Quan niệm của J.J Rousseau về con người ở trạng thái tự nhiên

Một phần của tài liệu Tư tưởng của J.J Rousseau về giáo dục qua tác phẩm Émile hay là về giáo dục (Trang 41)

Tự nhiên luôn là khái niệm trung tâm, thường xuyên xuất hiện trong tư tưởng của Rousseau, nó vừa là điểm khởi đầu và cũng là mục tiêu mà ông hướng tới. Vấn đề tự nhiên được Rousseau sử dụng rất linh hoạt khi là “thiên nhiên”, khi là “luật tự nhiên”, “quyền tự nhiên của con người” hay “con người ở trạng thái tự nhiên”

Rousseau cho rằng thiên nhiên, đặc biệt là con người tự nhiên là cái sinh ra đã thế, là khuynh hướng nguyên sơ trước khi bị các thói quen của con người hay các yếu tố xã hội đã làm thay đổi, biến chất. Ông viết: “Chúng ta sinh ra có cảm giác, và khi ra đời, chúng ta chịu ảnh hưởng theo nhiều cách, từ những đối tượng bao quanh ta. Ngay khi nói rằng ta ý thức được cảm giác của mình, là ta có khuynh hướng tìm kiếm hoặc trốn chạy những đối tượng sản sinh ra các cảm giác ấy, thoạt tiên tuỳ theo những cảm giác này dễ chịu hay khó chịu với ta… Các khuynh hướng này dần mở rộng và củng cố tương xứng với việc chúng ta trở nên mẫn cảm và sáng suốt hơn; nhưng bị thói quen của chúng ta câu thúc, chúng biến chất đi ít hay nhiều do các ý kiến của chúng ta. Trước khi có sự biến chất đó, chúng là cái mà tôi gọi là bản tính tự nhiên ở ta”[16, tr.34].

Theo ông, con người ở trạng thái tự nhiên là con người vẫn giữ được trong mình các đức tính trong sạch, cao quý, bởi vì “thiên nhiên, vốn làm mọi điều mỹ mãn” [16, tr.90]. Trạng thái thiên nhiên là trạng thái xuất hiện trước trạng thái xã hội. Ở trạng thái này, con người không phải là lý trí mà là tình

cảm. Tình cảm là đặc tính chung cho loài người. Từ tình cảm, phát sinh lòng yêu thương con người. Lúc này, mỗi người có đủ khả năng thỏa mãn các nhu cầu ít ỏi của cá nhân mà không cần đến sự giúp từ ai khác. Đó chính là bản chất tự nhiên của con người.

Song Rousseau lại nhận ra một điều: “Mọi thứ từ bàn tay Tạo hoá mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi, biến chất trong bản tay con người” [16, tr.31]. Điều ấy có nghĩa con người tự nhiên vốn có, bản tính nguyên thuỷ là tốt, nhưng những ảnh hưởng tai hại của xã hội đã làm hoen ố, hư hỏng bản tính tự nhiên của con người. Từ đây, ông đưa đến một kết luận hành động: Cần phải cải tạo lại và có thể cải tạo lại con người bằng giáo dục. Giáo dục để phát triển bản tính tự nhiên của con người, loại bỏ khỏi con người những ảnh hưởng xấu của xã hội. “Đối với con người, phải giáo dục mọi người phát hiện và khai thác cái kho tàng vô cùng quý báu của nội tâm, nơi mà ảnh hưởng tai hại của xã hội không lan tới, nơi dự trữ các đặc tính thiên nhiên của con người” [46, tr.433]. Cũng cần phải nói rõ hơn quan điểm của Rousseau khi ông đối lập con người ở trạng thái tự nhiên và trạng thái xã hội: Việc Rousseau đối lập con người tự nhiên với con người xã hội hoàn toàn không có nghĩa là ông muốn kéo lùi lịch sử trở về thời quá khứ, mà chỉ băn khoăn làm thế nào cho cuộc sống xã hội trở thành một cuộc sống nhân đạo [12, tr.426]

Một phần của tài liệu Tư tưởng của J.J Rousseau về giáo dục qua tác phẩm Émile hay là về giáo dục (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)