Rousseau đứng trên lập trường của tự nhiên thần luận và chống lại chủ nghĩa vô thần.Trong khi bác bỏ học thuyết của giáo hội về Chúa trời sáng tạo ra giới tự nhiên, ông lại đồng thời thừa nhận có Chúa và có ảnh hưởng của
Chúa đối với thế giới vật chất. Ông cũng thừa nhận có linh hồn phi vật chất - linh hồn bất tử.
Thế giới quan của ông liên quan chủ yếu đến những vấn đề xã hội. Thế giới quan tiến bộ của ông thể hiện ở chỗ coi lịch sử của nhân loại là kết quả của hoạt động con người, chứ không phải do “bàn tay” Thượng đế sắp đặt. Nghiên cứu con người và quá trình phát triển của xã hội từ trước đến giờ, ông khẳng định rằng bản chất con người là tự do. Song trên thực tế, theo ông, khát vọng tự do ấy của con người lại luôn bị kìm hãm. Ông viết: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích” [15, tr.52].
Nhưng nghịch lý này không phải là ngẫu nhiên do ý muốn chủ quan tuỳ tiện của con người mà có nguyên nhân khách quan nằm chính trong bản thân quá trình phát triển của xã hội.
Trung tâm của học thuyết triết học xã hội của Rousseau là quan niệm về nguồn gốc của sự bất bình đẳng xã hội và con đường cải tạo nó. Ông nhận định rằng, bất bình đẳng chính trị chỉ là biểu hiện của bất bình đẳng quan trọng hơn, đó là bất bình đẳng kinh tế. Đào sâu và phân tích quan điểm này, ông phát hiện ra rằng bất bình đẳng kinh tế bắt nguồn từ tư hữu. Theo Rousseau, bản thân sự phát triển của kinh tế và các hình thái sở hữu từ trước tới nay là nguồn gốc đẻ ra mọi bất công xã hội, đó cũng chính là cơ sở để xoá bỏ mọi bất công.
Ông chia tiến trình phát triển xã hội thành các giai đoạn khác nhau.
- Giai đoạn đầu: xã hội ở “trạng thái tự nhiên”. Mọi người sinh ra ai cũng như nhau. Đây là thời kỳ lâu dài, bình yên và hạnh phúc nhất trong lịch sử nhân loại bởi mọi người đều bình đẳng và tự do không phân biệt địa vị, kinh tế hay đẳng cấp. Lúc này, các nhu cầu con người không nhiều và mỗi người đủ khả năng thoả mãn nhu cầu ấy, không cần ai giúp sức. Do đó, theo ông, tính xã hội không thuộc về bản chất thiên nhiên của con người. Con người thiên nhiên chỉ chuyển sang thành con người xã hội khi nào các nhu
cầu tăng lên, khi một người không đủ điều kiện thoả mãn nó, mà phải nhờ tới sự tương trợ hợp lực của người khác.
- Giai đoạn thứ hai: xã hội ở “trạng thái công dân”. Theo Rousseau, sự xuất hiện sở hữu tư nhân đã phá vỡ “trạng thái tự nhiên”, làm xuất hiện xã hội công dân. Việc thiết lập sở hữu tư nhân tất yếu sinh ra sự khác nhau trong thu nhập, dẫn đến sự phân chia kẻ giàu, người nghèo trong xã hội, từ đó kéo theo các đạo luật “tạo ra các xiềng xích mới trói buộc kẻ yếu, đem lại sinh lực cho kẻ mạnh, huỷ hoại một cách không thương tiếc tự do tự nhiên, vĩnh viễn thiết lập các đạo luật sở hữu và bất bình đẳng” [51, tr.359]. Ông đã nhìn thấu bản chất sự bất công của xã hội đương thời. Ông khẳng định rằng, nguyên nhân xuất hiện nhà nước do kết quả sự bất bình đẳng xã hội, đến lượt mình, nó lại làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng này. Sự đối lập kẻ giàu người nghèo đã chuyển lên thành mâu thuẫn của kẻ thống trị, người bị trị. Mức độ cao hơn của sự bất bình đẳng là việc chuyển từ chính quyền luật pháp đến chính quyền chuyên chế. Nhà nước từ chỗ do nhân dân lập ra đã tha hoá trở thành công cụ đàn áp nhân dân.
- Giai đoạn thứ ba: thông qua cách mạng, xã hội trở về với “trạng thái tự nhiên” ban đầu của nó nhưng trên cơ sở cao hơn. Mọi bất công và tệ nạn xã hội công dân bị xoá bỏ. Nhân dân xây dựng lại nhà nước trên cơ sở khế ước, phục vụ quyền lợi cho mọi người. Đây là mô hình nhà nước và xã hội lý tưởng của Rousseau được xây dựng trên cơ sở công lý và lý tính. Đó là chế độ dân chủ cộng hoà, trong đó chính quyền lập pháp thuộc về nhân dân và phục vụ toàn dân.