Dân chủ, tự do và khát vọng giải phóng con người là trục xuyên suốt trong tư tưởng, biểu hiện thông qua mọi tác phẩm của Rousseau. Ví như tiểu thuyết “July hay nàng Heloise mới” - câu chuyện tình nổi tiếng nhất thế kỷ XVIII là tác phẩm ca ngợi tình yêu chân thật, đấu tranh cho tự do hôn nhân, tự do luyến ái. Trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội”, ông đã công khai tuyên bố lập trường chính trị cấp tiến đấu tranh cho tự do, bình đẳng và dân chủ, cho nền cộng hoà chống lại chính thể chuyên chế. Ông đã khẳng định: “Dù giàu, dù nghèo, dù mạnh, dù yếu, người công dân nào không lao động đều là kẻ lừa bịp” [41, tr.102]. Tác phẩm Émile hay là về giáo dục cũng không nằm ngoài tư tưởng chủ đạo đó - Thực chất đây là một “tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ” với lý luận đòi tự do cho con người cá nhân ở tuổi thiếu niên. Tác phẩm Émile hay là về giáo dục thực chất là những mơ ước, hoài bão ấp ủ bao năm được Rousseau giãi bày. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là : bối cảnh nào đưa tới sự ra đời tư tưởng triết học chính trị xã hội của Rousseau nói chung và tư tưởng giáo dục của ông nói riêng?
Trước hết phải nói đến thành phố Geneve nơi ông sinh ra. Nơi đây thật đặc biệt, trong khi châu Âu còn đang chìm trong chế độ phong kiến thì Geneve lại tồn tại như một quốc gia riêng biệt và thiết lập chế độ dân chủ tư sản. Chính bởi vậy, Rousseau luôn mang trong mình niềm kiêu hãnh là công dân Geneve. Khi đã về già, bắt tay viết hồi ký nhan đề “Những điều bộc lộ”, nhà văn vẫn hồi tưởng về những ngày tuổi trẻ, được làm công dân của Geneve: “Lúc ấy tôi tin rằng đã được tự do và mình làm chủ mình, tôi có thể làm được tất cả, đạt được tất cả; tôi chỉ có việc băng mình vươn lên và bay trong không trung” [47, tr.13]. Chính mảnh đất quê hương đã thổi bùng ước mơ đầy tính nhân văn mang lại quyền dân chủ cho mỗi con người. Hơn thế nữa, khi mồ côi mẹ, tuổi thơ ông sống trong sự nuôi nấng của người cha. Cha
ông - ông Issac Rousseau đã dành cho con trai sự yêu thương bằng cả tình yêu của cha và mẹ cộng lại. Cậu bé Rousseau được cha cho đọc rất nhiều sách, truyện lý thú. Trong vô số những chuyện mà Rousseau đã đọc hồi nhỏ, tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất phải kể đến cuốn “Truyện các danh nhân” kể về sự tích các nhân vật lịch sử thời Hi Lạp và La Mã cổ đại của Plutarque. Tác phẩm này có ảnh hưởng lớn đến thế giới quan và nhân sinh quan của ông, đúng như ông từng viết: “Nó cho tôi một tinh thần tự do và cộng hoà, một tính nết bất khuất và kiêu căng, không chịu đeo ách và nhận số phận nô lệ” [46, tr.418].
Khát vọng tự do lớn lao của Rousseau được nảy nở và nuôi dưỡng từ mảnh đất quê hương và cái nôi người cha tạo dựng.
Song ông là người bất hạnh. Những ngày tươi đẹp trôi qua rất nhanh, cha ông phải trốn khỏi Geneve, ông thực sự sống trong cảnh côi cút, ăn nhờ, ở đợ, ông không có tuổi học trò và không được học hành. Rousseau sớm phải làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Nhờ có thông minh và tự học, cậu đã trở thành người có văn hay, chữ tốt lúc bấy giờ. Có thể nói, cả cuộc đời ông sống bần hàn, bị bóc lột, áp bức. Ông đã sống cuộc sống của người lao động. Ngay cả khi ông đã nổi tiếng, nghề chép nhạc thuê còn đeo bám ông đến tận khi nhắm mặt xuôi tay.
Chính cuộc sống cơ cực và luôn luôn bị chèn ép như vậy nên rất dễ dàng cắt nghĩa tại sao suốt cuộc đời, Rousseau xả thân vì sự giải phóng con người và giáo dục trẻ em [41, tr.102].
Không chỉ với bản thân, nhìn quanh đâu, trong xã hội, ông chỉ thấy diễn ra một cảnh bi đát :“Tiền của tích luỹ chỉ tạo phương tiện cho chủ chúng tích luỹ thêm lên. Người nào mà tay không thì khó mà thu được gì. Người lương chính không có cách nào mà thoát khỏi nghèo khổ. Bọn nào bịp bợm nhất lại được trọng vọng nhất. Muốn được xã hội kính nể phải từ bỏ đạo đức” [trích theo 46, tr.421]. Được tận mắt chứng kiến cảnh ngộ của những người
nghèo khó, Ông viết: “Tại đây nảy ra mầm mống của mối thù vô tận phát triển trong lòng tôi đối với nỗi cơ cực của nhân dân đáng thương và đối với kẻ áp bức họ” [trích theo 46, tr.419].
Là một người có tâm hồn cao quý, gặp những khổ nhục, ức hiếp trong xã hội phong kiến, ông đã đấu tranh, xây dựng hạnh phúc cho bản thân và những người cùng khổ, mong giải phóng con người.
Triết học Rousseau thuộc về trào lưu triết học duy vật Pháp luôn gắn liền với vấn đề con người và giải phóng con người. Phát huy thành tựu từ thời kỳ Phục hưng, các nhà tư tưởng nhân đạo thời kỳ Khai sáng đã chỉ ra quan hệ của con người với thế giới trở thành trung tâm của các quan niệm triết học. Nó thoát khỏi quan niệm duy tâm tôn giáo coi con người chỉ là một sinh vật thụ động ngửa đầu cầu mong sự cứu vớt của Chúa. Hơn nữa, chế độ phong kiến Pháp đương thời thối nát ăn chơi sa hoa nhờ vào sự bóc lột nhân dân lao động. Bởi vậy, theo Rousseau để giải thoát nước Pháp ra khỏi cảnh suy đồi đó, cần thiết phải xây dựng một xã hội dân chủ lý tưởng - xã hội công dân. Công dân của nhà nước lý tưởng đó được hưởng một hệ thống giáo dục mới với một mục đích duy nhất là tạo ra mẫu người công dân tự do, chống lại chủ trương giáo dục lỗi thời của nhà nước phong kiến thời trung cổ.
Về lý luận giáo dục, Rousseau đã phê pháp sâu sắc lối giáo dục kinh viện chủ nghĩa của chế độ phong kiến đương thời, trong đó hệ thống giáo dục được xây dựng theo đẳng cấp. Theo ông, nhiệm vụ đầu tiên của nhà trường là giáo dục con người và công dân; phải chú ý phát triển tình cảm tinh thần của công dân, chống lại mọi đặc quyền đẳng cấp trong nhà trường và trong toàn bộ đời sống xã hội. Chính vì vậy, lý luận giáo dục của ông có thể coi là sự chuẩn bị về lý luận và tư tưởng cho đại cách mạng tư sản Pháp.