay do người ngoài dạy mà bằng chính sự tự tìm hiểu, tự học của mình. Không phải dạy nó khoa học mà để trẻ sáng tạo khoa học: “Đừng cho trẻ em học khoa học, mà phải để nó tự phát minh ra” [21, tr.15].

Giai đoạn tiếp theo từ 15 đến 18 tuổi, đây là thời kỳ dạy đạo đức.

Giáo dục tự do là trẻ con được tự do trong hành động, song không phải là tự do quá trớn mà là “tự do đúng mực thước”, theo luật định. Hành động của trẻ không bị phụ thuộc vào mệnh lệnh hay quyền uy của bất cứ ai kể cả cha mẹ chúng, chúng chỉ lệ thuộc vào sự vật khách quan - điều này không hề làm sứt mẻ quyền tự do vốn có của con người. Ông phản đối chủ nghĩa kinh viện trong giáo dục, phản đối lối học thuộc lòng, kỷ luật khắt khe chèn ép cá tính của trẻ. Giáo dục tự do là để trẻ được tự phát huy tính sáng tạo và tích cực của mình.

Một phần của tài liệu Tư tưởng của J.J Rousseau về giáo dục qua tác phẩm Émile hay là về giáo dục (Trang 42)